Vị khách đặc biệt của Điện Elysee

Thứ Tư, 19/07/2017, 14:58
Buổi lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh Pháp năm nay thu hút sự quan tâm lớn hơn, bởi đây không chỉ là quốc lễ đầu tiên của tân Tổng thống Emmanuel Macron, mà nó còn đặc biệt bởi sự hiện diện của ông chủ Nhà Trắng với tư cách khách mời danh dự.

Người đứng đầu Điện Elysee đã đón tiếp ông Donald Trump bằng nghi lễ trọng thị, song đằng sau những cái bắt tay thân thiện cũng như cử chỉ thiện chí của ông Emmanuel Macron, triển vọng quan hệ Pháp - Mỹ vẫn được đánh giá là chưa rõ ràng.

Nhìn về một hướng

Với Tổng thống Mỹ, cuộc gặp “mặt đối mặt” với nhà lãnh đạo Pháp là cơ hội để ông khẳng định hiệu quả và trình diễn chính sách đối ngoại dựa trên cơ sở "có đi, có lại".

Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Pháp đã hoan nghênh “quyết tâm” của ông Trump “về thương mại, an ninh của hai nước, cuộc chiến chống khủng bố, sự ổn định tại Trung Đông”, đồng thời cho biết Paris và Washington sẽ “tiếp tục phối hợp với nhau để thực hiện các sáng kiến ngoại giao” trong vấn đề Syria hay Iraq. Ông chủ Điện Elysée cũng bày tỏ “tôn trọng quyết định của Tổng thống Trump” về việc rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Những tuyên bố thân thiện, cử chỉ thân mật và sự nhất trí cao xung quanh những chủ đề được đề cập khiến người ta liên tưởng tới sự trở lại của mối quan hệ chặt chẽ giữa hai cường quốc quan trọng này, giống như  cách đây chưa lâu dưới thời Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Francois Hollande.

Sau hàng loạt hoạt động ngoại giao dày đặc gần đây, cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Mỹ lần này cũng được đánh giá là một "cú hích chính trị quan trọng" giúp làm tăng vị thế của cá nhân nhà lãnh đạo trẻ tuổi Macron, người chưa có nền tảng đối ngoại vững chắc, cũng như của nước Pháp. Từ nay, Tổng thống Emmanuel Macron có thể khẳng định ông sẵn sàng và có thể đối thoại với Mỹ về những vấn đề bất đồng gai góc nhất, từ chống biến đổi khí hậu cho tới thương mại.

Tuy nhiên, không khí "bằng mặt" của cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Mỹ dường như chưa đủ để tái khẳng định mối quan hệ khăng khít và bền vững giữa Paris và Washington.

Cách đây hơn một thập kỷ, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac từng đưa ra nhận xét phản ánh đúng bản chất mối quan hệ song phương: Pháp-Mỹ không bao giờ hết bất đồng. Quả đúng như vậy, dù có những "giai đoạn trăng mật", tầm nhìn của lãnh đạo hai nước về những vấn đề quốc tế lớn không phải bao giờ cũng trùng nhau và hai nước luôn cạnh tranh nhau gay gắt. Hai bên đã mâu thuẫn sâu sắc và phải mất nhiều năm mới hàn gắn được quan hệ sau khi Pháp phản đối Mỹ can thiệp vào Iraq năm 2003.

Hiện nay cũng vậy, không chỉ có thương mại hay chống biến đổi khí hậu, còn rất nhiều vấn đề hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là quan điểm của Tổng thống Trump đối với Nga hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cầu nối EU - Mỹ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chỉ trích ông Donald Trump vì đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Italy, ông Macron lại bày tỏ hy vọng có thể thuyết phục Tổng thống Mỹ. Nỗ lực này thể hiện ngay tại Hội nghị G20 khi ông Macron có những biểu hiện thân thiện với ông Donald Trump.

Trong cuộc gặp lần này, Tổng thống Pháp Macron còn tuyên bố tôn trọng quyết định trên của Mỹ, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có những tuyên bố để ngỏ khả năng xem xét lại quyết định nói trên.

Cuộc họp song phương tại Cung điện Elysee đầy hứa hẹn.

Về cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết cuộc xung đột ở Syria, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp khẳng định sẽ phối hợp hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là sau khi Mosul được giải phóng và sắp tới có thể sẽ là Raqqa. Khi các thành phố ở Syria dần được giải phóng, cùng với việc quân đội Syria dưới sự hỗ trợ của Nga liên tiếp giành chiến thắng thì việc Paris và Washington cần phối hợp chặt chẽ hơn bao giờ hết để đảm bảo các lợi ích và ảnh hưởng của mình trước Nga và Chính phủ Syria.

Đó là lý do khiến một loạt các quan chức an ninh Mỹ như Giám đốc CIA Maykom Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford... có mặt trong đoàn tùy tùng của ông Trump.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có những bước đi nhằm gia tăng ảnh hưởng của Pháp nói chung và uy tín cá nhân nói riêng trên trường quốc tế. Tháng 5 vừa qua, ông Macron cũng đã mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin sang thăm Pháp. Cả ông Putin và ông Trump, trước đó đều bị ông Macron chỉ trích về nhiều vấn đề khác nhau nhưng lại là những người đầu tiên đến Paris với lễ đón tiếp rất trọng thị.

Có thể thấy, ông Macron đang muốn chứng minh cho thế giới thấy vị thế của mình trong đàm phán với những lãnh đạo của hai cường quốc có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới. Thông qua cuộc gặp với ông Putin và ông Trump (người đang bị chỉ trích bởi quan điểm bảo hộ thương mại và rút khỏi Hiệp định Paris 2015), ông Macron muốn chứng minh là lãnh đạo duy nhất của một cường quốc trên thế giới còn bảo vệ các giá trị tự do, nguyên tắc bảo vệ nhân quyền và các vấn đề nhân loại toàn cầu khác như khí hậu, thương mại...

Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Macron là củng cố tính thống nhất của EU cũng như dự định đóng vai trò cầu nối giữa EU và Mỹ. Nếu thành công, điều đó không chỉ góp phần tăng uy tín chính trị cho cá nhân ông Macron mà còn bù đắp sự chênh lệch và mất cân bằng hiện nay về vai trò của Đức và Pháp trong EU.

Giới phân tích vẫn đánh giá Đức có vai trò lớn hơn, dẫn dắt EU hơn so với Pháp, bởi xét về khía cạnh kinh tế thì Đức vẫn là quốc gia dẫn đầu châu Âu. Nhưng ở chiều ngược lại, Pháp lại có thế mạnh về tiềm năng quân sự và kinh nghiệm ngoại giao phong phú. Khi Anh rời khỏi EU thì Pháp trở thành quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân ở khu vực. Và tất nhiên điều này tỷ lệ thuận với vị thế của Pháp trong lĩnh vực quân sự, trên thị trường vũ khí, kinh nghiệm ngoại giao và chính trị quân sự...

Và có thể nói, ông Macron sẽ tận dụng những thế mạnh đó để can thiệp vào các chính sách của châu Âu nói chung và đảm bảo lợi ích của Pháp nói riêng.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.