Vì sao, nước Pháp?

Thứ Tư, 04/11/2020, 20:24
Liên tiếp các vụ tấn công khủng bố bằng dao xảy ra sau vụ thầy giáo trung học Samuel Paty bị sát hại hôm 16-10. Giới chuyên môn đang đi tìm nguyên nhân, bản chất các vụ tấn công này là gì, tại sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu?

Cho đến ngày 2-11, tức 4 ngày sau vụ tấn công tại vương cung thánh đường nhà thờ Đức bà ở thành phố Nice, cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra và đã bắt giữ thêm 3 nghi can, tổng cộng 6 nghi can đã bị bắt giữ. Cảnh sát xác định hung thủ chính gây ra vụ tấn công nhà thờ ở Nice tên là Brahim Aouissaoui.

Camera an ninh ghi lại hình ảnh Aouissaoui lảng vảng trước nhà thờ trong khoảng thời gian 2 ngày trước khi y thực hiện vụ tấn công sáng 29-10. Hai nạn nhân đầu tiên là một tín đồ tên Nadine Devillers và người trông nom nhà thờ Vincent Loques, chết ngay tại chỗ. Nạn nhân thứ ba là Simone Barreto Silva.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố “không đầu hàng khủng bố”.

Aouissaoui bị trúng vài phát đạn của cảnh sát và được đưa vào bệnh viện cấp cứu, hiện đang hồi phục. Cảnh sát thu giữ trong túi xách của y thêm 2 con dao và một quyển kinh Koran. Các dữ liệu an ninh cho biết Aouissaoui là người Tunisia, đến châu Âu bằng đường biển. Hắn đến thành phố Lampedusa (Italy) vào ngày 20-9 và lưu lại đây khoảng 1 tháng để xin tị nạn nhưng đã bị từ chối. Aouissaoui tiếp tục đi chuyến tàu hỏa từ Rome đến Nice (Pháp) vào tối muộn ngày 27-10.

Ngay sau vụ tấn công, an ninh trên toàn nước Pháp đã được nâng lên mức cao nhất. Vào ngày lễ Các thánh (Chủ nhật 1-11), các nhà thờ trên cả nước được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Cảnh sát được tăng cường đến khu vực biên giới giáp Italy nhằm ngăn chặn những kẻ quá khích đến từ châu Phi qua ngả này.

Như vậy là nối tiếp sau vụ thầy giáo trung học Samuel Paty bị sát hại, nước Pháp lại hứng chịu thêm các vụ tấn công mang tính chất khủng bố, gây ra bởi thành phần Hồi giáo cực đoan. Và sau loạt vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan, lại xảy ra những vụ đập phá, vẽ bậy nhắm vào các thánh đường của người Hồi giáo trên khắp nước Pháp.

Có vẻ như nước Pháp đang xảy ra một cuộc chiến âm ỉ giữa người Hồi giáo, những người theo tôn giáo khác và những người Pháp không theo Hồi giáo hay tôn giáo nào. Tổng thống Pháp Macron đã gọi cuộc đối đầu với thành phần Hồi giáo cực đoan là “cuộc chiến” chống chủ nghĩa khủng bố và tuyên bố rằng “nước Pháp sẽ không chịu thua bọn khủng bố”.

Nguyên nhân trước mắt của những vụ việc tấn công bằng dao được cho là việc trưng bày ra bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed xúc phạm tín ngưỡng của người Hồi giáo, trong khi người Pháp khăng khăng bảo vệ quan điểm về quyền “tự do ngôn luận” của mình. Tổng thống Pháp Macron đã khẳng định vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ các cơ quan báo chí đăng tải những bức tranh biếm họa nhà tiên tri nhằm thể hiện quyền tự do ngôn luận.

Cảnh sát canh giữ an ninh tại các nhà thờ trên toàn nước Pháp sau vụ tấn công Vương cung thánh đường Nhà thờ Đức Bà Nice.

Trước đó, ông Macron từng khiến cộng đồng Hồi giáo “giận sôi gan” khi có những tuyên bố về đạo Hồi. Tuyên bố của ông Macron khiến nước Pháp đối mặt cơn thịnh nộ của người Hồi giáo khắp thế giới.

Ở một khía cạnh sâu hơn, chính nước Pháp của ông Macorn đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn. Không chỉ đối mặt làn sóng COVID-19 thứ hai nghiêm trọng hơn trước, trong lòng xã hội Pháp cũng đang diễn ra một cuộc chiến giằng co giữa thế tục và tôn giáo. Đầu tháng 10, Tổng thống Macron đã trình bày trước Quốc hội đề cương của một đạo luật mới nhằm thúc đẩy chủ nghĩa thế tục, chống lại chủ nghĩa ly khai tôn giáo.

Cái mà ông Macron gọi là chủ nghĩa ly khai tôn giáo chính là việc những người theo đạo Hồi muốn thiết lập một hệ thống tương tự như nhà nước bên trong nước Pháp, dành riêng cho người theo đạo Hồi, được điều hành, quản lý theo giáo luật của đạo Hồi và không có sự can thiệp hay kiểm soát của nhà nước Cộng hòa Pháp.

Đối với những người Pháp truyền thống thì đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được, bởi nó đụng chạm đến các giá trị văn hóa, lịch sử của xã hội Pháp đã có từ lâu đời. Vì thế, cuộc xung đột giữa tôn giáo và thế tục cứ tiếp tục diễn biến âm thầm và gay gắt. Vì muốn sớm chấm dứt cuộc giằng co này, Tổng thống Macron đã giới thiệu đạo luật mới nhằm thể chế hóa các vấn đề thế tục và sử dụng quyền lực nhà nước để khống chế chủ nghĩa “ly khai tôn giáo”.

Trong một diễn biến khác, ngày 2-11 châu Âu lại rúng động bởi các vụ tấn công khủng bố mới. Thông tin của cảnh sát cho biết, 6 vụ xả súng đã đồng loạt xảy ra ở thành phố Vienna, Áo, vào chiều tối 2-11, ngày cuối cùng trước khi bước vào đợt phong tỏa xã hội để phòng, chống COVID-19. Thống kê ban đầu của cảnh sát cho hay có 3 người thiệt mạng, trong đó bao gồm nghi phạm. Trong 6 địa điểm tấn công có cả khu nhà thờ Do Thái ở quảng trường Seitenstettengasse.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer cho biết cảnh sát đang quyết liệt truy tìm hung thủ gây ra các vụ tấn công. Một số người tình nghi đã bị tạm giữ để điều tra nhưng chưa xác định được hung thủ chính gây ra các vụ tấn công và động cơ là gì. Thủ tướng Áo Sebastien Kurtz đã viết trên Twitter gọi đây là “khủng bố gớm ghiếc”.

Ngay sau khi biết thông tin về các vụ tấn công tại Vienna, Tổng thống Pháp Macron đã viết trên Twitter những dòng chia sẻ và bày tỏ đoàn kết với nước Áo. Nước Pháp cũng vừa trải qua những vụ tấn công khủng bố bằng dao. “Đây là châu Âu của chúng ta. Kẻ thù của chúng ta cần phải biết chúng đang đối đầu với ai. Chúng ta sẽ không chịu thua” - ông Macron viết.

An Châu (Tổng hợp)
.
.