Vợ cũ của cố Quốc vương Arập Xêút được bồi thường khoản tiền khổng lồ
- Chuyến nghỉ hè “đốt tiền tấn” của Quốc vương Arập Xêút
- Kim tự tháp quyền lực trong Vương quốc Arập Xêút
Đứng tên nguyên đơn là công dân Anh gốc Palestine Janna Harb 68 tuổi, một nhân vật nổi danh trong giới thượng lưu London. Thuở còn xuân sắc, bà từng bí mật kết hôn với Hoàng tử Fahd vào tháng 3-1968, đây là tước hiệu của Vua Fahd Al Saud trước khi ông trở thành người thừa kế ngai vàng vào tháng 6-1982. Theo tường trình trong đơn thì bà J. Harb sinh ra ở Palestine vào năm 1947 trong một gia đình Thiên Chúa giáo nhưng đã cải sang đạo Hồi từ lúc 19 tuổi sau khi lấy Hoàng tử Fahd. Lúc ấy bà đang làm phiên dịch tại Đại sứ quán Venezuela ở thủ đô Riyadh, sau đó bà theo chồng về sống tại Cung điện Al-Sharafiya ở thành phố Jeddah, Arập Xêút.
Hoàng tử Abdul trong vai bị đơn. |
Trong thời gian chung sống, Hoàng tử Fahd đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ nên thường đi công cán nước ngoài, lần nào cũng đem cô vợ mới cưới theo, khiến Janan trở thành gương mặt quen thuộc trong các buổi tiệc tùng của giới thượng lưu Âu - Mỹ. Cuối năm 1971, lấy cớ Janna nghiện ma túy nặng, người anh chồng là Hoàng tử Turki đầy quyền uy đã tìm cách trục xuất Janna khiến vợ chồng họ phải chia lìa từ đó.
Năm 1974, Harb cưới một luật sư người Anh gốc Liban rồi lần lượt sinh hạ được 2 cô con gái. Trong giai đoạn này Hoàng tử Fahd vẫn duy trì việc liên lạc với vợ cũ, kể cả sau khi ông trở thành Quốc vương Arập Xêút. Trung bình hằng tháng, chồng cũ chu cấp cho Janna 25.000 bảng Anh, qua tài khoản do Hoàng tử Fahd mở cho vợ tại một ngân hàng Anh ngay sau khi họ kết hôn.
Janna mặn nồng bên Hoàng tử Fahd tại Cung điện Al-Sharafiya sau hôn lễ. |
Năm 2003, khi đã 82 tuổi và cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, Vua Fahd Al Saud đã cử người con út mà ông hằng tin tưởng sang Anh gặp vợ cũ, dạm hỏi ý định của Janna muốn thừa hưởng những gì trước khi nhà vua băng hà. Sau nhiều lần tiến hành bàn bạc tại khách sạn 5 sao Dorchester ở London, cả 2 bên thống nhất bà J. Harb sẽ nhận được số tiền là 12 triệu bảng cùng với 2 căn hộ cao cấp trong khu quý tộc Chelsea, trung tâm London.
Thế nhưng tháng 9-2005, một tháng sau tang lễ của Vua F. Al Saud, bà J. Harb đột nhiên bị cắt khoản trợ cấp thường kỳ nêu trên mà không một lời giải thích. Bà J. Harb liền gọi điện sang Riyadh hỏi Hoàng tử Abdul khi ấy đã là thành viên nội các, được ông này trả lời là vua cha đã mất nên không ai có trách nhiệm với các khoản chi "vô ích" đó nữa (!).
Nguyên đơn J. Harb với vẻ mãn nguyện khi rời tòa. |
Lập tức bà J.Harb liền khởi kiện Hoàng tử Abdul ra tòa, đòi lại quyền lợi của mình như bị đơn đã cam kết. Các phiên xử sơ thẩm, rồi phúc thẩm lần lượt diễn ra từ năm 2006 đến 2013, với phán quyết nghiêng về phần bà J. Harb. Nhưng trở ngại lớn nhất là bị đơn từ chối tham gia phiên tòa, ngay cả khi Hoàng tử Abdul đang có mặt trên đất Anh cũng vậy, với lý do là người mang hộ chiếu ngoại giao được hưởng đặc quyền ưu đãi miễn trừ gồm cả lĩnh vực tố tụng hình sự. Sau cùng nguyên đơn quyết định đưa vụ việc lên cấp xét xử cao nhất là Tòa án tối cao Anh.
Ngày 10-11 vừa qua, thẩm phán cao cấp Peter Smith ngồi ghế chánh án đã ra phán quyết chuẩn y các bản án trước đó, đồng thời nhấn mạnh: "Tòa Tối cao Vương quốc Anh căn cứ vào Điều 6 của Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR), quy định việc xét xử công bằng đối với mọi công dân theo tôn chỉ thượng tôn pháp luật. Do vậy không ai được quyền đứng trên luật pháp kể cả chính khách cao cấp nước ngoài".
Phán quyết buộc Hoàng tử Abdul phải bồi thường cho bà J. Harb đúng như lời hứa khi thay mặt cố quốc vương F. Al Saud, gồm số tiền là 12 triệu bảng cộng với 3,25 triệu bảng tính theo lãi suất ngân hàng kể từ năm 2003 đến nay, cùng 2 căn hộ trong khu Chelsea thuộc tài sản của Hoàng gia Arập Xêút. Theo giá bất động sản trên thị trường hiện nay mỗi căn hộ nói trên có giá khoảng 2,5 triệu bảng/căn, suy ra tổng cộng phía bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn 20,25 triệu bảng. Ngoài ra, do bị xử thua cuộc, nên Hoàng tử Abdul còn phải trả hơn 1 triệu bảng án phí qua 3 cấp xét xử.
Khi hay tin vụ kiện được đưa ra cấp Tòa án Tối cao, Hoàng tử Abdul liền thuê một nhóm luật sư dày dạn đứng ra biện hộ cho mình, cùng lập luận là J. Harb không có tên trong danh sách thừa kế chính thức từ cố Quốc vương F. Al Saud, cũng như không có bằng chứng giấy tờ cam kết được hưởng số hiện kim và bất động sản trong đơn kiện, nhưng Chánh án Peter Smith cương quyết bác bỏ quan điểm của bị đơn. Bà J. Harb hoan hỉ nói với báo giới khi phiên xử kết thúc: "Cuối cùng công lý đã bảo vệ cho một số phận đáng thương như tôi. Thực ra 12 triệu bảng chẳng thấm tháp gì so với số tài sản của Hoàng tộc Arập Xêút, chưa đủ để họ sắm sửa quần áo trong một tuần lễ thăm thú London".