Arập Xêút: Cuộc bầu cử lịch sử

Thứ Tư, 16/12/2015, 17:35
Lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia Hồi giáo Arập Xêút, phụ nữ được phép bầu cử và ứng cử. Và trong cuộc bầu cử lịch sử hôm 5-12, hàng trăm ngàn phụ nữ đã đi bỏ phiếu, và đặc biệt hơn, 20 nữ ứng cử viên đầu tiên đã trúng cử hội đồng tỉnh.

Theo AP, 20 nữ ứng cử viên trúng cử chỉ chiếm tỉ lệ 1% trong tổng số 2.100 ghế hội đồng tỉnh được bầu trong đợt này, nhưng đây là con số rất ý nghĩa. Việc phụ nữ được quyền bầu cử và ứng cử được xem là một bước tiến quan trọng đối với phụ nữ Arập Xêút. Nói thế, bởi trong xã hội Hồi giáo bảo thủ của Arập Xêút, người phụ nữ vẫn bị gạt ra ngoài nhiều hoạt động của xã hội.

Theo luật bảo vệ của đạo Hồi, người phụ nữ không có quyền quyết định trong nhiều vấn đề; người đàn ông có tiếng nói sau cùng đối với nhiều mặt của cuộc sống như hôn nhân, đi lại và học lên cao. Cho đến nay, phụ nữ Arập Xêút vẫn chưa được phép lái xe, dù họ đã đấu tranh và được hỗ trợ đấu tranh rất nhiều. Ngay cả quyền bầu cử và ứng cử, vốn là quyền cơ bản và là chuyện bình thường đối với phụ nữ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, phụ nữ Arập Xêút cũng bị cấm trong các kỳ bầu cử địa phương năm 2005 và 2011, chỉ có đàn ông tham gia.

Theo các thống kê, kỳ bầu cử địa phương Arập Xêút lần này có hơn 7.000 ứng cử viên tranh 2.100 ghế hội đồng các khu hành chính đô thị, trong đó có 979 ứng cử viên nữ. Hiện vẫn còn 1.050 ghế hội đồng sẽ được nhà vua bổ nhiệm, và Vua Salman là một người có tư tưởng cải cách, chắc chắn sẽ sử dụng quyền hành tối cao của mình để bổ nhiệm thêm nhiều phụ nữ.

Một nữ ứng cử viên trúng cử, trong lần tiếp xúc Thủ tướng Đức Angela Merkel vào năm 2010.

Phụ nữ trúng cử tại nhiều địa bàn khác nhau, từ đô thị lớn nhất nước cho đến tận những làng quê hẻo lánh. Hamad Al-Omar, Chủ tịch Ủy ban Tổng tuyển cử Quốc gia, cho biết thủ đô Riyadh, nơi nổi tiếng bảo thủ, lại là nơi có nhiều phụ nữ trúng cử nhất, với 4 người được bầu. Còn tỉnh Eastern Province, nơi tập trung đông cộng đồng thiểu số theo dòng Hồi giáo Shiite, cũng có đến 2 phụ nữ, và Jiddah, thành phố lớn thứ hai và đông dân nhất Arập Xêút, và Qassim mỗi nơi cũng có 2 phụ nữ trúng cử.

Thị trưởng thành phố Mecca Osama al-Bar cho báo chí biết, một phụ nữ đã giành được ghế hội đồng tại ngôi làng Madrakah, cách thành phố thánh địa nơi đặt khối đá thiêng mà người theo đạo Hồi khắp thế giới đều hướng về khoảng 150 km về phía bắc. Rồi một nữ ứng cử viên khác giành chiến thắng tại thành phố Medina, nơi xây dựng thánh đường đầu tiên của nhà tiên tri Mohammad. Phụ nữ giành ghế hội đồng ở cả những tỉnh xa xôi thuộc miền Bắc Arập Xêút như Tabuk, al-Jawf, Hail, Jizan hay Asir và Al-Ahsa.

Tiêu chí tranh cử của phụ nữ Arập Xêút rất đơn giản, chẳng hạn như họ đưa ra lời hứa sẽ xây dựng thêm nhiều nhà chăm sóc trẻ để giúp các bà mẹ đi làm việc có điều kiện gửi con cái được lâu hơn; hay như việc tạo lập các trung tâm sinh hoạt cộng đồng dành cho thanh niên, với các hoạt động thể thao và văn hóa; sửa chữa đường sá; dịch vụ thu gom rác tốt hơn, và trên hết là các thành phố thân thiện môi trường hơn.

Tháng 10-2015, tờ báo Saudi Gazette đưa tin, vì điều kiện đường sá không tốt, lại ở cách xa bệnh viện, nên một số phụ nữ ở làng Madrakah đã sinh con trên xe khi đang đi đến bệnh viện. Báo chí Arập Xêút nói rằng, do điều kiện khó khăn, bệnh viện và trường đại học gần nhất đối với làng Madrakah là ở thành phố Mecca.

Phụ nữ Arập Xêút lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu cử.

Tất cả những vấn đề bức xúc nêu trên được một số ứng cử viên xoáy sâu vào tìm cách giải quyết và đưa ra lời hứa cải thiện tình hình, nên đã thu hút được lá phiếu của cử tri. Phần lớn các nữ ứng cử viên đã biết tận dụng ưu thế lớn của Internet để vận động tranh cử qua mạng, sử dụng các mạng xã hội để truyền tải thông điệp tranh cử do các quy tắc nghiêm ngặt của xã hội Hồi giáo cấm nam nữ chung chạ với nhau nơi công cộng. Điều này có nghĩa là các nữ ứng cử viên không được phép trực tiếp nói chuyện với cử tri khác giới.

Trong một cố gắng nhằm tạo sân chơi công bằng hơn cho phụ nữ, Ủy ban Tổng tuyển cử cấm cả nam và nữ ứng cử viên thể hiện hình khuôn mặt mình trên bảng niêm yết tiểu sử ứng cử viên, kể cả trên các chương trình quảng cáo truyền hình.

An Châu (tổng hợp)
.
.