Arập Xêút: Kế hoạch cải cách kinh tế đầy tham vọng của Phó Hoàng thái tử

Thứ Hai, 02/05/2016, 07:15
Vị hoàng tử trẻ tuổi của Vương quốc Arập Xêút vừa công bố kế hoạch cải cách toàn diện nền kinh tế đất nước vào hôm 25-4 vừa qua, hiện thực hóa những lời hứa khi được vua cha phong chức cách đây đúng một năm. Điểm đáng chú ý nhất trong kế hoạch cải cách kinh tế của phó hoàng thái tử trẻ là đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nhằm “cắt cơn nghiện” dầu mỏ đã tồn tại từ hàng chục năm qua tại đất nước giàu dầu mỏ nhất thế giới này.

Phát biểu tại lễ công bố bản kế hoạch mang tên Tầm nhìn 2030 (Vision 2030), Phó Hoàng thái tử Mohammed bin Salman tuyên bố: “Chúng ta sẽ không cho phép đất nước chúng ta lệ thuộc vào sự trồi sụt giá cả hàng hóa tiêu dùng của các thị trường nước ngoài”.

Tuyên bố này thể hiện quyết tâm, đồng thời tham vọng rất cao của vị hoàng tử trẻ trong việc “bẻ lái” hướng đi sắp tới của con thuyền kinh tế Arập Xêút trước những thách thức nghiêm trọng về kinh tế toàn cầu. Đó có thể hiểu là lời “tuyên ngôn” cho một dự án cải cách đầy tham vọng mà Vua Salman đặt hàng cho con trai ông thực hiện trong vai trò mới được giao phó.

Kế hoạch được công bố đã tạo cú hích trên thị trường chứng khoán Riyadh, tăng 2,5 điểm và đạt khối lượng giao dịch nhiều nhất trong 8 tháng qua.

Mohammed bin Salman năm nay 31 tuổi và hiện đang nắm trong tay quyền hành cực lớn, được xem là một gương mặt tương lai lên nắm quyền cai trị vương quốc. Quyền lực của ông đã bắt đầu gia tăng vùn vụt kể từ khi cha ông, Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud lên nắm quyền khi Vua Abdullah qua đời.

Được vua cha trao quyền phó hoàng thái tử vào cuối tháng 4-2015, bin Salman đã nắm trong tay quyền thống lĩnh quân đội và quyền điều hành nền kinh tế đang có dấu hiệu xuống dốc, chệch choạc do bị ảnh hưởng bởi những biến động địa chính trị thế giới làm giá dầu mỏ tụt dốc không phanh. Từ đó, bin Salman đã bắt tay vào xúc tiến những thay đổi quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Arập Xêút theo đúng tinh thần chỉ thị của vua cha.

Sau lĩnh vực đối ngoại, kinh tế là lĩnh vực được Vua Salman quan tâm nhất và được ưu tiên cải cách trước so với các lĩnh vực khác. Ngay cả trước khi giá dầu mỏ thế giới bắt đầu lao dốc từ năm 2014, các nhà kinh tế đã đánh giá chính sách tài chính và cơ cấu kinh tế của Arập Xêút là không bền vững.

Kể từ năm 2014 trở đi, khi giá dầu lao dốc thê thảm, nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh đã khiến cho yêu cầu cải cách cơ cấu nền kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đó là bước ngoặt quan trọng mà Vua Salman đã tạo ra ngay sau khi lên nắm quyền vào đầu năm 2015, và 3 tháng sau, ông đã chọn con trai mình để giao trọng trách thực thi nhiệm vụ trọng đại này.

Từ trái sang: Hoàng Thái tử Mohammed bin Nayef, Vua Salman và Phó Hoàng thái tử Mohammed bin Salman tại cuộc họp nội các công bố bản kế hoạch Vision 2030 ngày 25-4-2016 tại Riyadh.

Trong bản kế hoạch, bin Salman đưa ra phương án cổ phần hóa Công ty dầu hỏa Quốc gia Saudi Aramco. Cụ thể, ông nói rằng công ty sẽ được định giá khoảng 2 nghìn đến 3 nghìn tỉ USD và sẽ bán gần 5% giá trị cổ phần trong đợt ra mắt sàn chứng khoán đầu tiên sắp tới. Do quy mô của công ty khai thác dầu Aramco quá lớn, nên chỉ cần 1% giá trị cổ phần được bán cũng có thể trở thành đợt ra mắt hoành tráng nhất trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, các công ty trực thuộc Aramco cũng sẽ được cổ phần hóa, lên sàn chứng khoán để huy động vốn thị trường phục vụ cho đầu tư phát triển, góp phần tạo chuyển biến trong việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đa dạng hóa, tạo nền tảng phát triển bền vững.

Một điểm nhấn quan trọng của kế hoạch là việc tăng nguồn thu phi dầu mỏ từ 163,5 tỉ riyal (43,6 tỉ USD) hiện nay lên 600 tỉ riyal (160 tỉ USD) vào năm 2020 và 1 nghìn tỉ riyal (267 tỉ USD) vào năm 2030. Tuy nhiên, bản kế hoạch lại không đưa ra phương án làm thế nào để đạt mục tiêu này.

Trọng tâm của bản kế hoạch là việc tái cấu trúc Quỹ Đầu tư công (PIF), theo Phó Hoàng thái tử bin Salman sẽ trở thành đầu mối triển khai các chương trình đầu tư ra nước ngoài. Phó Hoàng thái tử tuyên bố, Arập Xêút huy động nguồn vốn cho PIF vào khoảng 7 nghìn tỉ riyal (2 nghìn tỉ USD), từ mức 600 tỉ riyal (160 tỉ USD) hiện nay, trong đó một phần nguồn tài chính sẽ được trích từ nguồn thu bán cổ phần Công ty Aramco.

Ngoài cải cách kinh tế, bản kế hoạch cũng đưa ra những cải cách quan trọng có thể tạo ra những thay đổi trong cấu trúc xã hội “siêu bảo thủ” của Arập Xêút bằng cách thúc đẩy việc trao cho phụ nữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế và cải thiện vị thế của các kiều bào ở nước ngoài.

Giới phân tích cho rằng, việc cải thiện vị thế của phụ nữ có tầm quan trọng cốt lõi trong các cải cách kinh tế - xã hội của Arập Xêút. Bởi thế, bản kế hoạch cải cách Vision 2030 của Phó Hoàng thái tử bin Salman đã đưa ra lời hứa sẽ tăng cường cơ hội giáo dục và việc làm cho phụ nữ. Hiện tại phụ nữ Arập Xêút chiếm một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng cơ hội việc làm còn rất thấp.

Kế hoạch mới của Phó Hoàng thái tử bin Salman dự kiến sẽ tăng tỉ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cả nước lên 30%. Để đạt được các mục tiêu này, Arập Xêút sẽ tiến hành cải cách chương trình giáo dục quốc gia theo hướng chuẩn bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức cần thiết để tham gia vào hoạt động kinh tế hiện đại, thay vì bám sát theo giáo lý tôn giáo như trước đây. Đây là một bước tiến khá quan trọng, giữa lúc dư luận cũng có tin đồn rằng Phó Hoàng thái tử bin Salman và Vua Salman có thiên hướng ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm lái xe đối với phụ nữ.

Cũng nhằm tăng cường động lực cho nền kinh tế theo hướng đa dạng hóa, bản kế hoạch của Phó Hoàng thái tử bin Salman còn chuyển hướng trang bị quốc phòng 50% sản xuất trong nước để tạo thêm công ăn việc làm. Đồng thời, tích cực cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí nhằm tiết kiệm ngân sách.

Ngoài ra, những mục tiêu đáng chú ý khác sẽ bao gồm tăng tỉ trọng kinh tế tư nhân từ 40% hiện nay lên 60%, và giảm tỉ lệ thất nghiệp từ 11% hiện tại xuống còn 7,6%.

An Châu (tổng hợp)
.
.