Nạn sử dụng “lính trẻ em” ở Afghanistan

Thứ Năm, 13/12/2018, 12:08
Theo một thống kê chưa đầy đủ của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tính đến cuối năm 2017, vẫn còn có hơn 3.000 trẻ em dưới 15 tuổi đang cầm súng chiến đấu trong hàng ngũ phiến quân Taliban ở Afghanistan.

Và mặc dù Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em đã nêu rõ “việc ép buộc trẻ dưới 18 tuổi phải tham gia chiến tranh là tội ác”, đồng thời Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cũng sẽ “tiến hành truy tố những kẻ tuyển mộ và sử dụng lính trẻ em” nhưng ở những vùng do Taliban kiểm soát, các “Madrasas - Trường Hồi giáo” vẫn thường xuyên khai giảng các khóa huấn luyện quân sự dành cho những trẻ này…

1. 14 tuổi, đang học lớp 7,  cậu bé Qemem trở thành mujahideen (chiến binh Hồi giáo) ở quận Chahardara, tỉnh Kunduz, Afghanistan. Ông Malik, cha của Qemem nói với phái viên Tổ chức Theo dõi nhân quyền Liên Hiệp Quốc: “Họ đến nhà bắt nó đi cùng với 12 đứa trẻ khác hồi tháng 3-2015 rồi đưa nó vào “trường Hồi giáo” ở cách làng chúng tôi khoảng 25km về phía bắc”.

Các mujahideen trẻ con đang học cách sử dụng những loại súng, từ súng chống tăng đến trung liên và tiểu liên.

Khi ông Malik ngỏ lời cầu xin viên chỉ huy Taliban ở quận Chahardara là Raqqani tha cho Qemem vì con trai ông còn quá nhỏ thì ông nhận được câu trả lời: “Nó sẽ phải theo học trong 3 năm. Đó là nghĩa vụ của tất cả những người Hồi giáo Afghanistan. Nó sẽ trở thành mujahideen, chiến đấu vì đức tin và nó sẽ trở về với gia đình sau khi thể hiện lòng trung thành với cuộc thánh chiến…”.

Tại trường Hồi giáo, Qemem cùng các mujahedeen tương lai khác ngoài việc học kinh Quran thì còn được học cách sử dụng súng tiểu liên AK-47, súng chống tăng RPG, học cách chế tạo các loại bom ngẫu nhiên (IED) từ các đầu đạn đại bác, đạn súng cối chưa nổ và cách đánh bom tự sát.

Đến tháng 6-2015, khi quân đội Chính phủ Afghanistan mở cuộc tấn công tiêu diệt các phần tử Taliban ở quận Chahardara thì Qemem cùng 18 chiến binh trẻ em khác bị Raqqani xua ra trận. Ông Malik nói: “21 tay súng Taliban bị giết, trong đó có 9 đứa trẻ gồm cả con tôi và một bé gái 12 tuổi là Zahra”. Vẫn theo ông Malik, quận Chahardara có khoảng 30 trẻ bị Taliban bắt phải gia nhập hàng ngũ của họ và nhiều trẻ mới chỉ 6 tuổi.

Với những trẻ từ 10 tuổi trở lên, Taliban cho học tại trường Hồi giáo địa phương còn những đứa nhỏ hơn, chúng được đưa đến vùng Waziristan nằm trong lãnh thổ Pakistan để nhồi sọ đức tin tôn giáo cực đoan trước khi bắt đầu học quân sự. Tại những ngôi trường này, khẩu hiệu của Taliban là: “Nếu bạn cầm được khẩu súng thì bạn đã đủ tuổi để trở thành chiến binh Hồi giáo”.

Theo các phái viên của Tổ chức Theo dõi nhân quyền Liên Hiệp Quốc, không phải tất cả các trẻ em bị Taliban bắt đều trở thành những người lính, mà một ít trong số chúng làm nhiệm vụ nấu ăn, giặt giũ quần áo cho các jihadis (chiến binh thánh chiến) hoặc nô lệ tình dục. Cũng có trẻ sau khi huấn luyện thì được cho về lại địa phương để hoạt động gián điệp, hoặc làm nhiệm vụ thông tin liên lạc.

Mohamad Mansur, một chuyên gia về “lính trẻ em” thuộc Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan nói: “Taliban tuyển dụng trẻ em vào hàng ngũ của chúng vì dễ thao túng. Ở độ tuổi từ 6 đến 12, trẻ còn quá nhỏ để hiểu hoặc chống lại lệnh của cấp trên. Hơn nữa lính trẻ em tiêu thụ thức ăn ít hơn so với những tay súng trưởng thành và điều quan trọng là lính trẻ em không cần phải trả lương. Khi tham chiến, hầu hết trẻ đều không ý thức được những nguy hiểm mà chúng sẽ phải đương đầu nên chúng rất dễ “lao vào lửa” bằng sự cuồng tín…”.

Để bảo đảm rằng những người lính trẻ em không thể quay về nhà hoặc trở lại với cộng đồng, các cấp chỉ huy Taliban ở Afghanistan thường nghĩ ra những trò man rợ như ra lệnh cho trẻ phải giết hại ngay chính người thân hoặc những người hàng xóm bằng những cáo buộc vu vơ, như phạm luật Sharia, có ý định trốn chạy sang phe chính phủ…

Farhad chẳng hạn, gia nhập Taliban năm 11 tuổi, tốt nghiệp trường Hồi giáo, cậu được đưa về một đơn vị đóng ở gần làng Qari, quê hương cậu. Hai tháng sau đó, Atar, tên chỉ huy nhóm Taliban của Farhad ra lệnh cho cậu giết Hassan, một ông già chăn cừu có họ hàng với mẹ cậu vì “đã nói chuyện với cảnh sát tỉnh Ghazni” khi họ đi tuần ở vùng này.

14 tuổi, Farhad giết người lần đầu tiên bằng mấy phát súng AK. 15 tuổi, cậu bị thương trong một trận chạm súng với quân chính phủ rồi được gia đình đưa về nhà điều trị. Khi vết thương lành lặn, Farhad lại bỏ theo Taliban vì cậu bé không chịu đựng nổi cái nhìn ghẻ lạnh của những người trong làng.

2. Nhưng trong số những trẻ bị bắt buộc phải trở thành mujahideen, không phải trẻ nào cũng buông xuôi cho số phận. Đã từng xảy ra những vụ bỏ trốn hoặc quay lại cộng tác với quân đội chính phủ. Đầu năm 2016, Wasil Ahmad, 10 tuổi, bị Taliban bắt từ năm 6 tuổi rồi đưa vào trường Hồi giáo, lúc biết tin cha mình đã bị Taliban giết thì trong một chuyến đi trinh sát, cậu đã ngầm báo cho cảnh sát Afghanistan biết về vị trí đóng quân của Taliban, số lượng chiến binh và trang bị vũ khí ở tỉnh Uruzgan, phía nam Afghanistan. Kết quả là lực lượng cảnh sát đã đập tan vị trí này. Được xem như một anh hùng, Wasil Ahmad trở về nhà, sống với mẹ và người em gái.

Cậu bé Wasil Ahmad, 10 tuổi trước khi được giải thoát khỏi hàng ngũ Taliban.

Nửa năm sau đó, Wasil Ahmad ghi danh vào học lớp 4 tại một trường tiểu học ở thành phố Tarinkot, thủ phủ tỉnh Uruzgan nhưng mới đến lớp được mấy buổi, cậu bé đã bị 2 tay súng Taliban trả thù bằng cách bắn 2 phát đạn vào đầu. 

Tom Olivier, chuyên gia chống khủng bố người Anh cho rằng trường hợp của Wasil Ahmad là một bi kịch, xảy ra ở một đất nước đã trải qua hàng thập kỷ bất ổn vì bạo lực: “Khi bạn trốn khỏi hàng ngũ Taliban thì mặc nhiên bạn đã bị xem là kẻ phản đạo, và bạn sẽ phải sống trong lo sợ của sự trả thù. Nếu bạn may mắn thoát chết thì bạn vẫn phải học cách đương đầu với những nguy hiểm, những khoảng trống trong hòa nhập cộng đồng cũng như những rối loạn về mặt tâm lý trong lúc bạn vẫn chỉ là một đứa trẻ. Đây hiện là vấn đề nan giải với chính quyền Afghanistan…”.

Mặc dù việc cưỡng ép trẻ em phải cầm súng chiến đấu đã được Taliban thực hiện từ những năm 1990, nhưng từ khi Taliban bắt đầu triển khai các hoạt động quân sự tại tỉnh Kunduz hồi năm 2012 và nhất là khi họ kiểm soát được các quận Chahardara và Dasht-e Archi,  giai đoạn 2013 - 2014 thì cũng là lúc các chiến dịch tuyển mộ lính trẻ em được tiến hành một cách quy mô và rầm rộ nhất nhằm thay thế cho những tay súng đã chết trong những cuộc giao tranh với quân chính phủ.

Theo ước lượng của các nhà quan sát nhân quyền, có ít nhất 2.000 trẻ đã bị buộc phải tham gia “thánh chiến”  trong 2 năm này. Mohamad Mansur, chuyên gia về “lính trẻ em” thuộc Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan cho biết: “Việc đào tạo được phân chia theo độ tuổi. Từ 4 đến 10 tuổi trẻ học kinh Quran và Luật Sharia dưới sự hướng dẫn của các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan. Từ 11 đến 14 tuổi là những bài học về vũ khí, chất nổ, các chiến thuật quân sự. Sau khi tốt nghiệp, trẻ được bố trí gia nhập những nhóm Taliban hoạt động ở địa phương”.

Mazai Sharif, 10 tuổi, khi được quân chính phủ giải thoát đã kể lại một buổi học tại trường Hồi giáo như sau: “Chúng cháu được dạy phải căm thù người Mỹ, người Anh, người Pháp, người Israel, người Đức và một số nước phương Tây khác. Chúng cháu cũng phải căm thù những kẻ ngoại đạo và phải thẳng tay tiêu diệt bọn chúng khi có cơ hội mà không được chần chừ…”.

Và không chỉ Taliban mới bắt trẻ em cầm súng. Bọn buôn người cũng là nguồn cung cấp những tay súng trẻ em cho Taliban. Với 78% người Afghanistan sống ở các vùng nông thôn, ít học, kinh tế nghèo nàn, trẻ em Afghanistan là miếng mồi béo bở cho bọn buôn người.

Bằng cách làm quen với những gia đình nông dân nghèo, có con trai từ 6 đến 10 tuổi, sau khi cho họ một ít tiền, bọn buôn người hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ này, chẳng hạn như được đi học ở các trường nghiên cứu Hồi giáo chính thống để trở thành “mullah - giáo sĩ” nhưng thực tế thì những đứa trẻ ấy sẽ được bán cho Taliban với giá 5.000 USD mỗi em rồi được Taliban đưa tới những trại huấn luyện nằm dọc biên giới Afghanistan - Pakistan.

Nabiullah, 9 tuổi cho biết Taliban đến nhà nói chuyện với cha cậu, và ông ấy không phản đối khi cậu bị bắt đi. Hajji Mohamd, một trưởng lão ở ngôi làng Paktika thuộc tỉnh Ghazni nói với Hãng tin AFP: “Tôi thừa nhận rằng nhiều trẻ em trong làng được gửi đi học ở các trường Hồi giáo bên đất Pakistan, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng lại học cách chế tạo bom và cách đánh bom tự sát…”.

Một nhóm lính trẻ con được quân đội chính phủ giải thoát khỏi tay Taliban.

Tháng 7-2017, trong cuộc tấn công vào một trường Hồi giáo thuộc loại này, quân đội Chính phủ Afghanistan đã giải thoát cho 40 đứa trẻ - đứa lớn nhất mới 13 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi. Tất cả những người lính trẻ em đó đều cho biết được học cách chế tạo thiết bị nổ IED để tấn công các đoàn xe của chính phủ, học cách ngụy trang áo bom mặc trong người khi lân la làm quen với lính Mỹ để một chỉ huy Taliban bấm nút kích nổ áo bom bằng thiết bị điều khiển từ xa.

Và mặc dù Taliban vẫn thường xuyên lớn tiếng tuyên bố rằng các chiến binh của họ chỉ gồm những người “đã đạt được sự trưởng thành về tinh thần, thể chất”, cũng như “trong hàng ngũ Taliban không bao gồm những người đàn ông không có râu - ý nói là không có trẻ con” nhưng những xác chết mà Taliban bỏ lại sau những trận đánh ở các tỉnh Kunduz, Takhar và Badakhshan đã cho thấy đó chỉ là những đứa trẻ mới từ 10 đến 14 tuổi.

3. Năm 2016, khi quân đội Chính phủ Afghanistan bắt đầu tung ra những cuộc phản công giành lại những phần đất đã bị Taliban chiếm đóng thì việc tuyển mộ lính trẻ em cũng thu hẹp lại. Theo báo cáo của cảnh sát Afghanistan, trong năm 2017, có 84 trẻ được cho là bị Taliban bắt cóc để huấn luyện thành mujahideen.

Với những trẻ đã được giải thoát khỏi tay Taliban, Chính phủ Afghanistan được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đã tiến hành một số các chương trình nhằm giúp trẻ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Richard Lee, điều phối viên của một dự án do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tài trợ cho biết ngay tại những ngôi làng nghèo nàn, nhỏ bé ở tỉnh Sari Pul, phía bắc Afghanistan, chính phủ cũng đã thiết lập một trường dạy nghề cho 34 “lính trẻ em”. Abdoul Rassoul, 14 tuổi, là học viên của trường nói: “Thoát khỏi tay Taliban, tôi chẳng có nghề nghiệp gì. Làng tôi có hơn 300 người nhưng không ai là thợ may. Bây giờ tôi đang học may với hy vọng sẽ trở thành một thợ giỏi”.

Được UNICEF cung cấp lương thực, gồm lúa mì, dầu ăn, đậu, đường và muối trong 6 tháng, các học viên sẽ phải hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp để sau đó, có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình. Richard Lee nói: “Chúng tôi hy vọng việc dạy nghề và xóa mù chữ, cũng như triệt hạ các đường dây buôn người sẽ cắt đứt nguồn cung cấp nhân lực cho Taliban. Tuy nhiên, chừng nào mà đời sống của người dân Afghanistan chưa được nâng cao, và những gia đình nghèo vẫn muốn gửi con vào “trường Hồi giáo” để chúng được ăn học không mất tiền, được trở thành “mullah” thì chừng ấy, lính trẻ con trong hàng ngũ Taliban vẫn tiếp tục hiện diện…”.

Vũ Cao (theo Afghanistan Times - Child Soldiers)
.
.