Tổng thống Erdogan bất ngờ đồng ý thúc đẩy việc Thụy Điển gia nhập NATO

Thứ Ba, 11/07/2023, 07:24

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg gọi hôm 10/7 là một ngày lịch sử, bởi sau những bất đồng sâu sắc liên quan đến vấn đề chống khủng bố và việc đốt kinh Koran, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đồng ý thúc đẩy việc Thụy Điển gia nhập liên minh.

NBC News hôm 10/7 dẫn lời Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ nỗ lực của Thụy Điển trong việc gia nhập liên minh quân sự NATO sau một năm phản đối. "Thụy Điển sẽ sớm trở thành một thành viên đầy đủ tư cách của liên minh", ông Stoltenberg nhấn mạnh. Tuyên bố này được đưa ra sau khi người đứng đầu NATO tổ chức hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, trước thềm thượng đỉnh NATO diễn ra tại Vilnius, Lithuania. 

Được biết, Thụy Điển là một trong số các quốc gia tại châu Âu rộng cửa chào đón cộng đồng người Kurd - nhóm người mà giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Cùng với việc kinh Koran bị đốt tại Thụy Điển, đây chính là yếu tố khiến Ankara trì hoãn chấp thuận việc Stockholm gia nhập NATO một năm vừa qua.

Tổng thống Erdogan bất ngờ đồng ý thúc đẩy việc Thụy Điển gia nhập NATO -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 10/7 tại Vilnius, Lithuania. Ảnh: Getty Images.

Tuy vậy, ông Stoltenberg cho biết, NATO đã nỗ lực thúc đẩy và đưa hai bên ra bàn đàm phán, nhằm giải quyết những lo ngại về an ninh chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, phía Thụy Điển đã đáp ứng các yêu cầu của Ankara để được nước này chấp thuận gia nhập NATO.

"Thụy Điển đã sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi đáng kể các bộ luật liên quan đến mở rộng hợp tác chống khủng bố và nối lại xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hợp tác của hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp tục vượt ra ngoài việc gia nhập NATO. Hai bên đã nhất trí thiết lập một hiệp ước an ninh song phương mới", ông Stoltenberg cho hay.

Giới chuyên gia tin rằng, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển để gia nhập NATO, Hungary cũng sẽ có bước đi tương tự. 

Theo các nhà phân tích, mặc dù không có chung đường biên giới đất liền với Nga, nhưng nếu trở thành thành viên NATO, Thụy Điển cũng được coi là một áp lực đối với Moscow. Sức mạnh hải quân và không quân của Stockholm trên biển Baltic, cùng với tám quốc gia NATO giáp vùng biển này sẽ tạo ra khả năng răn đe lớn, làm giảm nguy cơ xung đột trong khu vực. 

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Tayyip Erdogan đã khiến các nhà lãnh đạo NATO ngạc nhiên, khi gắn sự chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO của ông với việc nối lại các cuộc đàm phán về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), vốn bị đình trệ từ lâu của Ankara.

Bình luận về vấn đề này, Chính quyền Mỹ tuyên bố, Washington ủng hộ nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller nhấn mạnh: “Mỹ đã ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy".

Tuy nhiên, ông Miller lưu ý rằng, Ankara không nên gắn điều này với việc chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO và Mỹ không có vai trò gì trong các quyết định của EU về tư cách thành viên của khối này.

Kim Ngọc
.
.