Thượng đỉnh NATO và yếu tố Thụy Điển

Thứ Hai, 10/07/2023, 08:07

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ngày 11 và 12 tháng 7 ở Vilnius, thủ đô của Litva, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào tư cách thành viên của Thụy Điển, đặc biệt là liên quan đến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người sẽ đại diện cho Thổ Nhĩ Kỳ ở hội nghị thượng đỉnh này.

Thụy Điển, quốc gia đang cần lá phiếu “đồng ý” của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành thành viên thứ 32 của NATO, cho đến nay vẫn chưa thực hiện bất kỳ cam kết nào đối với Ankara. Mặc dù có những sửa đổi trong luật chống khủng bố có hiệu lực từ ngày 1/6, các đối tượng mà Ankara yêu cầu dẫn độ vẫn chưa được tiến hành.

Tìm cách kết nạp Thụy Điển

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, cuộc họp theo cơ chế 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan vốn được thành lập tại Madrid hồi năm ngoái sẽ diễn ra. Theo đó, ngoại trưởng của 3 nước nói trên có kế hoạch gặp nhau tại Brussels vào ngày 6/7 để phá vỡ thế bế tắc.

Thượng đỉnh NATO và yếu tố Thụy Điển -0
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin, Đức.

Nhà Trắng cho hay nỗ lực mới của Tổng thống Biden bắt đầu từ ngày 8/7 khi ông chào đón Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Phòng Bầu dục, một cơ hội để tái khẳng định sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ đối với việc đưa Stockholm vào NATO “càng sớm càng tốt”. Tổng thống Biden ngày 5/7 nói rằng, ông "mong" Thụy Điển giành được sự chấp thuận cuối cùng để trở thành thành viên NATO, khi liên minh phương Tây chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới. Phát biểu tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Biden cho biết ông "hoàn toàn ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO. Điểm mấu chốt rất đơn giản: Thụy Điển sẽ làm cho liên minh của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn”.

Trước đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định Tổng thống Biden rất lạc quan về việc Thụy Điển gia nhập liên minh. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đã điện đàm với một cố vấn cấp cao của Tổng thống Erdogan, thúc giục ông chấp nhận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển “càng sớm càng tốt”. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ Thụy Điển đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện quy trình trở thành thành viên cho đến Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius.

Tổng thống Biden đã thúc đẩy thành công để NATO chào đón Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài khoảng 1.300 km với Nga. Quốc gia này đã gia nhập NATO hồi tháng 4 vừa qua. Cả Helsinki và Stockholm đều từ bỏ chính sách trung lập lâu nay và muốn trở thành thành viên NATO sau khi Nga mở rộng cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022. Tổng thống Biden đã nhấn mạnh việc củng cố liên minh NATO như một tín hiệu cho thấy ảnh hưởng của Moscow đang suy giảm.

Thụy Điển đã yêu cầu tham gia liên minh quân sự này từ tháng 5/2022, 3 tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine. Các nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển sẽ gặp nhau ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần này, chỉ một ngày sau chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Kristersson, tại trụ sở NATO ở Brussels.

Thượng đỉnh NATO và yếu tố Thụy Điển -0
Việc gia nhập NATO đòi hỏi phải được sự phê chuẩn của tất cả các quốc gia thành viên.

Không chịu áp lực

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, đất nước của ông chưa sẵn sàng cho phép Thụy Điển gia nhập khối NATO.

Ông cáo buộc Stockholm che chở cho chiến binh khủng bố và tạo điều kiện cho tội ác thù hận chống lại người Hồi giáo.

Phát biểu ngay sau cuộc họp nội các ngày 3/7, ông Erdogan lên án vụ việc đốt Kinh Koran diễn ra ở thủ đô Thụy Điển vào tuần trước. Ông tiếp tục lên án lập trường lỏng lẻo của Thụy Điển đối với các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Theo ông, Ankara không thể phê chuẩn đơn đăng ký gia nhập NATO của Thụy Điển cho đến khi nước này hành động. Ankara đã cáo buộc Stockholm từ chối giao nộp “những kẻ khủng bố” từ đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm liên quan khác, vốn bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho là bất hợp pháp trong bối cảnh cuộc nổi dậy của người Kurd kéo dài hàng thập kỷ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ngày 6/7 khẳng định Ankara sẽ không khuất phục trước “công cụ gây sức ép” hòng sớm chấp nhận Thụy Điển vào NATO và tiếp tục đánh giá việc gia nhập của quốc gia Bắc Âu này sẽ giúp ích hay gây tổn hại cho khối này hay không.

Nhận xét về vụ đốt Kinh Koran trước Nhà thờ Hồi giáo tại Stockholm tuần trước, Ngoại trưởng Hakan Fidan nhận định: “Hệ thống an ninh của Thụy Điển không thể dừng các hành động khiêu khích. Đây không phải là tăng thêm sức mạnh mà chỉ là mang thêm rắc rối cho NATO. Ở góc độ chiến lược và an ninh, khi chúng tôi đang thảo luận về việc đồng ý hay không cho Thụy Điển gia nhập NATO, một câu hỏi đã xuất hiện, đó là liệu họ sẽ mang lại lợi ích hay thành gánh nặng”.

Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hakan Fidan diễn ra chỉ 2 ngày trước khi ông có cuộc gặp người đồng cấp Thụy Điển tại Brussels để thảo luận về vấn đề này.

Và câu chuyện của Hungary

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cản đường Thụy Điển gia nhập NATO. Các nhà lập pháp ở Budapest gần đây đã hoãn một cuộc bỏ phiếu về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Ông Orban đã cáo buộc các quan chức Thụy Điển “lan truyền những lời dối trá trắng trợn về Hungary”. Rõ ràng, ông Orban có ý ám chỉ những lời chỉ trích về sự sa sút của nền dân chủ Hungary. Nhưng, ông cũng có lịch sử thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và phụ thuộc vào năng lượng của nước này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 6/7 đã ám chỉ rằng họ sẽ theo sự dẫn dắt của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tranh cãi này. Ông Szijjarto nhấn mạnh, trong những ngày tới, ông sẽ liên lạc chặt chẽ với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Và, nếu có sự thay đổi, tất nhiên Hungary “sẽ giữ lời hứa không trì hoãn bất kỳ quốc gia nào gia nhập NATO".

Mặc dù các nhà lãnh đạo NATO bày tỏ hy vọng phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva, nhưng đến nay Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa có động thái nào cụ thể đối với việc phê chuẩn. Theo quy định, khối quân sự do Mỹ lãnh đạo này cần có sự đồng ý nhất trí của tất cả các thành viên trước khi các quốc gia mới có thể tham gia.

Sơn Hà (Tổng hợp)
.
.