Châu Âu tăng cường an ninh cho Euro 2016

Thứ Hai, 06/06/2016, 08:51
Trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 (Euro 2016), không chỉ nước chủ nhà Pháp, mà nhiều nước khác trong khu vực đang đặt trong tình trạng báo động cao về nguy cơ tấn công khủng bố, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh nhằm đảm bảo an toàn cho giải bóng đá lớn nhất châu Âu này. Tất cả đều đã được “lên giây cót” tinh thần để ứng phó với nạn khủng bố.


Những cảnh báo trước giờ G

Trong cảnh báo gửi đến Văn phòng Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) hôm 1-6, giới chức Syria cho hay, gần 4.000 hộ chiếu Syria đã bị đánh cắp từ đầu năm 2014 và nhiều khả năng các phần tử khủng bố sẽ lợi dụng những tấm hộ chiếu này để thâm nhập vào châu Âu nhằm thực hiện các vụ tấn công vào mùa hè này.

Trong khi đó, theo Cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV), cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đưa Euro 2016 vào “tầm ngắm” để thực hiện các âm mưu tấn công khủng bố. Dù hiện vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào về một cuộc tấn công được lên kế hoạch nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các tổ chức khủng bố như IS, al Qaeda và Mặt trận Al-Nursa đang âm mưu tấn công các mục tiêu phương Tây.

Giới chức Pháp đang căng mình bảo đảm an ninh dịp Euro 2016.

Bộ Ngoại giao Anh cũng ban hành các khuyến cáo “mối đe dọa cao” của các vụ khủng bố tại một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp. Hôm 30-5, truyền thông Anh dẫn nguồn tin từ các lực lượng cảnh sát cho biết, một nhánh của IS đang lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào các fan hâm mộ bóng đá Anh và Nga tại mùa giải Euro 2016. Những thông tin này được lấy ra từ máy tính cá nhân của Salah Abdeslama, một trong những nghi phạm chính của vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11-2015.

Theo đó, những kẻ khủng bố này sẽ thực hiện các cuộc đánh bom tự sát, hoặc sử dụng máy bay không người lái được trang bị vũ khí hóa học, hoặc súng AK để thực hiện các vụ tấn công khủng bố vào những chỗ đông người. Vụ tấn công đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày khai mạc Euro 2016, ngày 11-6. Về phía nước chủ nhà, lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia Pháp cũng đã cảnh báo các tay súng IS đang lên kế hoạch đặt bom khủng bố nhiều địa điểm trên lãnh thổ nước này, đặc biệt tại những địa điểm đông người.

Nước Pháp gồng mình

Làm chủ nhà, Chính phủ Pháp đã chi 8 triệu euro (khoảng 8,92 triệu USD) dành riêng cho việc kiểm soát an ninh, trong đó riêng 1,9 triệu euro (khoảng 2,12 triệu USD) dùng cho hệ thống giám sát trên 10 thành phố tổ chức Euro 2016. Chính phủ Pháp ngày 1-6 đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 26-7.

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngày 2-6, Cảnh sát trưởng Paris - ông Michel Cadot - đã yêu cầu Chính phủ Pháp đóng cửa khu vực dành cho người hâm mộ (fanzone) tại trung tâm thủ đô nước Pháp trong thời gian các trận đấu của Euro 2016 diễn ra tại hai sân vận động Parc des Princes (nội đô Paris) và sân Stade de France (Saint Denis, ngoại ô Paris), nhằm đảm bảo tình hình an ninh cũng như sức khỏe của các nhân viên cảnh sát.

Trước đó, Bộ trưởng Cazeneuve cho hay, sẽ có 42.000 cảnh sát và 30.000 lính, bao gồm những đặc nhiệm thuộc lực lượng Đặc nhiệm Hoàng gia Anh (SAS) sẽ được triển khai tại Pháp trong một tháng diễn ra Euro 2016.

Bên cạnh đó, ban tổ chức giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu cũng sẽ triển khai 10.000 nhân viên từ các công ty tư nhân, và thêm 200 nhân viên cảnh sát nước ngoài sẽ phối với người Pháp xung quanh sân vận động, khu vực của người hâm mộ cũng như sân bay.

Cùng với đó, Tổng cục An ninh đối ngoại của Pháp (DGSE) đã yêu cầu sự hợp tác của các cơ quan an ninh Algeria nhằm ngăn ngừa nguy cơ tấn công khủng bố trong dịp diễn ra Euro 2016.

Theo đó, DGSE cần cung cấp ba loại thông tin chính. Thứ nhất là những thông tin liên quan đến hoạt động của nhánh al-Qaeda ở phía Bắc Mali, chính xác hơn là sự có mặt của những người Pháp gốc Maghreb và gốc châu Phi trong hàng ngũ nhóm khủng bố thánh chiến này. Thứ hai là thông tin về hoạt động của IS tại Libya.

Và cuối cùng là thông tin về nhóm khủng bố Mokhtar Belmokhtar đã gia nhập al-Qaeda tại Libya và phía Bắc Mali hiện đang hoạt động tại nhiều nước trong khu vực do nhóm này có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức khủng bố quốc tế.

Ngoài ra, DGSE cũng muốn có thêm những thông tin liên quan đến nhóm khủng bố Okacha hay còn gọi là “Yahya Abou Hamam” liên quan đến kế hoạch chuẩn bị tấn công khủng bố trong dịp Euro 2016. Pháp cũng tăng cường hợp tác với cơ quan an ninh Maroc, vì hai bên thời gian qua đã cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chống chủ nghĩa khủng bố.

Cơ quan an ninh của Maroc sẽ ngăn chặn những phần tử khủng bố có ý đồ thâm nhập vào Pháp từ Maroc, chia sẻ thông tin tình báo về danh tính và sự di chuyển của những phần tử khủng bố mà phía Maroc nắm được.

Những nỗ lực chung

Không chỉ Pháp, nhiều nước châu Âu khác cũng đang đưa ra những biện pháp nhằm siết chặt an ninh trong suốt thời gian diễn ra vòng chung kết Euro 2016. Tại Bỉ, chính quyền thủ đô Brussels đã quyết định hạn chế một loạt hoạt động tập thể trên đường phố trong suốt thời gian một tháng diễn ra Euro 2016.

Theo đó, trong khoảng thời gian này, sẽ không có các màn hình lớn được lắp đặt ở những nơi công cộng như Quảng trường lớn (Grand-Place), khu phố dành cho người đi bộ, Quảng trường Luxembourg (trước tòa nhà Nghị viện châu Âu) hay ở Quảng trường Miroir, như hồi diễn ra vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới 2014 (World Cup 2014).

Ngoài ra, tại phần lớn các quận của thủ đô Brussels, các quán cà phê bị cấm quay màn hình ra bên ngoài hoặc chỉ được phép nhưng với những điều kiện cực kỳ chặt chẽ. Các quy định phục vụ rượu mạnh cho khách cũng được siết chặt với giới hạn giờ giấc và loại hình phục vụ rõ ràng nhằm tránh các cuộc tụ tập ồn ào trong đêm hoặc các hành vi không kiểm soát do liên quan đến uống rượu.

Trong khi đó, ngày 1-6, Cảnh sát liên bang Đức thông báo trong thời gian diễn ra Euro, biên giới của Đức với Pháp, Bỉ, Luxemburg và Hà Lan sẽ được tăng cường kiểm tra an ninh.

Minh Nhật
.
.