Lỗ hổng tình báo Anh để lọt khủng bố

Thứ Hai, 26/06/2017, 16:29
Tại một hội nghị về an ninh tại Tây London nhằm kiểm điểm lại tình hình bảo đảm an ninh nước Anh sau loạt vụ tấn công khủng bố mới nhất, cựu Giám đốc cơ quan tình báo MI-5 Dame Stella Rimington nhắc lại và so sánh trình độ phát triển cao của công tác thu thập thông tin tình báo ngày nay so với trong thập niên 70 thế kỷ XX.

Bà Stella Rimington nhắc lại, thời bà mới vào nghề, được huấn luyện các phương pháp thu thập thông tin tình báo rất thô sơ, như việc trà trộn vào quán rượu để nghe trộm các đối tượng mục tiêu.

Hơn 4 thập niên sau, công tác thu thập thông tin của các cơ quan tình báo Anh đã tiến bộ vượt bậc. Ngày nay, chỉ cần bố trí số lượng nhân sự không nhiều, với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật điện tử hiện đại, các cơ quan tình báo đã có thể thu thập được khối lượng thông tin, dữ liệu khổng lồ.

Salman Abedi, hung thủ đánh bom tự sát ở Manchester.

Theo các chuyên gia, cái đáng lo ngày nay là khối lượng thông tin thu thập quá nhiều. Cỗ máy thu thập thông tin của các cơ quan tình báo Anh càng mở rộng dữ dội hơn từ khi Luật Quyền hạn Điều tra (IPA) được ban hành hồi tháng 11-2016. IPA đã trao cho các cơ quan tình báo Anh thêm nhiều công cụ để tổ chức nghe lén và đột nhập xem trộm, đọc trộm mà không có quốc gia Tây Âu nào có được, kể cả Mỹ.

Thế nhưng, các vụ tấn công vẫn xảy ra một cách không ngờ tới. Vụ tấn công trên cầu London hôm 3-6 diễn ra chỉ trong 8 phút, trong đó 3 hung thủ sát hại 8 người và làm bị thương 50 người. Sau khi vụ tấn công xảy ra, các cơ quan điều tra mới phát hiện rằng thông tin về các hung thủ có đầy ắp trong kho dữ liệu của các cơ quan tình báo Anh và EU. Cụ thể, hung thủ Khuram Butt từng được cảnh báo trong hệ thống đường dây nóng chống khủng bố vào năm 2015 và đã từng bị MI-5 điều tra do có quan hệ với mạng lưới Hồi giáo cực đoan al-Muhajiroun (nay đã bị cấm hoạt động).

Hung thủ thứ hai là Youssef Zaghba từng bị cảnh sát Italia thẩm vấn, và cảnh sát Italia cảnh báo với tình báo Anh rằng tên này có khả năng cao sẽ bị cực đoan hóa. Sau đó, tên tuổi của Youssef Zaghba được đưa vào danh mục cần theo dõi của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo toàn EU, trong đó tình báo Anh được cung cấp thông tin chi tiết về 8.000 tên thánh chiến quân ở châu Âu.

Kharam Butt, một trong các hung thủ tham gia vụ tấn công ở cầu London.

Vụ tấn công ở Manchester hồi tháng 5-2017 cũng vậy, hung thủ đánh bom tự sát Salman Abedi không xa lạ gì với MI-5 và được cơ quan này xếp hạng ưu tiên theo dõi ở mức P4 (ưu tiên số 4, mức thấp nhất). P4 có ý nghĩa rằng Abedi là đối tượng có thể có nguy cơ tham gia một vụ tấn công nhưng không lập kế hoạch hành động, do đó mà bị hạ mức nguy cơ về an ninh.

Một tên khác là Khalid Masood, hung thủ gây ra vụ tấn công ở cầu Westminster hồi tháng 3-2017 sử dụng phương thức tấn công hầu như giống y như vụ tấn công trên cầu London, và y cũng bị xếp hạng P4 như Abedi, xem như một kẻ Hồi giáo quá khích nhưng không phải là mối đe dọa.

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao tất cả những hung thủ kể trên đều lọt lưới an ninh Anh một cách dễ dàng như vậy? Một số chuyên gia đặt vấn đề sự khiếm khuyết trong khâu phân tích thông tin tình báo trong hệ thống các cơ quan tình báo của nước Anh, mà nguyên nhân chủ yếu được cho là thiếu hụt nguồn nhân lực để giải mã và nghiên cứu tình huống hàng triệu mẩu thông tin thu thập được bao gồm những câu trò chuyện, tin báo tội phạm, hình ảnh, thông tin nghe trộm,...

Mặc dù bên cạnh đó còn có vấn đề cắt giảm quân số cảnh sát, nhưng trọng tâm nhất vẫn là sự sụt giảm số lượng nhân sự làm công tác phân tích tình báo.

Giáo sư Philip Davies, giám đốc Trung tâm Brunel về Nghiên cứu Tình báo và an ninh (BCISS) tin rằng guồng máy an ninh của Anh hiện đang lâm vào tình trạng mà cơ quan tình báo tín hiệu GCHQ thường hay gọi là “quá tải thông tin”. Trước giờ, người ta thường chỉ biết GCHQ quá tải thông tin, nhưng nay thì cả MI-5 và MI-6 cũng bị quá tải, cả về quy mô, khối lượng và độ phức tạp của thông tin.

Khalid Masood, hung thủ gây ra vụ tấn công ở cầu Westminster.

Giáo sư Davies cho rằng, chưa đến một phần tư trong tổng số hơn 4.000 nhân viên của MI-5 có tham gia vào công tác phân tích tình báo, và con số của MI-6 còn ít hơn rất nhiều, chỉ khoảng 100 người. Ngay cả GCHQ, với khoảng 8.000 nhân viên làm công tác phân tích tình báo, nhưng quân số này cũng không thể kham nổi khối lượng thông tin, dữ liệu mà guồng máy khổng lồ của GCHQ hút về mỗi ngày, ước tính vô số terabyte (1 terabyte tương đương 1.024 gigabyte, với 1 gigabyte bằng 1,5 triệu tin nhắn WhatsApp).

Giới chuyên gia về chống khủng bố đưa ra nhận định, cho dù kết hợp các thuật toán, công nghệ trí thông minh nhân tạo và công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến nhất để hỗ trợ thì việc đưa ra phán đoán chính xác các nghi can khủng bố tiềm năng cũng đã là một thách thức không hề nhỏ. Đó là chưa nói đến tình trạng quá tải thông tin, làm sao để sàng lọc trong khối lượng vô số terabyte dữ liệu thông tin thu thập được để đưa ra phân tích cho chính xác?

Sau vụ tấn công trên cầu London và khu chợ Borough, cơ quan tình báo MI-5 thông báo sẽ xem xét đánh giá lại việc xử lý các sự kiện nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác sàng lọc, đánh giá, xếp loại ưu tiên đối với các đối tượng tình nghi. 

Ngay từ sau vụ tấn công ở Manchester, công tác xếp loại ưu tiên các đối tượng khả nghi đã bị xem là có vấn đề và cần phải xem xét lại. Thêm vụ tấn công cầu London, một cuộc điều tra nội bộ ngành tình báo Anh sẽ được tiến hành để xác định chuyện gì đã thực sự xảy ra trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn khủng bố.

An Tôn (tổng hợp)
.
.