Ba lần vượt ngục của trùm ma túy Joaquin Guzman

Sức mạnh của tập đoàn tội phạm Sinaloa

Thứ Tư, 14/06/2017, 10:26
Trong lúc lo sợ bị bắt, Guzman đưa 200 triệu USD cho một đàn em để bảo đảm rằng nếu không có mặt ông ta, guồng máy buôn bán ma túy vẫn được tập đoàn Cartel Sinaloa vẫn hoạt động bình thường…

Giết nhau để tranh giành lãnh địa

Khi "Bố già" Felix Gallardo bị bắt, tập đoàn Tijuana được thành lập bởi Felix Arellano - là em ruột Felix Gallardo, cùng Jesus Labra Aviles (bí danh "El Chuy") và Javier Caro Payan (bí danh "El Doctor"), kiểm soát hành lang vận chuyển Tijuana và một phần thành phố Baja, nơi có cửa khẩu thông thương với bang California, Mỹ.

Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, nội bộ lãnh đạo của tập đoàn này đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn, chủ yếu là tranh giành quyền lực. Lo sợ bị thủ tiêu, năm 1989 Caro Payan trốn sang Canada nhưng bị cảnh sát Canada tóm cổ rồi bàn giao cho Cục phòng chống ma túy Mỹ (DEA). Những lời khai của Payan đã giúp DEA định hình được vai trò của Guzman và tập đoàn tội phạm Sinaloa.

Tức giận vì bị phản pháo, Guzman gửi một tay chân thân tín nhất là Armando Lopez (bí danh "El Rayo"), đến thành phố Tijuana gặp Felix Arellano để "nói chuyện phải quấy". Sợ bị Lopez hạ thủ, Felix Arellano ra tay trước. Xác của Lopez với một viên đạn găm vào giữa trán được phát hiện vài ngày sau đó ở vùng ngoại ô thành phố Tijuana.

Tiếp tục triệt hạ thế lực của Sinaloa nhằm thâu tóm các đường dây vận chuyển ma túy về tay mình, Felix Arellano ra lệnh cho một gã bán lẻ cocain người Venezuela là Enrique Rafael Clavel Moreno, tìm cách xâm nhập gia đình Hector El Guero Palma - là ông chủ đầu tiên của Guzman khi mới bước chân vào thế giới tội phạm và cũng là một trong 3 người đứng đầu Sinaloa.

Cảnh sát Mexico đưa ra lệnh truy nã Guzman.

Với bộ mã điển trai cộng thêm tài ăn nói khéo léo, chẳng mấy chốc gã bán lẻ cocain đã khiến vợ Palma là Guadalupe Leija Serrano chết mê chết mệt. Bằng những lời hứa hẹn đường mật, rằng sẽ cùng nhau đi Argentina xây tổ uyên ương, Clavel Moreno xúi vợ Palma rút 7 triệu USD từ một trong các tài khoản của Palma tại một ngân hàng ở  San Diego, bang California, Mỹ.

Đến khi cầm được tiền trong tay, Clavel Moreno chặt đầu Leija Serrano rồi bỏ vào trong một cái hộp, gửi cho Palma. Hai tuần sau đó, gã bán lẻ cocain Clavel Moreno giết luôn hai đứa con của Palma là Hector, 5 tuổi và Nataly, 4 tuổi, bằng cách ném chúng từ trên cầu xuống sông.

Xung đột giữa hai tập đoàn tội phạm ma túy Sinaloa và Tijuana gia tăng đến đỉnh điểm khi Felix Arellano hạ sát một đối tác làm ăn truyền thống với Guzman là Rigoberto Campos Salcido. Tiếp theo, một số thành viên chi nhánh San Diego thuộc tập đoàn Tijuana bắt cóc 6 đàn em của Guzman rồi bắn vào đầu họ. Một ngày sau đó, một quả bom xe phát nổ bên ngoài ngôi biệt thự của Guzman ở bang Culiacan. Tuy không có ai thương vong nhưng ông trùm Guzman đã nhận thức rõ ràng về những "thông điệp" mà Felix Arellano gửi đến.

Để phản công, Guzman và Hector El Guero Palma ra lệnh cho các sát thủ thuộc tập đoàn Sinaloa "gặp đâu bắn đó". Kết quả là chỉ trong 1 ngày, 9 thành viên của tập đoàn Tijuana bị giết chết, trong đó có 1 luật sư riêng của Felix Gallardo. Trước những sự kiện ấy, Tổng chưởng lý Mexico ra lệnh thành lập một đơn vị đặc biệt để điều tra các vụ giết người, nhưng cuộc điều tra đã nhanh chóng kết thúc bằng việc Guzman trả cho một số quan chức cảnh sát hàng đầu ở Mexico 10 triệu USD.

Ngày 11-5-1992, bốn tay súng của Felix Arellano vũ trang bằng tiểu liên AK 47, đã xả hàng loạt đạn vào chiếc ôtô chở Guzman trên một con đường ở thành phố Guadalajara nhưng may mắn là Guzman không hề hấn gì.

Vụ tấn công đã khiến  Guzman phải bỏ nhà đi khỏi Guadalajara. Nhưng chẳng phải tay vừa, lúc phát hiện Felix Arellano cùng đứa em ruột là Felix Francisco Javier và một số thành viên khác đang ở trong một căn nhà gỗ tại vùng núi Vallarta thì Guzman lập tức trả đũa. Ngày 8- 11-1992, Guzman cử một đội sát thủ giả danh cảnh sát, tập kích vào ngôi nhà. Căn cứ vào số lượng vỏ đạn bỏ lại hiện trường, cảnh sát Mexico nhận định cuộc đấu súng kéo dài hơn 8 phút với hơn 8.000 viên đạn được cả hai bên bắn ra khiến 6 người thiệt mạng, trong đó 4 người thuộc tập đoàn Tijuana, còn anh em Felix Arellano chạy thoát.

Từ đó cho đến cuối năm 1992, những vụ giết hại lẫn nhau liên tục được Guzman và Felix Arellano tung ra với hàng trăm kẻ bỏ mạng ở các bang Baja, Sonora, Sinaloa, Durango, Jalisco, Guerrero, Michoacan và Oaxaca.

Cuộc chiến giữa hai băng nhóm kéo dài trong suốt những tháng đầu năm 1993 nhưng chẳng bên nào giành được phần thắng. Theo hồ sơ FBI thì khoảng thời gian này, lượng ma túy từ Mexico đổ vào Mỹ giảm đi rõ rệt. Một số điệp viên nằm vùng của Cục phòng chống ma túy Mỹ (DEA) được lệnh "đổ thêm dầu vào lửa" bằng cách tung ra những tin tức giả, nhằm khích bác cả hai phe để chúng bắn giết nhau.

Đầu tháng 5-1993, Felix Arellano quyết định gửi một sát thủ hàng đầu của gã là Francisco Javier đến thành phố Guadalajara với nhiệm vụ phải giết Guzman cho bằng được. Tuy nhiên, do đã lường trước nên Guzman liên tục thay đổi chỗ ở và không bao giờ xuất hiện tại những nơi công cộng.

Một tuần sau đó - ngày 24-5-1993, vì không tìm thấy Guzman, sát thủ Francisco Javier trả khẩu súng ngắn Beretta với 2 băng đạn cho một cơ sở rồi ra sân bay quốc tế Guadalajara để bay về Tijuana. Tại đây, một kẻ bán lẻ ma túy cũng thuộc tập đoàn Tijuana đã báo cho Javier biết rằng gã vừa thấy Guzman ngồi trên chiếc Mercury Grand Marquis màu trắng ở bãi đỗ xe. Lập tức, sát thủ Javier gọi điện thoại và chưa đầy 10 phút, 20 tay súng thuộc tập đoàn Tijuana ập đến.

Giây lát, 20 khẩu AK 47 đồng loạt nhả đạn vào chiếc xe hơi nhưng bi thảm thay, trên chiếc Mercury Grand Marquis màu trắng là Juan Jesus Posadas Ocampo, đức Hồng y bang Guadalajara, chết ngay tại chỗ với 14 vết đạn trên người, 6 linh mục khác - kể cả tài xế cũng thiệt mạng. Riêng ông trùm Guzman, lúc ấy ngồi trong chiếc xe hơi hiệu Buick màu xanh, lợi dụng sự hỗn loạn đã chạy về một trong những ngôi nhà an toàn tại khu Bugambilias, cách sân bay 20 phút.

Ở một đất nước mà 94% người dân theo Thiên Chúa giáo, cái chết của đức Hồng y Posadas Ocampo, một nhân vật tôn giáo cao cấp đã khiến công chúng, Giáo hội Thiên Chúa giáo và nhiều chính trị gia phẫn nộ. Các cuộc biểu tình liên tục nổ ra, trong đó người dân thành phố Guadalajara nêu đích danh tập đoàn Tijuana và tập đoàn Sinaloa là thủ phạm.

Để hạ nhiệt, chính phủ Mexico lập tức tung ra những cuộc hành quân, càn quét các lãnh địa của giới buôn bán ma túy, lùng bắt những kẻ đã trực tiếp gây ra vụ thảm sát. Lần đầu tiên, hình ảnh của ông trùm Guzman - trước đây chưa hề được công chúng biết đến thì nay xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo và trong mục tin nóng của các đài truyền hình ở khắp đất nước Mexico.

Lo sợ bị bắt, Guzman trốn sang thành phố Tonala, bang Jalisco, nơi ông ta sở hữu một trang trại. Sau đó, Guzman đi Mexico City, ẩn náu trong một khách sạn khoảng 10 ngày. Tại đây, Guzman gọi một thuộc hạ thân tín đến rồi đưa cho người này 200 triệu USD để lo cho gia đình ông ta trong trường hợp ông ta bị bắt. Bên cạnh đó, Guzman cũng đưa 200 triệu USD cho một đàn em khác để bảo đảm rằng nếu không có mặt ông ta, guồng máy buôn bán ma túy vẫn được tập đoàn Cartel Sinaloa vẫn hoạt động bình thường.

Lần đầu vượt ngục

Sắp xếp mọi việc xong xuôi, với một hộ chiếu giả mang tên Jorge Ramos Perez, Guzman di chuyển xuống bang Chiapas ở miền nam Mexico. Bằng cách hối lộ 1,2 triệu USD cho một quan chức Guatemala, ông trùm ma túy được phép định cư ở quốc gia này. Tuy nhiên, theo kế hoạch, Guatemala chỉ là điểm dừng chân tạm thời của Guzman, còn nơi đến thực sự là El Salvado, nơi Guzman có mối thân tình đặc biệt với ông trùm El Mayo, chuyên sản xuất thuốc lắc…

Thế nhưng, quan chức Guatemala, người đã nhận 1,2 triệu USD của Guzman lại âm thầm báo tin cho cảnh sát. Ngày 9-6-1993, Guzman bị bắt tại một khách sạn ở thành phố Tapachula, gần biên giới Guatemala - Mexico. Hai ngày sau đó, ông trùm được đưa về Mexico và bị giam trong một nhà tù an ninh tối đa mang tên Altiplano.

Khối lượng cocain khổng lồ của tập đoàn Sinaloa bị cảnh sát Mexico tịch thu trong một đợt truy quét.

Ra tòa, Guzman lĩnh án 20 năm 9 tháng tù giam với các tội danh buôn bán ma túy, liên kết tội phạm, sở hữu vũ khí bất hợp pháp, giết người và đồng phạm trong những vụ giết người. Và mặc dù đã bị Mexico kết án, nhưng tại thành phố San Diego, bang California, Mỹ, Guzman vẫn bị truy tố về tội rửa tiền và nhập lậu chất ma túy vào California. Bên cạnh đó, Mexico cũng đồng ý cho phép tòa án Califonia dẫn độ Guzman về Mỹ để xét xử.

Biết rằng nếu bị dẫn độ sang Mỹ thì "án sẽ chồng án" nên sau nhiều ngày thuyết phục, một nhân viên bảo vệ nhà tù Altiplano là Francisco "El Chito" Camberos Rivera đã đồng ý nhận 500.000 USD để giúp Guzman trốn thoát.

Sáng ngày 19-1-2001, Rivera mở cánh cửa buồng giam điều khiển bằng điện tử rồi ra dấu cho Guzman chui vào đống quần áo bẩn chứa trong thùng của một chiếc xe đẩy, do nhân viên phụ trách vệ sinh là Javier đẩy đến khu giặt giũ. Sau khi vượt qua nhiều trạm kiểm soát, Javier đưa Guzman đến cổng sau của nhà tù, đã được mở khóa từ trước. Bên ngoài, Rivera đợi Guzman trên một chiếc xe hơi rồi nhanh chóng đưa ông trùm thoát đi.

Theo dự định, Rivera sẽ đưa Guzman đến bang Chiapas nhưng khi dừng lại ở một trạm xăng, Rivera vào nhà vệ sinh và lúc quay ra thì Guzman đã biến mất. Theo phát ngôn viên cảnh sát Mexico, trong vụ này có 78 người dính líu vào vụ Guzman vượt ngục, và nhiều người đã bị bắt. Tổng số tiền mà Guzman đã chi ra cho cuộc vượt ngục là 2,5 triệu USD.

Cuộc săn lùng Guzman được triển khai một cách quy mô nhất trên toàn lãnh thổ Mexico, Mỹ và Guatelama. Chính phủ Mỹ treo giải 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ Guzman, còn Mexico treo giá 60 triệu peso (khoảng 3,8 triệu USD) cho bất kỳ người nào chỉ ra nơi Guzman ẩn náu.

Việc truy nã gắt gao ông trùm đã làm nảy sinh nhiều giai thoại trong giới buôn bán ma túy, rằng có lần Guzman vào một nhà hàng thì ngay lập tức, đội vệ sĩ của ông ta "tạm" tịch thu tất cả mọi chiếc điện thoại di động của thực khách. Sau khi Guzman ăn uống xong rồi đi khỏi, điện thoại được trả lại và tiền ăn của thực khách cũng được vệ sĩ Guzman trả luôn.

Điều đáng nói là ngay cả khi Guzman còn ở trong tù, tập đoàn tội phạm Sinaloa vẫn hoạt động đều đặn như thể việc ông trùm ở tù không ảnh hưởng gì đến chuyện "kinh doanh". Sau khi Guzman trốn thoát, tuyến đường vận chuyển ma túy sang Mỹ lại càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trong gần 8 năm kể từ khi Guzman vượt ngục lần thứ nhất, người ta chỉ có thể suy đoán Guzman đang ở một nơi nào đó trong vùng Triangulo Dorado - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Tam giác vàng. Đây là khu vực bao gồm một phần của các bang Sinaloa, Durango và Chihuahua thuộc vùng núi Sierra Madre, là cái nôi của cây cần sa và cây thuốc phiện ở Mexico.

Theo hồ sơ tội phạm FBI, Guzman được bảo vệ bởi ít nhất 300 tay súng - trong đó có cả tên lửa vác vai chống máy bay cùng một mạng lưới thông tin rải đều ở nhiều bang trên khắp Mexico. Mỗi khi di chuyển, gã thường sử dụng xe bọc thép.

Do địa hình Triangulo Dorado chỉ gồm những con đường độc đạo bằng đất, dân địa phương - những người từ lâu mang lòng thù hận với chính phủ vì đã triệt phá nguồn sống của họ là cây cần sa, cây thuốc phiện - dễ dàng phát hiện rồi báo cho đội bảo vệ của Guzman nếu có sự xuất hiện của quân đội, cảnh sát hoặc người lạ mặt.

Cao Trí (theo Global Witness - Guzman Loera and Sinaloa Cartel)
.
.