Bạo hành trên mạng – Những hậu quả khôn lường

Thứ Bảy, 27/10/2018, 10:18
Theo quan sát của nhiều nhà nghiên cứu, nạn quấy rối, khủng bố và bạo hành trên mạng đã tăng lên với tốc độ chóng mặt trong vòng 5 năm trở lại đây, cùng với đà phổ cập của các mạng xã hội.

Theo Delphine Meillet, một chuyên gia về tội phạm mạng thì: “Tấn công, làm nhục một ai đó trong không gian mạng thì dễ dàng hơn ở trên đường phố rất nhiều. Bởi kẻ tấn công không phải tận mắt chứng kiến nỗi đau đớn khổ sở của nạn nhân. Ngoài ra trên mạng ẩn náu dưới những cái tên giả và những địa chỉ giả.

Quấy rối, bạo hành và khủng bố trên không gian mạng giờ đây đã trở thành một thứ vũ khí có sức hủy diệt rất lớn, để lại di chứng nặng nề cho các nạn nhân. Nhưng trớ trêu là bất cứ ai giờ đây cũng dễ dàng tiếp cận và sử dụng thứ vũ khí đó”.

Thiếu niên – Nạn nhân thường xuyên của nạn bạo hành mạng

Nạn nhân thường xuyên nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất của nạn bạo hành trên không gian mạng là những thanh thiếu niên, bởi đây là những đối tượng sử dụng điện thoại thông minh và các mạng xã hội nhiều nhất, gần như 100%.

Theo đánh giá của nhà tâm lý học Catherine Blaya - Chủ tịch Hiệp hội quốc tế chống bạo lực học đường thì có đến 41% học sinh đã từng là nạn nhân của nạn quấy rối trên không gian mạng, 7% trong số đó là nạn nhân của các vụ bạo hành, đe dọa và uy hiếp trên mạng Internet.

Tấn công trên mạng có những biến thể rất đa dạng: từ những bình luận mang tính xúc phạm, khiêu khích tới những sự đe dọa uy hiếp tống tiền, những vụ bạo hành này đôi khi dẫn đến thảm kịch giống như trường hợp của Marion, một nữ sinh 13 tuổi đã tìm đến cái chết sau khi bị quấy rối dai dẳng trên mạng.

Thiếu niên - nạn nhân thường xuyên của nạn bạo hành trên mạng.

Theo các chuyên gia, một vụ việc được xem là một vụ quấy rối hoặc bạo hành trên mạng nếu nạn nhân bị tấn công ác ý ít nhất mỗi tuần một lần và kéo dài trong một tháng. Theo tiêu chuẩn đó ở Pháp có không dưới 41% học sinh cho biết mình đã từng là nạn nhân của những cuộc tra tấn dạng như thế. Hiện tượng đó phản ánh mức độ bạo lực trong xã hội. Ở đâu mà bạo lực thường xảy ra thì ở đó bạo hành trên mạng cũng hay bùng nổ.

Trên không gian mạng, do không có sự tương tác vật lý “mặt đối mặt” giữa nạn nhân và những kẻ tấn công, lại dễ dàng ẩn nấp dưới những cái tên giả để tung ra những lời xúc phạm và hạ nhục người khác, đó là các yếu tố giúp cho các thủ phạm cảm thấy vững tin và không dễ buông tha con mồi. Người ta gọi đó là “hiệu ứng buồng lái”, dạng tâm lý của các phi công những chiếc máy bay ném bom B52 trong chiến tranh, họ ấn nút thả bom theo tọa độ và không bao giờ ngó ngàng đến những tổn thất, những chết chóc mà họ đã gây ra trên mặt đất.

Raphaelle Paolini, con gái của cựu Giám đốc Đài truyền hình TF1 (Pháp), bố mẹ chia tay khi cô mới 6 tuổi. Raphalle đã từng bị cuốn vào vực thẳm tuyệt vọng của những nạn nhân bị bạo hành trên mạng khi còn là một học sinh cấp hai, một cô gái nhút nhát và vụng về trong giao tiếp.

Mong muốn có thể hòa đồng và cởi mở hơn trong cuộc sống, cô quyết định tạo một blog, một dạng nhật ký trong đó cô kể về cuộc sống hàng ngày của mình, các kỳ nghỉ, những người bạn và những cảm xúc trong tâm hồn mình. Cô mong muốn xây dựng nên “một hình ảnh khác - tinh tế hơn, quyến rũ hơn” về mình để xóa đi hình ảnh một Raphaelle Paolini nhút nhát và hơi cứng nhắc ngoài đời như mọi người vẫn quan niệm.

Vài ngày sau khi cô khai trương blog của mình,  dồn dập đổ về là dòng thác những lời lẽ xúc phạm và hạ nhục cô thiếu nữ đáng thương, xuất phát từ khoảng 15 cái nick name. “Những lời chế giễu độc ác đối với tất cả những gì thuộc về tôi. Những nhận xét hạ nhục về hình thể, về thẩm mỹ, về quần áo, về bạn bè... tất cả mọi thứ thuộc về tôi”. 

Cô biết rõ những ai thuộc băng nhóm đang tấn công cô, nhắm mắt lại cô tưởng tượng ra cảnh họ đang xúm xít quanh màn hình máy vi tính vừa gõ bàn phím gửi những lời lẽ hạ nhục tới cô vừa cười lăn lộn với nhau. “Ngày nào các đao phủ của tôi cũng tìm cách xúc phạm tôi, mỗi ngày một cay độc hơn, họ nói tôi béo phì, gương mặt dị dạng với cặp kính dày, bụng ngấn mỡ...”. Raphaelle nhớ lại những cảm giác đắng cay khi đọc trên blog những lời bình phẩm đó.

Thay vì tìm cách nhấn nút báo động, Raphaelle đã giam mình trong cô độc và âm thầm chịu đớn đau vì tổn thương. Người mẹ chỉ biết đến tình trạng đáng báo động của cô qua một người bạn học. Nhưng tất cả đã quá muộn. Cô đã sụp đổ hoàn toàn về tâm lý. Luôn giam mình trong phòng kín, điên cuồng ăn uống vô độ. Sau hai lần cô tự tử bất thành, người mẹ đã quyết định chuyển trường cho cô, một ngôi trường nổi tiếng thuộc tốp đầu của Paris. Rất may mắn là sau đó cô đã tìm lại được ánh sáng của đời mình trong một thế giới trước đó với cô chỉ toàn là đêm đen. Năm 25 tuổi cô đã quyết định kể lại tất cả những đắng cay và thương tổn - quãng thời gian sống trong địa ngục ấy - trong cuốn sách có tên là : “Bạo hành học đường - Một hình phạt kép”

Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, những dạng bạo hành trên mạng cũng sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào giới tính của các nạn nhân. Khi nạn nhân là các thiếu nữ, mục đích chính của sự tấn công sẽ là để cô lập nạn nhân với cộng đồng học sinh bởi đó là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong một số vấn đề mà chủ yếu là lý do ghen tuông. Khi nạn nhân bị tấn công là các học sinh nam, những cuộc tấn công mang màu sắc bạo lực trên mạng thường là những cuộc “hành hình thực sự” với sự tham gia của cả một băng nhóm để phá hủy thanh danh, khêu gợi sự thù hận xuất phát từ lòng ghen tỵ hay những xung đột về giai tầng, tôn giáo.

Các nạn nhân, khi bị tấn công bạo hành về tinh thần trên không gian mạng thường trở nên bồn chồn, lo âu hay cục cằn, thô lỗ. Họ sẽ trở nên thiếu tập trung trên lớp, khó ngủ và đánh mất sự tự tin vào bản thân. Luôn rơi vào tình trạng chán chường, tuyệt vọng và có khả năng dẫn đến chuyện tự sát. Những nạn nhân này vì xấu hổ, thường tránh né chuyện trò cùng cha mẹ, nhất là trường hợp các cô gái bị tung những ảnh nóng lên trên mạng. Rất nhiều vụ xả súng trong các trường học ở Mỹ là xuất phát từ những va chạm xô xát hay bị ức hiếp xúc phạm trên mạng.

Theo Catherine Blaya, trong trường hợp phát hiện ra con mình là nạn nhân của những vụ bạo hành trên mạng, các bậc phụ huynh nên tiến hành những bước sau: Một là, chụp lại màn hình các tin nhắn có nội dung quấy rối hay bạo hành trên mạng và gửi cho quan trị viên các trang mạng có liên quan. Hai là, chặn tất cả các nguồn phát ra những cuộc tấn công khủng bố đó. Ba là, liên hệ với những người có trách nhiệm ở trường học, thông báo tên tuổi các thủ phạm hoặc những kẻ nghi ngờ là thủ phạm của các cuộc tấn công đó để có biện pháp răn đe và chấm dứt bạo hành.

Phụ Nữ - Những con mồi của bạo hành tình dục mạng

Khởi đầu mọi việc diễn ra rất tốt đẹp với Laura.  Đang là nhân viên bán hàng tại một cửa hàng đồ may sẵn cho trẻ em, không có bằng cấp gì, cô đã có may mắn được ký hợp đồng nhận vào làm tại một cơ quan thuộc Bộ Tài chính Pháp đóng tại Pantin, vị trí của một nhân viên hành chính chuyên trách việc sắp xếp giấy tờ. Bốn tháng sau đó , cô gái trẻ 29 tuổi này bắt đầu nhận được những lá thư điện tử nặc danh của một nhân vật bí ẩn tự xưng là “Olivier Calveyrac”, hắn tuyên bố đã nắm trong tay những bức ảnh khỏa thân của cô trên một số trang mạng.

Quấy rối, bạo hành và khủng bố trên không gian mạng giờ đây đã trở thành một thứ vũ khí có sức hủy diệt rất lớn, để lại di chứng nặng nề cho các nạn nhân.

Hoảng hốt, cô gái trẻ kiểm tra lại và tìm thấy rất nhiều ảnh khỏa thân của mình trên các trang mạng khác nhau, đó là những bức ảnh cô chụp tặng cho người yêu cũ trước đây. Liệu có phải một sự trả thù từ phía anh này?

Sau khi kiểm tra, cô đã loại trừ hoàn toàn khả năng này. Mọi cố gắng của cô để tìm hiểu xem kẻ giấu mặt này là ai đều không có kết quả, hắn sử dụng hàng loạt địa chỉ giả để xóa dấu vết. Thời gian sau đó cô phát hiện ra máy tính của mình đã từng bị tin tặc xâm nhập. Sau lần liên lạc đầu tiên, kẻ giấu mặt bắt đầu ra lệnh cho cô phải thực hiện các màn tự kích dục, quay lại thành những video clip để gửi cho hắn, nếu trái lệnh những bức ảnh khỏa thân của cô sẽ không chỉ bị phát tán trên mạng mà còn được gửi tới chỗ cô làm việc, tới gia đình và tất cả bạn bè.

Run rẩy vì lo sợ, cô gái trẻ trong ba năm trời đã ngoan ngoãn quỳ gối tuân theo những mệnh lệnh của hắn. “Có nhiều ngày , hắn ra lệnh cho tôi phải hoàn thành đến 5 video clip như thế”. Laura nhớ lại.

Thời gian sau đó tên đao phủ giấu mặt chuyển sang những mệnh lệnh về tiền bạc. Laura đã phải vét 3.000 euro tiền mặt và vay thêm ngân hàng 6.000 euro để chuyển cho hắn. Nhưng cô gái trẻ vẫn chưa được yên thân. Hắn luôn luôn tróc nã tiền của cô. Đến khi cô hoàn toàn kiệt quệ, hắn yêu cầu cô phải hành nghề gái điếm để có tiền gửi cho hắn. “Hắn tìm kiếm khách hàng và giới thiệu cho họ đến tận nhà để ngủ với tôi”.

Cô đơn và tê liệt vì sợ hãi, Laura cắn răng chấp nhận mọi nhục hình. Rồi đến một ngày, kẻ bạo hành cô ra một mệnh lệnh: “Phải làm tình với một đồng nghiệp cùng cơ quan do hắn sắp xếp, quay cảnh làm tình đó thành video clip gửi cho hắn kèm theo 60.000 euro!”. Yêu cầu lần này quả thật đã vượt quá sức chịu đựng của cô gái đáng thương.

Ngày 15-6-2015, Laura lấy hết can đảm để quyết định đến trụ sở cảnh sát Maisons-Alfort nộp đơn tố cáo kẻ tống tiền. “Chuyện này không thể kéo dài hơn nữa, tôi cần phải làm một điều gì đó. Tôi đã sẵn sàng chấp nhận đối mặt với mọi tình huống, kể cả bị đuổi việc”. Trong suốt ba năm trước đó Laura đã giấu kín mọi việc cho riêng mình, cố gắng không để xảy ra bất cứ điều gì bất thường trong mắt của những người thân và bạn bè, nhưng đêm nào cô phải dùng đến thuốc ngủ để có thể chợp mắt.

Bất hạnh cho cô, câu chuyện không dừng lại ở đó. Biết được thông tin Laura đã nộp đơn kiện ở cơ quan cảnh sát, kẻ bạo hành giấu mặt giận dữ điên cuồng đã tung các ảnh của cô tràn ngập trên các trang mạng khiêu dâm. Buổi tối cái ngày cô nộp đơn kiện, cô đến dự một buổi tiệc cùng với các đồng nghiệp văn phòng. Bất ngờ Laura buột miệng kể lại toàn bộ bí mật của mình cho một đồng nghiệp. Không ngờ nữ đồng nghiệp này cũng đưa cho cô xem các tin nhắn có nội dung tương tự.

“Tôi lạnh toát hết cả người lúc đó”, Laura nhớ lại. Sau khi trao đổi, hai nạn nhân đều hướng sự nghi ngờ đến một nhân vật cùng văn phòng ở Pantin. Đó là một thanh niên ngồi ở bàn ngay đối diện với Laura. Đó chính là cái tên người đồng nghiệp mà kẻ đao phủ giấu mặt đã yêu cầu cô phải quan hệ tình dục trước đó.

Đó là điều cô không thể tưởng tượng nổi. Thường ngày đó là một thanh niên dễ mến, chan hòa và lịch thiệp và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Họ vẫn thường xuyên cười đùa vui vẻ với nhau. Chỉ đến lúc này bộ mặt thật của hắn mới lộ ra.

Quyết định bằng mọi giá phải lột mặt nạ của kẻ côn đồ độc ác đã lạm dụng tình dục và tống tiền họ trong suốt ba năm qua, hai cô gái tìm đến gặp người lãnh đạo văn phòng, Laura và nữ đồng nghiệp càng choáng váng hơn khi ông ta cho biết số nạn nhân ở văn phòng không chỉ là hai mà là bốn người. “Khi chúng tôi nói ra tên của thủ phạm, ông ta tỏ ra rất bình thản, rõ ràng là ông ta biết hết những gì đang xảy ra ở đây, vậy mà...”. Laura nghẹn ngào vì căm uất: “Tôi thực sự muốn trả thù”.

Vụ kiện của Laura tuy vậy vẫn bị lâm vào ngõ cụt không thể giải quyết nổi. Theo một điều luật mới ban hành (ở Pháp), tội bạo hành và uy hiếp nạn nhân trên mạng như trường hợp của Laura sẽ bị xử từ hai năm tù và chịu án phạt 60.000 euro, trong trường hợp nghiêm trọng có thể lên đến 7 năm tù giam và chịu phạt 150.000 euro.

Điều trớ trêu với cô là điều luật này chỉ áp dụng cho các hành vi tội phạm và các vụ án xảy ra sau ngày ban hành luật, vì thế những hành vi phạm tội trong vụ án của Laura, xảy ra từ 2012 nên không thể xử theo điều luật này. Một kết luận thật là cay đắng với Laura và các nạn nhân khác.

Quốc Tuệ (tổng hợp)
.
.