Bắt cóc tống tiền lan rộng khắp thế giới
- Ukraine: Tội phạm bắt cóc tống tiền ngày càng táo bạo
- Bên trong cỗ máy bắt cóc tống tiền của IS
- Gia tăng nạn bắt cóc, tống tiền, sát hại du khách nước ngoài ở Mexico
Ma trận bắt cóc tống tiền
Vào trung tuần tháng 10-2010, nữ nhân viên cứu trợ người Anh Lineda Norgrove bị giết chết khi một toán đặc nhiệm SEAL Mỹ xộc vào hang ổ của bọn khủng bố đang bắt giữ chị làm con tin để đòi tiền chuộc. Trong tháng 9-2014, 8 du khách cũng bị giết chết trong cuộc giải cứu con tin vụng về ở Manila, Philippines. Tháng 8-2010, 3 nhân viên hàng không Nga bị bắt cóc ở Darfur.
Nữ nhân viên cứu trợ người Anh Lineda Norgrove. |
Tháng 7-2010, 4 nhà báo bị bắt cóc ở Mexico. Tháng 6-2010, đứa cháu nhỏ của một doanh nhân Nga bị bắt cóc. Tháng 5-2010, nạn nhân là một số nhân viên kỹ thuật Trung Quốc ở Nigeria. Tháng 4-2010, 8 nhân viên Chữ thập Đỏ trở thành con tin ở Cộng hoà dân chủ Congo. Tháng 3-2010, một nhà làm phim người Anh bị bắt cóc ở Pakistan. Tháng 2-2010 là số nhân viên người Pakistan của một cơ quan viện trợ Mỹ; và tháng 1-2010 là một nhà thầu Mỹ ở Iraq.
Sự thật đã cho thấy bắt cóc tống tiền đang bùng nổ để trở thành ngành kinh doanh toàn cầu béo bở đối với bọn tội phạm và khủng bố. Một chiếc tàu bị bắt cóc ở ngoài khơi Somalia được chuộc với số tiền 7 triệu USD, 550.000 USD được trả để chuộc mạng cho vợ một chủ ngân hàng người Đức, 300.000 USD cho tính mạng của một công nhân dầu mỏ và 10.000 USD tiền chuộc cho con trai một chủ cửa hiệu.
Chính quyền các nước và các công ty bảo hiểm luôn cố giấu nhẹm những khoản tiền mặt họ bỏ ra để chuộc mạng con tin. Đối với bọn bắt cóc con tin đòi tiền chuộc thì 2010 là năm kiếm bộn tiền! Từ Mexico City đến Mogadishu, từ Mosul đến Manila, những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc đang ngày càng tăng một cách bất ngờ và nạn nhân là những nhân viên cứu trợ, quan chức phương Tây, du khách và kể cả người địa phương.
Ở Mexico, chỉ tiêng năm 2008 đã có 7.000 người bị bắt cóc, ở Nigeria ít nhất là 1.000 nạn nhân trong năm 2009, và ở Somalia người nước ngoài bị bắt cóc với mức độ 106 người trong một tháng! Ít nhất 12.000 người bị bắt cóc mỗi năm, và vào giữa tháng 10-2014 hơn 2.000 người – và ít nhất 400 trong số đó là người nước ngoài – bị giam cầm trong những “nhà tù” tạm thời.
Những con số này không bao gồm nhiều ngàn trẻ em bị bắt cóc trong những vụ xung đột liên quan đến hôn nhân, hay hàng ngàn phụ nữ nạn nhân của tệ nạn bắt cóc cô dâu. Số tiền kiếm được từ tiền chuộc là rất cao và đang ngày càng tăng lên. Cảnh sát ở Nigeria ước tính những món tiền chuộc được trả trong các năm 2006 và 2008 đã vượt qua con số 100 triệu USD! Chỉ riêng Al Qaeda ở Tây Phi cũng đã kiếm hàng triệu USD từ việc bắt cóc con tin.
Alan McMenemy, vệ sĩ người Scotland, bị một nhóm chiến binh Shia bắt cóc ở Iraq cùng với 3 vệ sĩ người Anh khác và chuyên gia lập trình máy tính Peter Moore vào khoảng giữa năm 2011. Kỹ sư người Đức Johannes Hentschel và vợ là Sabine, y tá, bị quân phiến loạn Shia bắt cóc làm con tin ở Yemen trong tháng 6-2009 cùng với 3 đứa con nhỏ của họ là Lydia, Anna và Simon. Ngoài ra còn có thêm 4 người khác nữa – đó là kỹ sư Anh Anthony Saunders, 2 nhân viên y tế người Đức và một giáo viên người Hàn Quốc.
Cả nhóm 9 người này bị bắt cóc khi họ đang đi chơi dã ngoại ở phía bắc Yemen. Anthony Saunders từng làm việc trong một bệnh viện cho chương trình cứu trợ Christian Aid. Cả hai nhân viên y tế Đức và giáo viên Hàn Quốc được tìm thấy đã chết vào vài ngày hôm sau.
Phóng viên Pháp Stephane Taponier và nhà quay phim Herve Ghesquiere bị bắt cóc trong tháng 12-2009 ở Afghanistan khi họ đang làm việc cho kênh truyền hình Pháp France 3, cùng với 3 đồng nghiệp người Afghanistan. Khi họ đang lái xe ở tỉnh Kapisa, Afghanistan, thì bất ngờ chiếc xe của họ rơi vào ổ mai phục của quân Taliban. Mục đích bắt cóc con tin của quân Taliban là nhằm đạt được một số thương lượng để thả những người của chúng bị giam giữ tại Afghanistan hay trong các nhà tù của Mỹ.
Những gì từng một thời là hành động của quân phiến loạn hay du kích nhằm mục đích chính trị, hay cố để mặc cả về tù binh thì bây giờ đang ngày càng trở thành một “ngành kinh doanh toàn cầu béo bở” phát triển mạnh từng ngày.
Hiện thời, phần lớn những vụ bắt cóc nhằm đòi tiền chuộc, với mức giá có thể lên đến 1,6 triệu USD. Và cũng từ đó mà cả một bộ máy kinh doanh khổng lồ bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều để chống lại bọn tội phạm loại này – đó là những công ty đề nghị hợp đồng bảo hiểm cho bắt cóc và tiền chuộc, những nhà thương lượng được trả giá cao, rồi đến đội ngũ những luật sư và vệ sĩ. Bắt cóc con tin đòi tiền chuộc là một trong những lĩnh vực “kinh doanh” trị giá đến 1,5 tỷ USD/năm!
“Đội ngũ nhân viên” của kỹ nghệ này có thể là những thằng nhóc lưu manh lang thang ở Sudan hay Tây Phi sẵn sàng bắt cóc con cái của một doanh nhân giàu có hay một công nhân dầu mỏ người Mỹ (có giá khoảng 35.000 USD) để bán cho những băng nhóm bắt cóc dày dạn kinh nghiệm. Và, dĩ nhiên, “nguyên liệu thô” của kỹ nghệ tội phạm này là những người không được bảo vệ – mà bọn tội phạm gọi là “vàng biết đi” – hay những người đã đến những nơi không nên đến và đến không phải lúc. Họ sẽ bị bắt cóc để sau đó được bọn tội phạm quy ra thành… tiền mặt.
Theo nhận thức của công chúng, con tin của bọn bắt cóc đòi tiền chuộc chủ yếu là những người như Terry Waite (tổng giám mục trong phái đoàn đặc biệt của thành phố Caterbury nước Úc, người bị một nhóm chiến binh Hồi giáo bắt cóc làm con tin ở Beirut trong gần 5 năm), hay John McCarthy (bị nhóm Islamic Jihad bắt cóc ở Beirut bắt làm con tin trong 4 năm), và Brian Keenam (4 năm làm con tin của nhóm Islamic Jihad ở Beirut).
Tất cả đều bị bắt cóc để có được thoả thuận nào đó với chính quyền của nạn nhân hay nhằm công bố nguyên nhân của cuộc nổi loạn. Nhưng cũng có một người Mexico bị một cartel ma tuý bắt cóc, hay những người như cặp vợ chồng người Anh Paul và Rachel Chandler bị cướp biển Somalia bắt cóc.
Vấn đề nhức nhối của Nam Mỹ
Bắt cóc con tin thường được coi là vấn đề trầm kha ở vùng đất Nam Mỹ đầy xáo trộn – trước năm 2004, khu vực này chiếm 65% trong số tổng cộng những vụ bắt cóc xảy ra trên toàn thế giới.
Cảnh sát liên bang Mexico tuần tra đường phố Acapulo sau khi xảy ra vụ 20 du khách nước ngoài mất tích cuối tháng 9-2010 được cho là bị bọn tội phạm ma tuý bắt cóc. |
Trong năm 2009, con số này đã tụt xuống còn 37% do loại tội phạm bắt cóc con tin bùng nổ sang những nơi khác: Philippines, Afghansitan, Nigeria, Vịnh Guinea, Mexico, Sudan (gia tăng rõ rệt từ sau khi 13 cơ quan cứu trợ bị trục xuất khỏi quốc gia này trong tháng 3-2009), Cộng hoà dân chủ Congo, Pakistan (5 vụ xảy ra trong một tuần), vùng tây bắc châu Phi, Iraq, Nepal, Haiti (nạn nhân là doanh nhân nước ngoài, công nhân xây dựng và nhân viên cứu trợ) và Yemen (điểm nóng với ít nhất 220 người nước ngoài bị bắt cóc từ năm 2004). Giải quyết vấn đề con tin vô cùng rắc rối.
Những con tin Mexico không được xử lý tốt, và có khả năng bị chặt mất một bàn tay nếu bọn bắt cóc nghĩ rằng bên trả tiền chuộc cần phải tăng mức tiền lên khoảng 1.000 USD. Nếu sự thương lượng không diễn ra suôn sẻ, con tin có thể bị mất mạng.
Ở Nigeria, ngược lại, những con tin hiếm khi bị gây tổn hại và bọn bắt cóc cho nạn nhân của chúng ăn uống đầy đủ. Taliban ở Afghanistan và phiến quân ở Iraq, cũng như bọn tội phạm, hiện nay lợi dụng bắt cóc con tin chủ yếu để kiếm tiền.
Từ năm 2004, ước tính 200 người nước ngoài và hàng ngàn ngoại kiều bị bắt làm con tin ở Iraq. Nigeria là quốc gia đứng hàng thứ 4 trong 10 điểm nóng bắt cóc con tin trên thế giới.
Từ năm 2006, các nhóm chiến binh ở Niger Delta đã bắt cóc hơn 200 công nhân dầu mỏ nước ngoài. Khi các công ty dầu khí phản ứng lại mối đe dọa bằng cách rút đi những nhân viên nước ngoài hay thuê công ty an ninh công nghệ cao, các nhóm chiến binh chuyển sang bắt cóc những người dân Nigeria trung lưu và con cái của họ.
Mặc dù khoản tiền chuộc không cao như con tin người nước ngoài (chưa đến 30.000 USD so với 200.000 USD cho con tin người nước ngoài), nhưng trong năm 2014 đã xảy ra 500 vụ bắt cóc con tin người Nigeria. Danh tính của các nạn nhân thỉnh thoảng được biết đến – ví dụ như là Johannes và Sabine Hentschel, Stephane Taponier, và Herve Ghesquiere. Nhưng 10.000 người trong số họ chỉ được lên danh sách như là “nhân viên cứu trợ”, “kỹ sư” hay là “con trai của một doanh nhân”.
Điều này khiến cho những nạn nhân này trở thành những người không quan trọng đối với bất kỳ ai trừ ra gia đình và bạn bè của họ. Cho dù những nạn nhân này cũng phải trả tiền chuộc rất cao. Như con trai của một ông chủ cửa hàng bánh kẹo ở thành phố Baghdad (Iraq) được thả sau khi người cha trả món tiền đến 10.000 USD. Nhân viên, hay tàu thuyền phương Tây có giá rất cao. Hai người Đức bị bắt cóc ở Nigeria mang về cho bọn tội phạm 430.000 USD; và 7 triệu và 3 triệu USD tiền chuộc cho sự trở về của hai chiếc tàu nước ngoài trong năm 2009. Thậm chí có những vụ trở nên hết sức tồi tệ khi mà những tên bắt cóc hấp tấp và không đủ kiên nhẫn chờ đợi tiền chuộc.
Năm 2009, một cậu bé ở Baghdad bị giết chết do người cha không kiếm ra ngay được số tiền khổng lồ 100.000 USD theo yêu cầu trong vòng 48 giờ. Tiếp đến là Maria Boegerl, vợ của một chủ ngân hàng Đức. Người chồng bỏ 550.000 USD trong túi rác để ở một nơi chính xác bên ngoài xa lộ A7 ở Đức, nhưng bọn bắt cóc không lấy được tiền và thế là xác của người vợ được tìm thấy vào vài tuần sau đó. Người ta cho rằng có lẽ túi rác đã bị công nhân vệ sinh Đức lấy đi.
3 tên bắt cóc tống tiền bị cảnh sát Nigeria bắt giữ hồi tháng 1-2017. |
Các chính quyền thường chống đối việc trả tiền chuộc, dù họ luôn phủ nhận điều này. Trong tháng 8-2014, chính quyền Tây Ban Nha bị chỉ trích kịch liệt khi bị cho là đã không nhanh chóng trả món tiền chuộc lớn cho Al - Qaeda để giải thoát cho 2 nhân viên cứu trợ người Tây Ban Nha bị bắt cóc ở Mauritania trong tháng 11-2013. Nhật báo Tây Ban Nha El Mundo đưa tin 2 nhân viên này chỉ được thả sau khi bọn Al Qaeda nhận được số tiền chuộc hơn 5 triệu USD.
Năm 2006, chính quyền Pháp, Italia và Đức đã phải cắn răng trả những món tiền chuộc từ 2,5 triệu đến 10 triệu USD cho mỗi đầu người để giải thoát cho 9 con tin bị bắt cóc ở Iraq. Chính quyền Anh nhấn mạnh họ chưa bao giờ trả tiền chuộc và không muốn công khai có tất cả bao nhiêu người Anh bị bắt cóc tống tiền.
Hiện nay, “kỹ nghệ” bắt cóc đòi tiền chuộc cũng tạo điều kiện kiếm tiền ngon lành cho doanh nghiệp an ninh tư nhân. Ví dụ, các công ty phương Tây – như là Chevron, Adobe, Halliburton và Royal Dutch Shell – đề nghị hợp đồng bảo hiểm bắt cóc. Những công ty an ninh tư nhân còn đề nghị chương trình cố vấn đối phó với nguy cơ bắt cóc, tư vấn về an ninh, cách thương lượng với bọn bắt cóc… Tiền phí bảo hiểm đóng cho các công ty trên toàn thế giới tổng cộng là gần 400 triệu USD! Tiền chuộc theo yêu cầu của bọn cướp biển hoạt động ở ngoài khơi Somalia được coi là “trên trời”.
Anthony Grey, một cựu con tin, nói: “Tại sao không có một tổ chức quốc tế giải quyết những vụ bắt cóc tống tiền trên toàn thế giới?” Terry Waite, một cựu con tin người Anh khác nói: “Có lẽ những vụ thương lượng con tin nên được trao cho một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, nằm dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc hay Chữ thập Đỏ, hơn là đùn đẩy cho những công ty tư nhân hay chính quyền một quốc gia”.