Bóng lăn cùng nắm đấm, dùi cui và những lời kích động hận thù!

Thứ Hai, 20/06/2016, 11:00
Mới hơn một tuần quả bóng tròn lăn trên các SVĐ Pháp mà Euro 2016 đã được ghi nhận là một giải thi đấu bóng đá đậm màu bạo lực nhất Âu lục với những cảnh hỗn chiến đẫm máu giữa hai lực lượng cổ động viên Nga - Anh nổi tiếng côn đồ, giữa lực lượng cảnh sát và cổ động viên, thậm chí giữa giới quan chức bóng đá những nước có liên quan và kéo theo cả giới ngoại giao.

Chưa bao giờ tinh thần thi đấu bóng đá lại bị tinh thần dân tộc cực đoan bôi bác như trong giải đấu năm nay.

Mở đầu giải đấu, trong hai ngày 10 và 11-6, cảnh sát Pháp đã bắt giữ hơn 40 cổ động viên (CĐV) Nga với cáo buộc gây rối bạo lực tại thời điểm trước và sau khi diễn ra trận đấu giữa hai đội tuyển Anh và Nga tại thành phố Marseille. Nhóm người này được cho là có liên quan đến 3 vụ loạn đả bạo lực chưa từng thấy, trong đó có 1 vụ hỗn chiến nổ ra ngay trong sân Velodrome. Sau 3 vụ ẩu đả, báo chí châu Âu đưa tin có ít nhất 150 CĐV Nga bị liệt vào nhóm đặc biệt nguy hiểm, là nhóm người “châm ngòi” chính cho các cuộc xung đột.

Cổ động viên Nga đến EURO 2016 với khí thế “tấn công” hừng hực.

Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA lập tức ra thông báo, trong đó nhấn mạnh: “UEFA mạnh mẽ lên án những vụ bạo lực ở Marseille. Những người tham gia các vụ ẩu đả này hoàn toàn không có tinh thần bóng đá". “Chúng tôi hy vọng Hiệp hội bóng đá Anh (FA) và Liên đoàn bóng đá Nga (RFU) hãy kêu gọi các CĐV hành xử tôn trọng và có trách nhiệm. Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của các quan chức và lực lượng an ninh Pháp để giữ gìn an ninh, an toàn cho giải đấu trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn”.

Chính phủ Pháp ngày 12-6 cam kết sẽ trục xuất các cổ động viên quá khích nước ngoài, không để tình trạng bạo lực trong thời gian diễn ra Vòng chung kết EURO 2016 có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của cảnh sát đang nỗ lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết đã đề nghị các quan chức địa phương đưa ra lệnh trục xuất đối với những cổ động viên nước ngoài có hành vi gây rối trật tự công cộng.

Ngay sau đó, cảnh sát Pháp phải tăng cường các biện pháp thắt chặt an ninh và tăng cường quân số ứng trực đến 4.000 người ở thành phố Lille, nơi diễn ra trận cầu của đội tuyển Nga với đội Slovakia. Tại đây, 4 CĐV Nga bị bắt giữ nhưng đã được thả sau khi uống rượu và lái xe gây nguy hiểm, đồng thời xô xát với CĐV Anh tại trung tâm thành phố Lille vào đêm 14-6.

Cũng trong ngày này, theo thông tin từ hãng AFP, nhà chức trách Pháp sau khi kiểm tra hành chính 29 CĐV Nga đang trú tại tại một khách sạn ở thành phố Marseille đã quyết định lập tức tống họ ra khỏi biên giới nước Pháp, vì lo ngại nhóm người này có thể tạo nên những xung đột tiếp theo giữa các nhóm CĐV quá khích trong những trận đấu sắp tới của Euro 2016.

Một sự việc khác khiến dư luận Nga bất bình là hàng trăm cảnh sát vũ trang của Pháp đã chặn bắt một xe bus chở hơn 50 CĐV Nga ở Cannes do nghi ngờ trên đó có các hooligan trà trộn. Sau đó, trên trang cá nhân của một số CĐV “đầu gấu” thực thụ lan truyền những mẩu đàm tiếu nhạo báng cảnh sát Pháp tuy được trang bị tận răng nhưng đã “bé cái lầm”!

3 ngày sau vụ đụng độ của các cổ động viên quá khích trong trận đấu giữa đội tuyển Nga và Anh trên sân vận động ở thành phố Marseille, Liên đoàn Bóng đá Nga chính thức nhận án phạt 150.000 euro cùng lời cảnh cáo sẽ bị loại khỏi giải nếu không có niện pháp hay lời kêu gọi CĐV nước mình ngừng gây rối.

Bạo loạn leo thang tại EURO 2016.

Theo Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko, hình phạt mà UEFA áp dụng đối với Liên đoàn bóng đá Nga là “quá đáng” nhưng phía Nga vẫn đường hoàng chấp hành hình phạt này.

Phản ứng trước vụ chặn bắt xe bus chở hơn 50 CĐV Nga ở Cannes, ngày 15-6, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Pháp tại Moscow để phản đối hành động của cảnh sát Pháp mà Moscow cho là “phân biệt đối xử” với các cổ động viên bóng đá Nga.

Đại diện ngoại giao Nga nhấn mạnh, đây là các hành động nặng tính kỳ thị CĐV Nga, làm gia tăng tâm lý chống Nga và có thể làm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Nga xấu đi. Trong khi đó, tạp chí bóng đá Goal đưa tin: thành viên ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Nga, Igor Lebedev không những không thấy hối tiếc về hành vi quá khích của lực lượng cổ động viên nước mình mà còn lên tiếng ca ngợi các phần tử này đã “lập chiến tích” gây rối tại khắp các địa điểm công cộng tại Marseille.

Ông ta còn cổ vũ các cổ động viên này cứ tiếp tục “nêu cao tinh thần chiến đấu”! “Tại sao phải xấu hổ khi nhìn người hâm mộ nước nhà chiến đấu. Mọi người hãy tiếp tục chiến đấu và tôi cũng sẽ dạy con trai của mình về điều này”, Igor Lebedev chia sẻ trên trang cá nhân. Sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi biết rằng, Igor Lebedev là thành viên của đảng Dân chủ tự do dân tộc và là… nghị sĩ cao cấp trong Quốc hội Nga.

Giới chức an ninh và truyền thông nước chủ nhà Pháp đang “đồng thanh tương ứng”

bằng loạt phản ứng gay gắt trước sự quá khích và bạo lực của các CĐV Nga. Sau vụ bạo động ngày 11-6 ở Marseille, các quan chức an ninh Pháp đã tố cáo các CĐV Nga là “những kẻ được đào tạo chuyên nghiệp và siêu bạo lực” và đến Pháp với mục tiêu duy nhất là gây rối, tấn công CĐV các đội bóng khác và phá hoại EURO 2016. Còn trên báo chí Anh, nước có đông CĐV bị tấn công nhất cũng lớn tiếng công kích CĐV Nga và cho rằng cảnh sát Pháp cần mạnh tay hơn với CĐV Nga.

EURO 2016 tiếp tục chứng kiến cảnh tượng bạo loạn bên ngoài sân cỏ giữa các nhóm CĐV quá khích. Hôm 15-6, sau khi trận đấu giữa đội tuyển Nga và đội tuyển Slovakia khép lại, hàng trăm CĐV Anh đã đổ xuống “mừng đến điên cuồng trước thất bại của những chú gấu Nga”. Họ thậm chí còn hô vang “Chúng tôi ghét nước Nga” trên khắp các con phố của thành phố Lille.

Cảnh sát Pháp dùng hơi cay và dùi cui nhằm trấn áp các cổ động viên quá khích của đội tuyển Nga.

Các nhóm “đầu gấu” Nga cũng không chịu lép. Hơn 400 CĐV đến từ xứ Bạch Dương đã gửi lời đe dọa tới người Anh rằng họ sẽ đáp trả bằng bạo lực. Trước những diễn biến trên, cảnh sát Pháp đã buộc phải sử dụng hơi gas và dùi cui để giải tán đám đông, đồng thời bắt giữ 36 kẻ quá khích tham gia vụ bạo loạn trên. Một số dân thường cũng đã bị thương do bị những CĐV người Anh giẫm đạp trong lúc bỏ chạy. Hậu quả là đã có tổng cộng 16 người phải nhập viện trong buổi tối ngày 15-6.

Trên thực tế, cuộc chiến giữa các CĐV các nước và cuộc chiến công kích nhau giữa truyền thông Nga và phương Tây rất khó phân biệt đúng hay sai. Ngoài các CĐV Nga thì các CĐV Anh cũng là những người có truyền thống gây rối vào mỗi giải bóng đá lớn. Chính các CĐV Anh đã gây ra những vụ xô xát bạo lực đầu tiên vào ngày 10-6 tại Marseille với dân bản địa trước khi gây chiến với CĐV Nga.

Tại Lille vào đêm 15-6, trước thềm trận đấu giữa ĐT Anh với ĐT Xứ Wales tại Lens gần đó, các CĐV Anh cũng đã đập phá nhiều quán bar ở trung tâm Lille sau khi uống rượu và lại tiếp tục đụng độ với CĐV Nga. Cảnh sát Pháp đã bỏ tù ít nhất 2 CĐV Anh với thời hạn 2 và 3 tháng sau các vụ bạo loạn tại Marseille. Các chuyên gia an ninh nhận định: tình trạng bạo lực gia tăng giữa các CĐV Nga với CĐV các nước châu Âu trong dịp EURO 2016 này không phải ngẫu nhiên.

Một mặt, các CĐV quá khích của Nga, được gọi là các “tay đầu gấu” mang bản chất cực kỳ hung hãn và họ đến Euro 2016 dường như chỉ với mục đích gây sự với CĐV đối phương khi đi xem bóng đá. Trong tình hình này, sự căng thẳng đối đầu giữa Nga với châu Âu vài năm qua dường như đã làm sống lại không khí thù địch Đông-Tây của thời Chiến tranh lạnh trong quá khứ.

M.Q. (tổng hợp)
.
.