Bán con là kế sinh nhai chứ không phải hành vi phạm tội?!

Thứ Ba, 07/02/2017, 12:15
Stanka thừa nhận đã từng bán đứa con sơ sinh của mình sang Hy Lạp với giá 3.500 euro (khoảng 3.700USD). Một tội ác mà Stanka phải trả giá bằng án tù.

"Trong thị trấn chúng tôi hầu như mọi người đều bán trẻ con sang Hy Lạp. Ít nhất thì tôi cũng mua được căn nhà nhỏ bằng đồng tiền bẩn thỉu. Tôi không hề lãng phí một đồng nào. Nhiều người thấy chuyện bán con nhỏ lấy tiền quá dễ nên họ lao vào ăn xài hoang phí. Khi nhẵn túi, họ lại tiếp tục bán đứa bé kế tiếp".

Đó là tiết lộ gây choáng của Stanka Raycheva, khoảng tuổi 30, thuộc cộng đồng thiểu số người Roma ở thị trấn Ekzarth Antimovo, cách cảng Burgas ở Biển Đen chừng 40km. Stanka thừa nhận đã từng bán đứa con sơ sinh của mình sang Hy Lạp với giá 3.500 euro (khoảng 3.700USD). Một tội ác mà Stanka phải trả giá bằng án tù.

Stanka bắt đầu khóc khi nhớ lại lúc một số người từ thành phố lớn lân cận tìm đến nhà và đề nghị mua đứa con thứ 3 của bà. Mọi người đều bán con như thế cả. Stanka nghĩ đó là giải pháp giúp bà giải quyết cuộc sống. Hiện nay, Stanka sống với chồng và 2 đứa con, 10 và 12 tuổi, trong căn nhà đã xuống cấp. Stanka chỉ là một trong số hàng chục phụ nữ nước này bán trẻ sơ sinh mỗi năm cho những cặp vợ chồng hiếm muộn ở Hy Lạp.

Căn nhà tồi tàn của Stanka ở Ekzarth Antimovo. Stanka bán con trai sơ sinh với giá 3.500 euro.

Người ta nghi ngờ con số thật sự có lẽ đến hàng trăm. Theo tài liệu tòa án mà Mạng Phóng sự điều tra Balkan (BIRN) - đặt trụ sở tại thủ đô Belgrade của Serbia - có được, những người mẹ bán con sơ sinh được trả từ 1.000 đến 5.000 euro. Jeta Xharra, nữ Giám đốc BIRN ở Kosovo cho biết, phụ nữ - thường chỉ mới 18-19 tuổi và hiếm khi lớn hơn 25 tuổi - quyết định bán đứa con từ khi đang mang bào thai không mong muốn, thậm chí có những trường hợp cố mang thai với mục đích duy nhất là để bán con.

Cảnh sát Bulgaria cho rằng nạn bán trẻ sơ sinh sang Hy Lạp đã xuất hiện từ thập niên 1990, khi quốc gia Đông Âu này bất ngờ mở cửa biên giới. Nhưng loại tội phạm này chỉ thật sự bùng nổ trong những năm gần đây, nhất là khi Bulgaria gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2007.

Khu ổ chuột Dolno Ezerovo ở Burgas, phía đông nam Bulgaria.

Bọn buôn trẻ em tập trung vào những khu ổ chuột của người Roma sống quanh hai thành phố cảng Biển Đen là Burgas và Varna cũng như khu vực phía đông nghèo khó - bao gồm các thị trấn Sliven, Yambol và Stara Zagora nằm giữa vùng bờ biển và thủ đô Sofia giàu có của Bulgaria. Một thị trường sẵn sàng chờ đợi ở Hy Lạp, nơi có rất nhiều cặp vợ chồng không con sẵn sàng trả tiền để tránh né hệ thống nhận con nuôi của nhà nước có thể khiến họ chờ đợi dài cổ đến 7 hoặc 8 năm. Không giống như Bulgaria, Hy Lạp cho phép hệ thống tư nhân cung cấp con nuôi cho nên nạn buôn trẻ em càng dễ phát triển hơn nữa.

Trung tâm Trẻ em Mitera ở Athens - tổ chức nhận con nuôi lớn nhất Hy Lạp - cho biết chỉ có 5 trong số khoảng 500 vụ nhận con nuôi là liên quan đến hệ thống nhà nước. Mỗi năm, trung tâm nhận được 150 đến 200 lá đơn xin con nuôi song chỉ có thể giải quyết được 35 vụ. Thông thường con trai được chuộng hơn nên đắt tiền hơn. Bọn con buôn đối xử với phụ nữ mang thai như là những người cung cấp hàng hóa, nhốt họ trong những căn nhà tồi tàn và không được phép rời đi cho đến thời khắc sinh con.

Stanka kể câu chuyện của bà: "Tôi bị nhốt trong căn hộ cùng với 2 phụ nữ mang thai khác. Tôi thậm chí không biết bọn họ đưa tôi đến nơi đâu. Có lẽ đó là thành phố bắt đầu với chữ R. Đến lúc chuyển dạ, họ chở tôi đến bệnh viện và có vẻ như họ quen biết với đội ngũ y tế ở đây. Sau khi sinh xong, họ ném tiền cho tôi - nhưng chỉ một nửa số tiền đã thỏa thuận - rồi bắt đứa bé sơ sinh. Cuối cùng, họ trả tôi về lại Bulgaria".

Những căn nhà tráng lệ ở khu Kameno được xây dựng từ tiền bán con.

Stanka và những người mẹ bán con khác nói với BIRN rằng đội ngũ y tế trong bệnh viện có lẽ được tổ chức bởi bọn buôn người nên chắc chắn biết rõ bọn chúng đang làm gì. Một sĩ quan cảnh sát Bulgaria khẳng định: "Mạng lưới buôn trẻ sơ sinh chắc chắn không thể hành động nếu không có sự tiếp tay từ các bác sĩ, luật sư địa phương và có khi cả công tố viên".

Một cặp vợ chồng người Hy Lạp sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm của họ cách đây chừng một thập niên với BIRN. Không thể có con được cho nên Elena (không phải tên thật) đã cố gắng trong suốt nhiều năm để tìm con nuôi qua Trung tâm Trẻ em Mitera của nhà nước nhưng không có kết quả. Cuối cùng, Elena và chồng quyết định chi tiền để có con nuôi. Họ gặp một luật sư ở Athens có khả năng tìm được trẻ sơ sinh từ Bulgaria.

Hai vợ chồng trả 25.000 euro và không bao lâu sau được vị luật sư sắp xếp một cuộc gặp mặt bên ngoài một trong những bệnh viện lớn ở Athens. Elena cùng với cha ngồi chờ trong ôtô. Sau đó, một trong những tên buôn người xuất hiện, đến mở cửa xe rồi đặt em bé vào lòng Elena. Cuối cùng, Elena cũng được làm mẹ, cho dù chỉ là mẹ nuôi. Sau đó, hai vợ chồng hoàn tất mọi thủ tục pháp lý nhận con nuôi. Về lý thuyết, các cơ quan dịch vụ xã hội sẽ kiểm tra sức khỏe đứa bé. Nhưng trên thực tế chẳng có vụ kiểm tra nào diễn ra.

 Giới lãnh đạo người Roma đồng ý rằng, nạn nghèo đói thúc đẩy phụ nữ trong cộng đồng bán con của chính họ đẻ ra mà không hề có ý thức về đạo đức. Michael Stefanov từ tổ chức chống buôn người gọi là A1 nhận định: "Đối với họ, đứa trẻ không có giá trị gì lớn lao! Họ không nhận thức rằng bán một đứa bé là phạm tội. Tất cả chỉ là kế sinh nhai".

Bên trong tòa án địa phương ở Burgas: Silvia Dinkova (giữa) với người chồng Racho Dinkov và người láng giềng Stanka Raycheva. Cả 3 người bị buộc tội buôn trẻ sơ sinh.

Gancho Iliev, người Roma lãnh đạo tổ chức phi chính phủ (NGO) A1 giúp đỡ cộng đồng của ông ở vùng Stara Zagora, cho biết điều kiện sống trong các khu ổ chuột tập trung hết sức thảm hại: "Không có thế kỷ 21, không nước, không điện. Mọi người phải nằm ngủ ngay trên sàn nhà bẩn thỉu, cùng với những con gà và thú nuôi. Họ bị cách ly khỏi xã hội của người Bulgaria. Không có nền giáo dục đúng nghĩa, cũng không có hệ thống chăm sóc y tế hay tôn giáo. Gần như mọi người đều không có việc làm mà chỉ có vài người sống với nghề làm nông hay cọ rửa đường phố để kiếm tiền tiêu vặt hàng ngày. Đối với họ không có các giá trị và đạo đức". Trong khi đó, Gancho Iliev nói thẳng, chính quyền không giúp đỡ gì nhiều và không có ý chí chính trị thực sự để cải thiện cuộc sống của người Roma.

Lực lượng cảnh sát ở cả hai quốc gia Bulgaria và Hy Lạp đều nói rằng rất nhiều vụ buôn người khó phát hiện được, đặc biệt khi nỗ lực hợp tác điều tra xuyên biên giới cũng chẳng dễ dàng gì. Một sĩ quan cảnh sát chống buôn người của Hy lạp cho biết thách thức lớn nhất là chứng minh giao dịch tài chính của mạng lưới buôn người. Do đó, nếu không bắt được quả tang thì khó lòng đưa bọn buôn người ra xét xử trước tòa.

Jeta Xharra, nữ Giám đốc BIRN ở Kosovo.

Theo đánh giá của một chuyên gia làm việc cho Tổng cục Chống tội phạm có tổ chức (GDPOP) của Bulgaria, chỉ có khoảng 1 trong 10 vụ buôn người ở Bulgaria được xử lý. Cách đây một thập niên, chính quyền Bulgaria thắt chặt luật về buôn người và nước này có những mức án phạt được coi là nặng nhất châu Âu. Bất cứ ai thuyết phục phụ nữ bán con nhỏ đều phải đối mặt với mức án tù 15 năm và người mẹ cũng có thể bị truy tố trước pháp luật.

Tuy nhiên, bằng chứng khó thu thập đồng thời phụ nữ nạn nhân cũng luôn giữ im lặng. Mặc dù có những vụ liên quan đến những bà mẹ ở hai nước láng giềng như là Albania và Romania, song có vẻ như Bulgaria là trung tâm của mạng lưới buôn trẻ sơ sinh. Theo số liệu thống kê của cảnh sát Hy Lạp, từ năm 2010 đến 2015 có hơn một nửa số người - chủ yếu là bọn buôn người - bị bắt giữ tại nước này do liên quan đến đường dây cung cấp con nuôi bất hợp pháp.

Michael Stefanov phát biểu với BIRN: "Chúng tôi nghĩ rằng Bulgaria là quốc gia dẫn đầu về nạn buôn trẻ sơ sinh. Bởi lẽ nước này gần Hy Lạp hơn và những con đường đưa phụ nữ mang thai vào Hy Lạp cũng dễ dàng hơn. Trong khi đó, phụ nữ Albania đối mặt với những biện pháp kiểm soát tại biên giới chặt chẽ hơn".

Các công tố viên và cảnh sát Bugaria thừa nhận tình trạng không bị trừng phạt lan rộng đã tạo điều kiện cho phụ nữ bán con sơ sinh ngày càng nhiều hơn. Một cô gái từng bán con mới đẻ, sống ở khu nghèo khổ Kameno gần Burgas, cho biết: "Khi mà anh sống trên bờ vực của sự sống còn và không có khả năng nuôi con, anh sẽ nhìn thấy ngày càng có thêm nhiều gia đình lên đường đến Hy Lạp cùng với phụ nữ mang thai và lúc trở về thì không thấy em bé đâu cả… Rồi sau đó người ta bắt đầu tổ chức tiệc tùng ngay vào đêm trở về bởi vì trong túi đã có rủng rỉnh tiền".

Cô gái chỉ một khu nhà ọp ẹp có nhiều phụ nữ mang thai sẵn sàng bán con. Đối diện với nó là khu nhà nhiều tầng được sơn phết đẹp đẽ với những bức tường cao bao bọc xung quanh. Những người sống trong đó có cả ôtô thông minh đỗ trong vườn nhà. Cánh đàn ông thì đeo dây chuyền vàng, lắc và nhẫn vàng. Theo cảnh sát và người địa phương, khoảng một nửa số "nhà đẹp" đó được xây dựng từ tiền bán trẻ sơ sinh. Còn chính quyền địa phương vẫn nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng đau buồn này!

Cảnh sát Burgas biện minh rằng, họ rất ít có hy vọng thu thập bằng chứng để truy tố ra tòa. Tháng 5-2015, 3 kẻ buôn trẻ sơ sinh - Stanka Raycheva và hai vợ chồng Racho Dinkov và Silvia Dinkova - thú nhận họ đưa một phụ nữ mang thai đến thành phố Lamia của Hy lạp vào năm 2010. Người mẹ bán con được xét xử trong một phiên tòa riêng.

Cuối cùng, 2 tên buôn người chỉ mang án tù treo chưa đến 3 năm và tên còn lại chỉ phải đóng tiền phạt! Một sĩ quan cảnh sát ở Burgas đồng ý với BIRN rằng những bản án quá nhẹ như thế không thể răn đe được ai cả. Trong khi đó, nhiều người Bulgaria lập luận một cách "vô tư" rằng, những đứa bé được nhận làm con nuôi ở Hy Lạp sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn chị em của chúng đang phải sống ở những khu ổ chuột bẩn thỉu, nhếch nhác và nghèo khổ.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.