Campuchia với cuộc chiến chống buôn lậu ngà voi

Thứ Sáu, 15/02/2019, 13:35
Trong tháng 1-2019, việc khám phá ra những mánh khóe trong kỹ nghệ buôn bán đồ chạm khắc từ ngà voi ma mút đã tuyệt chủng, là bằng chứng mới nhất cho thấy Campuchia đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống buôn lậu ngà voi toàn cầu. Chính phủ Campuchia đã đối phó với thực trạng nan giải này sao?


Sôi động thị trường ngà voi ma mút

Vào những ngày đầu của năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Hiệp hội động vật học Hoàng gia Scotland (RZSS) đã có một khám phá đáng kinh ngạc: Một món trang sức bằng ngà voi được lấy từ khu chợ ở thủ đô Phnom Penh, nó được chế tác từ ngà của loài voi ma mút từng sống cách đây hơn 1 vạn năm. Đây là lần đầu tiên ngà voi ma mút được tìm thấy ở Vương quốc Campuchia. Nhưng nó không hẳn là cái ngà voi cuối cùng.

Công tác khoan các mẫu vật ngà voi tại phòng thí nghiệm WildGenes tại Sở thú Edinburgh (Scotland). Ảnh nguồn: Fredrik Lerneryd/AFP.

Ông Alex Ball, quản lý chương trình tại Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WildGenes có phòng thí nghiệm tại Sở thú Edinburgh thảng thốt nói rằng, tổ chức của ông đã rất “sốc” khi tìm thấy ngà voi ma mút được bán ở Campuchia. WildGenes là chuyên gia hàng đầu chuyên phân tích ADN từ các mẫu ngà voi ở Campuchia và là đối tác của Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), phát biểu: “Bằng chứng trên đã gây ngạc nhiên cho chúng tôi khi tìm thấy hẳn một cái ngà voi ma mút, càng ngạc nhiên hơn khi nó xuất hiện ở một xứ sở nhiệt đới như Campuchia”. 

Sự hiện diện của ngà voi hóa thạch ma mút cho thấy rằng Campuchia đang nổi lên như là một trung tâm cho hoạt động buôn bán ngà voi phi pháp, và ngày càng được kết nối quốc tế sâu rộng hơn. Ông Richard Thomas, điều phối viên truyền thông toàn cầu cho mạng lưới giám sát buôn bán thú hoang Traffic cho rằng phát hiện “động trời” trên như một con dao 2 lưỡi. Ông Thomas giải thích: “Một mặt, sự hiện diện của ngà voi ma mút sẽ làm giảm nhu cầu dùng ngà voi, nhưng mặt khác, sự hiện diện của nó cũng làm kích thích thị trường ngà voi”.

Nạn săn trộm ngà voi đã đe dọa sự tồn vong của dân số loài voi toàn cầu, tước đi sinh mạng 3 vạn con voi mỗi năm. Năm 2015, dân số loài voi châu Phi ước tính khoảng 415.000 con (đã giảm 25% kể từ năm 2006). Sự gia tăng nạn săn trộm ngà voi – điều tồi tệ ở châu Phi đã được nhìn thấy trong vòng 50 năm – có khả năng là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm.

Trung Quốc đã liên tục được xác nhận là thị trường ngà voi số 1 thế giới kể từ năm 2002. Bắc Kinh đã thông qua lệnh cấm bán và sản xuất ngà voi có hiệu lực vào cuối năm 2017. Cuộc khảo sát thị trường của Tổ chức Traffic trong năm 2018 đã cho thấy giảm 30% cửa hàng bán ngà voi trong năm 2017.

Kể từ khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm ngà voi, nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường Trung Quốc đã chuyển sang ngà voi ma mút hợp pháp, nguồn cung là ngà voi hóa thạch ở Siberia, nơi cung cấp xác của những sinh vật khổng lồ ước nặng đến hàng tấn. Ước tính 90% xác voi hóa thạch đã dừng chân ở Trung Quốc và Hồng Kông, nơi những cái ngà voi dài 4m có giá thành lên tới hàng trăm ngàn đôla Mỹ. Ngà voi ma mút đã được các nhà bảo tồn chào mời như một cách thay thế có đạo đức cho ngà voi truyền thống.

Giá cả ngà voi ma mút cao ngất cũng đi kèm với chi phí khủng khiếp: các khảo sát thị trường được tiến hành bởi Traffic trong 6 tháng đầu năm 2018 đã cho thấy rằng những hiệu ngà voi ở Trung Quốc đã “rửa” ngà voi thành ngà voi ma mút hợp pháp bằng cách lấp liếm sự khác nhau giữa 2 loại ngà voi này, biến hóa thành “hàng xịn” dưới con mắt của người thừa tiền thiếu tinh tường.

Ông Thomas nhấn mạnh: “Sự hiện diện của cả ngà voi ma mút và ngà voi thường – một trong số chúng là hợp pháp – đã tạo ra những thách thức thực thi pháp luật quan trọng”. Những thách thức đó đã đặt chân tới Campuchia. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Traffic nhận định rằng các hoạt động đàn áp ở những “điểm nóng” ngà voi bao gồm Thái Lan và Trung Quốc, dường như đã chuyển các thị trường sang các xứ láng giềng. Và Campuchia, đã nâng mức báo động trong danh sách theo dõi “quan tâm thứ cấp” của Hệ thống thông tin buôn bán voi (ETIS) năm 2016 sau một chuỗi các vụ bắt giữ ngà voi.

Đích đến của ngà voi toàn cầu

Bằng chứng mới nhất về vai trò đang lên của Campuchia trong thương mại ngà voi quốc tế đã đến vào cuối tháng 12 - 2018 khi giới chức tại Cảng tự trị Phnom Penh bắt giữ 3,2 tấn ngà voi được giấu tinh vi trong một thùng hàng tàu thủy – vụ buôn lậu ngà voi lớn nhất trong lịch sử Campuchia. Chỉ 8 tháng trước, một lô hàng 3,5 tấn ngà voi khác đã bị bắt tại cảng Maputo (Mozambique).

Ông Chu Chung Shing tại cửa hiệu Prestige Crafts (Hồng Kông) với một chiếc ngà voi ma mút hóa thạch được chạm trổ tinh xảo. Ảnh nguồn: Mike Clarke/AFP.

Chiếc container chứa 867 ngà voi mang tên của một công ty Trung Quốc, và có hơi hướm dính dáng tới Campuchia. Ông Thomas từ Tổ chức Traffic nói: “Cảng Maputo chỉ là một trong những nơi mà hàng lậu quá cảnh vào Campuchia, nó là cửa ngõ tuồn hàng lậu quan trọng từ châu Phi sang các quốc gia châu Á”.

Các cuộc khảo sát thị trường được tiến hành trong năm 2017 bởi tổ chức FFI nhắm vào các cửa hàng ngà voi trên khắp thủ đô Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville, đã xác định Campuchia là quốc gia rất có nguy cơ trở thành điểm tập kết buôn bán ngà voi toàn cầu: chỉ trong vòng 2 năm qua, số lượng các cửa hàng bán ngà voi của Campuchia đã tăng gấp 3, với giá trị ước tính của các sản phẩm đã tăng gấp 11 lần lên 1,5 triệu USD.

Năm 2017, trong số 51 chủ hiệu buôn ngà voi được khảo sát tại các thành phố ở Campuchia thì 78% khách hàng là người Trung Quốc, là đối tượng chính mua các sản phẩm ngà voi, và phân nửa các hiệu buôn tuyên bố rằng họ xuất khẩu ngà voi sang Trung Quốc. Qua khảo sát thêm 38 hiệu buôn ngà voi quy mô lớn cho thấy chủ nhân các hiệu buôn này thường dùng container tàu biển để buôn lậu ngà voi trong nước Campuchia và quốc tế với tỷ lệ từ 60% đến 73%.

Theo một báo cáo được biên soạn bởi Cơ quan điều tra môi trường (EIA) có trụ sở chính ở London (Anh) thì hơn ½ lượng ngà voi bị bắt giữ ở Campuchia đến từ Mozambique. Theo ông WildGenes, nhận dạng ra ngà voi ma mút được lấy từ thủ đô Phnom Penh có thể đưa đến một giải pháp.

Ông WildGenes giải thích: “Hiểu biết về nguồn gốc nơi đến của ngà voi buôn lậu có thể giúp ích cho các cơ quan thi hành pháp luật chặn đứng các tuyến đường buôn lậu. Nếu chúng ta có thể dùng công nghệ di truyền để xác định nơi nào voi bị sát hại để lấy ngà thì sẽ có các biện pháp để bảo vệ cho những con voi khác tránh nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo”.

Cuối cùng, RZSS và FFI đang tìm cách phân tích ADN ở Campuchia với một phòng thí nghiệm di truyền bảo tồn tại Đại học hoàng gia Phnom Penh (RUP), cơ sở đầu tiên của Vương quốc Campuchia làm việc này. “Hiện tại, chức năng của phòng thí nghiệm chỉ thuần túy là phòng thí nghiệm nghiên cứu”, dẫn lời giải thích của bà Regine Weckauf, người đứng đầu dự án động vật hoang dã buôn lậu phi pháp và là cố vấn kỹ thuật của FFI. Bà Weckauf cho rằng mục tiêu là nhằm phát triển thành một phòng thí nghiệm pháp lý mà các kết quả sẽ được báo cho lực lượng thực thi pháp luật dọc theo các tuyến buôn lậu, và chúng sẽ dùng làm bằng chứng trước tòa án ở Campuchia để truy tố kẻ phạm tội.

Đòn trừng phạt của Chính phủ Campuchia

Cũng theo bà Regine Weckauf: “Để làm được việc trên, Chính phủ Campuchia và các tổ chức xã hội dân sự cần phải tiếp tục làm việc để tiến tới thiết lập một bộ quy định rõ ràng cho mỗi trường hợp buôn lậu”.

Voi hoang dã châu Á là loài vật được bảo vệ, và Chính phủ Campuchia cấm buôn bán hay sở hữu ngà voi từ loài này. Hình phạt nếu vi phạm là 5 năm tù và nộp phạt số tiền 25.000 USD. Ảnh nguồn: WWF-UK.

Campuchia đã có những bước đi đáng hoan nghênh trong việc kiềm chế việc buôn bán ngà voi phi pháp. Hoạt động buôn ngà voi đã bị cấm chiếu theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là CITES) mà Campuchia đã ký cam kết từ năm 1997, cấm nhập khẩu ngà voi, và kể từ năm 1994 đã cấm bán các sản phẩm ngà voi. Năm 2001, Cục lâm nghiệp Campuchia (FA) đã thành lập một đơn vị chống buôn lậu và điều tra tội phạm hoang dã với sự tham gia của các giới chức FA, cảnh sát quân sự và nhân viên của Liên minh thú hoang dã (một tổ chức môi trường quốc tế phi lợi nhuận).

Chỉ trong vòng 10 tháng (tháng 8-2017 đến tháng 1-2018), Nhóm cứu hộ tức thời động vật hoang dã (WRRT) đã tiến hành 9 kế hoạch ra quân nhắm mục tiêu vào các hiệu ngà voi, đã tịch thu rất nhiều ngà voi và đồ chế tác từ ngà, tiến tới đệ ra tòa nhiều chủ hiệu buôn thông qua cáo buộc tư pháp, một hành động có thể được coi là khá hiếm so với trước đây.

Năm 2014, Campuchia đã được Ban thư ký CITES hướng dẫn chuẩn bị Kế hoạch hành động ngà voi quốc gia (NIAP) như là một phần trách nhiệm quốc tế của Campuchia chiếu theo công ước chống buôn bán ngà voi bất hợp pháp. Báo cáo tiến bộ mới nhất của NIAP có liên quan đến vụ bắt giữ vào tháng 12 - 2016 liên quan đến lộ hàng lậu khủng gồm 1,3 tấn ngà voi châu Phi, 130kg vảy tê tê và 80kg xương hổ ở Cảng tự trị Phnom Penh.

Vụ bắt giữ lô hàng lậu “khủng” đã thể hiện mối quan hệ hợp tác liên cơ quan ở Campcuhia mà ông Richard Thomas từ Traffic lưu ý rằng nó có thể “tạo ra tác dụng răn đe đáng kể đối với những kẻ buôn lậu ngà voi”. Chính phủ Campuchia cũng thiết lập một chuẩn mực khác vào tháng 6 - 2018 khi phê chuẩn một luật cấm buôn bán và sở hữu ngà voi từ voi châu Phi, tăng hình phạt từ 1 - 5 năm tù giam, và mức phạt tiền tối đa là 25.000 USD áp dụng cho các giống loài gặp nguy cấp như tê giác, tê tê và voi châu Á được bảo vệ.

Luật này nếu được thực thi đúng cách thì sẽ làm giảm thiểu hoạt động buôn bán ngà voi nội địa ở Campuchia, dẫn lời ông Nick Marx, Giám đốc chương trình cứu hộ và chăm sóc thú hoang dã tại Wildlife Alliance. Ông Nick Marx nhấn mạnh: “Chỉ có thời gian mới có thể trả lời rằng luật này có tác động đáng kể đối với các quần thể voi hay không, và nó sẽ phụ thuộc vào lực lượng thực thi pháp luật tại các quốc gia và trên thế giới”.

Ngoài những biện pháp này, báo cáo mới nhất của NIAP còn tiết lộ rằng Chính phủ Campuchia sẽ cho giảm số lượng các cửa hàng bán những sản phẩm từ ngà voi ở thủ đô Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville ngay từ tháng 8 - 2019. Tiến trình tiến tới mục tiêu này sẽ được thảo luận tại Hội nghị CITES các bên (CCP) sắp tới, được khai mạc từ ngày 23-5-2019 đến 3-6-2019 ở Colombo (Sri Lanka).

Một đề tài cũng được thảo luận công khai là liệt kê voi ma mút như là một loài động vật được bảo vệ, và sẽ kiểm soát hoạt động thương mại này. Theo ông Thomas, việc liệt kê loài thú đã tuyệt chủng có thể sẽ phá vỡ nền tảng mới cho công ước CITES.

Bên cạnh đó, việc bắt giữ ngà voi và xây dựng phòng thí nghiệm mới mới là bước đi đúng hướng. Ông Nick Marx từ Wildlife Alliance quả quyết rằng không thể đổ mãi gánh nặng lên vai các tổ chức xã hội dân sự: “Chính phủ Campuchia phải đồng hành với chính phủ các nước khác để ngăn chặn điều này xảy ra”.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.