Emile N’Bouke - Trùm của những ông trùm buôn lậu buôn lậu ngà voi Châu Phi

Thứ Tư, 31/10/2018, 11:19
Chiều ngày 7-8-2013, Emile N’Bouke, người được mệnh danh là “trùm của những ông trùm buôn lậu ngà voi châu Phi” đã bị lực lượng đặc nhiệm Togo bắt giữ với tang vật gồm 750 kg ngà voi tại một cửa hàng của ông ta ở Lome, thủ đô Togo.

Theo các quan chức thuộc Lực lượng đặc nhiệm chống săn bắt, mua bán động vật hoang dã Togo, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi lẽ mạng lưới của N’Bouke không những hoạt động ở Togo mà nó còn vươn vòi đến các quốc gia châu Phi khác như Kenya, Congo, Tanzania, Gabon và Cameroon...

Từ kẻ săn trộm đến ông trùm buôn lậu

Năm nay 64 tuổi, N'Bouke bắt đầu dính đến ngà voi từ cuối năm 1970. Khi ấy, cả Togo, một trong những quốc gia nhỏ bé nhất châu Phi chỉ có khoảng 150 con voi và N’Bouke cũng chỉ là một thanh niên mới lớn, không nghề nghiệp ổn định.

Một buổi chiều cuối tháng 12-1970, N’Bouke tình cờ gặp một người da trắng là Dillinger (nhưng theo Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol, đó là tên giả). Sau vài chầu rượu, Dillinger chỉ cho N’Bouke cách kiếm tiền. Ấy là lặng lẽ xách súng vào rừng bắn một con voi, cưa lấy ngà rồi đem về giao cho ông ta. Cứ mỗi cặp ngà, tùy theo đường kính và chiều dài, N’Bouke sẽ nhận được 500 hoặc 1.000 USD (tương đương 3.500 đến 7.000 USD hiện nay). Hào phóng hơn, Dillinger còn ứng trước cho N’Bouke 100 USD để mua súng.

N’Bouke lúc bị bắt tại cửa hàng Rose Ivoire.

Nửa tháng sau, N’Bouke mua được 1 khẩu AK-47 với 60 viên đạn. Rủ thêm 2 gã bạn là Feisal Ali Mohamad (người Kenya, sau này trở thành trùm buôn lậu ngà voi ở Kenya) và Ben Simasiku (người Botswana), cả 3 kéo nhau vào rừng. Chỉ trong 1 tuần, họ bắn chết 3 con voi, cưa lấy 6 chiếc ngà. Lúc giao cho Dillinger, họ nhận được 2.300 USD.

Từ đó cho đến năm 1976, nhóm của N’Bouke đã tiến hành hàng trăm cuộc tàn sát loài voi ở Togo, Gabon, Cameroon và người mua không chỉ giới hạn một mình Dillinger mà còn có nhiều đầu mối khác. Phần lớn số ngà voi ấy bằng những cách thức khác nhau, được các đường dây buôn lậu chuyển đến châu Á. 

Trong các xưởng chế tác, nó biến thành các món đồ trang sức, tượng, phù điêu, đồ thờ cúng hoặc dùng như một vị thuốc để điều trị một số bệnh theo y học cổ truyền. Một số khác được đưa đến các quốc gia Vùng Vịnh rồi biến thành các vật dụng vương giả như tay nắm cửa, cán dù (ô), tẩu thuốc, quân cờ, cán dao, kiếm. Theo một phúc trình của Tổ chức Hòa bình xanh - Green Peace - là một tổ chức phi chính phủ bảo vệ động vật hoang dã trên toàn thế giới, tính đến cuối năm 2008, cả nước Togo chỉ còn... 4 con voi!

750 kg ngà voi thu được tại một nhà kho của N’Bouke.

Khi nguồn cung ở Togo cạn kiệt, nhóm N’Bouke - lúc này đã lên đến hơn 50 người với hàng chục khẩu súng gắn ống ngắm tối tân, có thể bắn hạ 1 con voi ở khoảng cách 1.000m - mở rộng phạm vi hoạt động sang các quốc gia láng giềng như Benin, Ghana hoặc xa hơn nữa là Nigeria, Angola. 

Cũng trong năm 1976, N’Bouke mở cửa hàng Rose Ivoire, chuyên mua bán đồ trang sức làm từ ngà voi ở thủ đô Lome, tạo bình phong cho việc buôn lậu ngà, đồng thời lập hẳn một đường dây vận chuyển ngà voi từ Congo, Benin, Cameroon, Nigeria, Tanzania đến Togo trước khi đưa sang một số quốc gia châu Á vì Togo là quốc gia duy nhất ở miền Tây châu Phi có cảng biển nước sâu, thương mại hàng hải rất tấp nập. 

Năm 1990, khi Liên Hiệp Quốc ban hành công ước cấm mua bán ngà voi trên toàn thế giới thì N’Bouke rút vào hoạt động bí mật. Thay vì đi thành từng nhóm, N’Bouke thuê hẳn một chiếc trực thăng. Xạ thủ ngồi trên trực thăng chỉ việc bắn hạ một hoặc vài con voi rồi bay về sau khi đã báo tọa độ cho nhóm ở dưới đất. Để lực lượng kiểm lâm không có chứng cứ kết tội, nhóm dưới đất không mang theo súng mà thay vào đó là vài chiếc cưa máy. Khi tiếp cận xác voi, họ nhanh chóng cưa lấy ngà rồi biến mất. 

Nhiều lần nhóm này bị kiểm lâm Nigeria, Kenya, Tanzania bắt nhưng họ chỉ bị xử phạt hành chính bởi lẽ tất cả đều thống nhất khai rằng họ là thợ rừng, tình cờ nhìn thấy voi chết nên tiếc của, họ cưa lấy ngà thôi! Tương tự như vậy, những cuộc kiểm tra cửa hàng mỹ nghệ ngà voi của N’Bouke ở thủ đô Lome cũng đều nhận được câu trả lời rằng ông ta mua đồ đã chế tác sẵn, còn nguồn gốc ngà voi dùng để chế tác ở đâu thì N’Bouke không biết!

Theo dấu ông trùm

Để vạch mặt chỉ tên đường dây săn bắn, buôn lậu ngà voi của N’Bouke, một số tình nguyện viên thuộc Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới đã tốn rất nhiều công sức, trong đó đáng kể nhất là nhà tự nhiên học có bí danh Bistol. 

Đầu năm 2013, bằng cách nhờ một người thợ mỹ nghệ ở London, Anh quốc, làm giúp ông một chiếc ngà voi giả bằng loại nhựa đặc biệt, bên trong có giấu máy định vị GPS, kế hoạch của Bristol là sẽ cùng 2 cộng sự đến Kenya, nơi có đường dây mua bán ngà voi của N’Bouke. Tại đó, ông sẽ tìm cách tiếp cận với những nhân vật trong đường dây rồi bán cho họ chiếc ngà. Nhờ máy định vị, Bristol sẽ biết chiếc ngà ấy được vận chuyển đi đâu, điểm đến cuối cùng của nó nằm ở nơi nào.

Một chiếc trực thăng chuẩn bị bắn voi để những kẻ ở dưới đất lấy ngà (ảnh của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới).

Chiếc ngà voi giả của Bristol “thật” đến nỗi khi xuống một sân bay trung chuyển, ông bị bắt giam với tội danh “nhập lậu ngà voi”. Và mặc dù Bristol đã xuất trình giấy chứng nhận của hải quan Mỹ lúc ông qua cửa khẩu sân bay Atlanta, bang Georgia, khẳng định nó là hàng giả, cũng như qua máy soi X quang, hải quan sân bay trung chuyển đã nhìn thấy thiết bị định vị giấu ở bên trong nhưng ông vẫn bị giam 24 tiếng. Chỉ đến khi các chuyên gia thẩm định ngà voi được mời đến rồi sau khi xem xét bằng cách cắt một mẩu ngà, đốt cháy, họ nói nó làm bằng nhựa thì Bristol mới được trả tự do.

5 ngày sau, thông qua một cơ sở ở Nairobi, thủ đô Kenya, Bristol cùng 2 cộng sự tiếp cận những người trong đường dây mua bán ngà voi lậu của N’Bouke. Rất nhanh chóng, họ trả cho Bristol 7.500 USD với lý do “mấy chỗ trên bề mặt đã bị nứt”. Nhiều ngày tiếp theo, tại khách sạn, máy định vị GPS cho thấy chiếc ngà voi được vận chuyển trên những con đường mòn xuyên qua những khu rừng vắng vẻ rồi cuối cùng đến thành phố cảng Mombasa, Kenya. 

Xác 2 con voi đã bị cưa mất ngà.

Theo đường biển, nó đi vòng qua Nam Phi, Namibia, Angola, Congo, Gabon, Cameroon, Nigeria trước khi cập bến Togo nhưng dĩ nhiên, chẳng ai ngốc đến nỗi bỏ ra một số tiền lớn thuê tàu chỉ để chở 1 chiếc ngà. Cuối cùng, chiếc ngà voi giả yên vị tại một địa điểm nằm ở phía đông thủ đô Lome mà sau này qua tìm hiểu, Bristol biết nó thuộc quyền sở hữu của ông trùm N’Bouke.

Chiều ngày 7-8-2013, đội đặc nhiệm thuộc lực lượng chống săn bắt, mua bán động vật hoang dã Togo ập vào cửa hàng Rose Ivoire của N’Bouke ở Lome, đồng thời tiến hành kiểm tra nhà kho. Tại đây, họ thu được 750 kg ngà voi còn nguyên chiếc chưa qua chế tác, N’Bouke bị cáo buộc vi phạm các điều luật môi trường và lâm nghiệp - trong đó bao gồm điều khoản về buôn bán ngà voi do Chính phủ Togo ban hành năm 2008. Theo lời bào chữa của N’Bouke, tất cả số ngà voi của ông ta đã có từ lâu, xuất xứ từ nước Cộng hòa Chad, trước khi lệnh cấm buôn bán ngà voi quốc tế có hiệu lực năm 1990.

Để có chứng cứ kết tội ông trùm, cảnh sát Togo nhờ một tổ chức của Mỹ, có tên là “Cá và Động vật hoang dã - US Fish and Wildlife Service”, lấy một số mẫu ngà voi thu được trong nhà kho của N’Bouke đem về Mỹ xét nghiệm. Kết quả phân tích AND được công bố bởi chuyên gia pháp y Samuel Wasser thuộc Phòng thí nghiệm Đại học Washington, Mỹ, gửi Chính phủ Togo cho thấy hầu hết ngà voi của N’Bouke đến từ Cameroon và Gabon - là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trong việc giết voi để lấy ngà, và số ngà này lấy từ những con voi bị giết trong những năm 2010, 2011. 

Bên cạnh đó,  kết quả phân tích đồng vị phóng xạ do Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, bang California thực hiện cũng cho thấy thời gian voi bị giết là 2 năm 2001 và 2011, một vài chiếc ngà được cắt ngay trong năm 2013. 

Theo Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, có đủ bằng chứng để tin rằng từ năm 1970 cho đến ngày bị bắt, N’Bouke và các sát thủ trong đường dây buôn lậu ngà voi của ông ta đã giết hại khoảng 10.000 con voi. Ofir Drori, người sáng lập tổ chức bảo vệ loài tinh tinh “Last Great Ape” và cũng là người tham gia điều tra đường dây buôn lậu ngà voi của N’Bouke bằng cách bí mật quay phim một vụ giao dịch giữa N’Bouke và một khách hàng, cho biết: “Đây là vụ bắt giữ đầu tiên ở quốc gia Tây Phi nhỏ bé này mà nhiều năm gần đây, nó nổi lên như một điểm trung chuyển ngà voi đến các thị trường châu Á và Vùng Vịnh”.

Trả lời các nhà báo sau khi bị bắt, N’Bouke nói việc kinh doanh ngà voi của ông ta đã được gia hạn bởi một giấy phép đặc biệt, không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhưng Ekoue, Bộ trưởng Bộ Môi trường Togo cho rằng N’Bouke phát ngôn không đúng sự thật. Ông Ekoue nói: “Hoạt động buôn lậu ngà voi từ nay sẽ không còn như trước nữa vì Chính phủ Togo sẽ áp dụng những biện pháp gắt gao và cần thiết để ngăn cản những tên tội phạm lợi dụng lãnh thổ Togo hoạt động phi pháp. Togo sẽ cho thế giới thấy rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến này, chống lại những kẻ đang cố tình phá hoại tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi…”.

Ngày 18-6-2014, N’Bouke cùng 2 đồng phạm người Guinea là Djifa Doumbouya và Moussa Cherif ra tòa. Cả 3 đều nhận mức án 2 năm tù giam cộng với số tiền phạt 10.300 USD. Trước vành móng ngựa, N’Bouke vẫn cố cãi rằng phần lớn những mặt hàng mỹ nghệ trong tiệm Rose Ivoire đều được làm bằng… xương! 

Thậm chí N’Bouke còn nói: “Việc bắt giữ tôi là một sự bất công vì tôi đang cố gắng giúp đỡ Chính phủ Togo xác định những kẻ cầm đầu các đường dây mua bán ngà voi trong nước. Trong cuộc gặp với các quan chức Togo vào 4 tuần trước, tôi đã nói với họ rằng hầu hết những kẻ trong đường dây này là người Guinea”. Tuy nhiên, khi công tố viên đề nghị N’Bouke cung cấp những cái tên cụ thể thì ông ta không trả lời.

Theo Ofir Drori, người sáng lập tổ chức bảo vệ loài tinh tinh “Last Great Ape” thì  N’Bouke là “bố già” của các thương vụ mua bán ngà voi bất hợp pháp ở Togo. Drori nói: “Bạn hãy tưởng tượng nhân vật này với gần 40 năm săn bắn, mua bán ngà voi thì bạn có thể tin chắc rằng ông ta là thủ phạm giết hại hơn 10.000 con voi ở một số quốc gia châu Phi. Tại nhiều nơi khác, N’Bouke được biết đến như một thương nhân chuyên kinh doanh các mặt hàng nghệ thuật từ ngà voi cũ nhưng đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài nhằm che giấu một sự thật độc ác hơn…”.

Và mặc dù án tù 2 năm đối với ông trùm N’Bouke được xem là quá nhẹ vì không có bằng chứng cụ thể về việc giết hại loài voi. Hơn nữa theo luật Togo, tội mua bán các sản phẩm làm từ ngà voi có nguồn gốc bất hợp pháp sẽ bị phạt tù không quá 2 năm nhưng theo Fabrice Ebeh, người đứng đầu Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Togo thì việc bắt giữ N’Bouke đã chặn đứng con đường mua bán, vận chuyển ngà voi lậu ở khu vực Tây Phi, là một bước quan trọng trong việc bảo vệ loài voi đồng thời cũng là cơ sở để điều tra các băng nhóm tội phạm sau này…

Vũ Cao (Theo Africa Today - N’Bouke, Boss of Bosses)
.
.