Viết tiếp bài “Án mạng vì lý do… lãng nhách”:

Cần có kỹ năng sống để tiết chế bản thân

Thứ Ba, 22/12/2015, 17:15
Chuyên đề ANTG có bài “Án mạng vì lý do… lãng nhách”, 16-12, chúng tôi có đề cập tới hành vi của các đối tượng đoạt mạng người vì những lý do không đáng có. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập dưới góc độ tâm lý của hành vi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hành động một cách bộc phát của các đối tượng khi ra tay đoạt mạng, trong đó đa phần nguyên nhân bắt nguồn từ rượu khiến đối tượng không tự chủ được bản thân. Ngoài ra, những nguyên nhân khác bắt nguồn từ việc thiếu kỹ năng sống, xáo trộn cảm xúc, thiếu trải nghiệm, rối loạn hành vi, hành động có  tính chất côn đồ, hung hãn, thiếu hiểu biết về luật. Sự bế tắc trong lối suy nghĩ bởi thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc khiến nhiều người giải quyết mâu thuẫn một cách tiêu cực và thường là sử dụng bạo lực một cách chủ quan, cảm tính để giải quyết…

1. Ngồi trong nhà tạm giam quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Vũ Xuân Tài và Lê Hoàng Nhân, đều 23 tuổi - mặt cúi gằm, bờ vai run lên bởi cảm giác lo lắng, sợ sệt và hối hận. Tài và Nhân là hai đối tượng đã ra tay đoạt mạng sống của T.H.L., cũng 23 tuổi, quê Bình Định chỉ vì bị nạn nhân chửi một cách… vô cớ? Đêm cuối tháng 10, Tài, Nhân và một số người bạn tổ chức tiệc nhậu trên đường D2, quận Bình Thạnh. Sau khi ngà say, Tài vào nhà vệ sinh thì gặp anh L. 

Đối tượng Vũ Xuân Tài, kẻ gây ra cái chết cho anh L..

Thấy Tài nhìn, L. lớn giọng "Mày biến ra ngoài cho tao nói chuyện". Bực mình vì bị chửi vô cớ, Tài xấn vào cãi nhau với L. nhưng được bạn bè can ngăn. Ra đến bàn nhậu, Tài và Nhân yêu cầu anh L. xin lỗi nhưng L. không đồng ý khiến Tài ấm ức. Khi tàn tiệc, thấy anh L. dắt xe ra về, Tài và Nhân đập chai bia làm hung khí chạy ra chặn đường. Tài đâm anh L. một nhát vào ngực khiến L. gục xuống tử vong tại chỗ.

Cũng giống như Tài, Nhân, đối tượng La Văn Tài  (kẻ đã đâm chết chị H tại một quán cơm ở huyện Bình Chánh sau khi bị nạn nhân vạch trần hành vi sàm sỡ đã đề cập trong bài viết trước) cũng có rượu trong người lại bị kích động, bị "mất mặt" với khách trong quán nên ra tay sát hại nạn nhân. Khi tỉnh rượu, trả lời câu hỏi của điều tra viên, chính Tài cũng tỏ thái độ không hiểu rõ vì sao mình có thể hành động như vậy?

Về nguyên nhân gây án do bị kích thích từ rượu bia, một cán bộ Đội Cảnh sát ĐTTP về TTXH - Công an quận Bình Thạnh cho hay, rất nhiều vụ án liên quan đến rượu gây ra những hậu quả nghiêm trọng như giết người, đánh nhau, trả thù... Người sử dụng bia rượu mất hoàn toàn năng lực nhận thức, không làm chủ và điều khiển được hành vi nên sau khi tước đoạt mạng sống người khác, tỉnh rượu mới cảm thấy hối hận nhưng đã quá muộn!

Không ít thanh niên tiêm nhiễm lối sống không lành mạnh, thiếu kỹ năng sống dẫn tới thiếu kiềm chế khi giải quyết mâu thuẫn.

Không chỉ rượu mà các chất kích thích (các loại ma túy) cũng khiến cho con người có những hành động không tự chủ được bản thân dẫn đến hành vi giết người chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Mới đây trong phiên tòa lưu động, Nguyễn Quốc Huy ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh đã phải nhận án tử hình về hành vi giết người và đau lòng hơn nạn nhân của Huy chính là bà nội của mình. Sự hối hận quá muộn màng được thể hiện qua khuôn mặt cùng lời cầu xin được chết của Huy khiến những người theo dõi phiên tòa cũng chạnh lòng. Từ khi cha mất, Huy buồn bã và bị bạn bè rủ rê chơi ma túy đá. Hôm đó Huy đến nhà bà chơi thì bị bà nội rầy la vì chuyện sử dụng ma túy rồi đuổi ra khỏi nhà. Trong cơn ngáo đá, Huy cầm khúc gỗ đánh nhiều nhát vào đầu bà nội.

Thấy bà nội kêu cứu, hai em họ Huy đang xem tivi chạy vào thì bị Huy dùng gậy đánh bất tỉnh rồi bỏ đi. Được mọi người đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng bà nội Huy không qua khỏi, hai em họ của Huy mang thương tật trên người. Huy khai trong lúc gây án Huy bị ảo giác và thấy "ma quỷ" vây quanh mình nên vung gậy đập loạn xạ chứ không nghĩ đó là bà nội và hai đứa em họ mình?

2. Lại cũng có nhiều vụ án giết người xảy ra bởi các đối tượng gây án thường có sẵn máu… côn đồ, thậm chí tuổi đời còn rất trẻ, muốn chứng tỏ bản thân bằng cách cướp đi sinh mạng người khác. Nguyễn Bảo Duy mới 15 tuổi nhưng đã là hung thủ gây ra cái chết cho anh Lê Văn Luận ở Đồng Nai chỉ vì …pô xe anh Luận nổ quá to?!

Theo hồ sơ vụ việc, anh Luận cùng vợ và nhóm bạn rủ nhau đi câu cá ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Khi đến khu vực TP Biên Hòa, do hai người bạn đi lạc nên anh Luận tăng ga đuổi theo. Nghe tiếng pô xe anh Luận nổ to, bực túc vì nghĩ anh Luận "chơi trội", Duy cùng nhóm bạn cầm hung khí đuổi theo. Nhóm Duy đạp ngã xe anh Luận, vây đánh. Anh Luận chạy trốn vào một công ty gần đó nhưng bị nhóm Duy đuổi theo, Duy móc dao bấm đâm anh Luận trọng thương và tử vong trên đường đưa tới bệnh viện.

Hiện trường vụ va quẹt xe, nạn nhân bị đâm tử vong.

Để diễn giải về hành vi của các đối tượng giết người vì những lý do không đáng có, Thạc sĩ Lê Minh Công - Bộ môn Tâm lý - Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh chia sẻ, các đối tượng giết người là thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển về mặt tâm sinh lý do vậy rất dễ xáo trộn và bùng nổ về mặt cảm xúc, nhận thức dẫn đến hành động không kiểm soát. Ngoài ra, những đối tượng có tuổi đời còn trẻ chưa có nhiều sự trải nghiệm nên việc kiểm soát hành vi còn hạn chế.  Những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, dù là nhỏ nhặt nhưng nhiều thanh niên đã chọn cách giải quyết tiêu cực gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Những mâu thuẫn dường như rất nhỏ như va quẹt xe khi lưu thông trên đường, vài câu chửi bâng quơ, một cái nhìn thiếu thiện cảm… nhưng thiếu kiềm chế đã dẫn đến những hậu quả đau lòng, người rơi vào lao lý, kẻ bỏ mạng ngoài đồng. Những thông tin như trên xuất hiện ngày một nhiều và tần suất mỗi lúc mỗi dày đặc trên các trang báo.

Một vụ giải quyết mâu thuẫn trên địa bàn quận Bình Thạnh, hai nạn nhân tử vong chỉ vì bênh bạn.

Những lời cảnh báo, những biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo liên tục đưa ra nhưng dường như những vụ án mang tính chất xã hội vẫn ngày một tăng cao. Điều này cho thấy kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống trong xã hội bị lơ là, thể hiện sự thiếu nhận thức về pháp luật trong một bộ phận người dân. Độ tuổi của các đối tượng gây án ngày một trẻ hóa, tính côn đồ ngày càng cao. Một điều nữa cho thấy, nhiều đối tượng  thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường đã hình thành nên một lối sống ích kỷ sẵn sàng làm theo bản năng của mình.

Theo một thống kê về xuất thân của tội phạm gần đây cho thấy, 46% xuất thân trong gia đình phức tạp (có tiền án, tiền sự, làm nghề phi pháp), 18% xuất thân trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, 14% xuất thân từ gia đình có văn hóa ứng xử kém (xung đột, cãi vã, thiếu tôn trọng nhau), 7% xuất thân trong gia đình giàu có nhưng sống buông thả, ích kỷ, nuông chiều thái quá, 11% xuất thân từ hoàn cảnh gia đình khó khăn và chỉ 4% tội phạm xuất thân từ một gia đình bình thường. Trong những hoàn cảnh đột biến, nhiều người dễ đẩy mình vào ngõ cụt của cuộc sống, thiếu kinh nghiệm sống, không bản lĩnh, không quen với thất bại và lại càng thiếu sự khôn ngoan trong ứng xử.

3. Có thể nói luật pháp rất nghiêm với hành vi giết người nhưng những vụ án vẫn liên tiếp xảy ra. Tại sao lại như vậy? Hằng ngày những vụ án giết người được đăng tải nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, trong đó các chi tiết giết người được mô tả một cách chi tiết, ly kỳ… khiến  nhiều người hằng ngày tiếp xúc với thông tin này vô tình hình thành tâm lý tiêu cực, trở nên vô cảm. Việc gặp đi gặp lại những thông tin, hình ảnh này khiến chính họ cảm thấy hành vi phạm tội của mình cũng… hết sức bình thường?

Ngoài ra, tác động của những trò chơi trực tuyến trên internet với những pha bắn giết đẫm máu đầy bạo lực cũng phần nào đó gieo rắc tính hung bạo vào tâm trí của đối tượng. Nên khi đụng chuyện, dù là một mâu thuẫn nhỏ, các đối tượng bế tắc trong suy nghĩ, không có giải pháp giải quyết mâu thuẫn và dẫn tới hành xử theo cảm tính. Những đối tượng dễ bị rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực phải kể đến những đối tượng có trình độ học vấn hạn chế.

Trường hợp của Hồ Thanh Hùng là một trong những trường hợp không kiềm chế được cảm xúc của mình khi gây án chỉ bởi vì lý do cho rằng vợ mình bị người khác chèn ép? Vợ Hùng làm ở một công ty giày da tại quận Thủ Đức và cho rằng chị B.T.M.L. quê quán Đồng Tháp, là quản lý của công ty chèn ép mình nên gọi điện kể cho chồng nghe. Vì muốn bênh vợ nên đang thi công một công trình ở Kiên Giang, Hùng bỏ việc bắt xe đò lên TP. Hồ Chí Minh tìm chị L. để hỏi cho ra lẽ? Hùng gọi điện hẹn chị L. ở một quán cà phê và không quên thủ theo con dao trong người. Khi cùng vợ ngồi chờ trong quán, Hùng thấy chị L. đi cùng ba người đàn ông nên tỏ ra lo lắng.

Hai bên ngồi vào bàn nói chuyện nhưng vụ việc không được giải quyết hợp tình mà lại xảy ra cãi vã dẫn đến đánh nhau. Thấy nhóm chị L. đông hơn, Hùng rút dao ra chống cự và đâm trúng và người anh T.H 25 tuổi, quê Đồng Tháp khiến anh H tử vong trên đường đi cấp cứu. Khi bị bắt Hùng khai ban đầu chỉ sử dụng dao để tự vệ khi bị đánh chứ không nghĩ đến chuyện giết người?

Phó giáo sư, tiến sĩ  Huỳnh Văn Sơn - Khoa Tâm lý giáo dục - Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các đối tượng không tự chủ được bản thân gây ra cái chết cho người khác khi giải quyết mâu thuẫn, đó là gia đình và xã hội đã lơi lỏng trong công tác giáo dục và quản lý. Một số quy định của pháp luật còn chưa nghiêm, trong khi đó nhiều đối tượng chưa được trang bị nền tảng về văn hóa ứng xử. Với việc làm theo cảm tính khi giải quyết mâu thuẫn thường căng thẳng, nổi nóng, ích kỷ, không có sự bao dung nên dẫn đến hành động bộc phát, nông nổi.

Có nhiều cách để có thể "hóa giải" những tình huống có khả năng dẫn đến xung đột. Ví dụ như va chạm giao thông ngoài đường việc đầu tiên là giải quyết dựa trên tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng sẽ giải quyết vụ việc và chỉ rõ ra người đúng người sai thay vì cứ giải quyết bằng hành động của riêng mình dẫn đến hậu quả trong lúc thiếu kiềm chế. Cần có ý thức cao rằng nếu giải quyết vụ việc trong bình tĩnh sẽ có lợi cho mình và cục diện của vụ việc sẽ đi đến việc ổn thỏa giữa hai bên. Cần nhìn nhận vấn đề theo định hướng đảm bảo tránh những thương tổn hay nguy hiểm không đáng có khi tranh cãi, cự cãi. Không nên nôn nóng hay có lời lẽ xúc phạm người khác để dễ bị cuốn theo cảm xúc của đối phương khiến vụ việc trở nên trầm trọng.

Mạnh Đức
.
.