Nhìn lại vụ khủng bố tháng 11-2015 tại Paris:

Cảnh sát Bỉ đã 4 lần để bọn khủng bố lọt lưới

Thứ Sáu, 18/11/2016, 12:20
Khoảng 30 thành viên, đó là số những kẻ dính líu ít nhiều đến những vụ khủng bố tại Paris và Brussels. Một nhóm khủng bố trong suốt nhiều tuần lễ đã vượt qua được tai mắt của bộ phận an ninh quốc gia đảm trách công tác chống khủng bố.

Vào tháng 10, một báo cáo của Ủy ban P, ủy ban thường trực của cảnh sát Bỉ, đã được báo chí tiết lộ một phần, cho thấy 13 sơ sót đã ngăn cản các điều tra viên tóm cổ bọn chúng trước khi chúng ra tay hành động.

Một thực tế không thể lẩn tránh là đa số bọn chúng không xa lạ gì với cảnh sát Bỉ. Tệ hơn, một số như Mohamed Abrini, anh em nhà Abdeslam, nhà Bakraoui hay Bilal Hafdi, đã từng bị điều tra, nghe lén hay thẩm vấn trong suốt nhiều tuần trong khi vụ khủng bố đang được chuẩn bị. Thế nhưng các điều tra viên không thể phát hiện được những gì đang âm thầm diễn ra do thiếu phương tiện hay liên lạc giữa các cơ quan, do sai sót về thẩm định hay khó khăn trong việc phân tích thông tin.

Hãy điểm lại 4 thời điểm mà cảnh sát lẽ ra đã có thể tóm được bọn chúng :

1. Anh em nhà Abdeslam

Vào tháng 2-2015, lần đầu tiên Brahim và Salah Abdeslam lôi cuốn sự chú ý của cơ quan tình báo. Sau khi nhóm khủng bố Verviers bị triệt phá, các điều tra viên nhận được nhiều thông tin theo đó 2 anh em đang liên hệ với Abdelhamid Abaaoud, bạn thời thơ ấu giờ là bộ óc của nhóm khủng bố đang chuẩn bị tấn công Brussels. "Qua các mạng xã hội, Abaaoud nói với chúng về tiền bạc, rằng mọi người cảm thấy rất quan trọng tại Syria, những điều thuyết giảng về xã hội phương Tây chúng không màng đến" - một cảnh sát Bỉ cho biết.

Trong thời gian đó, cảnh sát ở Molenbeek cũng có một nguồn tin khác. Salah Abdeslam sắp đi sang Syria như anh của hắn từng làm trước đây. Ngày 16-2-2015 Brahim bị bắt tại Molenbeek cùng với một số lượng lớn ma túy.

Cảnh sát khám xét nhà của hắn. Trong lúc thẩm vấn, hắn khai rằng đã sang Thổ Nhĩ Kỳ để nghỉ hè chứ không phải hướng đến Syria. Nhưng băng video nhận trách nhiệm của IS về vụ khủng bố ngày 13-11 đã cho thấy điều ngược lại : tại ngoại ô Raqqa người ta thấy Brahim Abdeslam đang tập bắn súng kalachnikov vào các mục tiêu vẽ trên tường. Chuyến đi của hắn sang Syria vào cuối tháng 1-2015 và kéo dài 1 tuần lễ.

Tổng thống Pháp đặt biển tưởng niệm vụ khủng bố 13-11-2015.

Ngày 28-1 đến lượt Salah Abdeslam bị gọi đến sở cảnh sát. Hắn cũng chối không bị cực đoan hóa và thề rằng không đồng ý với hành vi của Abaaoud. "Viện công tố ra chỉ thị cho chúng tôi chỉ được thẩm vấn. Sau đó biên bản được trao cho hắn và chúng tôi không biết hắn ra sao" - nguồn tin cảnh sát cho biết.

Ban chống khủng bố DR3 của cảnh sát Bỉ thiếu người, các dữ liệu thu thập được từ việc nghe lén điện thoại của anh em Abdeslam bị xếp lại để nghiên cứu sau đó. Thế nhưng các tài liệu này nằm trong số những "hồ sơ đỏ", tức cấp thiết phải xử lý. Nhiều cơ quan khác được liên hệ để nghiên cứu dữ liệu điện thoại của chúng. Nhưng mọi người đều bị quá tải. Cuối cùng hồ sơ được xếp lại vào ngày 21-4-2015.

Hai anh em chỉ được ghi tên bởi Cơ quan phối hợp phân tích mối đe dọa vào danh sách những kẻ bị cho là cực đoan, xếp loại "đang bị cực đoan hóa". Cũng trong khoảng thời gian đó Tây Ban Nha đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin cho cảnh sát Bỉ về những chuyến đi của Brahim Abdeslam.

2. Khalid El Bakraoui

Trong tháng 8-2015 một thông tin được chuyển đến cảnh sát Bỉ. Những kẻ đáng ngờ đã đến mua 14 băng đạn kalachnikov rỗng tại tiệm bán súng của một người ở gần Waterloo 2 lần. Chúng tự xưng là những người sưu tập.

Có điều là 5 tên trong số đó là những tên cướp nổi tiếng ở Brussels, như Khalid El Bakraoui (kẻ khủng bố tự sát tại nhà ga Brussels) lúc ấy đang được trả tự do có điều kiện vì đã đánh cướp vào năm 2009. Thế là cảnh sát bắt đầu nghe lén hắn. Vài mẩu đối thoại về "mèo", "trắng", "đen", "lông dài" hay "mèo con" mà hắn đang tìm kiếm khiến cảnh sát nghĩ rằng đây là một thứ ngôn ngữ mã hóa để nói về vũ khí và đạn dược.

Ngày 21-10, tức 3 tuần trước vụ khủng bố Paris, một cuộc lục soát được thực hiện tại nhà của hắn tại đường Heyzel, và cảnh sát đã tìm thấy một "máy phá sóng cao cấp". "Đây là lần đầu tiên chúng tôi tịch thu được loại máy như thế" - cảnh sát cho biết. Khi bị thẩm vấn, Khalid El Bakraoui khai rằng hoàn toàn không biết về những lần mua băng đạn. Thế nhưng trên video kiểm tra, rõ ràng là hắn có mặt trong những lần mua.

Một chiếc chìa khóa xe được tịch thu trong cuộc lục soát, đó là của chiếc xe được thuê bởi một gã tên Mohamed Bakkali, kẻ cộng tác với Bakraoui trong một vụ bán đồ điện tử gia dụng, và hắn cũng quan tâm đến "mèo". Sau đó các điều tra viên phát hiện ra hắn là một kẻ tiếp tế khác của nhóm 13-11. Một máy vi tính hiệu Packard Bell cũng bị tịch thu: việc khai thác ổ cứng cho biết có nhiều video mang tính chất tôn giáo và kêu gọi gia nhập thánh chiến cùng một số hình ảnh tương tự và nhiều lần truy cập các mạng thánh chiến. "Những lần truy cập đó cho thấy mức độ cực đoan hóa của đương sự" - một nhân viên DR3 viết trong báo cáo.

Hơn nữa, vào tháng 7-2015, Ibrahim El Bakraoui (anh của Khalid) đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất vì nghi ngờ hắn muốn sang Syria. Còn Khali cuối cùng được thả ra sau khi thẩm vấn do thiếu các yếu tố định tội. Sau đó hắn đã biến mất. Tên của hắn lại xuất hiện vài tuần sau đó trong khuôn khổ điều tra vụ khủng bố 13-11: hắn là kẻ thuê dưới tên giả một căn nhà cho nhóm khủng bố ở Charleroi ẩn náu.

3. Mohamed Abrini

Ngày 27-7-2015 Mohamed Abrini ra tự thú tại sở cảnh sát Molenbeek. "Em trai Ibrahim của tôi cho tôi biết rằng các ông nghi ngờ tôi đã đến Syria qua đường Thổ Nhĩ Kỳ" - hắn tự khai. Quả thật cảnh sát đã nhận được thông tin về chuyến đi của Abrini  sang Syria. Chính hắn xác nhận đã đến nơi với những người quen ở Molenbeek. Người em út Soulaimane cũng sang Syria và đã chết vào năm 2014. Hắn cũng đi theo đường dây của Abdelhamid Abaaoud và chiến đấu trong cùng đội với tên này.

Trong buổi thẩm vấn, Mohamed Abrini tự cho là 1 du khách chứ không phải một kẻ thánh chiến. Hắn khai đã từ phi trường Zaventem sang Istanbul ngày 23-6. Hắn cho biết không quá sùng đạo và đã sang Thổ Nhĩ Kỳ vì nổi hứng để "đổi gió" sau khi vừa ra khỏi nhà giam ngày 2-4-2015. Trước các cảnh sát, hắn khai ra một loạt những chặng đường của hắn có hình ảnh làm bằng chứng: 1 tuần tại Istanbul, rồi đến Adana gần biên giới Syria, để la cà trong các quán bar và tiệm hút sisha, cuối cùng là Aksaray ở trung tâm đất nước trước khi trở về Istanbul.

Đối với một người muốn "đổi gió", hắn có vẻ khá bay nhảy. Từ Thổ Nhĩ Kỳ hắn bay sang Luân Đôn, nghỉ vài ngày tại Manchester rồi Birmingham. Hắn trở lại Brussels qua ngõ Paris. Một người bạn, Abdellah Chouaa (con của một thầy cả Hồi giáo) đã đến đón hắn bằng xe tại Paris rồi đưa hắn về Molenbeek. Cũng chính gã này đã đưa hắn ra phi trường Zaventem trong lượt đi.

Khi trở về từ Anh, Abrini mang về gần 4.000 euro mà hắn khai là đã thắng trong các sòng bạc. Nhưng vào tháng 4-2016 khi bị bắt, hắn khai với cảnh sát rằng thực sự hắn đã sang Syria để gặp Abaaoud, và tên này đã bảo hắn "lấy lại tiền từ những người anh em ở Anh". "Tôi muốn nói thêm rằng mọi người đã lầm về chuyến đi của tôi sang Syria. Tôi chống đối 100% với những kẻ đang ở Syria để chiến đấu. Tôi sinh ra ở đây và tôi thích nước Bỉ. Tôi hy vọng rằng câu chuyện này sẽ kết thúc ở đây" -  hắn khai trong lần thẩm vấn vào tháng 7-2015.

Tuy nhiên những lời giải thích của Abrini khó mà thuyết phục được các điều tra viên. Chỉ có điều là các cơ quan an ninh lại chậm trễ trong việc nghiên cứu hồ sơ đàm thoại của hắn. Nhưng hắn cho thấy rằng ngay sau khi được trả tự do, hắn đã liên lạc với nhiều số điện thoại ở Syria. Ngay trước khi đi Thổ Nhĩ Kỳ hắn đã có 13 cuộc gọi với Yassine Abaaoud (em của Abdelhamid) chỉ trong vòng 2 ngày. Từ nước Anh hắn cũng gọi điện cho một người Bỉ có tiếng là hay thuyết giảng cực đoan, "đặc biệt tích cực trong việc chiêu mộ thánh chiến".

4. Bilal Hadfi

Ngày 15-2-2015, Bilal Hadfi sang Syria qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ. Ba tuần trước đó hắn đã mừng sinh nhật thứ 20. Theo lời mẹ của hắn, hắn đã chờ đến đầu kỳ nghỉ hè học sinh và lấy cớ sang Morocco tưởng nhớ trước mộ cha để làm lý do ra đi. Theo báo cáo của Ủy ban P, Sở cảnh sát Brussels-Iselles đã được báo cáo về sự trở về của hắn ngày 28-8-2015.

Cảnh sát Bỉ liền cố định vị hắn. Một cuộc lục soát được thực hiện tại nhà mẹ hắn nhưng không kết quả. Theo báo cáo của Ủy ban P, hồ sơ Habibi (bí danh của Bilal Hadfi) được ngài biện lý cho "tạm để đó" vào ngày 9-10-2015 để dành cho các vụ việc khác khẩn cấp hơn. Sự quá tải trong công việc là nguyên nhân của phán quyết đó. Một tháng sau, Bilal Hadfi đã cho nổ bom tự sát trước sân vận động Pháp.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.