Cảnh sát trưởng nổi tiếng nhất nước Mỹ

Thứ Sáu, 15/01/2016, 10:10
Theo truyền thống lâu đời, chức danh Sheriff (Cảnh sát trưởng) tại nhiều địa phương ở Mỹ thường do cư dân bản địa trực tiếp bầu ra; khác với sự bổ nhiệm các chức sắc cảnh sát thông thường. Suốt 24 năm qua, Joe Arpaio đã đắc cử 6 lần liên tiếp chức danh Sheriff của quận Maricopa, tiểu bang Arizona, được báo giới Hoa Kỳ đặt cho các biệt danh đầy trọng vọng như “Viên Cảnh sát trưởng số 1”, hay “Sheriff nổi tiếng nhất nước Mỹ”…


Xuất thân là một nhân viên thuộc Cơ quan Bài trừ ma túy Liên bang (DEA) ngay từ thập niên 50 thế kỷ trước, ông đã góp phần bóc trần và đập tan nhiều đường dây tội phạm xuyên quốc gia sừng sỏ, trở thành Trưởng chi nhánh DEA tại tiểu bang Arizona trong 32 năm liền. Tới năm 1992, Joe Arpaio 60 tuổi được hơn 3,5 triệu cư dân vùng Maricopa tín nhiệm bầu làm Cảnh sát trưởng địa phương mình, từ đó đến nay chưa một ai có thể thay thế được viên Sheriff kỳ cựu này.

Điều đáng nói nhất là Joe Arpaio đã tạo ra cú đột phá trong vấn đề quản lý phạm nhân, qua những biện pháp giáo dục phổ quát mang bản chất hướng thiện, khiến nạn tội phạm tại quận Maricopa giảm xuống một cách đáng kể. Chỉ chưa đầy một năm sau khi nhậm chức Cảnh sát trưởng, Arpaio đã bắt tay vào cải cách hệ thống nhà tù thuộc địa bàn mình phụ trách, nơi đang giam giữ lượng tù nhân tới 10.000 người.

Với việc xuất hiện ngôi nhà tù lộ thiên đầu tiên trên thế giới, hay “nhà tù - lều” như giới truyền thông ví von, “chốn tá túc” của chừng 2.000 phạm nhân cả nam lẫn nữ dựa theo sáng kiến của Cảnh sát trưởng Maricopa, đã tạo ra mối lưu tâm đặc biệt từ chính quyền Liên bang ở Washington D.C, rồi từ các ứng viên tổng thống có triển vọng nhất, cũng như từ giới truyền thông toàn cầu.

Cảnh sát trưởng Joe Arpaio.

Nét đặc thù bao trùm là những phạm nhân ngụ trong "nhà tù - lều" có cảm giác như người đang sống tự do bên ngoài… "Môi trường lộ thiên thoáng đãng trước hết nhằm tạo cho họ tâm trạng lạc quan hơn, khiến cả trong hành động và suy nghĩ của người tù đều hướng tới sự phục thiện", Sheriff J. Arpaio lý giải.

Một phát kiến hữu ích nữa do ông đề xướng là vấn đề lao động trong tù, tương phản với quan điểm nhà tù chỉ thuần túy là nơi cách ly tội phạm chứ không bắt họ làm việc. Trong thực tế những công việc như làm sạch đường phố, sơn nhà cửa, hay chôn cất người vô gia cư… do các tù nhân Maricopa thực hiện đã tiết kiệm cho ngân sách quận nhiều khoản chi đáng kể.

Ngay từ năm 2000, Cảnh sát trưởng Joe Arpaio đã cho lập trang tin điện tử MCSO.Org, mô tả tất cả các trường hợp phạm tội từ khi bị tình nghi, tới lúc kết án rồi thụ án trong tù. Với lượng truy cập thường nhật hơn một triệu lượt đã khiến website này trở thành trang tin pháp luật có nhiều người xem nhất trên mạng Internet.

Ngoài ra, Sheriff Arpaio còn chỉ đạo việc khởi xướng cổng thông tin điện tử Crime.com, liên quan mật thiết tới mọi sự kiện xảy ra trong nhà tù "Tent City" (Thành phố lều) do ông làm Giám đốc. Trung bình khoảng 300 lượt người mỗi ngày đã nhấp chuột "ghé thăm" khu giam giữ trên phố Madison, nghĩa là hơn 12.000 người mỗi năm trường xuyên truy cập vào Crime.com, thể hiện sự lưu tâm của công chúng nói chung. "Tent City" là nơi quản thúc một lượng tù nhân đông đảo đủ mọi thành phần, qua hệ thống camera trực tuyến  người ta có thể quan sát những hoạt động thường ngày như giờ giấc sinh hoạt, nơi ăn chốn nghỉ và cả các… tiết học văn hóa.

Cũng chính Sheriff J. Arpaio là người đề xuất và thực hiện việc nâng cao trình độ học vấn cho giới phạm nhân, một chuyện hy hữu chưa từng xảy ra trong hệ thống nhà tù Mỹ. Những ai không có điều kiện học lên nữa ngoài đời đều có thể trau dồi tri thức trong tù.

Nhưng đồng thời Arpaio cũng áp dụng bản nội quy "hết sức hà khắc" - như những kẻ chống đối ông thường phê phán. "Kỷ luật sắt" trong tù bao gồm cấm hút thuốc và uống cà phê, cấm xem phim và sách báo khiêu dâm, còn việc xem tivi bị giới hạn trong những khoảng giờ giấc nghiêm ngặt.

Thầy giáo Arpaio giảng bài cho các tù nhân đang theo hệ phổ thông trung học.

Vị giám đốc tại "Tent City" đã thực thi chính sách tài chính có lợi cho ngân sách địa phương, cụ thể là mỗi phạm nhân chỉ được ăn 2 bữa mỗi ngày với mỗi khẩu phần là 0,15 USD, cấm ngặt việc đòi thêm muối hay đồ gia vị. Chỉ tính riêng khoản này đã tiết giảm được khoảng 200.000 USD mỗi năm. Thông thường thời khóa biểu hàng ngày tại "Tent City" ghi rõ những công việc phạm nhân cần làm, lịch cắt tóc và học văn hóa, lịch xét nghiệm ma túy và những chương trình giáo dục trên truyền hình mà phạm nhân bắt buộc phải xem.

Theo giới chuyên gia tội phạm hình sự học dày dạn kinh nghiệm, thì những biện pháp của Sheriff J. Arpaio đã xóa đi quan niệm "vào tù ra tội".

"Dưới trướng" Cảnh sát trưởng số 1 của nước Mỹ còn có khoảng 3.000 người tình nguyện sẵn sàng phục tùng mọi mệnh lệnh từ ông, thực tế chứng minh quận Maricopa là nơi có đội quân tự nguyện làm việc không lương đông đảo nhất nước Mỹ. Họ tham gia vào việc truy bắt tội phạm, bài trừ tệ mại dâm phi pháp, cũng như nạn bạo hành trong gia đình…

Rất dễ nhận ra những người tình nguyện dưới quyền Sheriff Arpaio tại các vị trí xung yếu trong những ngày lễ hay dịp nghỉ cuối tuần, khiến Maricopa nổi danh như là một trong những địa điểm an ninh nhất Hoa Kỳ.

"Tôi luôn hành động theo tiêu chí đề ra bất chấp mọi trở ngại. Ổn định trật tự xã hội là câu trả lời rõ ràng nhất đối với vai trò của người Cảnh sát trưởng", Sheriff Joe Arpaio khẳng khái cho báo giới biết.

Thu Hường (theo Moonbattery.com)
.
.