Chiến dịch bắt giữ trùm buôn lậu động vật hoang dã Anson Wong

Thứ Hai, 20/11/2017, 14:02
Thoạt nhìn có vẻ như không có gì là phạm pháp. Nhưng khi nhìn vào chiếc vali được di chuyển qua sân bay quốc tế Kuala Lumpur trong mùa hè năm 2010 người ta sẽ phát hiện một điều hết sức bất ngờ: bên trong giấu gần 100 con trăn Mỹ nhiệt đới, hai con rắn hổ lục và 2 con rùa Nam Mỹ.

Chủ nhân của số hàng bất hợp pháp này là Anson Wong Keng Liang, trùm buôn lậu động vật hoang dã nổi tiếng nhất thế giới.

Thiên đường buôn lậu động vật hoang dã

Từ hòn đảo Penang nhỏ bé của Malaysia, Wong nắm quyền kiểm soát một trong những tập đoàn buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất thế giới. Từ khi thành lập cách đây 3 thập niên, hàng năm Công ty Sungai Rusa Wildlife của Wong cung cấp hợp pháp hàng chục ngàn loài bò sát như rắn, thằn lằn, rùa và ếch cho các cửa hiệu thú nuôi ở Mỹ.

Tuy nhiên, Wong đã sử dụng một vườn thú tư nhân làm vỏ bọc để buôn lậu những mặt hàng bất hợp pháp như da báo tuyết, da gấu trúc, sừng tê giác, những loài chim quý hiếm và cả rồng Komodo. Wong buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm từ Australia, Trung Quốc, Madagascar, New Zealand, Nam Mỹ và mọi nơi khác đến những thị trường rộng lớn ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Anson Wong hoạt động buôn lậu trong suốt nhiều thập niên cho đến khi bị bắt giữ năm 2010.

Trùm buôn lậu động vật hoang dã Anson Wong bị cảnh sát áp giải ra toà án ở Sepang, bên ngoài Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 8-9-2010.

Hoạt động buôn lậu động vật hoang dã được báo chí mô tả là nền kỹ nghệ trị giá 10 hay thậm chí 20 tỷ USD/năm, tức chỉ đứng sau buôn lậu ma tuý và vũ khí về mặt quy mô. Nhưng trên thực tế không ai biết được con số lợi nhuận chính xác của thị trường bất hợp pháp này bởi vì những nỗ lực điều tra nhằm xác định giá trị của nó đã gặp thất bại.

Nhưng có điều chắc chắn rằng những dạng sống trong thiên nhiên (gỗ, cá, thú nuôi, san hô, ngà voi, da thú, v.v…), dù buôn bán hợp pháp hay bất hợp pháp, đều mang về hàng tỷ USD/năm. Chỉ riêng Trung Quốc đã tiêu thụ một lượng khổng lồ những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng – rùa nước ngọt, thú ăn kiến, thậm chí hổ – để sử dụng trong y khoa hay nhà hàng ăn uống; trong khi những quốc gia khác ở châu Á và phần còn lại của thế giới thu mua chúng để làm thú nuôi trong nhà hay để làm ra những sản phẩm tiêu dùng như dây đồng hồ, khăn quàng cổ, nước hoa, đồ nội thất hay đồ trang trí.

Điều khiến cho thị trường buôn bán bất hợp pháp này quá béo bở là nguy cơ rất thấp: một vài tên buôn lậu bị bắt giữ, một vài tên bị truy tố và nói chung bọn tội phạm loại này chỉ phải nộp một khoản tiền phạt rẻ bèo! Và hầu như không có ai bị ngồi tù. Kết quả là nghề buôn lậu động vật hoang dã trở thành dạng tội phạm xuyên quốc gia sinh lợi nhất thế giới.

Anson Wong bước vào nghề buôn lậu từ đầu thập niên 1980, bán động vật quý cho những sở thú và những thương nhân ở khắp nơi trên thế giới. Lúc đầu Wong buôn “bất cứ thứ gì hiếm”, như lời ông ta nói.

Cuối cùng những thay đổi trong luật quốc tế cũng như ở Malaysia khiến cho Wong tập trung vào loài rắn vì tin rằng chúng chưa được bảo vệ như các loài khác. Các mánh khoé của Wong không khác gì bọn buôn lậu ma tuý và những thứ khác. Wong dùng tiền để mua người giấu rồng Komodo trong túi xách, hay giấu rùa Madagascar quý hiếm dưới đáy những chuyến hàng chở động vật hoang dã hợp pháp.

Hiệp ước đầu tiên kiểm soát thị trường quốc tế động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng là Công ước Liên Hiệp Quốc CITES – trong đó phân loại động thực vật hoang dã thành 3 nhóm tuỳ theo mức độ nguy cơ tuyệt chủng.

Những con vật nằm trong nhóm Appendix I, như hổ và khỉ đột, bị cấm buôn bán trên thị trường thế giới. Những con vật trong nhóm Appendix II chỉ được buôn bán khi có giấy phép. Những con vật trong nhóm Appendix III được bảo vệ bởi một quốc gia với yêu cầu các quốc gia phải tôn trọng sự bảo vệ này.

CITES có trách nhiệm cung cấp giấy tờ đối với sự di chuyển động vật hoang dã. Những trùm buôn lậu như Anson Wong cẩn thận nghiên cứu trên toàn cầu tìm kiếm những quốc gia có luật pháp yếu kém hay những quan chức chính quyền tham nhũng để có được giấy tờ cần thiết cho vận chuyển thú quý hiếm. Và những quốc gia như thế trở thành những điểm trung chuyển hàng lậu; tức là những con vật khi đến là bất hợp pháp nhưng khi rời đi trở thành “hợp pháp”!

Một số nơi, như là đảo Penang của Malaysia, được coi là trung tâm vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp. Vị trí và luật pháp yếu kém của Penang đã biến hòn đảo này trở thành trung tâm chế tạo sản phẩm toàn cầu cho những công ty đa quốc gia như là Dell và Intel, cũng như  trung tâm tập kết động vật quý hiếm trên thế giới.

Anson Wong nói với một đặc vụ ngầm của Mỹ trong tháng 3-1997: “Tôi có thể tìm được bất cứ thứ gì từ bất cứ nơi đâu ở đây. Không có gì chạm được đến tôi. Tôi buôn bán gấu trúc mà không gặp vấn đề gì. Ở đây tôi thấy được an toàn”, Wong giải thích, “cái chính là phải chi tiền cho số quan chức trong cơ quan hải quan và quan trọng nhất là cơ quan quản lý động vật hoang dã chịu trách nhiệm về giấy tờ đối với CITES”.

Chiến dịch Tắc kè hoa và sau đó

Các hoạt động của Anson Wong cuối cùng cũng nằm trong tầm ngắm của những cơ quan thực thi pháp luật quốc tế vào đầu thập niên 1990, khi ông ta trở thành đối tượng của một cuộc điều tra gọi là Chiến dịch Tắc kè hoa của đơn vị đặc nhiệm thuộc Cơ quan quản lý động vật hoang dã và cá Mỹ (USFWS). Các đặc vụ thành lập một công ty nhập khẩu rắn nằm bên ngoài San Francisco và một công ty kinh doanh bán lẻ ở Reno bang Nevada, rồi sau đó bắt đầu giao dịch làm ăn với công ty của Wong.

Một cặp đười ươi bị buôn lậu được giải cứu khỏi một vườn thú Bangkok đang ngồi trong lồng ở trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Pratap Chang ở tỉnh Ratchaburi (Thái Lan) ngày 21-4-2006.

Từ lâu trước đó, họ đã phát hiện ra Wong không chỉ buôn lậu những loài bò sát quý hiếm và sắp tuyệt chủng, mà còn nhắm đến cả những loài chim và động vật có vú quý hiếm. Phạm vi làm ăn của Wong là toàn cầu. Để bắt giữ Wong, các đặc vụ cần có mưu mẹo để dụ ông ta ra khỏi Malaysia.

Có một thị trường đen quốc tế về mật gấu dùng trong y khoa cổ truyền châu Á để chữa bách bệnh. Đặc vụ George Morrison của USFWS, hoạt động bí mật, đề nghị với Wong kế hoạch buôn mật gấu đang tiêu thụ mạnh trên thế giới, với một điều kiện: hai người phải gặp mặt nhau. Wong đồng ý, nhưng do đã bị truy nã ở Mỹ vì tội buôn lậu cho nên ông ta từ chối đến Mỹ hay Canada.

Cuối cùng họ đồng ý gặp mặt ở Mexico. Khi Wong bước xuống chiếc máy bay của Japan Airlines ở Mexico City ngày 19-9-1998, đặc vụ Morrison và đội cảnh sát liên bang Mexico liền ập đến bắt giữ ông ta. Đó là lúc kết thúc Chiến dịch Tắc kè hoa – một chiến dịch phối hợp chính quyền 4 quốc gia và là một trong những chiến dịch bí mật kéo dài và thành công nhất của USFWS.

Hải quân Thái Lan trưng bày số hổ Bengal, báo và tê tê bắt giữ được ở sông Mê Kông gần biên giới Thái Lan – Lào, ngày 29-1-2008.

Trong Chiến dịch Tắc kè hoa, Malaysia không nằm trong số 4 quốc gia hợp tác do người Mỹ nghi ngờ Wong có được sự che chở của một vài người nào đó trong chính quyền nước này. Đồng thời Malaysia cũng không hề hay biết về sự tồn tại của chiến dịch.

Tháng 6-2001, một toà án ở California tuyên án 71 tháng tù đối với Anson Wong và khoản tiền phạt 60.000 USD đồng thời bị cấm kinh doanh xuất khẩu hàng hoá đến Mỹ trong vòng 3 năm sau khi mãn hạn tù. Nhưng, bản án vẫn không hề làm chùn bước Anson Wong. Trong khi Wong ngồi tù thì bà vợ của ông ta thay chồng điều hành doanh nghiệp động vật hoang dã, kể cả xuất khẩu sang Mỹ.

Sau khi ra tù, Wong quay về Malaysia và trở lại với hoạt động buôn lậu như xưa. Điều đó cho thấy bản án của Mỹ chưa đủ sức tác động đến khả năng điều hành công việc làm ăn bất chính của ông ta ở Malaysia. Mà ngược lại, kế hoạch mới của Anson Wong là xây dựng một vườn thú nuôi hổ và còn nhận được tài trợ cũng như mặt bằng đất đai từ chính quyền đảo Penang.

Misliah Mohamad Basir, nữ quan chức cơ quan quản lý động vật hoang dã chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Wong, nói: “Ông ta là bạn tốt của tôi”. Misliah coi Wong là doanh nhân làm ăn đúng luật pháp và tin rằng chính quyền Mỹ đã kết tội oan cho ông ta! Để làm bằng chứng, bà Misliah nói: “Wong chưa bao giờ đích thân quản lý động vật”. Misliah được coi là quan chức phụ trách động vật hoang dã có quyền lực hàng thứ hai ở Malaysia.

Trong nhiều năm sau khi Chiến dịch Tắc kè hoa của USFWS kết thúc dẫn đến việc bắt giữ Wong, ông trùm này đã có thêm nhiều quyền lực hơn, trong khi những người muốn truy tố ông ta ra toà đang trong thời kỳ khó khăn. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) về động vật hoang dã quốc tế hoạt động ở Malaysia không thể làm gì để vạch trần Wong và mối quan hệ giữa ông ta với cơ quan quản lý động vật hoang dã Malaysia vì sợ cơ quan này sẽ trục xuất họ.

Phơi bày sự thật

Nhưng đến tháng 1-2010 thì mọi sự bắt đầu thay đổi khi Tạp chí National Geographic công bố hồ sơ về Anson Wong, phơi bày chi tiết về mối quan hệ với chính quyền của ông ta cũng như những kế hoạch mới cho việc khai thác hổ của ông ta.

Ngay lập tức công chúng và báo giới ở Malaysia lên tiếng phản đối kịch liệt. Báo chí và truyền hình ở Malaysia có quyền tự do tiết lộ phóng sự của nước ngoài về đất nước Malaysia. Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Malaysia thông báo một chiến dịch “dọn dẹp” cơ quan quản lý động vật hoang dã của Bộ này và đồng thời hứa hẹn cứ mỗi 3 năm sẽ thay đổi quan chức cao cấp một lần.

Bộ cũng chấm dứt một số quyền lực chính của Cơ quan quản lý động vật hoang dã, còn Misliah trở thành đối tượng điều tra bởi Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia. Sau khi Wong bị bắt với chiếc vali giấu trăn Mỹ nhiệt đới, chính quyền Malaysia đã ra lệnh rút lại giấy phép kinh doanh, cho đóng cửa vườn thú, và tịch thu toàn bộ động vật của Wong, trong đó bao gồm những con hổ Bengal. Trong tháng 11-2010, một thẩm phán tuyên án Wong 5 năm tù – một bản án nghiêm khắc chưa từng có ở Malaysia đối với loại tội phạm buôn lậu động vật quý hiếm.

Chiến dịch bắt giữ Anson Wong là bài học đắt giá cho thấy những gì cần phải làm để ngăn chặn hành vi phi pháp của một trùm buôn lậu động vật hoang dã. Và có hai vấn đề chính cần được kể đến. Thứ nhất, nơi nào có hoạt động buôn lậu động vật hoang dã với quy mô quốc tế tức nơi đó chắc chắn sẽ có một số quan chức chính quyền tiếp tay cho bọn tội phạm.

Đây là vấn đề của Chiến dịch Tắc kè hoa: bất cứ nỗ lực thực thi pháp luật nào cũng không nên có sự hợp tác với chính quyền địa phương vì sẽ gặp thất bại. Thứ hai, người dân ở quốc gia quê hương của trùm buôn lậu chính là vũ khí hữu hiệu nhất để chống lại hắn ta.

Hiện nay, hàng chục bài báo – nhiều bài đăng trên trang nhất các báo Malaysia – bắt đầu kể câu chuyện về Chiến dịch Tắc kè hoa, những hoạt động phi pháp của Wong ở Penang, và câu chuyện về sự quản lý tệ hại của cơ quan quản lý động vật hoang dã của Malaysia, cũng như nạn tham nhũng ở đất nước này. Phơi bày sự thật là yếu tố chính cho sự thay đổi.

Toàn bộ những câu chuyện cần được kể cho giới truyền thông đại chúng. Bọn buôn lậu động vật thoang dã, cũng như bọn buôn lậu khác, tất cả đều tuân theo quy luật cung cầu – nếu có thị trường tiêu thụ động vật có nguy cơ tuyệt chủng thì sẽ có một số người tìm cách bắt những con vật tội nghiệp này. Khi mà thu nhập người dân đang tăng cao tại một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và cả khu vực Đông Nam Á thì sẽ có thêm nhiều khách hàng tìm mua động vật quý hiếm.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.