Chiến dịch chống tội phạm quay lén phụ nữ ở Hàn Quốc
Hành vi bí mật quay phim phụ nữ bằng camera giấu kín – gọi là “molka” - trong phòng tắm, phòng thay đồ hay những địa điểm riêng tư khác đang là vấn đề nghiêm trọng và đang tăng nhanh ở Hàn Quốc. Tin tức về tội phạm molka xuất hiện nhan nhản hàng ngày trên báo chí Hàn Quốc. Park Soo-yeon – người sáng lập nhóm Digital Sex Crime Out (tội phạm kỹ thuật số) cho biết đang tiến hành các chiến dịch vận động triệt phá những trang web được gọi với cái tên Soranet.
Hành vi bí mật quay phim phụ nữ bằng camera giấu kín – gọi là “molka”. |
Những trang web Soranet có hơn 1 triệu người dùng, lưu trữ hàng ngàn video được quay và chia sẻ mà không có sự đồng ý hay biết đến của những người được quay. Nhiều trang web trong đó đăng các đoạn video được quay bằng camera quay lén được đặt bí mật trong các nhà vệ sinh hoặc phòng thay đồ ở các cửa hàng. Park Gwang-Mi, người đã có 2 năm thị sát 1.500 nhà tắm ở khu vực Yongsan ở Seoul, chia sẻ: “Giờ tôi biết rằng khó mà bắt quả tang. Một người có thể lắp camera và lấy nó đi chỉ trong vòng 15 phút”.
Nhiều phụ nữ cảm thấy công lý không được thực thi đã tiến hành các vụ biểu tình rầm rộ ở trung tâm Seoul để nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng. Tuy nhiên việc triệt hạ các trang web đăng tải video dạng này rất khó, vì theo Park Mi-hye – người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm điều tra tội phạm tình dục của cảnh sát Seoul thì nhiều trang web đặt máy chủ ở nước ngoài.
Hành vi quay lén bất hợp pháp ở Hàn Quốc nhưng ở một số nước lại là hợp pháp. Park Mi-hye nói: “Thậm chí khi chúng tôi đánh sập được 1 trang web, bọn tội phạm có thể thay đổi địa chỉ website và mở lại chúng sau đó. Khó mà diệt hết”.
Giữa những năm 2010 và 2014, số tội phạm liên quan đến “molka” bị bắt giữ tăng từ 1.110 đến 6.600 người – theo số liệu từ cảnh sát Hàn Quốc. Vấn đề trở nên đáng báo động đến mức mọi nhà sản xuất smartphone ở Hàn Quốc đều được yêu cầu camera trên thiết bị của họ phải phát ra âm thanh màn trập thật lớn mỗi khi chụp hình.
Để chống lại loại tội phạm này, thành phố Seoul đã cho thành lập đội đặc nhiệm toàn nữ có nhiệm vụ săn lùng những chiếc camera cực nhỏ được bí mật lắp đặt trong những không gian công cộng dành riêng cho phụ nữ. Họ thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tuần tra tại các nhà vệ sinh ở công viên, nhà ga tàu điện ngầm, trường học và các cơ sở khác để dò tìm camera quay lén. Trong trường hợp phát hiện thấy camera quay lén, cảnh sát sẽ được thông báo để điều tra.
Đội đặc nhiệm nữ dò tìm camera giấu kín trong nhà vệ sinh nữ. |
Với thiết bị dò kim loại cầm tay, Park Kwang-mi cẩn thận tìm kiếm những chiếc camera cực nhỏ có thể được kẻ xấu giấu kín trong bàn ngồi bồn cầu, thanh giữ cuộn giấy vệ sinh, tay nắm cửa và thậm chí bộ phận lưới thông gió trên trần phòng. Nữ đặc nhiệm 49 tuổi từng kiểm tra hàng chục nhà vệ sinh công cộng trong một bảo tàng ở Seoul giải thích: “Công việc của tôi là bảo đảm không có camera quay lén phụ nữ trong nhà vệ sinh. Nhiệm vụ của tôi là giúp cho phụ nữ được an toàn hơn”. Park là thành viên đội đặc nhiệm toàn nữ săn lùng camera bí mật chống tội phạm “molka”.
Theo tiết lộ từ Hyun Heung-ho, một số tội phạm sử dụng smartphone và số khác chuộng những thiết bị gián điệp tinh vi khác - như là bút bi, mắt kính hay đồng hồ đeo tay tích hợp camera. Heung-ho là thành viên đội cảnh sát tuần tra metro ở Seoul được thành lập năm 1987 để chống tội phạm móc túi và hiện nay được giao nhiệm vụ chính là xử lý tội phạm quấy rối tình dục nơi cộng cộng bao gồm cả tội phạm “molka”.
Hyung-ho cho biết: “Nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi vì công nghệ tiến bộ quá nhanh, như là những ứng dụng di động đặc biệt cho phép tắt âm thanh camera khi chụp hình hay chỉ hiển thị hình ảnh khác khi camera đang quay lén”. Theo luật pháp Hàn Quốc, loại tội phạm “molka” sẽ bị phạt tiền đến 10 triệu won (khoảng hơn 9.000 USD) hay lĩnh mức án 5 năm tù giam.
Trong cuộc tuần hành ngày 9-6-2018, gần 30.000 phụ nữ Hàn Quốc giơ cao khẩu hiệu “Cuộc sống riêng của tôi không phải là phim khiêu dâm của bạn” tuần hành từ ga Hyehwa ở Seoul để phản đối nạn dịch tội phạm sử dụng “camera giấu kín” và việc cảnh sát thiên vị trong các vụ điều tra tội phạm tình dục của nam giới.
Những người này biểu tình đòi hỏi việc thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn đối với những người đàn ông bệnh hoạn chuyên theo dõi các nạn nhân nữ trong những phòng tắm công cộng của ga tàu điện, xe buýt và ở những nơi công cộng khác bằng các camera giấu kín.