Phòng, chống tham nhũng ở Trung Quốc: Nhổ tận gốc rễ

Thứ Năm, 20/04/2017, 20:15
Đầu tháng 1-2017, Báo cáo của Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, gần 93% người dân nước này cảm thấy hài lòng đối với thành quả trong công tác xây dựng tác phong liêm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chiến dịch chống tham nhũng của nước này, tăng 17,9% so với năm 2012.

Được lòng dân

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đang đi đến giai đoạn quyết liệt nhằm "nhổ tận gốc rễ" những sai phạm của các quan chức trong chính quyền, chống lại nạn tham nhũng ở Trung Quốc. Những quan chức hàng đầu với những đường dây tinh vi đang dần bị thanh trừng như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch…

Quan chức ASEAN và Trung Quốc tại một cuộc họp về chống tham nhũng.

Những người này thường xuyên bị ông Tập Cận Bình điểm tên và nhắc nhở trong các bài diễn văn chính thức cũng như các bài xã luận trên các báo đảng.

Phân tích về biện pháp chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình trong 4 năm qua, kể từ khi lên nắm quyền tại Trung Quốc từ cuối năm 2012 đến nay, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Pháp chế Quốc Vụ Viện (Chính phủ) Trung Quốc, Tiến sĩ luật thuộc Khoa Luật Đại học Bắc Kinh, Viên Thự Hồng, cho rằng tăng cường công tác giám sát, quản lý đối với cán bộ là chìa khóa vô cùng quan trọng.

Tiến sĩ Viên Thự Hồng phân tích, kể từ sau Đại hội Đảng XVIII đến nay, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư đã coi trọng cao độ công tác nghiêm trị trong đảng, trừng trị tham nhũng, đưa ra yêu cầu rõ ràng đồng thời triển khai chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi", không khoan nhượng đối với hành vi tham nhũng.

Hành động này đã mang lại thành quả rõ rệt, tạo không khí phấn chấn trong toàn đảng, được toàn dân ủng hộ, nạn tham nhũng về căn bản đã được kiểm soát, bước ngoặt của đấu tranh chống tham nhũng đang đến gần.

Theo báo cáo được triển khai thăm dò ý dân đối với 25.200 hộ gia đình tại 21 tỉnh, khu vực và thành phố trên toàn Trung Quốc về công tác xây dựng tác phong liêm chính trong đảng trên toàn quốc từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11-2016, cho thấy 92,9% số người được hỏi hài lòng với công tác chống tham nhũng. So với các năm trước, các chỉ tiêu về mức độ hài lòng, niềm tin, sự coi trọng, ngăn chặn của quần chúng trong năm 2016 đều có phần tăng, trong đó có 93,1% bày tỏ niềm tin đối với hiện tượng ngăn chặn tham nhũng, tăng 13,8% so với năm 2012.

Bên cạnh đó, 93,% số người được hỏi còn cho rằng lãnh đạo Đảng và Chính phủ tại các khu vực, bộ ngành và đơn vị sở tại đã coi trọng xây dựng tác phong liêm chính của đảng và đấu tranh chống tham nhũng, tăng 12,8% so với năm 2012. Trong khi, 90,9% cho rằng trình trạng xảy ra dồn dập các vụ án vi phạm kỷ luật của các cán độ đảng viên hiện nay đã được ngăn chặn, tăng 5,5% so với năm 2012. Báo cáo trên khẳng định rằng các biện pháp trị cả gốc lẫn ngọn trong quản lý đảng nghiêm ngặt và toàn diện đã nhận được sự đánh giá cao của quần chúng nhân dân.

Đả cả "hổ lớn" lẫn "ruồi"

Sự quyết liệt từ những nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc đã dấy lên cao trào "đánh hổ" mới, chính quyền liên tiếp bắt giữ nhiều quan chức. Các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố chiến dịch chống tham nhũng đến nay đã trừng phạt hơn 100.000 cán bộ.

Đầu năm 2017, tại cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Tân Hoa Xã đã dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp: "Nạn tham nhũng đã giảm nhưng vẫn chưa biến mất".

Nhận xét về sự quyết liệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo "Liên hợp buổi sáng" của Singapore nhấn mạnh, thế hệ lãnh đạo thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay đang cố gắng vừa chống tham nhũng song cũng vừa bảo vệ đảng. 

Từ năm 2014 tới nay có rất nhiều quan chức cấp cao bị xử lý do liên quan đến vấn đề tham nhũng và đây thực sự là việc chưa từng có trong suốt mấy chục năm qua. Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng phòng chống tham nhũng "phải kiên trì đánh cả “hổ lớn” (quan chức cấp cao) lẫn “ruồi” (quan chức cấp thấp)".

Theo báo "Liên hợp buổi sáng", cần phân làm ba giai đoạn là trước, trong và sau khi sự việc xảy ra. Trong đó phòng chống trước khi sự việc xảy ra là biện pháp quan trọng nhất, ngăn chặn khi phát hiện sự việc xảy ra là biện pháp hỗ trợ và tiến hành điều tra truy cứu sau khi sự việc xảy ra là biện pháp bổ trợ. Việc phòng chống tham nhũng ở tầng lớp quan chức cấp cao không hiệu quả chủ yếu do các thủ tục lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ cấp cao có nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn quan chức tham nhũng chủ yếu do cơ chế giám sát thiếu sức mạnh và không minh bạch.

Lấy việc chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc là một ví dụ. Thời gian gần đây, việc một số tướng lĩnh, sĩ quan trong quân đội Trung Quốc bị tiến hành điều tra với cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật" (cụm từ thường dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng), đã cho thấy nạn tham nhũng trong một số cơ quan quân đội nước này. Đây cũng là lĩnh vực ưu tiên xử lý hàng đầu của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tang vật tịch thu tại một vụ án tham nhũng. Cả một kho tiền mệnh giá cao. Ảnh Chinanews.

Từ tháng 11-2014, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã khởi động phong trào chống tham nhũng mới với quy mô lớn, thanh lọc những tướng lĩnh tham ô, cấu kết bè phái trong Quân ủy Trung ương, các quân binh chủng và các đại quân khu. Liên tiếp nhiều tướng lĩnh bị "ngã ngựa". Từ cán bộ cấp cao nhất là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho tới cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn đều bị trừng trị nghiêm khắc.

Từ Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng cho tới hàng loạt tướng lĩnh, thậm chí ở cấp rất cao cũng đã bị bắt và điều tra, như Phó Chính ủy Hải quân Mã Phá Tường (một người thân tín của ông Quách Bá Hùng và đã nhảy lầu tự tử), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lưu Tranh, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Thương Thụ Điền, Cục trưởng Hậu cần Quân khu Thẩm Dương Vương Ái Quốc, Trưởng đoàn văn công Chiến hữu thuộc Quân khu Bắc Kinh Lưu Bân… Từ động thái này có thể thấy chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc cũng vô cùng quyết liệt.

Cùng với việc công khai dần dần tình tiết các vụ án, cách thức kiếm tiền của những "con hổ" trong quân đội Trung Quốc cũng bắt đầu bộc lộ. Lấy trường hợp của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu làm ví dụ, người ta thấy nghiêm trọng nhất là việc "bán buôn" chức vụ và quân hàm.

Trong thời gian Từ Tài Hậu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, xảy ra nhiều tình trạng chạy chọt quan chức ở một số cá nhân, đơn vị trong quân đội Trung Quốc. Trợ thủ quan trọng nhất giúp Từ Tài Hậu chính là Phó Chính ủy Pháo binh II Vu Đại Thanh. Trước khi đảm nhiệm chức vụ nêu trên, Vu Đại Thanh từng là Cục trưởng Cục Cán bộ Dự bị và Cục trưởng Cục Cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị, những chức vụ có thực quyền nhất trong quân đội Trung Quốc. Dưới sự thao túng của Từ Tài Hậu và Vu Đại Thanh, chế độ bình xét dân chủ và xây dựng đội ngũ cán bộ dự bị đã trở thành công cụ để họ rao bán quan tước và loại bỏ kẻ trái ý mình.

Cho tới nay, cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đã được tiến triển nhất định, nhưng vẫn không bao giờ được dừng lại. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình trong một phát biểu tại một hội nghị quan trọng của quân đội mới đây, đã nhấn mạnh rằng từ nay về sau thu nhập của sĩ quan sẽ chủ yếu dựa vào tiền lương, không có các khoản thu nhập "đen" và càng không thể có các khoản thu nhập phi pháp, nếu không sẽ bị điều tra và truy cứu trách nhiệm.

Mức tiền lương của quân giải phóng tương đương với mức lương của viên chức nhà nước. Mức lương của quân nhân Trung Quốc vào năm 2014, lấy bộ binh làm ví dụ, Trung đội trưởng đeo quân hàm Thiếu úy sẽ có mức lương hàng tháng khoảng 3.000 Nhân dân tệ (NDT) (tương đương hơn 10 triệu đồng VND), trong khi đó sĩ quan cấp tá có mức lương dao động từ 5.000 - 6.000 NDT.

Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Học thuật Quân sự Hải quân Trung Quốc Trương Quân Xã cho biết: "Ở trong nước, mức lương này tương đương với mức lương của viên chức nhà nước, có thể còn cao hơn một chút".

Chống tham nhũng, vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế

Năm 2017, nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung Quốc là ổn định tăng trưởng kinh tế. Đây là tiền đề lớn. Vì thế, chống tham nhũng nhưng vẫn phải phát triển và tăng trưởng trong lĩnh vực kinh tế. Đây là bài toán khó mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc phải cân nhắc. Chống tham nhũng nhưng cũng phải cân nhắc cả về đối nội, đối ngoại; xây dựng niềm tin của người dân; niềm tin của các nhà đầu tư cũng như việc phát triển kinh tế.

Tại sao? Xuất phát từ mong muốn "phẫu thuật trị bệnh" cho các doanh nghiệp Trung ương. Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung ương mắc một căn bệnh trầm trọng là "loạn tiêu tiền"; "loạn đề ra mức thù lao và phúc lợi được hưởng".

Kế đó là việc sử dụng tiền nhà nước để ăn uống, dùng xe công cho việc tư và sử dụng công quỹ để xuất ngoại… Ngoài ra, tình trạng phô trương lãng phí, chi tiêu vượt mức, lạm chi trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Trung ương cũng rất đáng ngại. Tất cả không chỉ gây ra sự bất mãn lớn trong xã hội, mà còn khiến các doanh nghiệp Trung ương "thủng nồi", giống như con thuyền sắp chìm.

Do vậy, việc thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được đặt vào nghị trình công tác và sẽ bắt đầu từ các doanh nghiệp Trung ương để tích lũy kinh nghiệm, sau đó sẽ mở rộng sang khối doanh nghiệp nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, dự báo, việc chống tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước sẽ là vô cùng khó khăn khi sẽ tước đi đặc quyền đặc lợi của không ít "quan tham" đang "trú chân" trong các cơ quan nhà nước. Không chỉ các cơ quan nhà nước, việc chống tham nhũng, chống đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm được đẩy mạnh trong ngành ngân hàng, tài chính…

Đánh giá về kết quả và quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như vai trò của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các nhà phân tích chính trị Bangladesh nhận định, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã đem lại những kết quả to lớn cho những nỗ lực nhằm duy trì sự quản lý ổn định và đạt tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này để đảm bảo những lợi ích bền vững cho người dân trong nước cũng như các nước và các khu vực khác trên thế giới.

Ông Mushi Faiz Ahmad, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Bangladesh (BIISS) chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế, an ninh và phát triển cho biết: "Để duy trì mức tăng trưởng mạnh và ổn định, Trung Quốc phải tiếp tục nỗ lực xóa bỏ tham nhũng".

Ông cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thể chế nhà nước Trung Quốc đã có những nỗ lực không ngừng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng để xây dựng đảng và chính quyền trong sạch. Sau khi đưa ra xét xử những quan tham "tai to mặt lớn". Đó là việc mà người dân Trung Quốc đã mong muốn từ lâu.

Hoa Nguyễn (tổng hợp)
.
.