Có một Hollywood khác trong giới giang hồ

Thứ Ba, 18/12/2018, 07:55
Công tố viên đặc biệt Thomas E. Dewey trở thành người hùng của New York khi ông truy tố thành công “bố già” Lucky Luciano với 62 tội danh, và bản án cuối cùng được tuyên cho tay giang hồ này là 50 năm tù giam.

Kể từ ngày 2-7-1936, Luciano đã ngậm ngùi sống trong khuôn viên nhà tù Dannemora hắc ám, nơi này nằm gần biên giới Canada. Cuộc tấn công của công tố viên Dewey khiến giới tội phạm New York rung chuyển và tạo thêm cái cớ hợp lý cho Siegel dời “đại bản doanh” tới California.

Kẻ đào tẩu có dã tâm lớn

Hồi giữa thập niên 1930, tội phạm có tổ chức ở Los Angeles nằm dưới quyền kiểm soát của “bố già” Johnny Rosselli. Hắn từng là một mật vụ của Al Capone và  Chicago Outfit, và cũng như Jack Dragna, là ông chủ của một gia đình mafia khét tiếng ở Los Angeles. Đã từng có những thời kỳ, hai tên giang hồ này đoạt được một số thuận lợi cũng như ít tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau.

Thế rồi, tình hình nhanh chóng thay đổi khi bỗng dưng xuất hiện một đối thủ tàn bạo, quyền lực đến từ duyên hải Đông nước Mỹ: một kẻ gieo chết chóc và khó đoán có cái tên Benjamin “Bugsy” Siegel. Ngay từ hồi còn là đối tác trong thế giới tội ác của Meyer Lansky và Charlie “Lucky” Luciano, Siegel là “cha đẻ” của cái gọi là Nghiệp đoàn tội phạm quốc gia và hợp nhất sát nhân (NCSMI). Siegel là một tên “du thủ du thực” khôn ngoan, tàn nhẫn, quyến rũ và điên gàn.

“Tay anh chị” Bugsy Siegel. (Ảnh trái - Newcastle Chronicle). Johnny Rosselli từng có thời kỳ huy hoàng tại Los Angeles.

Năm 1937, Siegel từ bỏ New York đến thành phố Los Angeles. Lý do rời bỏ New York là vì khi đó thành phố này đặt dưới sự kiểm soát của công tố viên đặc biệt tên là Thomas E. Dewey, người nổi tiếng là không khoan nhượng với tội phạm, ông cũng đanh thép đánh sập các “lãnh chúa tội phạm” ở khu Manhattan và hành động dũng cảm của Dewey khiến báo giới khi đó đặt cho ông biệt danh “Bộc phá băng đảng”.

Nhưng động thái chạy trốn của “Bugsy” Siegel còn hướng đến một mục tiêu sâu xa hơn: Chính hắn ta khơi mào cho một sự xâm nhập thế giới ngầm tội phạm từ miền Đông nước Mỹ. Khi mà công tố viên đang mạnh tay trấn áp tội phạm ở Manhattan, đe dọa sẽ cho đám này tiêu tan, thì việc Siegel đào tẩu đến California được cho là một kế khôn ngoan và có thể đó là căn cứ mới, và khi đó thì Johnny Rosselli và Jack Dragna đã hùng cứ yên ổn suốt một dải duyên hải Tây nước Mỹ này rồi. Nhưng Lansky và Luciano (từ Dannemora) đều cùng nhất trí rằng thời điểm cho việc thiết lập “hang ổ” ở California đã đến.

Từ tiếng tăm của Luciano, Siegel đã được Jack Dragna thâu nạp. Dragna được bày cách để “chơi bóng” với Benny. Johnny Rosselli khuyên Jack Dragna nên ra ngoài để hiểu rõ sự tình. New York đang trong tình trạng rất tệ. Siegel lướt qua Hollywood như một đứa nhóc thả rông trong cửa hàng đồ chơi, hắn túm lấy bất kỳ thứ gì lọt vào mắt. Hắn ta bập vào mại dâm, ma túy và cá cược, những nghề kinh doanh béo bở với nguồn ma túy đến từ Mexico.

Thông qua một người bạn tình cờ vốn là nam diễn viên George Raft (Siegel từng có lần gặp mặt Raft tại hộp đêm El Fey ở Manhattan), hắn ta bỗng nhiên có chút tiếng tăm để kết thân với các ngôi sao điện ảnh và nhà sản xuất phim, tên giang hồ láu cá cho “các bạn” vay những khoản nóng từ 5 đến 10 ngàn USD hay hơn thế và khoát tay không cần phải trả lại.

“Bugsy” Siegel mua một mảnh của trường đua Tijuana nơi Johnny Rosselli là đối tác, và đến một lúc Siegel đã nắm quyền kiểm soát hiệp hội phụ trợ màn hình (nó là một hiệp hội công nhân sân khấu do Johnny Rosselli điều hành). Có vẻ như nếu Siegel đi theo bước chân của 2 tay “anh chị” Johnny Rosselli và Jack Dragna (và các đối tác Chicago của 2 tên này) thì cũng đồng nghĩa sẽ dọn luôn đường thành công ở Los Angeles. Nhưng rõ ràng Siegel đang có ý muốn lấn sâu vào gót giày của Johnny Rosselli.

Rõ ràng giữa Rosselli và Siegel đều có những điểm chung: ranh mãnh, vẻ ngoài sắc sảo như ngôi sao điện ảnh (Siegel từng có ý định muốn trở thành một siêu sao điện ảnh, và đã sắp xếp một thử nghiệm trình diễn cho riêng mình). Johnny Rosselli thừa hiểu hắn ta và Siegel có những điểm chung và cũng rất phức tạp. Bugsy Siegel có nụ cười rắn hổ mang, khi giao dịch với Johnny Rosselli và Jack Dragna thì hắn ta chơi bài tốt đẹp và tôn trọng, nhưng ẩn sâu là một cú đớp hiểm ác và hai tên cũng chả tin Siegel.

Hai đánh một

Bỗng đâu lại xuất hiện ra một gã tên là Mickey Cohen. Tên này tới làm tâm phúc cho Bugsy Siegel. Cohen là một kẻ lì lợm, “nóng tính như Trương Phi” và dĩ nhiên hắn cũng chẳng ngán “chủ nhà” và muốn làm vài thứ trước tiên cho mình. Đầu tiên là trận cãi nhau ỏm tỏi giữa Cohen với thuộc hạ của Johnny - Dragna là Dago Louie Merli.

Công tố viên đặc biệt Thomas E. Dewey.

Jack Dragna đã nổi trận lôi đình. Thường thì Dragna sẽ phái ai đó dạy cho Cohen một bài học nhớ tới già, nhưng vì Cohen là tâm phúc của Siegel mà Siegel lại là tay anh chị có số má, thế nên dù rất tức tối nhưng Rosselli và Dragna lại không muốn phát động chiến tranh với “giang hồ bờ Đông”, kích hoạt bạo lực ở New York. Theo lời khuyên của Johnny Rosselli, Jack Dragna ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận sự hiện diện của Siegel-Cohen, nhưng hắn ta cũng chờ thời cơ để phản đòn thích hợp.

Sự “trị vì” của Johnny Rosselli ở Los Angeles đã bị gián đoạn khoảng vài năm khi tên này đi tù vì âm mưu chiếm đoạt hàng triệu USD tống tiền các phim trường ở Hollywood (âm mưu tống tiền điện ảnh lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ). Mùa hè năm 1947, Rosselli được tha bổng và hắn lại móc nối với Jack Dragna ở Los Angeles. Nhưng khi đó thế giới ngầm vốn yên tĩnh ở Los Angeles đã bốc cháy rừng rực.

Trong những năm khi Johnny Rosselli “bốc hơi”, Dragna và Bugsy Siegel bắt đầu gườm gườm thủ thế. Bản thân Bugsy Siegel còn để tâm tới Las Vegas, một thánh địa cờ bạc đang nổi ở hoang mạc Nevada. Hắn còn để mắt tới Billy Wilkerson, doanh nhân tỷ phú sở hữu khu resort siêu sang mang tên Flamingo, và cũng là đối tác của Johnny Rosselli. Số tiền hàng triệu USD mà Siegel vung tiền vào thế giới cờ bạc cũng khiến hắn ta bị kết án tử hình vắng mặt bởi một tòa án ở Havana (Cuba). Jack Dragna với tư cách là ông chủ khu vực đã đồng ý cho phép Siegel lấn sân vào Las Vegas.

Nhưng trong thâm tâm của Siegel, một kẻ tham lam thì Los Angeles vẫn là mảnh đất béo bở khó bỏ. Vào đêm 20-6-1947, Bugsy Siegel đang ngồi trong phòng khách ngôi nhà của cô bạn gái ở Virginia Hill (Linden Drive, Beverly Hills). Có kẻ nào đó đứng bên ngoài ngôi nhà trong màn đêm và chĩa khẩu súng lục M1 khạc 9 viên đạn xuyên thủng cửa sổ. Siegel bị bắn trúng 2 viên vào đầu. Một viên đạn đã xuyên thủng mắt trái của gã. “Kẻ xâm nhập từ phương Đông” đã chấm dứt hoạt động sau ngần ấy năm coi thường “chủ nhà”.

Johnny và Jack thở phào nhẹ nhõm, chúng nghĩ rằng có thể thoải mái hùng cứ ở Los Angeles mà không lo bị kẻ nào đó ngáng trở. Nhưng chỉ vài tháng sau thì một vấn đề mới đã trổi dậy. Mickey Cohen – tâm phúc của Siegel – cho rằng hắn ta mới chính là “bá chủ” ở Hollywood. Có vẻ như sự nhút nhát của Jack Dragna đã khiến Mickey Cohen nắm quyền điều hành cả Los Angeles, và từ đây đã hình thành cái gọi là “Cuộc chiến dải băng hoàng hôn”, hay cuộc chiến tranh băng đảng giang hồ đẫm máu nhất trong lịch sử Los Angeles.

Trả giá

Cuộc chiến dải băng hoàng hôn là một cuộc xung đột dữ dội giữa 2 “bố già” quyền lực của thế giới ngầm Los Angeles là Mickey Cohen và Jack Dragna sau khi Benjamin Siegel bị mưu sát vào ngày 20-6 -1947. Ngay cả khi Mickey Cohen với nhiều thuộc hạ hơn cùng các đồng minh bao gồm Chicago Outfit và gia đình tội phạm Luciano, nhưng hắn ta lại gánh chịu tổn thất nặng nề hơn hẳn Jack Dragna và thua dần trong cuộc chiến.

Kinh đô điện ảnh Hollywood từng bị giới tội phạm thao túng.

Nhưng lý do mà Cohen bỗng dành phần thắng áp đảo là may cho hắn ta khi Jack Dragna qua đời trong một cơn đau tim vào ngày 23-2-1956. Sau khi thủ lĩnh Siegel bị ám sát, đương nhiên Mickey Cohen là người thừa kế cho đế chế tội phạm của chủ cũ. Trước khi qua đời đột ngột, Jack Dragna đã lên sẵn các kế hoạch di chuyển vào “sào huyệt” của Cohen. Khi Cohen phong tỏa Los Angeles, Jack Dragna đột nhiên cảm thấy mình bị “giam hãm” và y tuyên bố chiến tranh.

Vào ngày 18-8-1948, Fratianno đã sử dụng vợ và con gái của y để giàn binh bố trận tại của hàng đồ kim chỉ của gia đình mình nhằm dụ Mickey Cohen sập bẫy. May thay, Cohen rửa tay tại nhà tắm do sợ nhiễm vi khuẩn ủ bệnh, sau cái bắt tay của Fratianno. Khi Fratianno quay đi, hắn ta phát tín hiệu cho đám thuộc hạ của Jack Dragna và chúng ập tới cửa hiệu. Frank Bompensiero nhét khẩu súng cho tên thuộc hạ Hooky Rothman và lệnh cho tên này phải vào cửa hàng.

Khi 2 kẻ giết người khác chạy ngang qua Rothman, hắn ta liền giương súng nhắm bắn bọn này nhưng một sự cố đột ngột khiến hắn ta chết bất đắc kỳ tử. Ngày 20-7-1949, một vụ nổ súng bất thành đã làm vài người bị thương, bao gồm phóng viên Florabel Muir, nữ diễn viên Dee David, Mickey Cohen, tay vệ sĩ Harry Cooper (bảo vệ Cohen)...

Ngày 24-7-1949, khi Mickey Cohen lái xe trên đường để về ngôi nhà hắn ta ở Brentwood thì đã có một kẻ âm mưu đoạt mạng hắn ta, một tên giết thuê ngắm bắn vào chiếc Cadillac của Cohen, con cáo già thoát chết trong gang tấc khi lái chiếc xế sang vào đường lùi và cứ thế “phi” như ma đuổi. Ngày 6-2-1950, Mickey Cohen lại thoát chết hi hữu khi một khối thuốc nổ được gài sẵn dưới gầm giường trong phòng ngủ của Cohen, vụ nổ đã “thổi bay” nửa ngôi nhà của y.

Tiếp đó, đến ngày 2-12-1959, tên sát nhân Sam LoCigno đã bắn vào nhóm người của Mickey Cohen và 3 tâm phúc của hắn ta, nhưng chỉ có tên Whalen bị trúng đạn và thiệt mạng, vụ này tên LoCigno bị buộc tội nhưng lại thoát khỏi án giết người. Lại nói ở phần trên, vào ngày 23-2-1956 khi đã dần triệt hạ hết vây cánh của Mickey Cohen thì bỗng dưng Jack Dragna qua đời trong một cơn đau tim tại ngôi nhà của gã ở Los Angeles. Cái chết của “đại ca” Dragna đồng nghĩa cuộc chiến trên Dải hoàng hôn đã chấm dứt. Mickey Cohen từ bại trận trở thành kẻ chiến thắng.

Năm 1961, Mickey Cohen lại một lần nữa bị cáo buộc tội trốn thuế và bị tống tới nhà ngục Alcatraz. Hắn ta cũng là tù nhân duy nhất được cứu thoát khỏi “ngục tử thần” Alcatraz; tín phiếu của Cohen được ký bởi Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ khi đó là Earl Warren. Sau thất bại của việc kháng cáo, Cohen được chuyển tới nhà tù tiểu bang ở Atlanta (Georgia).

Năm 1972, Cohen được phóng thích khỏi nhà tù bang Atlanta, nơi hắn ta cất lên tiếng nói chống lại lạm dụng trong lao tù. Bị ung thư dạ dày, nhưng bác sĩ lại chẩn đoán nhầm là Cohen bị vết loét. Mickey Cohen chết trong lúc ngủ vào năm 1976 và được an táng tại Nghĩa trang công viên tưởng niệm Sườn Đồi ở thành phố Culver (tiểu bang California).

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.