Cơn ác mộng về cướp biển Somali đang tan dần?

Thứ Hai, 22/07/2019, 14:09
Ngày nay, sự chú ý của giới truyền thông đang tập trung vào vấn đề khủng bố nhiều hơn là nạn cướp biển. Mặc dù trong khoảng 10 năm trước, các báo cáo xuất hiện gần như hàng tuần về những con tàu mới bị cướp biển Somali bắt giữ và nhiều triệu đô la tiền chuộc mà các chủ tàu phải trả cho bọn chúng.

Tuy nhiên, cho đến nay, câu chuyện "bệnh dịch Somali" - ám chỉ nạn cướp biển - chỉ là chủ đề của nhiều thuyết âm mưu khác nhau. Lý do vì sao họ lại ngừng nói về nó như vậy?

Từ cuộc cách mạng kinh doanh

Theo thống kê, vào năm 2003 các sự cố lớn đầu tiên chỉ bắt đầu xảy ra ở gần bờ biển Somali. Bọn cướp biển đã thực hiện khoảng 445 cuộc tấn công vào các tàu khác nhau và 121 vụ (gần 1/4) diễn ra ở ngoài khơi Indonesia. Nhưng sau đó, đã không còn thấy nói về "mối đe dọa đối với thương mại thế giới" nữa. 

Cướp biển Somali.

Điều này chỉ được đề cập khi người Somali bắt đầu thực hiện một nửa trong số hơn 400 các cuộc tấn công. Đỉnh điểm của các vụ cướp bóc xảy ra trong thời kỳ 2008-2011. Chỉ tính riêng trong giai đoạn này bọn cướp đã thực hiện thành công hơn 160 vụ tấn công và cố gây áp lực 100-200 lần mỗi năm.

Lý giải về hoạt động này thế nào? Trước hết, dĩ nhiên đáng phải kể đến là nghịch cảnh ở ngay Somali. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước này đã trải qua một cuộc đảo chính quân sự, sau đó là một cuộc nội chiến với tất cả những thuộc tính của nó, bao gồm cả nạn đói và sự hủy hoại kinh tế. 

Để có được thực phẩm cho bản thân trong điều kiện nền kinh tế sụt giảm, mọi người buộc phải thực hiện những hành động tuyệt vọng nhất, kể cả phạm tội.

Ngư dân Somali, do sự gia tăng hoạt động của những kẻ săn trộm và mafia nước ngoài ở các khu vực ven biển, bắt đầu vứt bỏ những chất thải độc hại xuống Vịnh Aden. 

Những người dân đã bị mất nguồn thu nhập nhanh chóng nhận ra rằng họ có thể kiếm tiền, ví dụ, bằng cách bắt giữ các tàu thuyền từ châu Á và Vịnh Ba Tư đến Địa Trung Hải qua kênh đào Suez. Điều này không đòi hỏi sự nỗ lực quá mức: một chiếc thuyền tốc độ nhanh và vũ khí là điều không quá khó.

Theo ước tính khi vụ tấn công thành công, vào lúc cao điểm của vụ cướp, một người có thể kiếm được từ 3 đến 30 nghìn USD. Chỉ trong giai đoạn 2008-2011, khoảng nửa tỷ USD đã được chi cho việc chuộc lại tàu và thủy thủ đoàn bị cướp biển Somali bắt giữ. 

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi kiểu "khai thác" bất hợp pháp của những tên cướp biển nhanh chóng được lan rộng. Trong số này có cả dân thường và những tên tội phạm, thậm chí chúng bắt đầu tổ chức ra các căn cứ cướp biển. Với sự thỏa thuận ngầm của các nhà chức trách.

Lợi dụng sự xuất hiện của những tên cướp biển trên đường thủy từ châu Âu đến châu Á và chiều ngược lại, các công ty bảo hiểm đã tăng giá đối với các gói bảo hiểm của họ. Như vậy, vào năm 2008, các công ty bảo hiểm London đã đưa Vịnh Aden vào danh sách những khu vực rủi ro quân sự và bắt đầu tính phí bảo hiểm cho các chủ tàu về việc này. Và trong năm 2009, khu vực này đã được mở rộng, bao gồm gần như toàn bộ phần phía bắc Ấn Độ Dương.

Các bên trung gian khác nhau, từ các công ty tham gia giám sát từ xa các lộ trình trên biển cho đến những công ty bảo vệ tư nhân đã hoạt động theo cách tương tự. Vì vậy mà nhiều người thậm chí đã suy luận một cách logic rằng, các công ty bảo hiểm và các "doanh nhân" khác ít nhất đã gián tiếp tham gia vào các hoạt động cướp biển.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu suy nghĩ một cách logic thì họ không cần khuyến khích các hoạt động của bọn cướp vì chỉ thêm kích thích sự cường điệu trên các phương tiện truyền thông. Rốt cuộc thì các nhà báo đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi, mà hiếm khi đề cập tới việc có đến 99,8% tàu thuyền đi qua Vịnh Aden, bằng mọi cách đã tránh đối mặt với bọn cướp biển. 

Vì vậy, điều tự nhiên là vấn đề về "bệnh dịch Somali" đã biến mất hoàn toàn khỏi chương trình truyền thông ngay sau khi các biện pháp an ninh trong khu vực được tăng cường.

Đến yếu tố địa chính trị

Suy nghĩ vấn đề về bản chất của cướp biển Somali, chúng ta không nên quên những thời điểm liên quan đến chính trị. Thứ nhất, sự bất ổn trong khu vực kênh đào Suez đã vi phạm trật tự thông thường về việc giao hàng ở các thị trường châu Á và châu Âu, chủ yếu là nguồn năng lượng. Vì vậy, nó tạo ra áp lực cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển ở phương Đông.

Thứ hai, sự bất ổn ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình ở Trung Đông, khu vực mà cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay. Đặc biệt, sự xuất hiện của cướp biển Somali chắc chắn đã ảnh hưởng đến mức độ vận chuyển hàng trên kênh đào Suez. 

Trong năm 2009 có 17.115 tàu đã đi qua tuyến đường này, ít hơn 20% so với năm 2008 từng có 21.000 tàu đi qua đường thủy. Do đó, Ai Cập, nước thụ hưởng chính của việc quá cảnh qua kênh đào đã thâm hụt gần 1 tỷ đô la doanh thu.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất cần lưu ý là cuộc chiến chống lại cướp biển Somali được cộng đồng thế giới tuyên bố rút cuộc đã dẫn đến việc quân sự hóa khu vực. Về mặt pháp lý điều này phù hợp với nghị quyết của Liên Hợp Quốc được thông qua năm 2008. Do đó, Mỹ và các đồng minh, bao gồm NATO, Úc, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Nga, Thụy Điển, Nhật Bản và các quốc gia khác đã tận dụng cơ hội để "thắp sáng" lực lượng quân sự của họ ở Vịnh Aden và Đông bắc Ấn Độ Dương.

Ngày nay dễ thấy rằng, khác với những đội quân thường trực của Mỹ và NATO, các công ty quân sự tư nhân hoạt động trên bờ biển đã chấm dứt được nạn cướp biển ở Somali. 

Chẳng hạn, vào năm 2010 khi bị bọn cướp ngăn cản việc kinh doanh và đe dọa trực tiếp đội tàu chở dầu, Quốc vương Abu Dhabi Al Nahyan đã dùng đến dịch vụ của mình. Ông đã thuê một đội gồm 1.000 người dùng thuyền và máy bay trực thăng và trong hai năm có thể tiêu diệt khoảng 300 tên cướp biển.

Thực tế, Hội đồng tư vấn quản lý dự án đã hoạt động ở Somali trước đó. Như một kết quả hợp lý, từ năm 2012 không còn nghe gì đến cướp biển Somali. Chỉ có một lần trong năm 2017, bọn chúng đã cố gắng chiếm giữ một tàu chở dầu mới nhưng không thành công.

Bích Nguyễn (theo News.ru)
.
.