Công lý cho Garrett Phillips - Vụ án bí ẩn chưa lời giải

Thứ Ba, 03/09/2019, 19:35
Vào một buổi chiều ngày 24-10-2011, cậu bé 12 tuổi Garrett Phillips bị siết cổ đến chết tại nhà riêng ở thị trấn Potsdam ở hạt St. Lawrence bang New York. Vụ giết người bí ẩn vẫn chưa được giải quyết cho đến ngày nay.

Các biển hiệu, bảng quảng cáo và áo phông có câu “Công lý cho Garrett” xuất hiện khắp thị trấn bị rung chuyển trước vụ án mạng. Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra, ai là người có động lực nhất, và vụ án này kết thúc như thế nào - tất cả các câu hỏi sẽ được khám phá trong bộ phim tài liệu mới ra mắt của HBO có tựa “Who kills Garrett Phillips?” (Ai giết Garrett Phillips?).

Nghi phạm

Sáng hôm sau cái chết của Garrett, thám tử Mark Murray hỏi Tandy Cyrus liệu bà có biết ai muốn làm tổn thương con trai mình không. Ban đầu Cyrus chết lặng, không tin rằng bất cứ ai có vấn đề với con mình nghiêm trọng đến mức phải giết chết Garrett. 

Biển đòi “Công lý cho Garrett”.

Nhưng sau một lúc, Cyrus nhắc đến một cái tên – đó là Nick Hillary, bạn trai của bà và là người có vấn đề với Garrett. Cyrus cho biết bà đã chia tay với Nick Hillary chỉ một tháng trước khi con trai bà bị giết chết.

Cyrus nói về việc chia tay: “Hillary đã cố gắng rất nhiều để khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Tôi bảo rằng đứa con trai của tôi không được hạnh phúc và tôi sẽ không thể tiếp tục một mối quan hệ gây đau khổ cho đứa con của tôi. Có lẽ Hillary cho rằng con tôi chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định chia tay của tôi”. Cyrus cho biết bà chưa bao giờ thấy Hillary kỷ luật con mình – ông ta cũng không đánh đập đứa trẻ - nhưng bà vẫn cảm thấy có sự căng thẳng giữa đứa con và bạn trai của mình. Vì vậy, Cyrus thấy cần phải chia tay Hillary.

Nick Hillary (trái) và Tandy Cyrus.

Mặc dù Hillary sau đó đã phủ nhận rằng Cyrus và ông từng cãi nhau nhưng tin nhắn văn bản trên điện thoại được phục hồi trong quá trình điều tra đã chứng minh điều ngược lại. Hai giờ sau cái chết của Garrett Phillips, Mark Murray gặp gỡ Hillary chỉ đơn giản muốn thông báo về cái chết của cậu bé.

Mark Murray kể: “Tôi nghĩ rằng nếu là một người cha, ông ta sẽ muốn biết có gì đó không ổn, có chuyện gì đó đã xảy ra và cậu bé đã chết”. Tuy nhiên, Mark Murray vẫn cho rằng Hillary là nghi phạm chính trong vụ án mạng.

Sáng hôm sau, Murray yêu cầu Hillary hợp tác điều tra vụ án Garrett Phillips. Hillary đã tự nguyện đến sở cảnh sát và sau đó không được phép rời đi sau một giờ trả lời các câu hỏi. Hillary nhớ lại cảnh sát đã chặn cửa mà không cho ông rời đi. Tiếp đến, cảnh sát trình ra tờ lệnh cho phép họ tịch thu quần áo của Hillary.

Đoạn phim camera giám sát cho thấy Hillary bị buộc phải cởi trần và sau đó cảnh sát đưa cho ông một bộ đồ bảo hiểm áo liền quần để mặc trên đường về nhà. Cuối cùng, Nick Hillary được thả ra nhờ chứng minh được ông có hai nhân chứng ngoại phạm - cô con gái 15 tuổi tên Shaunna và trợ lý huấn luyện viên Ian Fairlie.

Hiện trường vụ án cũng không tiết lộ một mảnh bằng chứng nào ngoài 4 dấu vân tay để lại trên chính cửa sổ phòng ngủ của nạn nhân mà chính quyền tin rằng thuộc về nghi phạm đã bỏ trốn.

Tuy nhiên, các dấu vân tay này hoàn toàn không phù hợp với Hillary. Khi được hỏi tại sao cảnh sát luôn cố gán tội cho mình, Hillary nói ngay: “Bởi vì họ nghĩ tôi đã vượt qua giới hạn của một người da đen. Thành thật mà nói tôi nghĩ tất cả mọi chuyện đều liên quan đến vấn đề chủng tộc”.

Liệu có phải cảnh sát tập trung chú ý đến Nick Hillary bởi vì ông là người da đen trong một thị trấn gần như toàn người da trắng? Có phải bởi vì Phó cảnh sát trưởng hạt St. Lawrence là John Jones - một nghi phạm khác trong vụ án mà cảnh sát đã không theo đuổi với cường độ gần như họ đã làm với Hillary - đã hẹn hò với Tandy Cyrus ngay trước khi Hillary bắt đầu gặp gỡ bà? Hai năm tiếp tục trôi qua mà không có một vụ bắt giữ nào trong cuộc điều tra vụ sát hại Garrett Phillips.

Cảnh quay camera an ninh từ khu phức hợp trường Potsdam, hóa ra không chỉ cho cho thấy Garrett Phillips về nhà sau khi chơi bóng rổ mà còn cung cấp thêm hình ảnh một chiếc ôtô Honda CRV màu xanh nhạt rời khỏi bãi đậu xe vài giây sau khi cậu bé rời trường học.

Đoạn phim không rõ nét nên không thể nhìn thấy được biển số xe hoặc tài xế, nhưng điều oái oăm là Hillary lại sở hữu chiếc ôtô Honda cùng kiểu dáng, mẫu mã và cả… màu sắc. Cuối cùng, Hillary đã đệ đơn kiện dân sự chống lại Sở cảnh sát Postdam về các điểm: bắt giữ sai, giam cầm sai, phỉ báng và lục soát và bắt giữ bất hợp pháp.

Các luật sư hỏi Hillary về chiếc xe của ông và nơi ở của ông vào buổi chiều ngày 24-10-2011. Hillary xác nhận đã lái chiếc xe như trong đoạn phim camera an ninh và nói rằng ông ở trường trung học ngày hôm đó để xem một trận bóng đá và tìm kiếm người chơi tiềm năng.

Vào năm 2013, công tố viên mới Mary Rain đến làm việc trong thị trấn Postdam và bà hứa hẹn sẽ mang lại công lý cho nạn nhân Garrett Phillips. Vào ngày đầu tiên làm việc trong văn phòng công tố bang, Mary Rain phủi bụi bộ hồ sơ vụ án dày khoảng 3cm.

Hillary đã đệ đơn kiện dân sự chống lại Sở Cảnh sát Potsdam vì tội phỉ báng và bắt giữ bất hợp pháp... Họ bắt ông cởi trần trong cuộc thẩm vấn ban đầu.

Không bao lâu sau đó, bộ hồ sơ tăng lên thêm 20 hộp các tập tin giá trị. Năm 2014, Hillary bị bắt giữ. Nhưng vào lúc này, Hillary không chỉ có những người bạn thân đứng bên cạnh ủng hộ mà còn có thêm nhà sản xuất phim Hollywood là Sarah Johnson - một người nổi tiếng của Đại học St. Lawrence – đứng ra bảo lãnh Hillary và tuyên bố “dành nhiều thời gian nhất có thể” để bảo vệ ông. Và, một phiên tòa xét xử mới bắt đầu hiện ra lờ mờ bên kia đường chân trời.

Phiên tòa không tội phạm

Mary Rain thuê cựu công tố hạt là Bill Fitzpatrick để hỗ trợ, vì ông có kinh nghiệm với hơn 75 vụ án giết người trong khi bà chỉ có một. Vụ án truy tố tập trung chủ yếu xoay quanh các cảnh quay camera an ninh và những lời khai của Hillary.

Hillary khai vào buổi chiều ngày 24-10-2011 ông ngồi trong chiếc ôtô đỗ bên ngoài khu trường học Potsdam vì trời đang mưa và dự định đi bộ đến sân bóng đá khi thời tiết được cải thiện. Hillary ngồi đợi khoảng 6 phút rồi lái xe đi và chính ngay lúc đó Phillips tình cờ đi ngang qua. Hillary tuyên bố mình chạy xe về nhà.

Nhưng các công tố viên lập luận rằng Hillary lái xe đi giết Garret Phillips - con trai của bạn gái Cyrus đã chia tay! Trên thực tế, không có một bằng chứng vật lý nào và cũng không có một nhân chứng nào chỉ ra tội lỗi của Hillary.

Và vì vậy, các công tố viên đã dựa vào bằng chứng gián tiếp như là cách chiếc xe của Hillary bị phát hiện rời khỏi bãi đậu xe gần như cùng lúc với sự xuất hiện của Garrett, cũng như một khía cạnh khác là Hillary bị chấn thương mắt cá chân - một yếu tố mà Hillary từ chối cho cảnh sát thấy khi họ yêu cầu anh ta giơ chân lên trong lần thẩm vấn đầu tiên.

Về phía mình, Hillary tuyên bố vêt thương do lấy đồ phế liệu trong khi di chuyển đồ đạc mới xung quanh. May mắn cho Hillary là phần thẩm vấn này của cảnh sát không được phép làm bằng chứng trong phiên tòa. Lời khai của Hillary với cảnh sát cũng được chấp nhận.

Trong đó, Hillary cho biết ông đã về nhà và nói chuyện với con gái sau khi rời khỏi bãi đậu xe của trường, và tiếp đó đến nhà của Ian Fairlie, trợ lý huấn luyện viên của ông. Fairlie khai với các nhà điều tra rằng Hillary đã ở cùng với ông lúc cảnh sát có mặt tại hiện trường và nghe thấy tiếng động phát ra từ căn hộ của Garrett Phillips.

Luật sư bào chữa cho rằng Hillary không thể là kẻ giết người nếu ông ở cùng với trợ lý huấn luyện viên của mình trong khi kẻ giết người đang siết cổ Phillips trong phòng ngủ của Cyrus. Các luật sư của Hillary liên tục đưa ra các tuyên bố của mình, và đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ như: “Liệu bạn có thể giết đứa trẻ tội nghiệp với hy vọng người mẹ sẽ chạy lại vào vòng tay của bạn không? Điều đó hoàn toàn không có ý nghĩa”.

Hillary (thứ 2 từ phải sang) khóc trong sự nhẹ nhõm khi được tuyên không có tội.

Tuy nhiên, các công tố viên vẫn kết luận rằng bất cứ ai giết Phillips cũng không phải là một người lái xe nào đó tình cờ qua thị trấn mà chắc chắn đó phải là người biết rõ đứa trẻ và có mối liên hệ cá nhân với đứa trẻ. Fitzpatrick lập luận: “Do đó, Garrett Phillips không thể bị giết bởi một người đi ngang qua thị trấn và là người ghét những cậu bé. Garrett Phillips chắc chắn bị giết bởi Nick Hillary”.

Cuối cùng, Hillary vẫn chiến thắng và được tuyên không có tội. Hillary đã khóc một cách nhẹ nhõm trong phòng xử án trong khi những người thân đầy nước mắt của Phillips không thể tin được rằng Hillary có thể được tự do.

Trong một cuộc họp báo bên ngoài tòa án, luật sư của Hillary đã nhắc nhở công chúng về việc cảnh sát lạm dụng quyền lực ở Ferguson, Missouri và các nơi khác trên khắp nước Mỹ, và cảnh sát từ lâu đã có mối hận thù sâu sắc đối với người da màu ở đất nước này. Hiện nay, vụ kiện dân sự của Hillary chống lại Sở cảnh sát Potsdam vẫn đang chờ xử lý.

“Ai giết Garrett Phillips?”

Bộ phim tài liệu “Who kills Garrett Phillips?” của HBO gồm 2 phần phát sóng vào ngày 23 và 24-7-2019 với sự diễn xuất của  Liz Garbus - ứng cử viên 2 lần nhận giải Oscar. 

Poster bộ phim tài liệu của HBO.

Đoàn làm phim theo dõi toàn bộ vụ án Garrett Phillips từ đầu đến cuối – từ cuộc điều tra ban đầu dẫn đến vụ bắt giữ Nick Hillary, cho đến các thủ tục tố tụng và vụ kiện sau đó. Những thành kiến về chủng tộc và khả năng xử lý sai vụ án của cảnh sát cũng đóng một phần quan trọng trong bộ phim. Bộ phim tài liệu cũng nêu lên hậu quả của vụ án giết người.

Một gia đình có tang, một cộng đồng khép kín, và một nghi phạm đòi bồi thường một cách chính đáng. Đối với Nick Hillary, cuộc điều tra và xét xử khiến ông mất việc do phải theo đuổi một vụ án dân sự chống lại Sở cảnh sát Potsdam đồng thời còn phải nuôi 5 đứa con của mình.

Nhưng Mary Rain và cựu công tố viên Fitzpatrick vẫn nghĩ rằng Hillary là kẻ giết người. Vào năm 2016,  Nick Hillary đã đệ đơn kiện dân sự lần thứ 2 chống lại chính quyền, những người cố tình kết tội ông.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.