Đông Nam Á với cuộc chiến chống COVID-19 và ma túy
- Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn
- Phòng, chống khủng bố ở Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19
1. Nằm trong khu vực có đường biên giới của 3 nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Tam giác vàng là một trong những trung tâm sản xuất và buôn bán ma túy lớn nhất thế giới. Năm 2019, doanh số nơi này ước tính ít nhất là 71 tỉ USD, bao gồm heroin và methamphetamine. Để so sánh, Ngân hàng Thế giới cho biết tổng sản phẩm quốc nội của Myanmar năm 2018 là gần 70 tỷ USD.
Ông Jeremy Douglas, đại diện khu vực Đông Nam Á thuộc tổ chức Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) nói: “Năm 2019 là năm kỷ lục về nguồn cung ma túy nhưng năm 2020 đã phá vỡ những kỷ lục này”. Kể cả khi các quốc gia tiến hành phong tỏa biên giới từ đường bộ, đường thủy lẫn đường hàng không thì những ông trùm ma túy cũng chẳng chịu bó tay. Các cơ sở sản xuất cùng các tuyến vận chuyển mới liên tục được mở ra, thậm chí sản xuất ngay tại các nước bên ngoài Tam giác vàng.
Và gần như ở Đông Nam Á, không ngày nào mà không xảy ra các vụ bắt giữ ma túy, nhỏ lẻ thì vài chục viên “hàng đá” hoặc vài gam heroin, lớn hơn thì vài trăm kilogam heroin, vài nghìn hoặc vài chục nghìn viên “thuốc lắc”. Số người đi tù hoặc lĩnh án tử hình cũng tăng lên nhưng điều đó dường như không làm chùn tay bọn tội phạm bởi lẽ lợi nhuận do ma túy mang lại là quá lớn!
Tiền chất ma túy và Methylfentanyl lỏng bị cảnh sát Myanmar thu giữ. |
Tháng 5-2020, cảnh sát Myanmar bắt giữ vụ buôn bán ma túy lớn nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên họ thu giữ chất methylfentanyl dưới dạng lỏng mà sau khi xử lý thành bột rồi ép thành viên nén, nó được gọi là Fentanyl, loại ma túy tổng hợp cực kỳ nguy hiểm đã gây ra hơn 130.000 ca tử vong ở Mỹ và Canada trong 5 năm qua.
Theo cảnh sát Myanmar, đã có 163.000 lít methylfentanyl và 35,5 tấn tiền chất ma túy bị phát hiện gần làng Loikan, bang Shan, Đông Bắc Myanmar. Với số lượng này, hoàn toàn có thể sản xuất được 193 triệu viên Fentanyl mà người Myanmar gọi là “Yaba”. Đây cũng là chỉ dấu cho thấy các tập đoàn ma túy châu Á đã vươn vòi giành thị phần béo bở bởi lẽ từ năm 2019 trở về trước, sản xuất methylfentanyl là độc quyền của những băng nhóm ở Mexico và Colombia!
Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm, quy mô của vụ bắt giữ này là chưa từng có. Các cơ quan chức năng chống ma túy của Myanmar đã triệt phá một mạng lưới quan trọng trong một chiến dịch kéo dài 2 tháng với hơn 130 vụ bắt giữ. Trả lời cuộc phỏng vấn của hãng tin Reuters, người đứng đầu cơ quan chống ma túy Myanmar là đại tá Zaw Lin cho biết kết quả phân tích bằng các thiết bị hiện đại cho thấy đó chính là methylfentanyl.
Ông nói: “Methylfentanyl cùng các loại tiền chất khác được tìm thấy trong các bãi rác gần làng Loikan, nơi có một số nhà máy sản xuất ma túy nhưng đã bị bỏ hoang lúc cuộc đột kích diễn ra. Khi thẩm vấn, những kẻ bị bắt khai rằng hầu hết số tiền chất nêu trên sau khi điều chế thành ma túy, sẽ được phân phối bên trong Myanmar và chuyển tới các nước láng giềng. Chúng tôi vẫn đang tiến hành thẩm vấn nhưng chưa biết được đường đi và điểm đến cụ thể”. Tuy nhiên, hãng tin Reuter cho biết căn cứ vào những dòng chữ in trên bao bì, rất có thể lô hàng tiền chất ma túy này đến từ Trung Quốc.
Vụ bắt giữ cho thấy phương pháp của các tổ chức cung cấp ma túy đã thay đổi. Nếu như trước đây, nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, bọn buôn bán, vận chuyển ma túy sử dụng nhiều cách thức tinh vi để cất giấu “hàng” thì bây giờ, với methylfentanyl dạng lỏng, chúng hầu như không cần giấu giếm. Đã từng xảy ra trường hợp một nông dân lái chiếc máy cày, phía sau kéo theo rơ-moóc, trên rơ-moóc có cái máy bơm nước cùng vài ba can dầu diesel như thể đang trên đường vào rẫy tưới cây nhưng ai ngờ rằng một trong những can dầu ấy là methylfentanyl dạng lỏng!
Cảnh sát Thái Lan trưng bày số Fentanyl tịch thu được. |
Jeremy Douglas, đại diện của UNODC nói: “Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo Fentanyl có thể trở thành vấn đề nóng trong khu vực nhưng bây giờ điều này không còn là “có thể” nữa, mà là sự thật. Đó là sự thay đổi thị trường mà chúng tôi lo sợ”.
Mặc dù cảnh sát Myanmar không tiết lộ độ tinh khiết và thành phần chính xác của số methylfentanyl bị bắt nhưng theo các chuyên gia hóa học, nó có 2 biến thể chính và cả 2 đều mạnh hơn heroin từ 25 đến 50 lần, chưa kể các băng nhóm buôn bán ma túy còn trộn methylfentanyl và các dẫn xuất của nó với heroin và cocaine để tăng thêm hiệu lực.
Điều này đồng nghĩa với sự tăng lên tính giết người. Một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuộc quân đội Mỹ (Rand Corporation) cho thấy một nửa số trường hợp tử vong vì dùng quá liều heroin và cocaine ở Mỹ đều có dấu vết của methylfentanyl. Một khảo sát của Canada xác định rằng 73% những người nghiện ma túy ở nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với Fentanyl nhưng họ không hề biết họ đã sử dụng nó.
2.Trong nhiều thập niên, các tổ chức tội phạm châu Á hợp tác với những nhóm vũ trang thuộc các tộc người thiểu số, sử dụng khu vực Tam giác vàng để trồng cây thuốc phiện và tinh chế heroin nhưng gần đây, hoạt động sản xuất methylfentanyl của các băng nhóm - chẳng hạn như tổ hợp Sam Gor đã phát triển mạnh. Việc mở rộng các tuyến đường sản xuất và buôn lậu ma túy gây ra một mối nguy hiểm thứ cấp. Jeremy Douglas, đại diện UNODC nói: “Hàng loạt cuộc chiến ma túy tàn bạo để tranh giành lãnh địa, giết chết hàng trăm người, phần lớn là nông dân trồng cây thuốc phiên: Vụ mùa này anh không bán nhựa thuốc phiện cho tôi mà anh bán cho bên kia. Vậy là anh chết!”.
Tại Myanmar, các nhóm sắc tộc vũ trang, chẳng hạn như Quân đội bang Wa thống nhất (UWSA), hoặc Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDAA) đã kinh doanh ma túy trong nhiều thập niên nhờ việc làm chủ khu vực biên giới với Trung Quốc, Lào và Thái Lan trong lúc tại Lào và Thái Lan, lực lượng an ninh chỉ có thể kiểm soát một cách hạn chế đối với những vùng rừng núi xa xôi.
Ở những vùng này, kinh tế kém phát triển nhưng dẫu có một nền kinh tế bình thường chăng nữa, cũng không thể đem lại lợi nhuận khổng lồ như buôn bán ma túy. Chính lợi nhuận ấy đã làm hư hỏng các tổ chức xã hội, tương tự như những gì đã xảy ra với hoạt động buôn bán Cocaine ở một số nước Nam Mỹ: Một bộ phận trong lực lượng cảnh sát, quân đội, chính trị và hành chính, thậm chí cả các tu viện cũng tham gia vào lĩnh vực này.
Một xưởng điều chế Fentanyl ở Tam giác vàng. |
Một vấn đề nữa và đây mới là vấn đề làm đau đầu các cơ quan chống ma túy nội địa của một số quốc gia Đông Nam Á: Đại dịch COVID-19 đã làm các nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng nhưng có vẻ như nó chẳng ảnh hưởng gì đến dòng chảy ma túy.
Bà Gloria Lai, Giám đốc khu vực châu Á thuộc Hiệp hội Chính sách ma túy quốc tế (IDPC) nói: “Một viên Fetanyl bán trên đường phố ở Bangkok, Thái Lan giờ chỉ còn 3 USD, giảm 5 đến 6 USD so với trước dịch. Sự sụt giảm tương tự cũng xảy ra tại các vùng khác ở Đông Nam Á...” mà nguyên nhân là việc trồng cây thuốc phiện cho đến khi thu hoạch nhựa phải mất một thời gian khá dài, lại dễ bị phát hiện trong lúc điều chế Methylfentanyl thì chỉ cần tiền chất và nhà xưởng không lớn lắm.
Hơn nữa, giá của tiền chất cũng rẻ, làm ra sản phẩm nhanh. Các xưởng điều chế ma túy có thể tháo dỡ và tẩu tán mau chóng khi cần thiết. Theo UNODC, những năm gần đây đã có sự di chuyển quy mô lớn của các xưởng điều chế từ Trung Quốc sang một số nước Đông Nam Á mà nguyên nhân chính là do Trung Quốc tăng cường hành động chống ma túy.
Các xưởng này sản xuất methamphetamine dưới dạng tinh thể cao cấp, được gọi là “Crystal Meth” rồi đưa sang tiêu thụ ở các nước giàu như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đối với thị trường ở những quốc gia nghèo hơn, các xưởng điều chế sản xuất “Yaba”, là một hỗn hợp rẻ tiền pha trộn giữa caffeine và methamphetamine rồi được bán dưới dạng thuốc viên. Yaba phổ biến ở Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt là Bangladesh. Nó ngăn chặn sự mệt mỏi, đói, đau đớn. Người dùng trở nên hưng phấn và cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn nhưng chỉ sử dụng vài lần là nghiện! Các tác dụng phụ của Yaba bao gồm thay đổi nhân cách, rối loạn tâm thần và hoang tưởng, dẫn đến những hành động mà xã hội gọi là “ngáo đá”.
Các tuyến đường buôn bán methamphetamine ở Tam giác vàng mà các băng nhóm ma túy sử dụng phần lớn dựa trên các tuyến vận chuyển cũ, trong đó có bang Rakhine ở phía Tây Myanmar, một khu vực luôn diễn ra những cuộc xung đột, nơi người Rohingya bị đánh đuổi và nhóm phiến quân dân tộc Arakan (AA) đang đấu tranh giành độc lập đã trở thành con đường chính.
Richard Horsey, chuyên gia của Nhóm Khủng hoảng quốc tế về Myanmar cho biết: “Bang Rakhine đã trở thành xa lộ ma túy hướng tới Nam Á, đặc biệt là Bangladesh. Vài năm trước đây, nhiều con đường mòn mà phiến quân sử dụng để những đoàn ngựa thồ chuyên chở thuốc phiện thì nay là methamphetamine”.
Và mặc dù các lực lượng an ninh trong khu vực thường xuyên thực hiện các cuộc đột kích, bắt giữ và phá tan các phòng thí nghiệm ma túy nhưng theo Horsey, điều này tương đương với một giọt nước trong đại dương.
Horsey nói: “Trong nhiều năm, các vụ bắt giữ tăng lên nhưng giá ma túy lại giảm. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy năng lực sản xuất của các băng nhóm tội phạm đã phát triển hơn so với nhu cầu. Các chính phủ ở Đông Nam Á khó có thể giành chiến thắng trong trận chiến cân não trước lợi nhuận khổng lồ của việc buôn bán ma túy. Vấn đề không hẳn là họ thiếu ý chí chính trị, mà là thiếu ý tưởng chiến lược. Họ cần một cách tiếp cận sáng tạo”.
Cuối cùng, hệ lụy của ma túy vẫn chưa dừng lại ở đó. Đại dịch COVID-19 đã khiến một số quốc gia Đông Nam Á phải giảm bới số lượng phạm nhân trong các nhà tù, kể cả những người đi tù vì buôn bán ma túy. Hồi tháng 4, Thái Lan đình chỉ khoảng 8.000 án tù để giảm thiểu rủi ro bởi đại dịch COVID-19. Cũng trong tháng này, Myanmar tuyên bố trả tự do cho 25.000 tù nhân còn ở Malaysia, trong bối cảnh một nhà tù bùng phát dịch bệnh, một số tù nhân liên quan đến ma túy đã được chuyển đến các nơi giam giữ tạm thời.
Tại Indonesia, cơ quan y tế ghi nhận ít nhất 611 tù nhân đã bị nhiễm, còn tại Philippines, 1.023 trường hợp lây nhiễm với 14 người chết. Riêng Campuchia, quốc gia này chưa chính thức công bố trường hợp lây nhiễm nào mà có thể là do thiếu thiết bị xét nghiệm còn với Việt Nam, đến nay vẫn không phát hiện nhiễm COVID-19 trong các trại giam nhờ vào các biện pháp giãn cách xã hội triệt để.
Nếu như trước đây, sử dụng ma túy phần lớn chỉ thấy ở những người già với bàn đèn, dọc tẩu và thuốc phiện thì bây giờ, giới trẻ là thành phần chủ yếu. Ông Jeremy Douglas, đại diện UNODC nói: “Thiếu hiểu biêt về tác hại của heroin, hàng đá, thuốc lắc, những người trẻ tuổi háo thắng, thích thể hiện mình cùng nhiều lý do khác như thất nghiệp, khủng hoảng tình cảm, rủ rê, lôi cuốn..., đã khiến nếu không tích cực chặt đứt nguồn cung và giải quyết tốt những nguyên nhân nội tại thì nhu cầu về ma túy có lẽ sẽ vẫn kéo dài...