Drone cài bom - vũ khí mới của IS

Thứ Năm, 20/10/2016, 15:20
Mới đây, lực lượng người Kurd chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền bắc Iraq bắn rơi một chiếc máy bay không người lái (drone) nhỏ cỡ như chiếc máy bay mô hình. Nhưng chiếc drone bất ngờ phát nổ giết chết tại chỗ 2 chiến binh người Kurd khi họ đang cố tháo rời nó để nghiên cứu.

Sự việc cho thấy IS đã thành công khi sử dụng drone cài chất nổ để sát hại binh sĩ trên chiến trường thay cho những kẻ đánh bom liều chết.

Trong tháng 9 vừa qua, IS triển khai sử dụng những chiếc drone cỡ nhỏ cài bom tấn công ít nhất 2 lần buộc giới chỉ huy người Mỹ ở Iraq phát đi cảnh báo về loại vũ khí mới nguy hiểm này. Trước đó, IS đôi lúc sử dụng drone trên chiến trường chỉ với mục đích do thám và cái chết của 2 chiến binh người Kurd trên là bằng chứng cho thấy tổ chức khủng bố này đã sẵn sàng biến công nghệ thành vũ khí ám sát mới cực kỳ hiệu quả.

Theo các cố vấn Mỹ, drone cài bom có thể được IS sử dụng hàng loạt trong thời gian sắp tới trên chiến trường thành phố Mosul. Đối với một số chuyên gia phân tích quân đội Mỹ, Lầu Năm Góc khá bất ngờ trước thông tin về những chiếc drone được sử dụng làm công cụ đánh bom thay cho con người của IS.

Một cơ quan nghiên cứu thiết bị nổ tự chế - gọi là Tổ chức Phối hợp ngăn chặn mối đe dọa bom tự chế (JIDO) - đã nhận lệnh từ Lầu Năm Góc để tìm kiếm những phương cách chống lại loại drone nguy hiểm này. Vừa qua, Lầu Năm Góc cũng đã yêu cầu khoản ngân sách bổ sung 20 triệu USD từ Quốc hội để giúp giải quyết vấn đề.

Một chiếc drone của IS bị bắn rơi ở tình Anbar, Iraq.

Trong vài tháng gần đây, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) cũng gấp rút hoàn thành những tài liệu đánh giá mật về sự cải tạo drone thành quả bom điều khiển từ xa của IS. Không giống như drone cỡ lớn cần đường băng để cất cánh và hạ cánh của quân đội Mỹ, IS sử dụng loại drone thương mại cỡ nhỏ cực kỳ đơn giản như là DJI Phantom dễ dàng mua được từ trang thương mại điện tử Amazon.

Một quan chức quân đội Mỹ cho biết viên pin bên trong drone của IS chứa lượng chất nổ rất nhỏ song đủ để giết người. Ngày 1-10, binh sĩ Iraq bắn hạ một chiếc drone dài và rộng chỉ 30,48cm được gắn thiết bị nổ trên phần đầu.

IS ban đầu sử dụng drone để quay phim những vụ tấn công khủng bố bằng ô tô cài bom để sau đó đưa lên Internet với mục đích tuyên truyền. Theo giới chỉ huy quân sự Mỹ và Iraq, IS mới bắt đầu biến drone thành quả bom điều khiển từ xa trên chiến trường từ đầu năm 2016.

Hồi tháng 3-2016, tướng Sean MacFarland và giới chỉ huy quân sự Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq nhận được báo cáo tình báo về đoạn phim video do thám của IS được quay bằng drone. Trong phim là hình ảnh một loạt căn cứ quân sự của Mỹ và Iraq mới xây dựng ở miền bắc Iraq. Chỉ vài ngày sau khi video được công bố trên Internet, một căn cứ với 100 lính thủy đánh bộ Mỹ bị tấn công bằng bom nhưng chỉ làm chết 1 người.

Vụ tấn công cực kỳ chính xác này được nhiều người cho là thực hiện bằng drone. Tuy nhiên, tướng MacFarland tuyên bố ông không tin video do thám giúp IS thực hiện vụ đánh bom thành công: “Video không thể được sử dụng cho một cuộc tấn công chính xác. Nó chỉ có giá trị giới hạn cho mục đích tuyên truyền”.

Trong thời gian gần đây, binh sĩ Mỹ ở Iraq và Syria báo cáo thường xuyên nhìn thấy một vài chiếc drone cỡ nhỏ bay lượn gần căn cứ của họ và quanh những vị trí tiền tiêu ở miền bắc Iraq. Hồi tháng 8-2016, IS từng ra lời kêu gọi những người ủng hộ chúng sử dụng drone thương mại để cài lựu đạn hay chất nổ tấn công sự kiện thể thao Olympic.

Trong 18 tháng qua, quân đội Mỹ đã tiến hành ít nhất 8 cuộc không kích phá hủy những chiếc drone của IS trên mặt đất - theo tin tiết lộ từ bộ phận chỉ huy quân đội Mỹ ở Baghdad. Bất chấp mọi nỗ lực của quân đội Mỹ, giới chuyên gia phân tích quân sự tin rằng, những chiếc drone nhỏ bé của IS vẫn sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh ở Iraq.

Theo Trung tâm Chống khủng bố (CTC) thuộc Học viện Quân sự Mỹ (ISMA) ở West Point phía bắc New York City, trong tương lai loại drone thương mại dễ tìm mua trên Internet sẽ được các nhóm khủng bố sử dụng rộng rãi vào mục đích đánh bom từ xa vì nó hiệu quả hơn hẳn những kẻ đánh bom liều chết.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.