Gần 70 nước đánh IS không thắng vì mải toan tính lợi ích riêng

Thứ Ba, 12/01/2016, 11:15
"Thay vì làm suy yếu và đánh bại IS, các đồng minh và đối thủ của Mỹ có những mục đích phức tạp. Đối với họ, cuộc chiến hiện nay thực sự là một cuộc chơi nhằm định hướng cho hoạt động mang tính chất quyết định sẽ diễn ra ngay khi IS bị đánh bại", ông Knights nhận định.


Tranh giành ảnh hưởng "cuộc chiến tranh Lạnh" ở Trung Đông

Giới quan sát thường cho rằng, IS tồn tại được do có sự "chia rẽ" giữa các đồng minh chống lại nhóm khủng bố này. Còn theo ông Michael Knights, một chuyên gia về Iraq ở Viện Chính sách Trung Cận Đông, tất cả các nước Trung Đông đều đang tuyên chiến với IS, nhưng không nước nào coi IS là kẻ thù chính của họ. Trên thực tế, các nước này coi cuộc chiến tranh chống IS chỉ là sự chuẩn bị cho điều mà họ tin là sẽ xảy ra cuộc chiến quan trọng hơn rất nhiều giữa các cường quốc trong khu vực.

"Nhiều bên tham gia chiến đấu chống IS đơn giản là đang tự tìm cho mình chỗ đứng tốt hơn cho các cuộc xung đột khác. Có rất nhiều cuộc chiến bên trong cuộc chiến chống IS đã và đang diễn ra", chuyên gia này nói. Ông Knights cho rằng, đây là lý do sâu xa quan trọng khiến IS có thể tồn tại dai dẳng và đe dọa đến an ninh toàn cầu như vậy.

"Thay vì làm suy yếu và đánh bại IS, các đồng minh và đối thủ của Mỹ có những mục đích phức tạp. Đối với họ, cuộc chiến hiện nay thực sự là một cuộc chơi nhằm định hướng cho hoạt động mang tính chất quyết định sẽ diễn ra ngay khi IS bị đánh bại", ông Knights nhận định. Các cường quốc khu vực như Iran và Arab Saudi chủ yếu coi cuộc chiến chống IS như là một cách giúp họ chiếm vị thế có lợi nhất trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng kiểu Chiến tranh lạnh ở Trung Đông thời hậu IS.

Thực tế, đồng minh chống IS không chỉ là những miếng ghép lộn xộn, mà tất cả họ còn xem đây là một bàn đạp cho cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite, giữa người Arab và người Kurd, giữa các phe phái do Arab Saudi lãnh đạo và Iran dẫn dắt.

Một ví dụ dễ thấy là dân quân người Kurd, lực lượng chống IS tâm huyết nhất hiện nay, nhưng mục đích chính của họ không phải là đánh bại phiến quân, mà là thiết lập một nhà nước tự trị ở biên giới Iraq và Syria. Một khi giành lại được các phần lãnh thổ do IS chiếm giữ trong "nhà nước tự trị" này, người Kurd sẽ không còn là đồng minh hiệu quả trong cuộc chiến chống IS như trước nữa.

Iraq tấn công thành phố Ramadi mà không cho dân quân người Shiite tham gia vì nỗi lo thanh trừng sắc tộc.

Bình luận viên kỳ cựu Rukmini Callimachi của tờ NYTimes cũng cho rằng, dân quân người Kurd chỉ sẵn sàng chiến đấu ở khu vực miền Bắc Syria, nơi họ chiếm đa số và có thể dễ dàng đẩy lùi IS. Cuối tháng 11-2015, dân quân người Kurd đã giành lại thành phố Sinjar phía bắc Iraq chỉ sau chưa đầy 48 giờ tấn công. Nhưng sau đó, họ tiến quân rất chậm chạp ra bên ngoài Sinjar, và các chỉ huy của họ giải thích rằng đây không phải là địa bàn của người Kurd, mà là của người Arab dòng Sunni.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nước láng giềng Syria, nơi dân quân người Kurd đã tiến đến làng Elin Eissa hồi đầu năm 2015, chỉ cách sào huyệt Raqqa của IS 50 km, nhưng họ không chịu tiến thêm. "Chúng tôi không nên tiến xa hơn xuống phía nam", Redur Xelil, phát ngôn viên chính của lực lượng người Kurd ở Syria phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

Mỹ sẽ hao tổn thêm nhiều nhân sự, khí tài

Bình luận viên Callimachi cho rằng, những gì đang diễn ra là vấn đề quan trọng, bởi tình trạng chia rẽ ở Trung Đông là một hiểm họa cho chiến lược và các lợi ích của Mỹ trong cuộc chiến chống IS và về lâu dài, một khi IS bị đánh bại.

Theo giới phân tích, bản thân Mỹ cũng bị kẹt cứng giữa những toan tính, tranh chấp giữa các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, khiến chiến dịch không kích của họ không thu được kết quả như mong đợi sau gần 2 năm tiến hành. Ông Knights cho rằng, nước Mỹ đang loay hoay với "các lựa chọn bất khả thi giữa đồng minh Sunni truyền thống và lực lượng Shiite đầy triển vọng vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS".

Thực tế, để giải phóng thành phố chiến lược Ramadi, Mỹ yêu cầu dân quân người Hồi giáo Shiite không được tham gia cuộc chiến vì những lo ngại về thanh trừng sắc tộc diễn ra.

Các chiến binh người Kurd ở thành phố Hasaka, Syria, tháng 8-2015.

Cho đến nay, Mỹ và các đối tác đã không coi trọng lực lượng người Arab dòng Sunni. Hồi tháng 10-2015, chính quyền Obama đã thừa nhận chương trình trị giá 500 triệu USD huấn luyện hàng nghìn quân địa phương, đa phần là dòng Sunni, đã thất bại. Để thoát khỏi thế bế tắc này, Washington cần phải cân bằng lợi ích giữa nhóm người Shiite thân Iran và người Sunni thân Arab Saudi để họ không tìm cách đấu đá lẫn nhau, hoặc nếu cần thiết phải thể hiện sự ủng hộ rõ ràng với một bên.

Trong cả hai trường hợp này, theo ông Knights, "Mỹ cần phải bắt đầu chuẩn bị răn đe hoặc tham gia các cuộc chiến sau đó từ bây giờ vì các đối thủ của họ đã và đang bắt đầu hành động".

"Chừng nào các quốc gia trong khu vực còn tin rằng, sẽ có các cuộc xung đột lớn hơn sau khi IS bị tiêu diệt, họ vẫn sẽ còn nhắm vào nhau thay vì chống IS. Và đây thực sự là một vấn đề lớn đối với nước Mỹ, khiến cuộc chiến chống IS có thể còn kéo dài", chuyên gia Knights nhấn mạnh.

Văn Nguyễn - L.D. (tổng hợp)
.
.