Guatemala: Làn sóng bạo lực nhằm vào phụ nữ không ngừng gia tăng

Thứ Hai, 21/12/2015, 15:20
Mỗi năm, ước khoảng 66.000 phụ nữ bị giết chết trên toàn thế giới và một trong những quốc gia có tỷ lệ bạo lực chống phụ nữ cao hàng thứ 3 trên thế giới là Guatemala - sau El Salvador và Jamaica.

Theo số liệu Cảnh sát Quốc gia Guatemala, từ 2007 đến 2012 có 9,1 vụ án mạng trong mỗi 100.000 phụ nữ tại đất nước có dân số không hơn 15 triệu người.

Bà Rebecca Lane, một rapper đấu tranh cho nữ quyền ở Guatemala City, phát biểu: "Chúng ta đang bị giết chết bởi những người cha, người anh, cha dượng… Những người được cho là có nghĩa vụ chăm sóc chúng ta. Phần đông trong chúng ta câm lặng mà sống với bạo lực. Khi bị một ai đó tấn công hay nhục mạ, chúng ta thường làm ngơ mà bỏ đi. Chúng ta phải liên kết với những phụ nữ khác để nói lên vấn nạn này”.

Năm 15 tuổi, Lane bị một gã đàn ông khống chế và xâm hại tình dục. Mối quan hệ đau khổ kéo dài suốt 3 năm. Hiện nay, Lane sử dụng âm nhạc để đấu tranh cho nữ quyền. Bài hát nổi tiếng nhất của Lane là "Mujer Lunar", (Người đàn bà Mặt trăng) là ca khúc kêu gọi tôn trọng cơ thể, cuộc sống và sự độc lập của phụ nữ.

Biểu tình chống bạo lực nhằm vào phụ nữ ở Guatemala.

Các chuyên gia phân tích cho rằng nạn giết hại phụ nữ có nguồn gốc từ quá khứ tàn bạo ở Guatemala. Câu chuyện của Lane nêu bật xã hội bất ổn hiện nay của Guatemala và quá khứ của cuộc nội chiến kéo dài 36 năm trên đất nước này. Người cô của Lane mất tích năm 1981 sau khi gia nhập quân du kích cánh tả chiến đấu chống lại chính quyền quân sự Guatemala.

Vào khoảng thời gian người cô của Lane mất tích, những thông tin bắt đầu lan truyền về nạn cưỡng bức, tra tấn và giết hại hàng chục ngàn phụ nữ - nạn nhân phần đông là cộng đồng người bản xứ Maya bị buộc tội ủng hộ phe nổi dậy chống chính quyền. Hơn chục năm sau, một báo cáo do Liên Hiệp Quốc tiết lộ khoảng 25% hay 50.000 nạn nhân chiến tranh ở Guatemala là phụ nữ.

Helen Mack, chuyên gia Quỹ Myrna Mack, cho biết bạo lực tình dục "ở mức cao và được sử dụng làm công cụ chiến tranh. Phụ nữ bị coi như món đồ, phải phục dịch gia đình và điều này vẫn tiếp tục cho đến tận ngày nay".

Myrna, chị gái của Mack, cũng bị biệt đội tử thần quân sự của Guatemala cưỡng bức và giết chết trên đường phố vào năm 1990. Trong suốt cuộc nội chiến, một đội quân khoảng 40.000 người và một lực lượng phòng vệ dân sự được huấn luyện để tiến hành bạo lực chống phụ nữ. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người đàn ông này trở về nhà và vẫn tiếp tục hành xử tàn bạo với phụ nữ - những người vợ, mẹ và bạn gái của họ.

Bà Helen Mack.

Mack tin rằng văn hóa bạo lực chống phụ nữ ở Guatemala không bị trừng phạt và dai dẳng cho đến ngày nay. Cũng theo Mack, bạo lực chống phụ nữ ở Guatemala vẫn còn bị coi là vấn đề riêng trong gia đình, bất chấp những luật mới chống lại tội giết hại phụ nữ và các dạng bạo lực khác chống phụ nữ. Năm 2008, Guatemala trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận hành vi giết hại phụ nữ là tội hình sự.

Bà Thelma Aldana nhận định: "Sự khác biệt ở Guatemala giữa hành vi giết một phụ nữ và một người đàn ông là phụ nữ thường bị đau đớn trước khi chết - bị cưỡng bức, cắt đứt thân thể và đánh đập". Năm 2011, khi làm Chủ tịch Tòa án Tối cao Guatemala (và nay là Bộ trưởng Tư pháp), bà Thelma Aldana giúp thành lập mạng lưới các tòa án và phiên tòa đặc biệt trên khắp đất nước để xét xử những vụ án giết hại phụ nữ.

Bà Aldana nói rằng: "Hệ thống tư pháp có thể làm nhiều điều để thay đổi văn hóa bạo lực này. Chúng ta yêu cầu phụ nữ lộ diện và phá vỡ sự im lặng. Hành vi giết hại phụ nữ cũng như các dạng bạo lực khác chống phụ nữ hiện nay được coi là tội hình sự được thông tin rộng rãi trong nước, với trung bình 56.000 báo cáo trong một năm - trong đó bao gồm hành vi cưỡng bức, bạo lực tình dục và thể xác, giết người".

Bà Thelma Aldana.

Hiện nay, ở Guatemala có mạng lưới tòa án xét xử tội giết hại phụ nữ ở 22 tỉnh, thành khắp nước, với đội ngũ thẩm phán và sĩ quan cảnh sát được huấn luyện về loại tội phạm giới tính này. Văn phòng Công tố Nhà nước không có đủ khả năng thụ lý mỗi vụ án mà họ nhận được, do đó nơi đây chỉ chọn những vụ có bằng chứng mạnh mẽ nhất. Năm 2015, có 3.366 vụ án giết hại phụ nữ được xét xử thành công tại các tòa án đặc biệt. Năm 2013, trong số 3.500 vụ đưa ra xét xử chỉ có 1.460 bản án được tuyên.

Mặc dù có đến 5 thi thể phụ nữ bị giết chết được phát hiện tại khu vực quanh Guatemala City chỉ trong vòng một tuần của tháng 11 vừa qua, song Helen Mack tin tưởng xã hội đã có sự tiến bộ. Mack bình luận: "Trong 10 năm qua, chúng ta cố gắng tiến lên phía trước và ngày nay đã có nhiều phụ nữ lên tiếng nói, đó là thế hệ những nữ thẩm phán và nhà hoạt động nữ quyền".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.