Hồ sơ vụ khủng bố Thế vận hội Munich

Thứ Năm, 30/11/2017, 10:57
Vụ thảm sát xảy ra trong kỳ Thế vận hội Mùa hè lần thứ 20 tổ chức tại thành phố Munich (Đức) 45 năm trước, là sự kiện khủng bố đầu tiên được đưa tin kèm hình ảnh trực tiếp tới công chúng trong lịch sử truyền hình thế giới.

Mặc dù những kẻ khủng bố thuộc tổ chức “Tháng 9 đen” đóng vai trò chủ yếu gây ra vụ tấn công; cộng thêm sự lơ là tắc trách từ các cơ quan bảo đảm an ninh của nước chủ nhà cũng góp phần tạo nên tấn bi kịch.

Nhưng không một ai trong cuộc khi ấy lại sáng suốt đánh giá, rằng chính sự đưa tin tại chỗ từ các máy quay truyền hình đã vô tình cung cấp cho bọn khủng bố những hình ảnh về hoạt động của cảnh sát - qua hệ thống máy thu hình trang bị trong phòng ở của các vận động viên, giúp chúng chủ động đáp trả rồi đưa ra điều kiện thương thuyết. Ngoài sự kiện truyền hình trực tiếp đầu tiên ra, vụ thảm sát Munich còn được giới chuyên gia am hiểu ví von là vụ “khủng bố dư luận” đầu tiên qua ống kính ghi hình”.

Bà A. Spitzer bên di ảnh người chồng quá cố.

Cho đến tận bây giờ, sau hơn 4 thập niên, thân nhân của các vận động viên Israel thiệt mạng vẫn bày tỏ mối nghi hoặc, rằng toàn bộ sự thật về vụ thảm sát chưa được làm sáng tỏ. Còn giới hữu trách Đức luôn lên tiếng khẳng định là “không có thêm gì mới từ các kết quả điều tra phân tích”.

Nguồn tin duy nhất được tiết lộ vào năm 1992, khi một cộng sự viên can đảm khuyết danh của Cục Lưu trữ bang Bavaria đã gửi một số dữ liệu bảo mật cho bà Ankie Spitzer, vợ góa của ông Andre Spitzer (1945-1972) là huấn luyện viên môn đấu kiếm thuộc đội tuyển Olympic Israel đã thiệt mạng trong vụ thảm sát.

“Có những lý do bí ẩn buộc người ta phải che giấu sự thật” - bà A. Spitzer mở đầu cuộc trả lời phỏng vấn của Hãng truyền hình Đức ARD, trước khi đề cập chi tiết lượng tin mật đã biết. “Nhà chức trách Đức đã phạm phải sai lầm ngớ ngẩn mà bất cứ người bình thường nào cũng nhận thấy - bà quả phụ A. Spitzer cho biết thêm - Để đối chọi với 8 tên khủng bố được huấn luyện và trang bị đầy đủ, cảnh sát Munich chỉ cử đến 5 tay súng bắn tỉa trong đó có 2 người không có điều kiện phát hỏa”.

“Còn trong chiếc máy bay dân dụng của Hãng hàng không Đức Lufthansa, được điều đến đậu trên đường băng sân bay quân sự Furstenfeldbruck theo yêu sách của bọn khủng bố - bà A. Spitzer kể tiếp - Lực lượng an ninh đã bố trí 17 cảnh sát vũ trang phục sẵn.

Hình ảnh cảnh sát trong trang phục thể thao phát qua máy thu hình, khiến bọn khủng bố dễ bề đối phó.

Nhưng trong khoảnh khắc ống kính ghi hình chĩa vào họ - đúng thời điểm chiếc trực thăng chở quân khủng bố và các con tin còn sống chuẩn bị đáp xuống, trước khi chuyển sang phi cơ dân dụng khiến nhóm nhân viên cảnh sát này đã nhanh chóng rời bỏ vị trí… Tôi có gặng hỏi ông Georg Wulf, sĩ quan phụ trách chiến dịch thuộc Bộ Nội vụ bang Bavaria: “Nguyên nhân do đâu mà kế hoạch phục kích của cảnh sát bị đình hoãn?”.

Tranh ghép lột tả phương thức đưa tin trực tiếp đậm chất giật gân, câu khách trong vụ thảm sát Munich.

Liền nhận được câu trả lời rằng lúc ấy ông nhìn vào mắt của những nhân viên cảnh sát tình nguyện trẻ tuổi, thấy họ tha thiết muốn được sống, cũng như không muốn người thân mục kích cảnh ngộ nhỡ mình hy sinh phát qua màn ảnh nhỏ. Do vậy G. Wulf quyết định cho toàn đội rút lui, tránh việc đổ máu không cần thiết. Hiển nhiên việc phát hình trực tiếp có phần lỗi lớn trong chuyện này”.

Danh chính ngôn thuận thì lực lượng đặc biệt tinh nhuệ chống khủng bố GSG -9 ra đời ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát ở Thế vận hội Munich dạo đầu tháng 9-1972, còn thực ra nó đã được thành lập ngay từ đầu năm 1972 nhưng chính quyền Đức không sử dụng họ trong vụ Munich, vì chưa muốn thế giới biết về sự tồn tại của SGS -9 giữa thời điểm cao trào của Chiến tranh lạnh. Đó là thông tin cuối cùng mà bà quả phụ A. Spitzer biết được.

Kim Dung (theo Komsomolskaya Pravda)
.
.