Jack Unterweger: Tên tội phạm đội lốt người nổi tiếng

Chủ Nhật, 09/12/2018, 08:46
Jack Unterweger, người Áo, bị bắt giữ vì tội giết người. Ở trong tù hắn nổi lên như một hiện tượng văn chương mới. Được thả tự do có điều kiện, hắn lại ra tay giết hại 9 cô gái điếm khác trước khi bị bắt trở lại. Hắn đã kết thúc cuộc đời mình bằng việc tự sát trong nhà tù.


Sự trùng khớp đáng ngờ

Ngày 15-9-1990, những người đi dạo bên bờ sông Vitava gần Praha (Tiệp Khắc cũ) đã vô cùng hoảng sợ khi nhìn thấy xác của một cô gái trẻ - Blanka Bockova - ở ven sông. Cô gái nằm ngửa, không mảnh vải che thân, một đôi tất dài xiết quanh cổ với những nút thắt hình chiếc nơ, đôi chân dang rộng, một đống lá vun lại để che xác cô.

Cô được nhìn thấy lần cuối cùng là trong một quán bar trên quảng trường Wenceslas vào khoảng 23 giờ 45 phút tối hôm trước khi đang nói chuyện với một người đàn ông chừng 40 tuổi. Đó là chi tiết duy nhất mà các nhân chứng có thể cung cấp cho cảnh sát.

Jack Unterweger trong ngày được trả tự do nhờ vào thành công của các tác phẩm viết trong tù.

Từ tháng 12-1990 đến tháng 3-1991, tại thành phố Graz của Áo liên tiếp xảy ra ba vụ sát hại các cô gái điếm, Brunhilde Masser, Heidemarie Hammerer, Elfriede Schrempf. Dẫu lúc đầu còn đôi chút phân vân, thì sau đó ít lâu, cảnh sát Áo đã chắc chắn hiểu rằng mình đang phải đối đầu với một kẻ giết người hàng loạt khi tiếp ngay sau đó: 4 cô gái điếm - Silvia Zagler, Sabine Moitzi, Regina Prem và Karin Eroglu – bị mất tích trong cùng một tháng ở Vienna.

Các cô gái được phát hiện trong tình trạng đều bị bóp cổ và vứt xác trong các khu rừng ngoại ô thành phố. Án mạng diễn ra theo cùng một cách thức giống như các án mạng ở Graz: nạn nhân bị xiết cổ bằng chính những vật dụng trong bộ trang phục của họ. Hung thủ luôn thắt một cái nút hình chiếc nơ trên các sợi dây xiết cổ nạn nhân.

Cuộc điều tra của cảnh sát vốn đang bế tắc, bỗng có một bước chuyển đột ngột. August Schenner 70 tuổi, một thám tử đã về hưu, đã gọi điện cho cảnh sát để nói về những điểm tương đồng kỳ lạ giữa các vụ án đang xảy ra với những vụ án mạng mà ông đã tham gia điều tra vào năm 1974 dẫn đến việc bắt giữ và tống giam hung thủ Jack Unterweger.

Từ tội phạm thành nhà văn

Jack Unterweger là con trai của một cô gái điếm người Áo và một người lính Mỹ phục vụ trong lực lượng quân Đồng minh, đóng trên đất Áo trong quãng thời gian 10 năm sau Thế chiến II. Bị người cha bỏ rơi từ lúc chưa ra đời, bị người mẹ bỏ lại cho ông ngoại nuôi từ năm lên 2 tuổi, hắn đã trải qua 7 năm thời thơ ấu bên người ông nghiện ngập và hung dữ, thường xuyên đánh đập hắn. Jack Unterweger đã có thiên hướng phạm tội từ rất sớm, hắn bị bắt giữ ngay từ lúc 16 tuổi vì đã đánh đập hung dữ một cô gái điếm, hắn cũng thường xuyên hành xử như những kẻ ma cô tàn bạo với các đối tượng gái điếm trên phố.

Bìa cuốn tự truyện “Fegefeuer” mà Unterweger đã viết khi đang ngồi tù, đã được dựng thành phim.

Vào năm 1974, khi điều tra về vụ án mạng của hai cô gái điếm, lần theo các dấu vết đã dẫn thám tử Schenner đến một manh mối quan trọng: Barbara Scholz, một cô gái điếm đã thú nhận rằng cô đã giúp Johann “Jack” Unterweger bắt cóc Margaret Schaefer, một gái điếm người Đức 18 tuổi. Sau khi Unterweger đòi hỏi quan hệ tình dục và bị từ chối, hắn đã đánh đập Schaefer dã man bằng một ống sắt và sau đó thắt cổ cô bằng chính chiếc áo ngực của nạn nhân, xác  cô gái được giấu dưới đám lá khô.

Trong quá trình xét xử, Unterweger thú nhận tội ác của mình nhưng hắn nói thêm rằng khi đánh đập nạn nhân, hắn nhìn thấy hiện ra khuôn mặt của mẹ hắn, điều đó kích thích lòng căm thù và sự uất hận trong hắn lên cao độ, thúc đẩy hắn điên cuồng đánh đập nạn nhân cho tới lúc chết.

Dẫu rằng trong quá trình xét xử, Unterweger phủ nhận hoàn toàn sự liên quan đến vụ sát hại nạn nhân thứ hai, Marcia Horveth - người bị bóp cổ và vứt xác xuống hồ Salzachsee gần Salzbourg, Unterweger vẫn bị tuyên án tù chung thân vào năm 1976.

Trước khi ngồi tù, Unterweger là một kẻ thất học và mù chữ. Ở trong tù hắn đã tận dụng thời gian để học đọc và viết, sau đó là các khóa học từ xa về văn học và kỹ thuật viết văn. Bắt tay vào sáng tác, cuốn tự truyện “Nơi chuộc tội” (Fegefeuer) và cuốn  tiểu thuyết “Nhà tù cuối cùng” (Prison de Terminus) của Unterweger đã gặt hái được những thành công vang dội, trở thành những cuốn sách “best seller”  và được trao giải thưởng danh giá, được chuyển thể thành phim, thậm chí còn được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.  

Những trang viết giàu cảm xúc và trữ tình, chứa đựng những lời bộc bạch tự thú của một kẻ sát nhân đã phải trải qua một tuổi thơ tủi nhục bơ vơ đã gây ấn tượng mạnh không chỉ với các nhà xuất bản, các độc giả mà cả với các thành viên Hội đồng Ân xá quốc gia. Những thành công này không chỉ mang lại cho Unterweger tiền bạc và sự nổi tiếng mà còn đem lại cho hắn một món quà không ngờ: sự tự do.

Unterweger – một kẻ phạm tội giết người và bị kết án tù chung thân – giờ đây đã được nhìn nhận như là một ví dụ điển hình của những kẻ bất lương đã biết cách tự cải tạo mình để hoàn lương và có những đóng góp cho xã hội. Một chiến dịch ký thỉnh nguyện thư đòi ân xá cho Unterweger đã lôi kéo đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia, trong đó có rất nhiều trí thức và văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ngày 23-5-1990, sau 15 năm 4 tháng ngồi tù, Jack Unterweger đã được trả tự do, khi đó hắn gần 40 tuổi. Một sự kiện chấn động trên báo chí và công luận lúc đó.

Nhưng một điều ít ai ngờ tới: Sau khi ra tù, ngay trong lúc xuất hiện tại các sự kiện lớn, các bữa tiệc xa hoa của giới tinh hoa với ánh hào quang của một người nổi tiếng, một nhà văn tài năng có những tác phẩm luôn luôn nằm trong danh sách các cuốn sách “best seller”, kẻ tội phạm xảo quyệt Unterweger vẫn âm thầm theo đuổi nỗi ám ảnh bệnh hoạn, niềm đam mê được hành hạ và ra tay sát hại những người đàn bà.

Nhưng một số thanh tra cảnh sát, bằng trực giác nghề nghiệp đã cảm thấy Unterweger rất đáng nghi ngờ, tuy nhiên họ vẫn phải rất thận trọng khi chưa có đủ chứng cứ, bởi Unterweger giờ đây không còn là một kẻ tội phạm mà đã trở thành một nhà văn nổi tiếng và là một biểu tượng của những người “lầm đường lạc lối”  đã nỗ lực cải tạo để hòa nhập  và cống hiến cho xã hội.

Sa lưới

Ernst Geiger, thám tử của cảnh sát Liên bang Áo, chưa bao giờ tin vào “sự cải tà quy chính” của Unterweger, ông đã bí mật theo dõi và giám sát chặt chẽ hắn. Khi Unterweger được một tòa báo tuyển dụng để cử đi làm phóng viên thường trú tại Los Angeles, Geiger đã nhận thấy rằng các vụ giết hại dã man các cô gái điếm trên đất Áo bỗng đột ngột dừng lại. Ông hiểu rằng cần phải giám sát chặt chẽ mọi hành tung của Unterweger để có thể trừ khử hay bắt giữ hắn, yếu tố quyết định là phải thu được những chứng cứ phạm tội thật vững chắc.

Sau khi ra tù, Jack Unterweger trở thành một nhân vật nổi tiếng, là khách mời thường xuyên của các chương trình truyền hình.

Cảnh sát bắt đầu phác họa lại tất cả các hoạt động của Unterweger, thu thập tất cả các loại thông tin: thẻ tín dụng, hóa đơn, các địa điểm lưu trú. Sau nhiều tháng, họ đã thiết lập được những mối liên quan giữa các chuyến đi của Unterweger và những địa điểm các nạn nhân đã bị sát hại. Một nhân chứng cũng khẳng định rằng Unterweger rất giống với người đàn ông đi cùng Heidemarie Hammerer mà bà ta đã nhìn thấy vào thời điểm ngay trước khi cô này mất tích. Hôm đó hắn ta mặc một chiếc áo da màu vàng và quấn một chiếc khăn phu la màu đỏ. Những chứng cứ về sự tiếp xúc của Unterweger với những nạn nhân khác ở Vienna cũng đã được thu thập.

Thám tử Geirer tiến hành khám nghiệm tỉ mỉ chiếc xe BMW mà Unterweger đã mua ngay sau khi ra tù. Một mẩu tóc được tìm thấy trong xe, kết quả thử nghiệm ADN đã cho thấy đó là tóc của Blanka Bockova, nạn nhân đầu tiên bị sát hại ở Praha. Chứng cứ này giúp thanh tra Geirer có được một lệnh khám nhà nghi phạm ở thành phố Vienna, tại đó cảnh sát tìm thấy chiếc áo da màu vàng và chiếc khăn phu la màu đỏ. Ông cũng tìm thấy ở đó những thực đơn và hóa đơn của một khách sạn ở bãi biển Malibu. Linh cảm thấy có điều gì đó đã xảy ra, ông tìm cách liên lạc với cảnh sát ở Los Angeles và được biết rằng họ cũng đang điều tra 3 vụ giết hại các cô gái điếm ở đó.

Thanh tra Geiger đã phát hiện ra rằng tất cả các án mạng ở Los Angeles đều xảy ra giống hệt với những vụ án mạng trên đất Áo. Các cô gái điếm đều bị giết vào thời gian Unterweger có mặt ở đó với tư cách một nhà báo đang tham gia cùng với cảnh sát Los Angeles đi điều tra các vụ án mạng. Một chi tiết quan trọng: các khách sạn nơi Unterweger trú ngụ ở đó đều rất gần với các địa điểm mà các cô gái điếm bị sát hại. Cảnh sát quyết định tiến hành bắt giữ Unterweger để thẩm vấn.

Được bạn bè cung cấp thông tin rằng cảnh sát Áo đang truy lùng hắn, Unterweger và người tình – cô gái trẻ 18 tuổi Blanca Mrak - đã chạy trốn khỏi Áo qua ngả Paris và nhập cảnh vào Mỹ. Tại đây kẻ tội phạm này đã liên hệ và thuyết phục được một số tờ báo ở Áo tung ra một chiến dịch truyền thông, tô vẽ hắn như là nạn nhân đáng thương, bị cảnh sát truy bức để trả thù.

Biết được thông tin về việc Unterweger và Blanca Mrak sẽ tới văn phòng Western Union ở South Beach - Californie để nhận tiền mà gia đình Mrak gửi đến, cảnh sát Mỹ đã tổ chức vây bắt hắn tại đó. Việc lục soát căn hộ của Unterweger và Mrak đã giúp cảnh sát tìm ra được rất nhiều chứng cứ liên quan đến cái chết của các cô gái điếm ở Los Angeles, họ cũng tìm thấy cuốn nhật ký trong đó Unterweger bày tỏ ý định sẽ sát hại Blanca Mrak.

Lúc đầu, Unterweger muốn được xử án ở California, vì hắn cho rằng số lượng ba nạn nhân hắn đã sát hại ở đây là ít hơn nhiều so với số nạn nhân của hắn ở Áo, nhưng khi được biết chắc chắn rằng theo luật pháp Mỹ, hắn sẽ bị tống vào phòng hơi ngạt, Unterweger đã thay đổi ý định, đồng ý để dẫn độ về Áo.

Trong những cuộc thẩm vấn và khi ra tòa án tại Áo, Unterweger đã tìm mọi cách để chối tội. Hắn lập luận rằng, vì sao một con người như hắn, đang có một cuộc sống dư giả về tiền bạc và đầy ắp những hào quang của một nhà văn, nhà báo tài năng lại tự tay phá nát cuộc sống đó bằng việc đi giết hại các cô gái điếm.

Nhưng trước khi diễn ra vụ xử án, thanh tra Geiger đã cùng Thomas Mueller - lãnh đạo Phòng Tâm lý học tội phạm của cảnh sát Liên bang Áo - đi sang Mỹ để tìm hiểu tất cả những vấn đề liên quan đến tâm lý của những kẻ giết người hàng loạt. Trong một dịp đến Trung tâm Nghiên cứu về tội phạm ở Quantico tại Virginie, Geiger và Mueller đã biết đến một mẫu hình chung cho các loại tội phạm, giống như trường hợp của Unterweger, những kẻ có biểu hiện của những ám ảnh tình dục lệch lạc và bệnh hoạn, chúng đều có những cách hành xử khá giống nhau.

Dẫu rằng những kẻ giết người hàng loạt ít khi di chuyển từ nước này sang nước khác để gây án, tuy nhiên những tình tiết trong các vụ sát hại các cô gái điếm ở Los Angeles và Áo có quá nhiều điểm giống nhau để có thể xem rằng đó là những sự trùng hợp ngẫu nhiên, đặc biệt là cách sử dụng những vật dụng của chính các nạn nhân (tất dài, khăn choàng cổ, áo ngực) và thắt nút lại thành những chiếc nơ để siết cổ các cô gái tại Los Angeles và tại Áo là hoàn toàn giống nhau.

Đền tội

Tháng 6-1994, vụ án được đưa ra xét xử tại thành phố Graz, Áo. Jack Unterweger, công dân Áo, bị truy tố về những vụ giết người ở Los Angeles, ở Praha và ở Áo. Ban đầu Unterweger bằng những mánh khóe xảo quyệt nhào trộn với năng khiếu văn chương thiên phú đã đưa ra những lời tự biện hộ và thu hút được sự ủng hộ của báo chí và dư luận.

Nhưng những chứng cứ vững chắc phía công tố đưa ra: báo cáo về sự giống nhau tuyệt đối của những nút thắt xiết cổ nạn nhân, những mẩu tóc của Blanka Bockova tìm thấy trong xe BMW của bị cáo, những sợi vải đỏ từ chiếc khăn phu la của Unterweger được tìm thấy trên xác của Brunhilde Massar… cuối cùng cũng đã thuyết phục hoàn toàn hội đồng xét xử và cả dư luận công chúng: Jack Unterweger là hung thủ của một vụ án mạng ở Praha, ba vụ án mạng ở Los Angeles và năm vụ án mạng ở Áo, hắn sẽ phải chịu án tù chung thân và không được phép giảm án trong bất cứ hoàn cảnh nào.

6 giờ sáng ngày 29-6-1994, Đài Phát thanh của Áo đã phát đi một thông cáo ngắn gọn: 24 giờ sau khi nghe tuyên án, kẻ giết người hàng loạt Jack Unterweger đã tự sát trong nhà tù bằng cách treo cổ bằng sợi dây đeo quần, cách thắt nút sợi dây treo cổ này cũng giống hệt như cách thắt nút  các vật dụng hắn đã dùng để xiết cổ các nạn nhân của mình.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.