Khủng bố tại châu Âu: Lỗi hệ thống?

Thứ Tư, 06/04/2016, 15:25
Các phần tử Hồi giáo cực đoan ngày càng dễ dàng thâm nhập và tiến hành các vụ tấn công khủng bố trong lòng châu Âu đã cho thấy Liên minh châu Âu (EU) thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố ngay trên lãnh thổ của mình. Việc thủ phạm gây ra các vụ tấn công xuất thân từ các cộng đồng Hồi giáo tại các nước thành viên EU càng chứng tỏ sự thất bại của chính sách nhập cư và tái hội nhập người nhập cư vào xã hội châu Âu.

Và cho đến khi Ibrahim El Bakraoui tiến hành vụ đánh bom tự sát tại quầy làm thủ tục ở Sân bay Brussels hôm 22/3, người ta mới nhận ra rằng, châu Âu quá mất cảnh giác khi lần thứ 3 trong vài tháng để kẻ khủng bố này dễ dàng lọt qua các trạm kiểm soát an ninh.

Mạng lưới an ninh bị trục trặc

Hẳn nhiều người còn nhớ, Ibrahim El Bakraoui đã từng bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách “tay súng khủng bố nước ngoài” và bị giới chức Bỉ truy nã vì tội vi phạm các cam kết sau khi ra tù. Song, mùa hè năm ngoái, Bakraoui vẫn được phép lên một máy bay thương mại mà không hề bị giám sát, tự do bay từ Istanbul tới Hà Lan, và sau đó biến mất không để lại dấu vết nào.

Việc giới chức lơi là mọi hoạt động của Bakraoui đã làm dấy lên không ít câu hỏi về thực tế rằng chính quyền nắm được bao nhiêu phần thông tin liên quan tới những công dân hồi hương trong số khoảng 5.000 phần tử thánh chiến nước ngoài đã tới chiến đấu và được đào tạo ở Syria và Iraq.

Các nhà phân tích cho rằng chính những kẻ khủng bố nguy hiểm như Bakraoui đã dùng những kỹ năng chết người mà chúng học được từ trước để tiến hành các vụ khủng bố đẫm máu ở Brussels và Paris trước đó. Bakraoui không phải là trường hợp duy nhất lọt lưới nhờ các lỗ hổng trong hoạt động thông tin liên lạc giữa các quốc gia.

Tháng 9/2014, một năm trước khi Bakraoui tìm cách tới được Hà Lan, ba phần tử thánh chiến người Pháp tuyên bố có mối liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã mua được vé để bay tới Marseile mà không hề bị hải quan nghi ngờ hay bắt giữ. Những đối tượng này chỉ bị bắt lại tại Thổ Nhĩ Kỳ do thị thực không hợp lệ mặc dù chúng là những phần tử bị truy nã tại Pháp.

Giới phân tích cho rằng trường hợp của Bakraoui không được quan tâm và xử lý đúng đắn. Lực lượng cảnh sát hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan không hề có trao đổi trực tiếp cũng như chưa bao giờ có thông báo cụ thể về các đường dây khủng bố. Trong những trường hợp có liên quan tới công dân Hà Lan -  bị tình nghi đã tới Syria - chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đều liên lạc với cảnh sát Hà Lan theo hình thức thông báo điện tử. Các nhà chức trách cho biết có thể trường hợp của Bakraoui cũng rơi vào tình huống này.

Bộ Tư pháp Hà Lan cho rằng tiền án tiền sự của những kẻ như Bakraoui không thực sự khiến người ta chú ý bởi thực tế là hắn ta không hề có tên trong dữ liệu của Interpol hay hồ sơ tội phạm châu Âu. Hơn thế nữa, việc đưa ra bằng chứng cụ thể về việc đối tượng tình nghi từng tới Syria hay chưa, chứ chưa tính đến việc họ có phạm tội gì hay không, cũng đã là một điều rất khó. Đó là chưa kể khi việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia thành viên còn hết sức hạn chế, sự hợp tác với  các nước bên ngoài là khó xảy ra. Rõ ràng quy trình thủ tục nhiều kẽ hở của các nước châu Âu đã tạo ra những sai lầm nghiêm trọng kiểu này.

An ninh đang trở thành vấn đề nóng bỏng hơn bao giờ hết tại châu Âu.

Sự phản thùng của cái gọi là “tự do, dân chủ”?

Giới phân tích nhận định thủ phạm gây ra các vụ tấn công xuất thân từ các cộng đồng Hồi giáo tại các nước thành viên EU càng cho thấy sự thất bại của chính sách nhập cư và tái hội nhập người nhập cư vào xã hội châu Âu. Các vụ khủng bố diễn ra ngày một thường xuyên hơn nhưng các chính trị gia châu Âu vẫn phản ứng theo một luận điệu quen thuộc - các hành động này chống lại các giá trị tự do, dân chủ".

Việc Salah Abdeslam - một trong những nghi phạm tấn công khủng bố tại Paris - bị bắt đã thúc đẩy các vụ nổ bom tại Brussels (Bỉ). Các đối tượng khủng bố lo ngại Abdeslam có thể sẽ khai với cơ quan an ninh Bỉ nên đã tiến hành các vụ khủng bố đang trong quá trình chuẩn bị nhằm ra tay trước. Sự vui mừng trước việc bắt giữ nghi phạm Abdeslam là quá sớm. Điều này cũng giống như trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt trước đây nhưng các tổ chức khủng bố al-Qaeda vẫn tồn tại và dần bị tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) nguy hiểm hơn thế chỗ.

Một số quan điểm khác nhận định rằng châu Âu đã bắt đầu chú ý đến việc thay đổi "môi trường" các khu vực bên ngoài EU. Đến nay EU vẫn được coi là "quyền lực mềm" trong việc đảm bảo ổn định và thịnh vượng của các nước thành viên cũng như thúc đẩy những giá trị này ở các khu vực bên ngoài EU.

Tuy nhiên, tình hình các khu vực bên ngoài EU đã và đang thay đổi nhanh chóng trong những năm qua. Châu Âu đã không kịp thời trong việc đánh giá những thay đổi này để có chính sách ứng phó phù hợp. Các vụ tấn công khủng bố như ở Brussels vừa qua đẩy nhanh quá trình tan rã của EU từ bên trong, và đó cũng chính là mục tiêu của lực lượng Hồi giáo cực đoan.    

Đối với châu Âu, việc chống khủng bố là chưa đủ mà cần phải tấn công vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, hệ tư tưởng đang kích động các vụ tấn công khủng bố. Châu Âu cần buộc tất cả những người nhập cư Hồi giáo tái hội nhập vào xã hội một cách vô điều kiện như việc chấp nhận các quy định luật pháp, tự do dân chủ và các giá trị khác được xã hội châu Âu tôn trọng.

Tôn giáo không phải là lý do để các nhóm xã hội phớt lờ các giá trị tự do, dân chủ hay làm ngơ trước những hành động bạo lực trong các cộng đồng Hồi giáo, hoạt động bài người Do Thái, đàn áp phụ nữ, vi phạm nhân quyền… Châu Âu cần phải có chính sách phù hợp trong việc tái hội nhập người nhập cư đến từ các quốc gia khác nhau.

"Tái hội nhập" không phải là một quy trình máy móc, các chương trình này cần phải giúp người nhập cư thích ứng với môi trường xã hội mới. Quá trình tái hội nhập người nhập cư Ukraine chắc chắn phải khác đối với người nhập cư Iraq. Châu Âu cũng cần phải ngăn chặn tác động tiêu cực, nhất là xu hướng cực đoan hóa từ "các nhân tố bên ngoài" như Saudi Arabia và Qatar, đối với các cộng đồng người Hồi giáo địa phương.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.