Lính đánh thuê Mỹ dính bê bối tại Haiti

Thứ Bảy, 13/04/2019, 08:12
Theo tiết lộ của tờ báo The Intercept, một nhóm lính đánh thuê Mỹ đã đến Haiti hồi tháng 2-2019 theo một hợp đồng với Tổng thống Haiti, ông Jovenel Moise nhằm chuyển một khoản tiền từ quỹ dầu mỏ quốc gia sang tài khoản do Tổng thống kiểm soát trong cuộc đấu quyền lực với Thủ tướng Jean-Henry Ceant. Vụ việc bất thành, nhóm lính đánh thuê bị bắt và bị trục xuất về Mỹ.


Từ một ý đồ

Nhóm lính đánh thuê đến Port-au-Prince, thủ đô Haiti vào sáng sớm ngày 16-2-2019 bằng máy bay riêng. Họ mang theo đầy đủ dụng cụ, phương tiện hành nghề gồm súng trường bán tự động, súng ngắn, áo chống đạn và dao găm. Nhóm có 5 người, gồm 2 cựu đặc nhiệm SEAL, 1 cựu nhân viên nhà thầu an ninh Blackwater, và 2 lính đánh thuê người Serbia sinh sống tại Mỹ. Thủ lĩnh của nhóm là Kent Kroeker, cựu phi công lái máy bay vận tải C-130 thủy quân lục chiến.

Cả nhóm đáp xuống sân bay quốc tế Port-au-Prince vào lúc 5 giờ sáng, được đón tiếp bởi 3 người, gồm trợ lý Jean-Louis, người thứ hai là Josue Leconte, một người Mỹ gốc Haiti, bạn thân của Tổng thống Moise, và người thứ ba là Gesner Champagne, đối tác làm ăn của Leconte. Ba người này được Tổng thống Moise phó thác triển khai kế hoạch chuyển tiền.

Tổng thống Haiti Jovenel Moise.

Không ai trong nhóm đánh thuê người Mỹ trực tiếp giao dịch hợp đồng với Tổng thống Moise. Họ chỉ được thông báo rằng họ được Tổng thống Moise hợp đồng thuê thực hiện một chiến dịch bí mật trong đó có việc hộ tống ông Fritz Jean-Louis, trợ lý của Tổng thống Moise đến Ngân hàng Trung ương Haiti để ông Jean-Louis chuyển số tiền 80 triệu USD từ quỹ tài chính dầu hỏa có tên gọi là Quỹ Petrocaribe sang một tài khoản thứ hai chỉ do một mình Tổng thống Moise kiểm soát.

Theo hợp đồng, mỗi thành viên trong nhóm lính đánh thuê sẽ được trả 30.000 USD, họ đã nhận trước 10.000 USD, số tiền còn lại sẽ nhận sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Quả là một hợp đồng béo bở khó có thể từ chối đối với các cựu quân nhân, lính đánh thuê. 

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi đến Haiti, nhóm lính đánh thuê Mỹ đã bị bắt giam vì tội đột nhập ngân hàng bất hợp pháp. Ba ngày sau, họ đã xoay sở thoát khỏi bị truy tố hình sự và bị trục xuất về Mỹ. Tại sao lại như thế?

Theo tiết lộ của một số người trong cuộc, “chiến dịch bí mật” là một màn bi hài kịch trong đó Tổng thống Moise thực sự muốn chuyển khoản số tiền 80 triệu sang tài khoản riêng để dễ kiểm soát, nhưng ý muốn của ông đã được trợ lý và những người bạn lên kế hoạch thực hiện quá vụng về.

Câu chuyện về nhóm lính đánh thuê và ý muốn chuyển tiền bất thành của Tổng thống Moise lập tức trở thành vấn đề công chúng Haiti quan tâm và tạo nên một cuộc khẩu chiến ồn ào trên chính trường Haiti. Trải qua trận động đất kinh hoàng năm 2010, đất nước Haiti đã tạm ổn dưới thời Tổng thống Michel Martelly (2011-2016).

Kent Kroeker.

Tuy nhiên, khi ông Jovenel Moise lên làm Tổng thống cách đây hơn 2 năm, Haiti lại rơi vào tình trạng bất ổn. Hiện tại, Haiti đang diễn ra cuộc đấu đá chính trị giữa Tổng thống Moise với Thủ tướng Jean-Henry Ceant. Và Quỹ Petrocaribe là một trong những con bài chiến lược trong cuộc đấu đá này.

Xin nói thêm về Quỹ Petrocaribe. Quỹ này xuất phát từ chương trình bán dầu mỏ giá rẻ của Venezuela dành cho Haiti từ năm 2008 đến 2017. Tổng trị giá của chương trình này khi kết thúc là 4,3 tỉ USD.

Chương trình được triển khai theo Hiệp ước Petrocaribe ký kết giữa Venezuela với Haiti và 16 quốc gia khác trong vùng Caribe. Haiti được ưu đãi đặc biệt nhất, theo đó 40% số tiền mua dầu Haiti sẽ trả dần cho Venezuela trong 25 năm với lãi suất 1%/năm. Haiti được tự do bán nguồn dầu Venezuela cung cấp, số tiền thu được sẽ bỏ vào Quỹ Petrocaribe.

Nguồn quỹ này được Chính phủ Haiti đầu tư vào các công trình an sinh xã hội, như trạm y tế, bệnh viện, trường học, cầu đường và các dự án xã hội khác. Bên cạnh đó, Quỹ Petrocaribe cũng được xem là “nguồn sống” của Chính phủ Haiti sau trận động đất kinh hoàng năm 2010 và trận siêu bão Matthew năm 2016.

Tuy nhiên, đến năm 2017, Haiti đột ngột không tiếp tục trả nợ đã khiến cho chương trình Petrocaribe chấm dứt hiệu lực vào đầu năm 2018. Thượng viện Haiti mở cuộc điều tra và phát hiện số tiền gần 2 tỉ USD trong Quỹ Petrocaribe đã bị chiếm dụng, biển thủ làm cho hao mòn gần hết, chỉ còn lại khoảng 80 triệu USD.

Thủ tướng Haiti Jean-Henry Ceant.

Moise lên nắm quyền vào năm 2017, bất chấp ngay trước đó ông đã bị thẩm phán khu vực Port-au-Prince cáo buộc tội rửa tiền. Kết hợp với việc chấm dứt chương trình bán dầu giá rẻ và tín dụng ưu đãi của Venezuela, Haiti bắt đầu những ngày tháng sóng gió với sự giận dữ của người dân.

Trong vài tháng gần đây, lại xảy ra cuộc đấu đá quyền lực giữa Tổng thống Moise và Thủ tướng Ceant. Việc Tổng thống Moise ủng hộ chính sách can thiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Venezuela đã làm bùng phát các cuộc biểu tình của người dân trên đường phố, yêu cầu Tổng thống Moise từ chức. Theo Hiến pháp Haiti, trong trường hợp đó, người kế nhiệm sẽ là Thủ tướng Ceant.

Trong bối cảnh như thế, việc kiểm soát Quỹ Petrocaribe được cho là chiến lược quan trọng. Theo quy định ban đầu, quỹ này được đồng kiểm soát bởi Tổng thống Moise, Thủ tướng Ceant và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Haiti Jean Baden Dubois. Thế chân vạc này đã khiến cho số tiền 80 triệu USD còn lại trong Quỹ Petrocaribe như bị đóng băng, vì không ai có thẩm quyền đơn phương ra lệnh chi, mà phải hội đủ chữ ký 3 người.

Hiện tại, khoản tiền 80 triệu USD trong Quỹ Petrocaribe là công cụ kinh tế duy nhất của chính phủ, vì vậy, chuyển số tiền này vào tài khoản do Tổng thống Moise kiểm soát sẽ giúp ông kiểm soát quyền điều hành đất nước. Làm được điều này, ông Moise sẽ loại trừ được Thủ tướng Ceant trong thời gian trước mắt.

Tổng thống Moise muốn tránh tai tiếng vì thuê người nước ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ, nên ông ủy thác nhiệm vụ cho phụ tá và nhóm bạn bè, thân hữu gồm Leconte, Jean-Louis và Champagne trực tiếp thực hiện. Để đổi lại việc này, Tổng thống Moise hứa sẽ trao hợp đồng xây lắp mạng viễn thông toàn quốc cho Công ty Preble-Rish Haiti do Leconte và Champagne điều hành.

Hợp đồng bất thành

Kroeker và 5 đồng đội trong nhóm lính đánh thuê hộ tống ông Jean-Louis đến ngân hàng Trung ương Haiti vào khoảng 2 giờ chiều chủ nhật ngày 17-2, tức khoảng 36 giờ sau khi nhóm người Mỹ đặt chân đến Haiti. Jean-Louis vốn là thành viên cũ của ngân hàng này, vì trước khi trở thành trợ lý Tổng thống, ông ta từng là giám đốc công ty xổ số trực thuộc ngân hàng. Có lẽ chính vì điều này mà ông được chọn là người đi chuyển tiền cho Tổng thống chăng?

Cả nhóm trang bị vũ trang đầy đủ, đi trên 3 chiếc ôtô đến Ngân hàng Trung ương trên phố Rue des Miracles, Port-au-Prince. Ngân hàng đóng cửa vì là ngày nghỉ, nhưng Jean-Louis bảo người bảo vệ trực cổng ngân hàng là họ đến để “giao dịch ngân hàng”.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Haiti, nơi xảy ra vụ đột nhập bất thành.

Thấy khả nghi, người bảo vệ từ chối mở cổng, đồng thời gọi điện báo cảnh sát. Cảnh sát kéo đến bao vây nhóm người Mỹ và Jean-Louis. Cuộc giằng co kéo dài 2 giờ đồng hồ. Bí thế, Kroeker cử một thành viên nhóm, Justin Porte, người biết nói tiếng Pháp, ra thương lượng với cảnh sát.

Cuối cùng, nhóm người Mỹ chịu đầu hàng cảnh sát, giải thích rằng đây chỉ là một “sự hiểu nhầm lớn”, rằng họ đến chỉ để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ Haiti giao phó. Khi cảnh sát hỏi nếu thực thi nhiệm vụ hợp pháp, sao không đi bằng đường chính thức? Kroeker đáp: “Vì Tổng thống không tin tưởng các ông”.

Như vậy là cả nhóm lính đánh thuê người Mỹ đều bị bắt giam và tịch thu vũ khí. Riêng phần ông Jean-Louis, lợi dụng lúc đôi bên đang giằng co, thương lượng đã nhanh chân trốn thoát.

Sau khi nhóm người Mỹ bị đưa vào trại giam, Jean-Louis cùng một trợ lý khác của Tổng thống Moise là Ardomin Zephirin và Bộ trưởng Tư pháp Haiti Jean Roudy Aly đã gọi điện cho Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia Michel-Ange Gedeon, bảo rằng nhóm người Mỹ đang thực thi “công việc quốc gia” và họ đến đó nhằm “phục vụ cho ngân hàng”. Những người gọi điện còn khẳng định rằng tổng thống Moise đã cho phép nhóm người Mỹ, vì thế họ phải được thả. Ông Gedeon bác bỏ.

Vụ việc nhóm người Mỹ bị bắt khi đang đột nhập Ngân hàng Trung ương Haiti nhanh chóng được báo chí loan tin. Nắm được thông tin về vụ việc, ngay sau đó Thủ tướng Ceant lên truyền hình để lên án vụ việc, công kích nhóm người Mỹ và những ai mời họ đến. Ceant gọi nhóm người Mỹ là những “kẻ khủng bố”, “lính đánh thuê” đến để ám sát ông và một số nghị sĩ Haiti.

Ngày thứ hai, Nghị viện Haiti có hành động đáp trả phát biểu quá căng thẳng của ông Ceant, tổ chức bỏ phiếu cách chức ông nhưng bất thành. Vụ việc nhùng nhằng đã được thông báo đến cơ quan ngoại giao Mỹ, và Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải can thiệp, bảo lãnh cho nhóm lính đánh thuê. Sang đến ngày thứ ba của phi vụ  thất bại đó, nhóm lính đánh thuê người Mỹ đã được thả và quay về Mỹ. Những người liên quan trong vụ việc như Jean-Louis và Leconte đã trốn chạy khỏi Haiti.

Cho đến nay, giới chuyên môn vẫn đặt dấu hỏi vì sao nhóm lính đánh thuê này vẫn chưa bị cơ quan chức năng ở Mỹ xử lý tội đi ra khỏi nước Mỹ mang theo vũ khí bất hợp pháp, vì theo quy định pháp luật Mỹ việc này phải xin phép.

Giới chuyên môn cũng phân tích tình huống thất bại của nhóm lính đánh thuê. Xem toàn bộ câu chuyện từ khi họ lên máy bay riêng ở Mỹ để bay đến Haiti rồi gặp gỡ và bàn kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ… giống như một đoạn phim hành động của Hollywood. Chỉ có điều, cái kết không có hậu, nhóm lính đánh thuê bị bắt.

Giới chuyên môn cho rằng thất bại của nhóm lính đánh thuê chủ yếu là do đa số họ chưa có kinh nghiệm, và họ cũng không phải lính đánh thuê chuyên nghiệp, chủ yếu là những cựu quân nhân, từng làm việc hợp đồng cho công ty an ninh tư nhân không lâu, chưa từng tham gia các phi vụ thực sự lớn. Trước khi nhận hợp đồng sang Haiti, hầu hết đều sống bằng nghề dân thường, kinh doanh dịch vụ và một số công việc khác hẳn với nghề “lính đánh thuê”.

Chris Osman, một cựu đặc nhiệm SEAL, là thành viên nhóm duy nhất cho đến nay lên tiếng về vụ việc. Osman viết trên Instagram rằng nhóm lính đánh thuê biết rõ phi vụ đột nhập ngân hàng có động cơ chính trị bên trong nhưng vẫn tham gia vì máu thích phiêu lưu.

Tuy nhiên, nhiệm vụ bất thành không phải hoàn toàn do lỗi của nhóm, mà một phần lỗi là do kế hoạch của phía Haiti quá tồi, không hề lường trước tất cả mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra, cho nên cả nhóm đã không có phương án hữu hiệu nào để đối phó.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.