Lo ngại gia tăng tội phạm tại Hà Lan

Thứ Ba, 07/08/2018, 12:13
Hà Lan được coi là một trong những quốc gia an toàn nhất ở châu Âu với tỷ lệ tội phạm cực kỳ thấp. Nhưng, điều đó đang dần lui vào quá khứ. Hiện nay, một báo cáo của Nghiệp đoàn Cảnh sát Hà Lan (NPB) kết luận nước này đang trở thành "quốc gia ma túy".

Ngoài ra, cảnh sát như khó có thể ngăn ngừa các hành động phạm pháp và bạo lực trên đường phố thủ đô Amsterdam mỗi khi màn đêm buông xuống. Ông Arre Zuurmond, trưởng thanh tra Amsterdam, chua chát thốt lên: "Trung tâm thành phố trở thành khu vực vô pháp luật vào ban đêm".

Theo báo cáo NPB được soạn thảo dựa trên thông tin phỏng vấn đối với 400 thám tử cảnh sát Hà Lan, tờ De Telegraaf nước này bình luận: "Cảnh sát chỉ có thể xứ lý được 1 trong 9 nhóm tội phạm. Tội phạm có mặt ở khắp mọi lĩnh vực - doanh nghiệp, bệnh viện, thị trường bất động sản, công ty du lịch". Hà Lan đang thực sự dần hội đủ các yếu tố đặc trưng của một quốc gia ma túy. Các thám tử nhìn thấy sự phát triển của nền kinh tế song hành cùng tội phạm".

Cảnh sát bắt giữ tội phạm trên đường phố.

Thực tế cho thấy lực lượng cảnh sát Hà Lan đang trong tình trạng quá tải, thiếu người nên không thể truy quét hết tội phạm ma túy, mại dâm và lừa đảo trên mạng. Trong khi đó, "chính sách khoan dung" ("gedoogbeleid") của chính quyền Hà Lan đang bị chỉ trích dữ dội vì nó cho phép bán cần sa trong các quán cà phê cũng như hợp pháp hóa mại dâm.

Đó là căn nguyên dẫn đến hậu quả là biến Hà Lan thành trung tâm buôn lậu ma túy và buôn người. Theo Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol), khoảng một nửa lượng cocain - trị giá 5,7 tỷ euro/năm - của lục địa đi qua cảng Rotterdam, miền nam Hà Lan.

Cũng theo Europol, phần lớn lượng ma túy đá (thường gọi là "thuốc lắc" hay "hàng đá") tuồn vào châu Âu và Mỹ có nguồn gốc từ các phòng thí nghiệm nằm dưới sự điều hành của các băng nhóm tội phạm Morocco ở miền Nam Hà Lan. Theo các nhà điều tra, nhiều tay buôn lậu ma túy trở thành doanh nhân giàu có, rửa tiền thông qua các dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà ở hay công ty du lịch. Báo cáo NPB cho rằng chính điều này đã dẫn tới sự phát triển của một "quốc gia ma túy" cùng với một nền kinh tế tội phạm song hành.

Biển cảnh báo du khách đến Amsterdam không mua ma túy bán lẻ trên đường phố.

Một điều tra viên tiết lộ: "Trong vòng 25 năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều tay buôn bán ma túy nhỏ lẻ nhanh chóng sở hữu khối tài sản kếch sù và có mối quan hệ thân thiết với một số quan chức chính quyền, thậm chí còn được tôn vinh là nhà đầu tư đáng kính".

Mặc dù chưa có thống kê mô tả chính xác thành phần băng nhóm ma túy ở Hà Lan song lực lượng cảnh sát cho rằng các nhóm người Colombia, Suriname và Marocco giữ vai trò chính cũng như đáng kể trong mạng lưới điều hành buôn lậu ma túy ở Hà Lan. Tháng 2-2018, giới chức thành phố Amsterdam chính thức cảnh báo tình trạng tội phạm có tổ chức đang ngày một tăng, chuyển biến sang các hình thức tội phạm ngầm, ẩn náu sâu trong các khu dân cư nhằm tránh sự phát hiện của cảnh sát.

Pieter-Jaap Aalbersberg, cảnh sát trưởng Amsterdam, tuyên bố lực lượng của ông dành 60 đến 70% thời gian làm việc để đương đầu với các vụ ám sát có liên quan đến băng nhóm tội phạm. Trong một cuộc phỏng vấn của NPB, ông Aalbersberg cho biết có nhiều tội phạm ở tuổi thiếu niên sẵn sàng ám sát bất cứ ai chỉ với mức giá 3.000 euro.

Aalbersberg nhận định: "Trong 2 thập niên 1980 và 1990, những sát thủ chuyên nghiệp ở nước ngoài đến Hà Lan nhận hợp đồng giết người với giá lên đến 50.000 euro. Nhưng trong những năm gần đây, tuyệt đại đa số sát thủ là người trẻ tuổi ở Amsterdam".

Báo cáo của NPB cảnh báo loại tội phạm trộm cắp, tấn công bạo lực và lừa đảo thường nhắm vào người cao tuổi hay đối tượng dễ bị tổn thương mà chỉ có khoảng 20% số vụ như thế được trình báo cảnh sát.

Bộ trưởng Tư pháp và An ninh Hà Lan Ferdinand Grapperhaus tuyên bố trước giới truyền thông: "Chính quyền nhận thức được rằng cần đầu tư nhiều tiền hơn nữa cho lực lượng cảnh sát vào những năm  sắp tới - trung bình là 267 triệu euro mỗi năm. Nhưng, bộ trưởng cũng nói thêm rằng: "Cảnh sát phối hợp với cơ quan công tố truy tố thành công nhiều vụ phạm tội liên quan đến ma túy. Do đó, Hà Lan không thể bị coi như là “quốc gia ma túy” như mọi người phán xét".

Tuy nhiên, Arre Zuurmond buộc phải thừa nhận với nhật báo Hà Lan Trouw rằng điểm đến du lịch từng an toàn Amsterdam đang dần biến chuyển thành "khu rừng rậm không có luật pháp" mỗi khi đêm xuống. Ma túy được bán công khai trên đường phố, tụ tập đua xe gây rối trật tự đường phố trở nên phổ biến và trộm cắp tràn lan.

Theo số liệu thống kê, khoảng 18 triệu du khách đổ về Amsterdam mỗi năm - hơn tổng dân số Hà Lan. Quảng trường Leidseplein - nơi luôn tấp nập người qua lại với hàng loạt quán bar, câu lạc bộ - được lắp đặt 3 camera an ninh và cảnh sát thực sự choáng váng trước những gì diễn ra mỗi đêm tại nơi này sau một thời gian theo dõi.

Arre Zuurmond cho biết: "Chỉ trong một đêm, chúng tôi đếm được 900 vụ vi phạm, chủ yếu vào khoảng từ 2 đến 4 giờ sáng. Thanh niên tụ tập đua xe trái phép ngay trên phố đi bộ. Nhiều vụ nổ súng. Ma túy được mua bán công khai. Cướp giật khắp nơi. Bạo lực diễn ra nhưng chẳng có hành động can thiệp nào. Khu phố "Đèn đỏ" nổi tiếng của Amtersdam cũng chứng kiến tỉ lệ tội phạm cao ngất ngưởng. Khoảng 2.000 taxi hoạt động không phép vào ban đêm để kiếm tiền từ du khách. Trước tình trạng trên, ông Zuurmond kêu gọi chính quyền Hà Lan nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ lực lượng cảnh sát để lập lại trật tự tại một trong những thành phố đông du khách nhất châu Âu cũng như từng được coi là "thiên đường du lịch an toàn".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.