Mảnh đời lang bạt của “bỉ vỏ” U60

Thứ Tư, 16/09/2015, 12:33
Không gia đình, từng là nạn nhân của bọn buôn người, bị bán sang Trung Quốc làm vợ, cuộc sống cơ cực nơi đất khách khiến bà Hòa tìm cách quay trở về Việt Nam với hy vọng tìm cơ hội đổi đời cho các con. Thế nhưng người đàn bà này lại chọn cách kiếm tiền bất lương nên bước vào tuổi U60, bà ta vẫn chỉ là một “bỉ vỏ”...

Bước sang tuổi 61, "sở hữu" 4 tiền án và 6 tiền sự đều về hành vi trộm cắp, móc túi, gọi bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1954, ở thị trấn Lục Nam, Bắc Giang) là "bỉ vỏ" (tiếng lóng chỉ người đàn bà ăn cắp), chả sai tí nào.

Danh sách tiền án, tiền sự của "bỉ vỏ" U60 này chưa dừng lại khi ngày 1/9 vừa qua, bà này tiếp tục bị Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) bắt giữ khi đang hành nghề "2 ngón" cùng một "bỉ vỏ" khác là Chu Thị Hằng (SN 1962, quê Ốc Nhiêu, Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên) tại khu vực chợ Xanh - Cầu Giấy. Ít tuổi hơn bà Hòa nhưng Hằng lại hơn ở bề dày bất hảo với 6 tiền án, 7 tiền sự về các tội trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản.

"Bỉ vỏ" U60 Nguyễn Thị Hòa tại cơ quan Công an.

Theo tài liệu của Cơ quan Công an,   chiều 1/9, Hằng rủ Hòa đi đến khu vực Cầu Giấy tìm người sơ hở để trộm cắp tài sản. Khoảng 14 giờ, 2 "bỉ vỏ" đến chợ Xanh (phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy). Phát hiện chị  Đinh Thị Ngọc (ở Nam Định) đang mải chọn mua quần áo ở kiốt số 1, lưng đeo balô, Hằng đã giở nghề "2 ngón" móc chiếc điện thoại Sony Z3 của chị Ngọc rồi chuyển cho Hòa cất giấu.

Anh Nguyễn Văn Mỵ đang bán hàng đã kịp thời phát hiện hành vi trộm cắp của 2 nữ quái đã phối hợp cùng anh Đinh Văn Bình, nhân viên trông xe gần đó bắt quả tang, thu tang vật, chuyển Cơ quan Công an. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã làm thủ tục khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 2 đối tượng Nguyễn Thị Hòa và Chu Thị Hằng về tội "Trộm cắp tài sản".

Đeo kính lão, hí hoáy vừa đánh vần, vừa viết từng chữ trong bản kiểm điểm, thời gian làm việc của điều tra viên đối với những can phạm đặc biệt như bà Nguyễn Thị Hòa bao giờ cũng mất gấp đôi so với can phạm khác. Thoạt nhìn khuôn mặt già nua, mái tóc búi tó, dáng vẻ quê mùa của bà Hòa, chẳng ai nghĩ bà ta lại là một kẻ trộm chuyên nghiệp.

Chính cái dáng vẻ lam lũ, vất vả ấy đã giúp người đàn bà này dễ dàng trà trộn vào đám đông để "hành nghề". Và 4 tiền án, 6 tiền sự chỉ là những lần "không may bị bắt" của bà ta mà thôi. Sống bằng nghề trộm cắp để rồi 61 tuổi vẫn tiếp tục vào tù thì không có một lý do gì có thể bao biện cho hành vi trộm cắp của bà ta. Nhưng dẫu sao, cuộc đời lang bạt của người đàn bà giang hồ này cũng có nhiều điều éo le và đáng thương.

“Bỉ vỏ” U60 Nguyễn Thị Hòa và đồng bọn Chu Thị Hằng.

Bà Hòa kể do bố mất sớm nên học hết lớp 2, bà đã phải phụ giúp mẹ buôn bán ở thị trấn Lục Nam kiếm sống. 20 tuổi, bà quen và yêu một người đàn ông chạy xà lan. Tình yêu thắm thiết cho đến khi biết bà Hòa mang thai, người đàn ông đã xuống xà lan với lời hứa sẽ quay trở lại làm đám cưới. Rồi ông ta mất hút, không một lần trở lại. Bà Hòa một mình sinh con gái trong sự tủi hận của người đàn bà bị bỏ rơi.

Cuộc sống chung mái nhà với người em trai và mẹ đẻ cũng không mấy êm ấm. Cộng thêm cuộc sống khó khăn, năm 1977, bà Hòa ôm con ra Hà Nội, bắt đầu cuộc sống lang bạt của kẻ không nhà. Hai mẹ con bám vào chợ Đồng Xuân, ngày nhặt nhạnh hàng rơi vãi, tối ngủ dưới mái hiên. Để có tiền nuôi con, bà Hòa tranh thủ thêm công việc "phe vé" ôtô ở bến Nứa.

"Tháng 1/1978, trong lúc chen mua vé, đông người quá nên tôi phải mang con ra gửi tạm ở quán nước gần đó rồi vào chen tiếp. Đến khi mua được vé, quay ra đón con thì bà bán nước bảo có người đàn ông tự nhận là bố đứa trẻ đến bế đi rồi. Tôi mất con từ đó đến nay không có tin tức gì. Tôi chỉ biết đặt tên nó là Hiệp" - Bà Hòa nghẹn giọng rồi quay đi chấm nước mắt.

Những ngày sau đó, bà đi khắp nơi tìm con nhưng vô vọng. Buồn chán chuyện bị bắt mất con, bà Hòa nhập hội, đi theo một nhóm 4 người đàn bà lớn tuổi hơn chuyên hành nghề móc túi trên tàu tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng. Thời đó phương tiện tàu xe còn hiếm nên mỗi chuyến, người lên người xuống chật như nêm. Lợi dụng những lúc đó, nhóm “bỉ vỏ” trên trà trộn vào đám đông ra tay móc túi của hành khách.

Được các chị truyền "nghề", đến khi thành thạo, bà Hòa tách ra, về Hà Bắc (cũ) hoạt động, trộm cắp, móc túi tại các chợ. 3 lần bị Công an Hà Bắc bắt quả tang, tháng 3/1983, bà Hòa bị đưa đi tập trung cải tạo 3 năm ở Thanh Hóa. Năm 1987, ra trại về địa phương, tính nào tật ấy, bà Hòa lại bị Công an Hà Bắc bắt, Tòa án thị xã Bắc Giang xét xử  1 năm tù giam tội "Trộm cắp tài sản", thụ lý tại Trại giam Ngọc Lý. Năm 1988, vừa ra trại, bà ta lại trộm cắp, bị bắt lần 3, tòa xử 18 tháng tù cũng về hành vi "trộm cắp".

Lại nói về thời gian sau khi bị bắt mất con. Nỗi nhớ con quay quắt khiến người đàn bà trẻ nảy ra ý định kiếm thêm đứa con từ cuộc tình chớp nhoáng với một vài người đàn ông làm quen trên những chuyến tàu. Nhưng bất hạnh thay, mọi cố gắng không có kết quả.

Năm 1989, ra trại Ngọc Lý lần 2, "bỉ vỏ" Nguyễn Thị Hòa quyết định trở về nhà sau hơn chục năm lang bạt. Cuộc sống giang hồ khiến người đàn bà mệt mỏi, muốn được về nhà tìm cảm giác hơi ấm gia đình. Nhưng nhà cũ đã không còn. Hàng xóm nói sau khi mẹ con Hòa bỏ đi, người em trai đã bán nhà, đưa mẹ vào miền Nam sinh sống. Không ai biết địa chỉ cụ thể của người em trai. Đó cũng là lý do vì sao những ngày trong trại giam, Hòa không có người thăm nuôi.

"Vậy họ hàng thì sao?" - tôi hỏi. Bà Hòa thở dài đáp: "Từ nhỏ, mẹ tôi không cho biết quê bố tôi ở đâu. Họ hàng nhà ngoại thì ở Hải Dương, xa xôi quá nên tôi cũng ít khi về". Không gia đình, không người thân, bà Hòa quay trở lại bến tàu, bến xe, nơi hoạt động chính của những kẻ sống bằng nghề trộm cắp. Bà ta được một đàn chị cho ở nhờ nhà trọ gần ga Bắc Giang. "Chị ấy tên Minh, hơn tôi 20 tuổi. Giờ có nhẽ chị ấy cũng chết rồi. Chị ấy bảo tôi ở cùng ít hôm rồi 2 chị em theo tàu lên khu chợ sát biên giới "hành nghề". Nhưng chưa kịp thì tôi bị lừa bán sang Trung Quốc..." - bà Hòa kể.

Một người đàn bà giang hồ, từng trải như bà Hòa bị kẻ khác lừa gạt, kể cũng khó tin. Nhưng đàn bà, dẫu có tinh quái đến mấy, cũng có lúc con tim yếu mềm, mù quáng. Sang ngày thứ 3 kể từ khi ra trại, Hòa ra khu vực ga Bắc Giang "hoạt động 2 ngón" thì gặp một người đàn ông trung tuổi ngồi một mình trong ga.

Người đàn ông ấy lấy ra một hộp sâm, nói đi buôn hàng từ Trung Quốc về đến đây thì bị móc hết tiền. Không có tiền về quê nên anh ta nhờ Hòa bán hộ hộp sâm lấy tiền, vì đàn ông lớ ngớ chẳng biết bán thế nào. Chuyện đi chuyện lại, Hòa tâm sự hoàn cảnh cho người đàn ông đó nghe. Anh ta giới thiệu tên là Nhật, người ở Khoái Châu, Hưng Yên. Nhật kể anh ta chuyên buôn hàng nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc và rủ Hòa cùng đi. Hòa nói không có vốn, anh ta bảo không có nhiều tiền để cho vay, nhưng sẽ giúp Hòa bằng cách cho đi theo để xách hàng giúp, anh ta sẽ trả công. Đến khi nào đủ vốn thì cho tách ra làm ăn riêng.

Được  lời như cởi tấm lòng, Hòa quyết định theo người đàn ông tên Nhật về quê anh ta ở Khoái Châu 2 tuần rồi lên Bắc Giang, mua vé tàu đi Lạng Sơn. Thấy Nhật không mang theo hàng hóa, Hòa ngờ ngợ liền hỏi thì Nhật đáp: "Chuyến này sang lấy hàng từ bên kia về bán đã. Từ chuyến sau mới mang hàng từ Việt Nam sang". Tin tưởng ở người đàn ông mới quen, Hòa yên tâm đi theo. Nào ngờ "kẻ cắp gặp bà già". Khi sang Trung Quốc, Hòa bị Nhật lừa bán vào tay những kẻ buôn người. Hòa không còn trẻ, nhan sắc cũng không nổi trội nên được bán làm vợ một người đàn ông đã hơn 50 tuổi tên Lù Ping Lùng ở Quảng Tây.

Nhà Lùng nghèo rớt, chỉ làm ruộng nên phải chắt bóp mãi, Lùng mới đủ tiền mua Hòa về làm vợ. Nhiều lúc Hòa muốn trốn về Việt Nam nhưng tiền không có, tiếng không biết nên đành chấp nhận cuộc sống nơi xứ người. Ông trời run rủi thế nào, Hòa sinh được 2 người con một trai, một gái. Năm 2009, sau 20 năm làm vợ xứ người, Hòa quyết định về Việt Nam. "Cuộc sống bên đó khổ quá, tôi quyết định về quê hương kiếm tiền để gửi sang cho các con ăn học" - người đàn bà giãi bày. Thế nhưng, cái cách kiếm tiền cho con của người đàn bà giang hồ này lại là... đi trộm cắp để có tiền nhanh mà không phải lao động.

Tháng 1/2009, về Việt Nam đúng thời điểm mùa lễ hội. Hòa nhanh chóng nhập bọn với những kẻ trộm cắp chuyên nghiệp, trà trộn vào các lễ hội diễn ra tại Hà Nội "hành nghề". Cuối ngày, bà ta lại nhảy xe khách rút về Bắc Giang ẩn náu. Hết mùa lễ hội thì xoay sang trộm cắp tại các sự kiện có đông người tham gia. Nghe ngóng địa phương nào diễn ra các sự kiện lớn, những kẻ trộm như bà Hòa lại lên đường. Sau 3 lần bị Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) và Công an Thái Nguyên bắt giữ, xử phạt hành chính, năm 2013, người đàn bà này bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ khi hoạt động trộm cắp ở Bệnh viện K (Hà Nội). Tòa án xử 8 tháng tù giam. Lần này, bà Hòa thụ án tại Trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa).

Đầu năm 2014, ra tù, "bỉ vỏ" tròn U60.  Những tưởng những năm tháng dài lang bạt, ở tù sẽ khiến người đàn bà bước vào ngưỡng cửa của tuổi già phải nghĩ về tuổi tác. Nhưng dường như trộm cắp đã ngấm vào máu của bà ta. Mặc dù mỗi lần liên lạc, 2 đứa con ở Trung Quốc đều mong mẹ quay về. Nhưng bà Hòa bảo rằng bà ta không chịu được cuộc sống làm nông vừa vất vả, vừa nghèo. Kiếm tiền bằng "nghề" trộm cắp quá dễ đã khiến bà ta không thể hoàn lương. Ra tù được ít ngày, bà Hòa lại bị Công an quận Cầu Giấy bắt về hành vi trộm cắp. Tháng 6/2014, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy xử Hòa 12 tháng tù giam.

Ra trại lần thứ 4, bà Hòa làm quen với "bỉ vỏ" Chu Thị Hằng. Phần trích lục tiền án, tiền sự của người đàn bà này kín 3 trang giấy A4, bắt đầu từ năm 1984 đến nay. Có lẽ ngồi tù nhiều hơn nên U50 tỏ ra lì lợm hơn "bỉ vỏ" U60. Hằng khai rằng bà ta sống bằng nghề tiêu thụ đồ trộm cắp nên khi bị bắt, bà ta phải nhận tội cho kẻ trộm (?!). Lẽ ra phải biết xấu hổ với việc làm phạm pháp của mình, nhưng Hằng lại tự tin khoe rằng nhờ có công việc buôn bán đồ trộm cắp mà bà ta đã xây được nhà ở quê, cuộc sống cũng khá tươm tất. Nhưng Hằng cũng phải trả giá đắt cho sự bất lương. Trong thời gian Hằng đi tù, người chồng ở ngoài nghiện ma túy rồi chết. Không có mẹ chăm nom, đứa con gái cũng dạt vào Nam kiếm sống. "Tôi biết những việc mình làm là sai. Trong gia đình tôi, không có ai vướng vào pháp luật. Tôi cũng đã từng đi làm thuê, công việc vất vả nhưng tiền lại ít hơn đi buôn đồ trộm cắp nên không bỏ được" - thú nhận của “bỉ vỏ” U60 khiến người khác muốn mủi lòng thương cũng không được.

"Bỉ vỏ" U60 Nguyễn Thị Hòa khai rằng, đầu năm 2015, ra tù, bà ta gặp một người đàn ông 62 tuổi tên Khải, làm nghề chạy "xe ôm". Cảnh già cô độc, ông Khải rủ bà Hòa thuê nhà ở Phúc Xá "góp gạo thổi cơm chung". Thương hoàn cảnh bà Hòa không nơi nương tựa, lại đi tù liên miên, ông Khải bảo bà Hòa ở nhà lo cơm nước để không phải ra đường, bởi kẻ cắp quen tay, không lấy trộm được của ai cái gì sẽ ngứa ngáy không chịu được. Cơ hội hoàn lương có thừa, nhưng “bỉ vỏ” U60 đã tự để tuột mất...

Hương Vũ
.
.