Mối đe dọa từ chiến binh IS trở về nước

Thứ Ba, 14/11/2017, 20:43
Mặc dù bị mất khá nhiều vùng "lãnh thổ" song tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn cố sức xây dựng mạng lưới tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Và, có lẽ trong một tương lai không xa, IS sẽ thành lập được một "vương quốc" khác ở đâu đó ngoài Syria.


Đó là mối đe dọa ghê gớm từ sự trở về nước xuất xứ hay chạy sang các nước khác của chiến binh IS bại trận. Theo đánh giá từ các chuyên gia an ninh, sự sụp đổ của IS tại Syria chỉ là sự khép lại một chương và chương mới sắp sửa mở ra.

Nhiều chiến binh nước ngoài gia nhập IS đang bị xét xử tại Iraq và một số phần tử có thể đối mặt với bản án tử hình - một điều gây khó xử về mặt luật pháp lẫn đạo đức cho các quốc gia quê hương của những người này.

Trong khi đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường giám sát đường biên giới dài hơn 800 km giữa nước này và Syria để ngăn chặn sự xâm nhập của nhiều chiến binh IS. Các quốc gia láng giềng như là Jordan và Liban cũng có cùng mối lo sợ như Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, những điểm đến sắp tới của IS sau thất bại thảm hại tại Iraq và Syria bao gồm khá nhiều quốc gia.

Hình ảnh tên Nemmouche xả súng trong Nhà Bảo tàng Do Thái tại Brussels, Bỉ.

Hiện nay, có bằng chứng cho thấy IS đang cố gắng xây dựng mạng lưới khủng bố tiếp theo ở Yemen, Bán đảo Sinai, Nga, nhiều quốc gia Trung Á, vùng Bắc Caucasus và cả khu vực Đông Nam Á (bao gồm Myanmar và Philippines). Ngoài ra, IS cũng có sự hiện diện khá mạnh tại Libya - nơi mà vào năm 2016, chính quyền Mỹ ghi nhận có đến 6.500 chiến binh. Thậm chí, IS cũng lần mò đến những đất nước xa xôi như Cộng hòa Congo.

 Nhiều chiến binh nước ngoài IS chọn con đường quay về quốc gia xuất xứ của chúng với mưu đồ thiết lập mạng lưới hoạt động ngầm để tiến hành những cuộc tấn công khủng bố theo kiểu "sói cô đơn" hay gây mất ổn định chính trị. Tunisia có số công dân rời đất nước gia nhập IS thuộc hàng cao nhất thế giới - với khoảng 6.000 người. Các quốc gia vùng Vịnh Arab cũng đặc biệt lo ngại trước mối họa xâm nhập của IS. Các chính quyền châu Âu cũng lo ngại về vấn đề an ninh trước sự trở về của hàng ngàn chiến binh IS từng là công dân của họ.

Theo đánh giá từ Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italia (ISIP) và Chương trình về chủ  nghĩa cực đoan của Đại học George Washington, con số chiến binh IS trở về châu Âu đang tăng theo từng ngày. Để đối phó với nguy cơ, các chính quyền châu Âu đang tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin tình báo trong nỗ lực dò tìm những phần tử IS đang tìm cách trở về nước bằng con đường bất hợp pháp hay giả làm dân tỵ nạn.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho các cơ quan an ninh là phần đông chiến binh sử dụng hộ chiếu thật của châu Âu để trở về nước theo đường hợp pháp. Năm 2016, chính quyền Anh tiết lộ có đến 400 công dân nước này gia nhập IS đã trở về nhưng chỉ có 54 đối tượng bị xét xử và buộc tội.

Mehdi Nemmouche là người Pháp gốc Algeria tham gia chiến đấu 11 tháng với tổ chức IS ở Syria trước khi quay về châu Âu để giết người. Ngày 24-5-2014, Nemmouche xả súng trong Nhà Bảo tàng Do Thái ở trung tâm thành phố Brussels của Bỉ làm chết 3 người ngay lập tức và 1 người qua đời sau đó. Đối với giới chức chống khủng bố Mỹ và châu Âu, vụ nổ súng kéo dài chỉ 90 giây của Nemmouche được coi là kiểu tấn công đáng lo ngại từ sự trở về của hàng ngàn người châu Âu và người Mỹ tham gia các nhóm cực đoan Hồi giáo ở Syria và Iraq.

Những chiến binh liên quan với IS bị bắt giữ tại Marawi, Philippines.

Những nhà hoạch định chính sách Đức thậm chí gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đối mặt với vấn đề gọi là "du lịch thánh chiến" do nhiều người trở về từ Syria nhưng không biết được họ đã làm gì ở đất nước đang có nội chiến này - cụ thể là họ có tham chiến hay không và nếu có thì chiến đấu cho nhóm nào.

Ngoài ra, điều quan trọng hơn tất cả là liệu khi hồi hương, những người này có thật sự là mối đe dọa cho an ninh quốc gia hay không. Theo báo cáo của giới chuyên gia an ninh, chỉ khoảng hai chục người hồi hương "đồng ý hợp tác với chính quyền" trong khi số khác từ chối nói chuyện hay trả lời cho câu hỏi liệu họ có mang theo cuộc chiến của IS về Đức hay không? 

Luật pháp cũng là một trở ngại để đối phó với chiến binh thánh chiến. Tại một số quốc gia, việc gia nhập một tổ chức khủng bố hay chiến đấu trong vùng xung đột ở nước ngoài không bị coi là phạm tội.

Thậm chí, tại những quốc gia coi những trường hợp đó là phạm tội thì chính quyền cũng vẫn khó thu thập bằng chứng để xét xử trước tòa án. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn đối với những đứa bé chào đời từ cha mẹ là chiến binh IS. Không chỉ cố gắng phát hiện bắt giữ, các chính quyền khắp châu Âu đang tăng cường đầu tư vào những chương trình "giải trừ cực đoan hóa" để tạo điều kiện cho việc từ bỏ tổ chức cực đoan.

Ví dụ như chính quyền thành phố Aarhus của Đan Mạch thành lập chương trình giải trừ cực đoan hóa và tái hội nhập xã hội và kết quả cho thấy khá hiệu quả. Những quốc gia châu Âu khác như là Pháp đang có kế hoạch lập ra 12 trung tâm tương tự.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.