Các cựu giám đốc tình báo và tướng lĩnh quân đội Mỹ kêu gọi kiểm soát súng

Thứ Sáu, 24/06/2016, 10:00
Một số cựu giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và một số vị tướng 3 sao, 4 sao của quân đội đã nghỉ hưu đã cùng nhau lập ra một nhóm để vận động chính phủ và các cơ quan quyền lực nhà nước Mỹ đẩy mạnh các chính sách nhằm kiểm soát việc sử dụng súng đạn trong xã hội Mỹ.

Nhóm các cựu giám đốc tình báo và tướng lĩnh Mỹ có tên gọi là "Liên minh cựu binh vì nhận thức chung" (Veterans Coalition for Common Sense - VCCS) được hình thành dựa trên sự đồng thuận sáng lập của Cựu Giám đốc CIA David Petraeus, cựu Giám đốc CIA và NSA Michael Hayden, và tướng Stanley McChrystal. Sự ra đời của Liên minh này được công bố tại một cuộc họp báo ở Washington DC hôm 10-6, chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ xả súng làm 49 người chết ở Orlando.

Mark Kelly (trái) và tướng David Petraeus.

Các nhà tổ chức "Liên minh cựu binh vì nhận thức chung" cho biết liên minh mới ra đời trên cơ sở thành công của một dự án lớn có tên gọi là "Các cựu binh vì Các giải pháp trách nhiệm" (Veterans for Responsible Solutions - VRS). Một dự án lớn với hơn 120.000 người tham gia, do Phó Đô đốc Barnett đề xuất và triển khai từ sau vụ xả súng làm chết 15 người ở cảng tàu Hải quân Washington vào năm 2013.

Một nhóm khác cũng hoạt động kêu gọi kiểm soát súng là "Người Mỹ vì giải pháp trách nhiệm" (Americans for Responsible Solutions), lên tiếng ủng hộ việc thành lập Liên minh của các tướng lĩnh và cựu giám đốc tình báo. Nhóm ARS chủ trương kiểm soát súng trong khuôn khổ tuân thủ Hiến pháp nước Mỹ.

Nhóm này được thành lập từ năm 2012 sau vụ xả súng làm chết 28 người tại trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtwon, bang Connecticut. Những người thành lập tổ chức này là cựu phi hành gia NASA Mark Kelly và vợ là nữ nghị sĩ Garbrielle Giffords, người từng bị bắn trọng thương cùng với 18 người khác vào tháng 1-2011 tại thành phố Tucson, bang Arizona. Chính Kelly và vợ, bà Giffords là đã cùng dự họp báo công bố việc thành lập nhóm VCCS và ông cũng như tổ chức ARS sẽ hoạt động bên cạnh VCCS với tư cách là tổ chức mẹ.

Sự kiện bà Giffords bị những kẻ quá khích mang súng bắn trọng thương vào năm 2011 đã từng khiến dư luận phẫn nộ và một làn sóng kêu gọi chính phủ kiểm soát súng đã được phát động. Sau vụ xả súng tại cảng tàu Hải quân Washington, các cựu binh trên toàn nước Mỹ đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Quốc hội Mỹ giảm bớt tình trạng bạo lực súng đạn. Cho đến hiện nay, nhóm ARS do hai ông bà Kelly và Giffords sáng lập đã thu hút được số lượng người tham gia khổng lồ, trên 800.000 người trên khắp nước Mỹ.

Với sự ra đời nhóm mới VCCS, khoảng 20.000 cựu binh thuộc tất cả các binh chủng và tất cả cấp hàm khác nhau sẽ cùng tham gia với lực lượng khổng lồ của ARS đẩy mạnh phong trào kiểm soát súng ở Mỹ. Chủ trương lớn của phong trào này là thúc giục các lãnh đạo do dân bầu nhanh chóng lấp các lỗ hổng trong luật pháp về kiểm tra thông tin cơ sở của những người sở hữu súng nhằm hạn chế tình trạng để lọt việc bán súng cho các phần tử quá khích, lạm dụng súng và nhất là những kẻ mắc bệnh tâm thần mua súng gây họa.

Cùng với đó là tìm kiếm những giải pháp củng cố luật pháp hiện hành và bảo đảm nguồn lực tài chính, năng lực cần thiết cho các nghị sĩ và các cổ đông công ty quốc phòng để họ góp sức ngăn chặn các thảm họa do súng gây ra. Ngoài ra, liên minh cựu binh, tình báo còn hướng đến việc phối hợp rộng rãi với các nhóm hoạt động xã hội khác nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng cựu quân nhân tự sát hoặc mắc các bệnh do di chứng tinh thần sau khi tham gia các cuộc chiến.

VCCS có một ban cố vấn cũng bao gồm nhiều vị tướng lĩnh nổi danh một thời của quân đội Mỹ, dẫn đầu là Đô đốc Eric Olson, cựu Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (SOC) giai đoạn từ 2007-2011.

Ngoài ra, trong Ban cố vấn còn có một số cựu binh có cấp hàm cao thuộc mọi binh chủng của quân đội Mỹ, như tướng Jamie Barnett, chuẩn tướng Stephen Cheney, và trung tướng Norman Seip, một chỉ huy Không quân. Đặc biệt, trong Ban cố vấn còn có sự góp mặt của ông Kelly với tư cách là thành viên đại diện cho Ban cố vấn của tổ chức mẹ ARS; cùng các vị tướng về hưu như Wesley Clark, Stanley McChrystal, Peter Chiarelli, James Loy,…

Trong phát biểu tại lễ ra mắt nhóm VCCS, đại diện Ban cố vấn, tướng Thad Allen cho biết, tình trạng bạo lực súng đạn tại Mỹ đang trở nên nghiêm trọng đến mức thảm họa. Năm 2015, bạo lực súng đạn đã cướp đi sinh mạng của 33.000 người Mỹ, hơn 84.000 người khác bị thương. Điều đó thôi thúc các vị tướng hưu trí, các cựu quân nhân, cựu sĩ quan tình báo có trách nhiệm hành động "nhằm ngăn chặn súng đạn rơi vào tay những kẻ nguy hiểm, bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ mạng sống của người dân Mỹ".

Một con số thống kê khác so tướng Stephen Cheney đưa ra cho thấy mỗi năm có đến hơn 6.000 cựu binh Mỹ tự sát vì không chịu nổi sự ám ảnh khủng khiếp của những sang chấn tinh thần sau khi tham gia chiến tranh. Các vị tướng, cựu sĩ quan tình báo tham gia liên minh đều bày tỏ quyết tâm ngăn chặn, kéo giảm tình trạng bạo lực súng đạn tại Mỹ.

Nhưng ngăn chặn tình trạng bạo lực súng đạn bằng cách nào? Thúc đẩy các chính trị gia tìm cách hạn chế chúng cũng khó tương tự như việc làm sao để thuyết phục những kẻ quá khích cầm súng đừng bắn. Chắc chắn, phong trào của những vị tướng quân đội và tình báo về hưu sẽ gặp nhiều khó khăn, trước hết là từ nhiều lực cản lớn từ chính trị.

Ngay trong hàng ngũ những người tham gia nhóm VCCS cũng có người ủng hộ việc hạn chế tình trạng bạo lực súng đạn, nhưng quyết liệt bảo vệ quyền sở hữu súng của dân Mỹ như một quyền Hiến định. Từ đó sẽ khó giải quyết cái gốc của vấn đề: súng đạn được mua bán tràn lan, không hạn chế. Và cũng như thường lệ, sau một vụ xả súng sẽ ra đời một sáng kiến kiểm soát súng, để rồi sau đó một vụ xả súng khác lại xảy ra.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.