Dai dẳng như “virus” 3K

Chủ Nhật, 12/02/2017, 15:10
Ở nước Mỹ hiện thời, những thành viên của các nhóm phân biệt chủng tộc quá khích Ku Klux Klan (3K) vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tụ tập có vũ trang, chúng thản nhiên "trưng" ra bộ mặt kỳ thị màu da trơ trẽn trước công chúng.

Cây thập tự sáng rực giữa trời đêm. Quanh đó là hàng trăm tên đàn ông đứng thành vòng tròn với áo choàng trắng liền mũ (phục sức chính thức của tổ chức 3K), đồng thanh hô to đến lạc cả giọng: "Chính thể trắng! Chính thể trắng!"… Tiếng vọng vang xa khắp cả vùng xung quanh.

Vài giây sau, trên bục gỗ cao dựng giữa khoảng trống xuất hiện Wajih Griffin, kẻ cầm đầu đảng 3K ở tiểu bang North Carolina, một trong những "triết gia" hàng đầu của tổ chức phân biệt chủng tộc khét tiếng này. Hắn bắt đầu cao giọng với cái "điệp khúc" muôn thuở: "Sự tranh đấu chống lại họa Cộng sản, tụi Do Thái, lũ di cư và bọn da màu không phải là bạo lực, mà đó là lòng yêu nước. Chúng ta cần phải bảo vệ đất nước và chủng tộc của chúng ta. Nếu cần, chúng ta quyết làm được điều đó bằng sức mạnh của vũ khí"(!).

Quang cảnh một buổi hành lễ của tổ chức 3K.

…Xung quanh chẳng thấy bóng dáng viên cảnh sát nào, tuy rằng trước lối vào khoảng cánh đồng rộng lớn, nơi các băng nhóm 3K từ khắp 50 tiểu bang của nước Mỹ kéo về dự "Đại dạ hội" có một nhóm cảnh sát vũ trang lăm lăm súng trong tay. Nhưng họ chẳng "dọa" được ai cả, bởi những buổi tụ tập dạng này được coi là hợp lệ theo luật pháp Hoa Kỳ.

Cảnh trên diễn ra tại tiểu bang North Carolina, nhưng cũng có thể thấy ở bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Một bằng chứng cho thấy, đó không phải là một hiện tượng thuộc phạm trù "phía nam cục bộ" nữa, mà đã biến thành thứ "dịch bệnh" lây lan gặm nhấm dần đất nước được mệnh danh là "thiên đường dân chủ" này.

W. Griffin là tên thủ lĩnh của 3K tại North Carolina. Hắn gần như trở thành "người hùng dân tộc" sau sự kiện cách đây gần 4 thập niên ở thành phố Greensboro. Vào hôm Chủ nhật ngày 3-11-1979, lực lượng công nhân lao động trong vùng tổ chức một đoàn diễu hành chống nạn kỳ thị chủng tộc.

Đó là một ngày oi bức khác thường, đa phần mọi người đều mặc áo ngắn tay. Bất thình lình một đoàn 9 chiếc xe dừng lại trước đám biểu tình. Khoảng 40 tên đàn ông lao ra bắn xối xả trong vòng một phút, rồi chúng lại leo lên xe biến đi bất chợt như khi đến.

Hậu quả là 5 công nhân chết tại chỗ và hàng chục người khác bị thương nặng. Có đến 4 kênh truyền hình theo dõi trực tiếp vụ thảm sát và gây một cú sốc lớn cho cả nước Mỹ. Một điều kỳ lạ mà ai cũng thấy qua màn ảnh nhỏ: không thấy bóng dáng một viên cảnh sát nào!…

Thành viên đảng 3K công khai diễu hành trên đường phố trong các kỳ bầu cử.

Vài ngày sau, bọn hung thủ (việc tìm kiếm chúng chẳng khó khăn gì qua các tổ chức 3K và tân phát xít) bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó có W. Griffin. Phiên tòa sơ thẩm được mở dạo đầu năm 1980, nhưng bọn tội phạm được xử trắng án với lời biện hộ "tự vệ hợp pháp", bởi "nhóm đàn ông trang bị vũ khí đăng ký hợp pháp cảm thấy bị đe dọa và đã nổ súng để tự bảo vệ"(?!)…

Nhằm xoa dịu dư luận, phiên tòa phúc thẩm được mở sau đó 4 năm, vào giữa năm 1984. Lại những lời biện hộ mới. Bồi thẩm đoàn rặt các khuôn mặt da trắng quả quyết, rằng: "Các bị cáo đã thể hiện lòng yêu nước ở khung bậc cao: họ tiễu trừ họa Cộng sản ở North Carolina"(!).

Cho dù hơn 35 năm đã trôi qua, nhưng công luận tiến bộ Mỹ vẫn kiên nhẫn chờ một phiên xử dạng giám đốc thẩm của Tòa án Tối cao tại Washington D.C, có liên quan đến vụ thảm sát hàng loạt ở Greensboro năm xưa nhằm kết tội lực lượng cảnh sát trật tự. Tại sao họ đã không có mặt và không can thiệp, khi được báo trước là vụ tấn công chắc chắn sẽ xảy ra?

Một thành viên của 3K là Edward Dosen, một kẻ gần gũi với "thủ lĩnh" W. Griffin đồng thời là cộng tác viên cho FBI và Sở Cảnh sát Greensboro, một "điệp viên đa mang" thường xuyên cung cấp cho giới hữu trách về những mưu mô của 3K đã cấp báo kịp thời cho Sở Cảnh sát Greensboro.

Giờ đây, sau khi bị cảnh sát bỏ rơi, FBI cự tuyệt và bè lũ 3K săn lùng, E. Dosen trở thành một nhân chứng chính đồng thời trong vai bị cáo của phiên tòa mới. Đó là một con người cô đơn mà báo chí có dịp phỏng vấn. Người ta hỏi E. Dosen phải chăng cảnh sát đã cố tình không có mặt khi súng nổ? "Đúng! - E.Dosen đáp - Phải là kẻ ngốc mới nghĩ ngược lại!". E. Dosen quyết vạch trần mối liên hệ giữa cảnh sát, FBI và những thế lực chính trị ngầm khác với 3K… Không hiểu ông có thành công không?

Nhưng chắc chắn có một người duy nhất không quan tâm gì đến "vụ án E. Dosen" cả. Đó là W. Griffin, hắn vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật và "hoàn toàn tự do hành động" ở thị trấn Lincolnton.

Trong xưởng sửa xe nơi hắn làm việc, mọi người đều biết chính kiến và các hoạt động của đương sự và W. Griffin không việc gì phải lo, bởi đây là một trong những "cái nôi" của 3K. Cho tới năm 1979, trước lối vào thành phố vẫn còn hiện hữu một tấm biển ngạo nghễ ghi: "Xin chúc mừng đã đến lãnh địa của Ku Klux Klan!". "90% du khách tới đây đều là những người ngưỡng mộ 3K - W. Griffin trơ trẽn giải thích - Họ có thể không dám công khai xuống đường tranh đấu, nhưng họ ủng hộ chúng tôi về mọi mặt và chúng tôi có thể đặt niềm tin vào giới đồng bào da trắng "thuần khiết" ấy!…".

Dông dài suốt hàng tiếng đồng hồ liền, Griffin và đồng bọn cố sức thuyết phục mọi người về "chính kiến" của chúng: nào là "Cộng sản muốn áp bức trẻ em", rồi thì "Lũ di cư da màu cướp hết công ăn việc làm của người da trắng", nào là "Tụi Do Thái đang làm chủ các phương tiện truyền thông và âm mưu thâm nhập vào hàng ngũ các quan chức cao cấp" v.v…

Những điều bịa đặt vô lý lại chiếm được cảm tình của giới bi quan ở Mỹ: từ những chủ nông phá sản tới các tiểu thương thất bại trong kinh doanh… Bọn 3K "được nước" càng lộng hành. Trong vòng 4 năm trở lại đây, chỉ riêng tại tiểu bang  North Carolina chúng đã gây ra hơn 200 vụ xô xát chủng tộc và kỳ thị người nhập cư khác màu da.

Đảng 3K hình thành tại Mỹ vào năm 1865, bằng các biện pháp cực hữu quá khích (kể cả khủng bố) luôn cố sức thâm nhập vào bộ máy nhà nước, quân đội và cảnh sát. Ví như Jim Blair trong trang trại của hắn ở tiểu bang Alabama, nơi vốn được coi là "Tổng hành dinh của 3K". Chính tại đây cho "ra lò" các trang phục, cờ xí và những dụng cụ nghi lễ của 3K.

Ở đây cũng là "Trung tâm liên lạc và thông tấn" - theo lời J.Blair với khắp thế giới. J.Blair muốn phát triển tổ chức riêng rẽ của mình lên tầm cỡ toàn quốc theo "mô hình Alabama": thâm nhập vào các chính giới lập pháp, tư pháp cũng như hành pháp và lập ra một phong trào cực mạnh đủ sức chi phối các tổ chức chính trị khác, nôm na là một thứ "đế chế vô hình"(?!).

Còn Gleen Miler, một cựu binh ở Việt Nam từng phục vụ 20 năm trong lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ, kẻ từng sát cánh với W. Griffin trong cuộc thảm sát hàng loạt tại Greensboro, một nhân vật "cộm cán" trong giới cực hữu Mỹ hiện cầm đầu một tổ chức vũ trang tân phát xít tại New York. Nhân danh một tờ báo lâu đời ở châu Âu, ký giả thường trú của nhật báo L'Humanité, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Pháp đã gọi điện thoại cho G. Miler đề nghị phỏng vấn.

"Hãy nghe xem tao nói với mày cái gì, mày phát âm Anh ngữ - thứ tiếng "da trắng thượng đẳng nhất" - như một thằng… mọi… và hiển nhiên mày là giống Do Thái đáng phỉ nhổ còn sót lại bên kia đại dương nhờ Hitler thất trận… Tao khuyên mày khôn hồn hãy xéo ngay khỏi xứ Mỹ này đi!". Sau đó hắn dằn mạnh ống nghe xuống.

Đằng sau tấm áo trùm trắng của 3K

Khi 3K tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa nhà Lập pháp bang South Carolina vào năm 2015, các đối thủ của nó cho rằng không có gì phải sợ. "3K ngày nay đã suy yếu, lãnh đạo thì kém, lại còn sa vào tình trạng chia rẽ nội bộ"- Mark Potok, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Luật Người nghèo miền Nam Hoa Kỳ (The Southern Poverty Law Center, SPLC), đã nhận định như thế khi trả lời tờ Christian Science Monitor. Những người khác cũng có quan điểm tương tự; họ gọi Klan là "yếu", là "đơn độc" và thậm chí còn là một nhóm gây thù hận "học đòi".

Thành viên 3K đang nỗ lực đạt được tính hợp pháp trong mắt công chúng.

Đúng là 3K hiện tại đã thực sự khác biệt, thành phần này gồm nhiều nhóm nhưng không liên kết với nhau. Tháng 2-2016, Dự án Tình báo của SPLC đã xác định được 190 nhóm 3K, hoạt động trong 31 tổ chức khác nhau. Các nhóm này khá rời rạc và có rất ít thành viên, ước tính tổng cộng là dưới 10.000 người. (Vào thời đỉnh cao hồi những năm 1920, số lượng thành viên của 3K đã vượt ngưỡng 4 triệu người).

Tuy nhiên, nhóm ngoài lề xã hội này vẫn có thể có những hành vi bạo lực khó lường. Nghịch lý ở chỗ, trong thời kỳ 3K được hàng loạt người tin theo, hành vi bạo lực của tổ chức này lại dễ kiểm soát hơn. Lúc đó, những người đứng đầu vì muốn duy trì tổ chức nên họ có động lực để kiềm chế những cuộc tấn công trái phép của các cá nhân thành viên.

Còn ngày nay, việc 3K thiếu đi một bộ máy chung có thể khuyến khích âm mưu của "những con sói đơn độc" hay những phần tử bị cô lập. Sự hiện diện ngày càng tăng trên Internet đã làm trầm trọng thêm xu hướng này. Những "cảm tình viên" như Dylann Roof - thủ phạm trong vụ bắn súng tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal ở Charleston, bang South Carolina - có thể dễ dàng truy cập vào các tài liệu quảng bá và khuyến khích chủ nghĩa khủng bố nhân danh thuyết người da trắng thượng đẳng.

Các thành viên 3K đôi khi đã dùng mũ trùm để bảo vệ bản thân và tạo dấu ấn tượng trưng. Nhưng các nhóm 3K vẫn thường xuyên hành động như các tổ chức công khai, thông báo rầm rộ về sự hiện diện và những đóng góp dân sự của họ. Năm 1925, các lãnh đạo 3K đã khoa trương về số lượng thành viên và ảnh hưởng chính trị của họ bằng cách tổ chức một cuộc diễu hành ở Đại lộ Pennsylvania, Washington. Sự kiện này đã thu hút hơn 40.000 thành viên, tất cả đều không đeo mặt nạ.

Trong những năm 1960, những thành viên 3K vào ban đêm thường ngang nhiên đi thành tốp rảo quanh các khu cư dân của các thành phố miền Nam. Hàng trăm thành viên không hề ẩn danh, đi diễu hành qua các khu thương mại, công viên… để kêu gọi sự chú ý cho những cuộc biểu tình gần đó và để nhấn mạnh sự hiện diện của các thành viên trong cộng đồng.

Những hoạt động dân dự trá hình như vậy dần mở rộng sang một loạt các sự kiện xã hội và hoạt động từ thiện, từ dịch vụ nhà thờ, các nhà hàng bán cá và khoai tây chiên, các cuộc thi bắn gà tây cho tới các chiến dịch cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho người bệnh hoặc người thiếu thốn.

Trong những năm 1970, David Duke đã cho đổi áo choàng lấy những bộ com-lê ba mảnh để gia tăng sự tôn trọng và tính thu hút của tổ chức. Các lãnh đạo 3K ngày nay tuyên bố rằng, họ đang mở rộng các biên giới mới bằng cách tung ra các trang web hoặc tổ chức tuần hành qua các trung tâm thành phố. Thực ra, những hành động này là một phần trong nỗ lực lâu dài của 3K để đạt được tính hợp pháp trong mắt công chúng.

Q.H.

Quang Phú (theo L'Humanité)
.
.