Mỹ Latin: Buôn lậu động vật hoang dã hoành hành theo COVID-19

Thứ Tư, 30/09/2020, 07:22
Từ tháng 2 đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều ngành kinh tế mũi nhọn ở các quốc gia châu Mỹ LaTin rơi vào cảnh đình trệ. Tuy nhiên việc săn bắt, mua bán một số động vật hoang dã vẫn không có dấu hiệu dừng lại bởi lẽ nhiều người thất nghiệp không còn cách nào khác để sống cầm cự qua ngày…


1. Ngày 21/8/2020, cảnh sát Brazil khi ra lệnh cho một chiếc xe bán tải dừng lại để kiểm tra việc phòng dịch COVID-19 trên một cao tốc ở bang Minas Gerais, đã phát hiện 40 hộp các tông ở hàng ghế sau và trong thùng xe. Theo giải thích của tài xế, một người không rõ danh tính đã nhờ anh ta chở giúp đến thành phố cảng Salvador với giá 1.000USD. Tiến hành kiểm tra, cảnh sát nhận thấy trong 40 chiếc hộp này, chứa tổng cộng 800 con chim vẹt thuộc nhiều chủng loại.

Theo thiếu tá Joaquin Manao, đội trưởng đội tuần tra thì trong số 800 con vẹt ấy, có những con có thể bán được 5.000USD nếu mang đến Mỹ hoặc châu Âu. 

Ông Manao nói: “Chẳng hạn như loài vẹt đuôi dài mặt trời, những người săn bắt bán cho bọn thu gom với giá chỉ là 100USD mỗi con nhưng ở Mỹ, nó là 2.800 đến 4.000USD. Hay như vẹt đầu hồng, người nuôi ở nước Anh phải trả 5.500USD…”. Một báo cáo của ngành Cảnh sát giao thông Brazil cho thấy từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 8-2020, họ đã bắt giữ hơn 25.000 động vật vận chuyển trái phép, chủ yếu là các loài chim. Điều này thể hiện mức tăng gần 500% so với năm 2019.

Một con vẹt mào đỏ bị săn trộm ở Brazil.

Vẫn theo thiếu tá Manao, số lượng những vụ bị bắt chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi lẽ trước đại dịch COVID-19, mỗi năm ở Brazil có khoảng 35 triệu động vật hoang dã bị buôn bán. Một trong số đó là vẹt Mongabay - loài vẹt có lông đầu màu lam ngọc. Theo ước tính, hàng năm có khoảng 12.000 con Mongabay được đưa lậu vào Sao Paulo trước khi lên đường đến châu Âu, Mỹ, chưa kể những con bị chết khi lấy ra khỏi tổ hoặc chết vì bị cất giấu trong những chiếc thùng không an toàn.

Và không chỉ loài chim, các loại rắn có nọc độc cao, báo đốm vùng đầm lầy Pantanal đã bị săn bắt rồi giết chết để lấy da cùng một số bộ phận trong cơ thể của chúng nhằm phục vụ mục đích chữa bệnh theo y học cổ truyền phương Đông. Danh sách này còn kéo dài đến các loài khác như thằn lằn, cự đà, khỉ, rùa và con lười.

Trang tin Mỹ Latin ngày nay (Latin America Today) cho biết việc gia tăng buôn bán động vật hoang dã trong thời kỳ đại dịch COVID-19 là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau: Chính phủ liên bang thường tỏ ra thờ ơ, nếu không muốn nói là hết sức thờ ơ trong việc chống lại tội phạm môi trường, chẳng hạn như nạn phá rừng và khai thác nông lâm thổ sản bất hợp pháp ở Amazon. Ngân sách của các cơ quan giám sát môi trường liên tục bị cắt giảm.

Thêm vào đó, tình trạng mất việc làm trên khắp đất nước cũng khiến nhiều người chuyển sang săn bắt, buôn bán động vật hoang dã như một phương tiện kiếm sống qua ngày. 

Bà Marcela Pavlenco, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ SOS Fauna, Brazil, cho biết: “Nói chung, những người săn bắt động vật hoang dã là những người mà thu nhập còn thấp hơn so với các vùng nghèo nhất ở Brazil. Nhiều người trong số họ hiểu rằng hình thức buôn bán này là bất hợp pháp nhưng do thất nghiệp nên họ nhắm mắt làm liều”.

Chính vì vậy, sự hấp dẫn của việc kiếm ra tiền trong việc buôn bán động vật hoang dã là chất kích thích cho cả người bán lẫn người mua. Loài vẹt Mongabay chẳng hạn, khoảng một tháng trước khi trứng nở, nếu những ổ trứng này nằm trong những vùng đất có chủ, kẻ săn bắt sẽ thương lượng với chủ đất về số tiền họ trả cho mỗi con vẹt non - thường là 4,5USD đến 11 USD tùy theo loài.

Còn nếu những ổ trứng ấy nằm trong rừng thì kẻ săn bắt dựng lều ở một khoảng cách đủ để không làm cho vẹt mẹ hoảng sợ trong thời gian ấp trứng. Đến khi những con vẹt non đủ 1 tuần tuổi, nó sẽ bị bắt rồi chuyển đến Sao Paulo và được bán với giá từ 36 đến 82 USD mỗi con.

Rodrigo, một người săn bắt lậu nói với trang tin Mỹ Latin ngày nay: “Trong những chuyến đi rừng, nếu phát hiện được tổ vẹt có trứng thì chúng tôi phải cử người ở lại để canh giữ còn những người khác quay về lấy thêm lương thực, lều bạt vì nếu không, những nhóm săn bắt khác phát hiện thì họ sẽ chiếm cái tổ ấy”. Đã từng xảy ra đổ máu khi những nhóm săn bắt tranh giành lãnh địa của nhau. Rodrigo nói: “Thậm chí họ còn đập nát hàng chục ổ trứng để ngăn những con vẹt sắp nở rơi vào tay đối thủ”.

2.  Không chỉ ở Brazil mà một số các quốc gia Mỹ Latin khác, tốc độ buôn bán động vật hoang dã dường như không hề chậm lại vì đại dịch COVID-19, đặc biệt là buôn lậu các loài sinh vật sống dưới nước.

Cái bong bóng cá đường này chỉ nặng 252 gam nhưng người mua sẵn sàng trả 27.000 USD.

Alejandro Olivera, phát ngôn viên Trung tâm đa dạng sinh học Mexico nói: “Hàng nghìn con rùa Mexico và hàng tấn vi cá mập Ecuador vẫn đều đặn lên đường đến Trung Quốc. Và mặc dù quốc gia này đã đưa ra những tuyên bố cho thấy họ sẽ xử lý nghiêm khắc với những kẻ nhập lậu động vật hoang dã nhưng do nhu cầu quá lớn, việc buôn bán vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp mọi hình phạt”.

Với loài rùa, ngày 10/5/2020, tại sân bay quốc tế Mexico, PROFEPA, cơ quan bảo vệ môi trường Mexico đã bắt giữ một lô hàng gồm 15.053 con rùa nước ngọt thuộc 4 loài khác nhau, tất cả đều được liệt vào danh sách bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, giấu bên trong những hộp gỗ, chờ chuyển đi Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, hầu hết đều còn sống, chỉ có 260 con chết. Đến cuối tháng 5, lại thêm 5.167 con rùa nữa chết vì sau khi bị bắt giữ, tình trạng của chúng đã rất xấu do bị nhốt lâu ngày trong môi trường không phù hợp với đời sống của loài này. Những con còn sống được gửi đến các cơ sở chăm sóc ở các bang Quintana Roo và Yucatan.

Tại bang Oaxaca, Sergio Ordaz, người tổ chức chương trình bảo vệ rùa ở bờ biển Colotepec nói: “Kể từ khi đại dịch COVID-19, nạn cướp bóc trứng rùa ngày càng nhiều. Ban đêm, lợi dụng lúc vắng người canh giữ, những kẻ trộm đã đào bới các ổ trứng rùa trên bãi biển rồi lấy sạch.

Tiếp theo, họ đem trứng về các lò ấp thủ công nằm sâu trong rừng. Lúc trứng nở, họ bán cho bọn lái buôn, thường từ 8 đến 10USD mỗi con tùy theo loài. Nhiều lần họ còn tấn công các nhân viên bảo vệ của chúng tôi khi chúng tôi tìm cách ngăn cản”.

Với vi cá mập, trong tháng 4 và tháng 5/2020, 26 tấn vi cá xuất xứ từ Ecuador đã được tìm thấy trong 2 container ở Hong Kong, một kỷ lục đối với khu vực này vì giá trị của nó vào khoảng 1,1 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với 12 tấn vi cá mập bị bắt ở Hong Kong trong cả năm 2019.

Theo trang tin Mỹ Latin ngày nay, những chiếc vi này đến từ 31.000 con cá mập nhám và 7.500 con cá mập lông mượt, cả hai đều là loài được bảo vệ. Trang tin viết: “Ecuador và Peru đã chứng kiến việc giết mổ cá mập để lấy vitrên diện rộng, chủ yếu được bán cho thị trường châu Á. Điều oái oăm là một số các nhà chức trách đã phải vật lộn để ngăn chặn việc buôn bán vi cá mập trong lúc số khác lại cố tình làm ngơ.

Tháng 4/2019, một cuộc điều tra cho thấy các quan chức trong cơ quan giám sát xuất khẩu động vật hoang dã của Peru bị cáo buộc vì đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu vi cá mập bất hợp pháp”.

Cũng ở Hong Kong, 1 tháng sau khi bắt giữ 26 tấn vi cá mập, chính quyền thành phố cảng đã thu giữ lô hàng được ghi nhận là lớn nhất: 160kg bong bóng cá đường đã sấy khô, nghiền thành bột, chuyển đến bằng máy bay từ thành phố Los Angeles, Mỹ. 160kg bột này lấy từ khoảng 270 con cá đường. Theo cơ quan hải quan Hong Kong, số lượng bột bong bóng cá đường ấy còn nhiều hơn tổng số bột bong bóng cá đường bị bắt giữ ở Hong Kong kể từ năm 2002.

Kể từ năm 1990, việc đánh bắt cá đường đã bị cấm nhưng ở vịnh California, Mỹ, người ta vẫn thường xuyên săn trộm chỉ để lấy cái bong bóng, một bộ phận nằm trong bụng cá, giúp kiểm soát sự nổi của cá trong nước. Thị trường tiêu thụ chính của nó là Trung Quốc, nơi nhiều người tin rằng bong bóng cá đường nấu súp có thể chữa được bệnh vô sinh, bệnh di tinh, mộng tinh, làm cường dương, bổ thận, bổ phổi.

Ông Chen, đầu bếp  của một nhà hàng lớn ở Quảng Châu, Trung Quốc cho biết bong bóng cá đường là 1 trong “bát trân” (8 món ăn quý), gồm gan ngỗng, sò điệp, hải sâm, bào ngư, vi cá mập, gân nai và yến sào. Có lẽ vì vậy nên 1kg bong bóng cá đường đã sấy khô có giá từ 20.000 đến 80.000USD.

Chen nói: “Nhằm qua mắt hải quan Trung Quốc, những tay buôn lậu tán nó thành bột. Với những người sành ăn, chỉ cần ngửi và nếm một tí loại bột này, họ có thể biết nó có phải là bong bóng cá đường thật hay không”.

Và không chỉ cá đường, vịnh California là vùng biển tiếp giáp giữa Mỹ và Mexico, nơi sinh sống của loài cá heo Vaquita, được coi như biểu tượng thủy sản Mexico cũng bị những kẻ săn trộm đánh bắt, xẻ thịt, lấy bong bóng bán ra nước ngoài. Tuy không có giá như cá đường nhưng mỗi cái bong bóng cá heo Vaquita, bọn buôn lậu cũng kiếm được từ 20 đến 25 nghìn USD. Theo ước tính của PROFEPA, cơ quan bảo vệ môi trường Mexico, có thể chỉ còn 10 con cá heo Vaquita ở khu vực này.

3. Ở Costa Rica, động vật hoang dã trước đây thường bị săn bắt và buôn bán bất hợp pháp là loài rùa nhưng gần đây, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, bọn buôn lậu chuyển sang các loài bọ cánh cứng, bướm, ong bắp cày, nhện…

Cảnh sát Costa Rica và một con rùa bị săn trộm.

Cuối tháng 1/2020, cảnh sát môi trường Costa Rica đã tiến hành 5 cuộc đột kíchvào 4 khu dân cư và 1 trang trại nuôi bướm ở Puntarenas để thu thập bằng chứng nhằm củng cố cho các cáo buộc buôn bán động vật hoang dã, được cảnh sát theo dõi từ tháng 3/2018. Kết quả 4 thành viên trong cùng một gia đình bị bắt.

Một công tố viên cho biết mặc dù gia đình này có giấy phép nuôi bướm do Bộ Môi trường và Năng lượng Costa Rica cấp, nhưng những bằng chứng thu được tại hiện trường đã cho thấy trang trại nuôi bướm chỉ là vỏ bọc nhằm che giấu việc xuất khẩu lậu một số động vật hoang dã sang Pháp, Đức, Hà Lan.

Theo báo La Nacion, xuất bản tại Costa Rica, nhiều hồ sơ chứng từ cất giấu bí mật cho thấy khoảng 700 loài côn trùng khác nhau được gửi đi hàng tháng qua đường bưu điện, đóng gói vào các hộp dán nhãn là đồ thủ công mỹ nghệ. Trong số những hộp ấy có chứa một loài nhện, bán với giá 1.100USD mỗi con. Nếu sang được Đức hay Hà Lan, nó có giá 3.000USD.

Không chỉ nhện, bướm, những động vật hoang dã khác ở Costa Rica cũng được bọn  buôn lậu đánh giá cao, gồm cự đà, rắn, ếch, mèo rừng. Một con mèo rừng được người săn bắt trộm bán cho bọn thu mua 750 USD nhưng khi mổ ra để lấy tinh hoàn, cặp tinh hoàn ấy đến tay người tiêu dùng với giá 10.000USD.

Theo thống kê của Cơ quan bảo vệ môi trường Costa Rica, năm 2018 quốc gia này đã điều tra 25 trường hợp tương tự và chỉ trong nửa đầu năm 2019, khoảng 354 loài thú nằm trong danh sách cần phải bảo vệ đã bị tịch thu. Trong số những người bị buộc tội năm 2019 vì vi phạm Luật Động vật hoang dã của Costa Rica có hai người Đức, bị bắt tại sân bay với một chiếc vali chứa nhện và kiến.

Là lục địa đa dạng sinh học nhất thế giới, nơi sinh sống của khoảng 40% các loài động thực vật trên toàn hành tinh, Mỹ Latin ngẫu nhiên trở thành trung tâm buôn bán động vật hoang dã.Và mặc dù chính phủ các nước Mỹ La Tinh cùng khối EU đã ký tên vào bản “Tuyên bố Lima”, nội dung tăng cường hợp tác trong các nỗ lực chống buôn bán động vật hoang dã nhưng thật không may, tham nhũng là một trong những trở ngại lớn nhất để chống lại tệ nạn này.

Salvador Ortega, người đứng đầu Interpol về tội phạm rừng ở Mỹ Latin nói: “Các quan chức cần nghiêm túc thực hiện vai trò của họ trong việc chống buôn bán động vật hoang dã bởi lẽ nếu không, họ sẽ trở thành một phần của chuỗi cung ứng cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia…”.

Vũ Cao (theo Latin America Today)
.
.