Người Yazidi khốn đốn dưới bàn tay tàn độc của IS

Thứ Hai, 29/10/2018, 18:43
Delal đang xây dựng lại cuộc sống của mình tại Úc sau hơn 2 năm bị IS giam giữ. Nhìn thấy một người đàn ông râu quai nón trên đường phố của thị trấn ven biển Úc, cô rất sợ hãi tưởng là kẻ IS trước đây đến bắt cô đi, vì chúng nói nếu cô bỏ trốn thì sẽ tìm và bắt bằng được, có thể giết cô. Với cô, đó là nỗi ám ảnh.

Lời kể của người phụ nữ thoát khỏi tay IS

Delal là một trong hàng trăm người Yazidi hiện đang xây dựng lại cuộc sống ở Úc sau khi IS hủy diệt dân tộc thiểu số nơi cô sinh sống bắt đầu từ năm 2014. Người Yazidi là một cộng đồng sắc tộc tôn giáo tập trung chủ yếu ở miền bắc Iraq, đặc biệt tại hai huyện Sinjar và Shekhan.

Người mẹ 31 tuổi của 4 người con này là một trong số 7.000 người Yazidi bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc và bán cho các chiến binh, sau đó là bị lạm dụng và hãm hiếp. Delal cũng là người đầu tiên được đến định cư tại Úc. Cô cho biết: “Trước đây, khi IS chưa đến tàn phá, cuộc sống của chúng tôi rất tốt. Tôi là thợ làm tóc, chồng tôi là thợ cắt tóc, còn anh em của tôi đều có việc làm ổn định”.

Hơn 40 người họ hàng của cô, kể cả chồng cô, bây giờ vẫn chưa biết ở đâu. Khi tấn công vào Sinjar (còn được gọi là Shingal, là một thị trấn ở quận Shingal, tỉnh Nineveh, Iraq), IS bắt họ phải chuyển sang đạo Hồi. Khoảng 300 đàn ông và 400 trẻ em bị bắt đưa đi. 600 phụ nữ bị chúng chia thành hai nhóm phụ nữ và trẻ em gái.

Delal kể: “Họ đã đánh chúng tôi bằng báng súng, đá, kéo tai, đánh phụ nữ, bẻ gãy tay, rồi ép vào xe và tách những người thân xa nhau. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều đó”.

Cô cho biết, có khoảng 3.100 người Yazidi bị IS giết dã man... IS đã tách đàn ông khỏi phụ nữ, tách trẻ em khỏi cha mẹ. "Họ còng tay những người đàn ông, bịt mắt họ rồi dẫn tất cả đi, không biết chuyện gì đã xảy ra", Delal cho biết.

Hàng ngàn người Yazidi được cứu bởi lực lượng Kurdish Peshmerga và đơn vị bảo vệ dân tộc (YPG) tại Mosul, Iraq.

Nhà hoạt động chống diệt chủng và hoạt động nhân quyền Yazidi Nikki Marczak, người đã dành nhiều thời gian trao đổi với Delal, nói rằng những tội ác gây ra đối với người Yazidi là một phần của chiến dịch có chủ ý của IS để quét sạch những người mà chúng cho là "những kẻ thờ phụng quỷ".

“IS đã lên kế hoạch trước và năm 2014 chúng đã tấn công người Yazidi để loại bỏ phụ nữ, phá vỡ các gia đình và làm tổn thương toàn bộ dân Yazidi", Nikki Marczak nói.

Vụ hiếp dâm tàn bạo của 5 chiến binh IS đối với một cô gái trẻ chỉ là một trong những tội ác mà Delal nói cô đã chứng kiến. Cô gái trẻ này chết vì chấn thương. "Nằm trong tay họ thì coi như bạn đã chết, không có hy vọng. Tôi nghĩ tôi sẽ không sống sót”, cô nói.

Delal được giữ cùng những đứa con nhỏ vì chúng bị ốm. Sau đó, cô được đưa đến một chợ nô lệ khét tiếng được thiết lập bởi các chiến binh IS. Ở đó phụ nữ Yazidi và Kitô giáo bị mua bán như những món hàng giữa các chiến binh. "Tôi và con tôi bị bán với giá 45 đô la Mỹ, sau khi cuộc đấu giá bắt đầu với giá 37 đô la. Những phụ nữ khác bị bán với giá 30 đô la, số còn lại là 19 đô la. Chúng còn sử dụng phụ nữ để đổi lấy những thứ mà chúng cần. Có phụ nữ bị chúng đổi lấy một bình gas”.

Một người đàn ông Ai Cập là chiến binh IS đầu tiên mua mẹ con cô. Rất tàn bạo, hắn thường xuyên đánh đập và cưỡng hiếp khiến cô bị chấn thương. Tên này dùng sắt nóng gí lên người một đứa con của cô khiến nó bị mang vết sẹo. Delal cũng chứng kiến cảnh chúng tra tấn tàn bạo và giết hại một bé gái Yazidi 16 tháng tuổi. "Tôi đã khóc rất nhiều. Chúng nói nếu tôi tiếp tục khóc, chúng sẽ làm điều tương tự với con tôi", cô nói.

2 người con trai của cô, 5 tuổi và 7 tuổi đã bị IS đưa đến một trại huấn luyện lính trẻ em và huấn luyện trong 6 tháng. Nhiều trẻ em đã tìm được cách quay trở lại gia đình nhưng sau đó bị bắt đưa đi đâu không biết. “Họ dạy những đứa trẻ này cách sử dụng súng, huấn luyện trở thành một chiến binh Hồi giáo tồi tệ”, Delal nói.

Phụ nữ Yazidi giương áp phích trong một cuộc biểu tình chống lại sự xâm lược của IS tại Sinjar ở Dohuk, miền bắc Iraq.

Một người trong gia đình Delal đã trả 35.000 đô la thông qua nhà môi giới (7.000 đô la cho mỗi người) để cô và 4 đứa con trốn thoát. Ở Úc, cô cùng các con đã an toàn, bắt đầu vượt qua chấn thương tâm lý, đặc biệt là đứa con trai út.

Delal hy vọng sẽ đoàn tụ gia đình ở Úc cùng 4 trong số 5 chị em của cô vừa mới trốn thoát khỏi IS và đang sống trong các trại tị nạn ở Iraq Kurdistan (nằm ở phía bắc Iraq và là khu tự trị duy nhất của quốc gia này). Em gái 13 tuổi của cô vẫn đang bị một lính IS giữ. Chồng em gái thì bị IS bắt cùng với rất nhiều đàn ông khác và bị đưa đi đâu không rõ.

Năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã quyết định thành lập một nhóm điều tra độc lập để thu thập và lưu giữ bằng chứng về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng của IS. Daphne Haneman, giám đốc của nhóm Yazidi dưới quyền Yazda Australia (một tổ chức phi lợi nhuận ở Úc), cho biết đang cố gắng để ngăn chặn các vụ diệt chủng trong tương lai chống lại Yazidi và các dân tộc thiểu số khác trong khu vực.

Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton nói rằng Úc đang làm việc để giúp người Yazidi tìm và đoàn tụ với những người thân yêu vẫn đang bị IS giam giữ. Ông Dutton cho rằng thế giới văn minh sẽ không tha thứ cho việc đối xử với phụ nữ và đặc biệt là các cô gái trẻ theo cách tàn ác như IS. Úc sẽ nỗ lực thu thập chứng cứ để cung cấp cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra truy tố xét xử IS.

Tại sao người Yazidi bị truy sát?

Cộng đồng Yazidi có khoảng 700.000 người, tập trung chủ yếu ở miền bắc Iraq, nhiều nhất là tại hai huyện Sinjar và Shekhan, nơi có một số thánh địa của họ. Ông Khalaf Smoqi là thành viên tổ chức Yazda ủng hộ Yazidi ở Mỹ, gọi Yazidi là “ tộc người cổ đại”. "Yazidi tin rằng họ là những người đầu tiên trên trái đất". Qua nhiều lần bị tấn công, hiện rất khó biết chính xác còn bao nhiêu người Yazidi.

Yazidi là tôn giáo độc thần xuất phát từ một số bộ tộc người Medes (Iran cổ đại) và có nhiều nghi lễ tương đồng với Bái Hỏa giáo thờ lửa của Ba Tư cổ. Với lịch sử hơn 4.000 năm, đây là một trong những tôn giáo lâu đời. Người Yazidi tin vào Thượng đế duy nhất gọi là Xwede. Một trong những thiên thần mà người Yazidi rất tôn thờ là Malek Taous.

Theo người Yazidi, vị thiên thần này từng có lúc làm phật lòng Thượng đế nhưng sau đó đã hồi tâm chuyển ý. Yazidi tôn kính Malek Taous vì sự độc lập và tin rằng lệnh của Đức Chúa trời đối với Malek Taous là một thử thách để xem anh ta có hiểu bản chất hùng vĩ và tuyệt vời của riêng mình hay không.

IS bị cáo buộc diệt chủng đối với người Yazidi.

Trong khi đó, người theo Hồi giáo cho rằng Malek Taous chính là thiên thần “tạo phản” và trở thành quỷ Iblis. Người Yazidi mang tiếng “thờ quỷ” cũng từ đó. Tôn giáo này bị các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi giáo xem là tà đạo thờ quỷ.

Chuyện là Đức Chúa trời dựng lên Adam, Ngài ra lệnh cho tất cả các thiên sứ phải cúi đầu trước sự sáng tạo mới. Tất cả các thiên thần cúi xuống, nhưng Iblis từ chối. Ông lập luận rằng kể từ khi bản thân ông được tạo ra từ lửa, ông là cấp trên đối với con người nên ông không hạ mình trước Adam. Do đó, Đức Chúa trời tức giận trục xuất anh ta khỏi thiên đường và biến thành con công.

Kể từ cuối thế kỷ 16, một số người Hồi giáo đã cáo buộc Yazidi thờ phụng ma quỷ. Iblis từ chối cúi đầu chào Adam nên nhiều thế kỷ qua, người Hồi giáo đã tổ chức nhiều cuộc đàn áp dữ dội, khiến các cộng đồng Yazidi phải chạy đến những vùng núi xa xôi hẻo lánh của Iraq và các nước khác.

Ông Smoqi, người chuyên nghiên cứu về tôn giáo cho biết, người Hồi giáo cho rằng ma quỷ như một thiên thần sa ngã, nhiều người Hồi giáo tin rằng Yazidi là những người thờ phụng quỷ. Còn người Yazidi không tin vào ma quỷ, Malek Taous không phải là nguồn gốc của cái ác và cho rằng "thiên chúa chỉ cung cấp cái tốt cho nhân loại và cái ác đến từ con người".

Chủ nghĩa Yazid chỉ được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, một phần như là một nỗ lực để tránh bị bức hại tôn giáo.

“Trong sách Qur'an có một câu chuyện tương tự như điều này nói rằng ma quỷ đã không cúi đầu trước Adam, vì vậy những người Hồi giáo cực đoan tin rằng Yazidi là những người thờ phụng quỷ. Do đó, theo sách Qur'an, họ phải bị tiêu diệt - họ phải bị xóa sổ nếu không Đức Chúa trời sẽ phán xét người Hồi giáo vì họ không giết Yazidi”, ông Smoqi nói.

Delal yên bình ngồi ngắm con sau khi thoát khỏi tay IS.

Ông Frédéric Pichon, một chuyên gia về Trung Đông cho biết: “Người ngoài không được phép chuyển sang đạo Yazid. Là một Yazidi, người ta phải được sinh ra từ một người cha và một người mẹ Yazidi”. Có những lo ngại về phong tục này vì Yazidi phải kết hôn trong tôn giáo, điều này có thể dẫn đến một cộng đồng ngày càng thu hẹp, đặc biệt là do sự phân tán của các nhóm tị nạn trên khắp thế giới.

Những bản sắc mà người Yazidi vẫn giữ như không ăn rau xà lách, không mặc trang phục màu xanh hay luôn đốt một ngọn lửa nhỏ “linh thiêng” trong nhà thì bị người Hồi giáo cực đoan xem là “hoạt động tà giáo”. Vì vậy, đối với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, người Yazidi luôn là mục tiêu tấn công hàng đầu.

Tháng 8-2007, Al-Qaeda thực hiện 4 vụ tấn công liên tiếp tại Sinjar làm khoảng 600 người thiệt mạng để trừng phạt một thanh niên Yazidi “dám” yêu một thiếu nữ Hồi giáo Sunni.

Sự trỗi dậy của Hồi giáo cực đoan tại Iraq đẩy cộng đồng thiểu số theo đạo Yazidi đứng trước thảm cảnh diệt chủng. Người dân tộc thiểu số dòng Yazidi bị phiến quân IS buộc phải cải đạo theo Hồi giáo nếu không sẽ bị giết. Trong một tuần đầu tiên tấn công chiếm được thị trấn Sinjar năm 2014, hơn 500 người Yazidi đã bị IS giết hại và khoảng 70 trẻ em chết vì đói khát khi trốn lên núi ở tỉnh Dohuk, cực bắc Iraq; khoảng 300 phụ nữ Yazidi bị bắt làm nô lệ và nô lệ tình dục cho các tay súng Hồi giáo.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9-8-2014 nhận định IS đang tiến hành một cuộc diệt chủng khi “tiêu diệt một cách có hệ thống toàn thể người Yazidi”. Ngay sau đó, ông Obama đã “bật đèn xanh” để Lầu Năm Góc không kích nhằm chặn đà tiến của lực lượng Hồi giáo cực đoan Sunni và tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo.

Trong lịch sử, họ đã phải trốn chạy 72 cuộc diệt chủng. Nhiều người bị bắt giam giữ, bị giết, có người đã bỏ trốn đến Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria... Một nghị sĩ Iraq theo đạo này cho biết: “Tôi lo rằng những gì đang diễn ra ở Sinjar chính là vụ diệt chủng thứ 73”.

Giáo sư Benjamin Isakhan, Đại học Deakin (Úc) nói rằng vụ tấn công của IS đối với người Yazidi được xem là một chiến dịch diệt chủng. "Đó là một chiến dịch rất thận trọng và rất cụ thể, họ chủ động bức hại một nhóm người cụ thể với mục đích trực tiếp loại bỏ càng nhiều người càng tốt và bắt nhiều người khác làm nô lệ. Điều đó thực sự cấu thành tội diệt chủng, khi bạn thực hiện một cuộc tấn công đa hướng đối với một nhóm được xác định cụ thể để xóa bỏ sự tồn tại của họ”.

Tháng 6 năm 2017, Liên Hiệp Quốc xác nhận vụ tấn công của IS là một phần cuộc "diệt chủng Yazidi đang diễn ra" và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để ngăn chặn những tội ác.

Nguyễn Cảnh
.
.