Phóng viên điều tra Anas Aremeyaw Anas:

Người mang lại công lý cho người dân Ghana

Chủ Nhật, 25/10/2015, 10:15
Thành công trong việc phanh phui đường dây nhận hối lộ, tham nhũng tại Tòa án tối cao Ghana, đưa 34 thẩm phán ra xét xử, đang đẩy phóng viên điều tra Anas Aremeyaw Anas vào vòng nguy hiểm. Một nhóm luật sư bào chữa cho các quan chức cấp cao ở Ghana đang đe dọa sẽ "lật mặt nạ" của nhà báo Anas và ngăn chặn những bước tiến mới của nhóm điều tra do ông đứng đầu.

Trong khi đó, đối với người dân Ghana, nhà báo Anas là một anh hùng, người đã mang lại công lý và cuộc sống mới cho các nạn nhân của những vụ tham nhũng, buôn người.

Hành trình 17 năm

Phát biểu tại Hội nghị Phóng viên điều tra toàn cầu  được tổ chức tại Na Uy hồi đầu tháng 10 với sự tham dự của hơn 800 nhà báo đến từ 121 quốc gia trên thế giới, nhà báo người Ghana Anas Aremeyaw Anas nói: "Hành trình của tôi bắt đầu từ 17 năm trước. Tôi là một phóng viên trẻ, chỉ vừa tốt nghiệp đại học. Tôi nhận được một tin sốt dẻo. Đó là một câu chuyện rất đơn giản. Cảnh sát đang nhận hối lộ từ những người bán hàng rong trên đường phố. Là một phóng viên trẻ, nghĩ mình nên làm việc theo một cách khác để tạo tác động tối đa vì ai cũng biết chuyện gì đang diễn ra nhưng không ai ngăn cản nó. Bởi thế, tôi quyết định đến đó và đóng giả là một người bán hàng. Ngoài việc bán hàng, tôi thu thập bằng chứng cốt lõi. Hiệu quả thực sự lớn. Nó thật là tuyệt vời".

Cũng theo lời kể của Anas, sau thành công của loạt phóng sự đầu tiên, anh quyết định theo đuổi nghề phóng viên điều tra thay vì các loại "phóng viên thời sự" hay "phóng viên salon" đang được ưa chuộng ở Ghana.

Anas tâm sự: "Tôi nghĩ rằng khi bạn nhìn vào các chỉ số tự do báo chí, điểm Ghana rất cao. Ghana không phải là một nơi mà bạn nói và ai đó sẽ kiểm soát chặt chẽ về quyền của bạn. Nhưng bây giờ vấn đề không phải là về những quyền mà là những gì chúng tôi, các nhà báo phải làm gì với quyền đó".

Anas luôn giấu mặt mỗi khi xuất hiện trước công chúng (ảnh: Daily mail).

Điều tra để tìm ra sự thật, đem lại công lý cho người dân là kim chỉ nam cho mọi hoạt động báo chí của Anas. Nghề báo của Anas gắn liền với 3 nguyên tắc cơ bản: gọi tên, hạ nhục và bỏ tù. Anas nhấn mạnh: Nghề báo là vì kết quả, là vì việc tác động đến cộng đồng hay xã hội của bạn một cách không ngừng nghỉ. Nghề báo của tôi là về bằng chứng cốt lõi. Nếu tôi nói bạn ăn cắp, tôi sẽ chỉ cho bạn bằng chứng là bạn ăn cắp. Tôi chỉ cho bạn thấy bạn đã ăn cắp thế nào, khi nào hay bạn đã sử dụng cái gì, bạn sử dụng vật ăn cắp làm gì. Bản chất của nghề báo là gì nếu nó không mang lại lợi ích cho xã hội? "Đứa con" báo chí của tôi là một sản phẩm của xã hội…".

Theo tin từ Hãng Telegraph, đến nay, sau 17 năm trong nghề, Anas  đã trở thành một trong những nhà báo điều tra nổi tiếng nhất thế giới. Điều đặc biệt là không ai được nhìn thấy khuôn mặt thật của ông. Lần nào xuất hiện trước công chúng trong và ngoài nước, Anas  cũng đội một chiếc mũ có những mảnh vải xõa xuống che kín khuôn mặt.

Anas giải thích rằng, ông làm vậy là để bảo vệ sự an toàn cho bản thân vì nếu không, những kẻ xấu sẽ tìm đến ông và thêm lý do nữa là để không bị lộ danh tính khi đi làm những phóng sự điều tra khác? Sự cần mẫn, dũng cảm trong công việc của Anas đã được cả thế giới khâm phục.

Anas trong một lần làm phóng sự điều tra ở Tanzania.

Ngay đến Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm đến Ghana hồi năm 2009 cũng nhắc đến nhà báo này với sự trân trọng và cảm mến: "Chúng tôi đã thấy tinh thần trong các nhà báo dũng cảm như Anas, người đã bất chấp mạng sống của mình để viết lên sự thật".

Tính đến nay, Anas đã được nhận 17 giải thưởng quốc tế cho công việc điều tra của mình như Giải báo chí về nô lệ thời hiện đại của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2008; Giải báo chí Nhân quyền của Pháp; Giải báo chí của Hãng CNN; Giải báo chí điều tra Zongo Grand và Segbo Excellence; 2 giải thưởng báo chí của Diễn đàn phóng viên điều tra châu Phi; 2 giải thưởng Fair Investigative; Giải báo chí phòng chống tham nhũng của Ghana; phóng viên điều tra của năm 2006 và 2008; Giải thưởng của Hội đồng Y tế toàn cầu; Giải thưởng Natali Lorenzo của Ủy ban châu Âu; Giải báo chí xuất sắc của Ấn Độ; Giải thưởng thành đạt châu Phi; Giải báo chí ở Liban…

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận của Đài ETV trong suốt 5 năm qua (2010-2015) cho thấy, Anas là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Ghana.

Và hoạt động báo chí bí mật

Lớn lên trong một doanh trại quân đội ở Ghana, Anas từng theo học Đại học Ghana. Tốt nghiệp năm 1998, ông từ chối cơ hội làm việc cho tờ Times Ghana mà lựa chọn tham gia các báo Hướng dẫn thập tự chinh. Riêng trong 5 năm qua, Anas đã cùng với các đồng nghiệp thực hiện tới 14 phóng sự điều tra.

Tháng 1/2010, ông viết bài về bên trong nhà thương điên ở Ghana, nơi có các hoạt động vi phạm nhân quyền. 3 tháng sau, Anas lại cho ra đời loạt bài về "Những khoản lãi khổng lồ của những kẻ buôn lậu trong hệ thống nhà nước và đội quân của chúng trong lực lượng an ninh Ghana".

Anas luôn có một nhóm hỗ trợ mỗi khi thực hiện phóng sự điều tra.

Phóng sự trẻ em mồ côi ở Ghana bị lạm dụng tại các trại trẻ cũng bị nhà báo này phanh phui vào tháng 9 năm đó. Năm 2011, Anas gây chấn động bởi 2 bài điều tra về tệ tham nhũng tại các bến cảng và những đường dây buôn lậu gỗ, vàng ở châu Phi. 4 phóng sự điều tra khác của ông về các tệ nạn tham nhũng ở Ghana trong lĩnh vực điện, nông nghiệp, khai thác vàng, bảo vệ động vật hoang dã… đều được thực hiện năm 2012…

Đặc biệt, năm 2014, cái tên Anas được nhắc đến nhiều hơn khi ông trực tiếp phanh phui một đường dây buôn bán người, trong đó có 6 phụ nữ Việt Nam tuổi từ 19-28. Những người này nghe lời hứa hẹn được giới thiệu công việc lương cao ở Mỹ và Na Uy từ một phụ nữ đồng hương, đã tự ý rời bỏ quê nhà để đến miền đất hứa. Nhưng thay vì đặt chân đến châu Âu và châu Mỹ, họ được đưa đến Ghana ở Tây Phi xa xôi và bị những chủ chứa người Trung Quốc ép buộc phải bán dâm cho đàn ông nhiều quốc tịch trong tình cảnh vô cùng tồi tệ.

Anas đã mất 6 tháng để thực hiện công việc điều tra và viết loạt phóng sự dài 4 kỳ. Ông đóng giả làm người Mỹ đi mua dâm nhằm tìm hiểu manh mối, bí mật quay phim và thu thập các bằng chứng khác. Khi đã nắm rõ quy luật hoạt động của những nghi phạm buôn người, Anas quyết định phối hợp với Cơ quan Phòng chống buôn người thuộc Sở Cảnh sát Ghana triệt phá đường dây tội phạm này theo một kế hoạch "đánh úp" vô cùng bất ngờ và giải cứu được nhiều phụ nữ trong đó có 6 phụ nữ Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo chí, khi nói về các vai diễn đã thực hiện để phục vụ cho công việc điều tra, nhà báo Anas nói: "Người ta gọi nó là báo chí ngầm hay báo chí bí mật. Tôi là một phóng viên ngầm". Cũng với chiêu thức này, Anas đã giúp cảnh sát dẹp tan các đường dây buôn thuốc giả, giúp bảo vệ tính mạng của nhiều người dân nghèo khó ở Ghana.

Phóng sự điều tra về buôn người của Anas đã giải cứu 6 phụ nữ Việt Nam.

Ông kể: "Một trong những phóng sự mà tôi tâm đắc khi thực hiện hồi năm ngoái mang tên "Đứa con tinh thần". Chuyện kể về những đứa trẻ được sinh ra với dị tật và bố mẹ chúng cho rằng một khi chúng được sinh ra với dị tật thì chúng không thể sống trong xã hội. Rồi chúng phải uống một số thứ thuốc pha chế và kết quả là chúng chết. Bởi thế tôi đã tạo một đứa con giả, và đi đến một ngôi làng, làm bộ như thể dù đứa trẻ này được sinh ra với dị tật.

Sáng đó, tôi gọi cảnh sát chờ sẵn để bắt quả tang chúng đun hợp chất như thế nào. Chúng đặt nó lên bếp. Nó được đun sôi, sẵn sàng để đưa cho những đứa trẻ. Tôi đã ra làm chứng ở phiên tòa để xét xử chúng.

Một câu chuyện khác xảy ra ở Tanzania đối với những đứa trẻ sinh ra bị bệnh bạch tạng. Những đứa trẻ này thường được coi là không đủ năng lực để sống trong xã hội. Cơ thể chúng bị chặt ra bằng dao phay và được dùng làm thuốc? Tôi được nghe kể về chuyện này và đó là lại là lúc phải hoạt động ngầm. Tôi bí mật giả làm một người quan tâm.

Một lần nữa, một cánh tay giả được tạo ra và những kẻ làm việc này sẵn sàng mua nó. "Chúng cắn mồi câu còn tôi thì rút dây". Trước khi chúng tôi hoạt động bí mật, chúng tôi tuân thủ các nguyên tắc. Tôi không hoạt động một mình, tôi luôn có nhóm hỗ trợ. Phải nói là công việc điều tra là mạo hiểm và đầy rủi ro. Nhưng đó là rủi ro nghề nghiệp và tôi sẵn sàng đánh đổi nó để lấy công lý".

Được biết, tháng 9 vừa qua, ngay trước khi Hội đồng Tư pháp của Ghana bắt đầu một cuộc điều tra tham nhũng trong ngành Tư pháp nước này nhằm làm rõ các cáo buộc tham nhũng, hối lộ do Anas đưa ra, nhà báo này đã bỏ công sức theo đuổi, điều tra ròng rã 2 năm trời.

Điều tra của Anas chỉ ra rằng, 34 thẩm phán đã có hành vi tống tiền và nhận hối lộ. Nhà báo này khẳng định trong tay nắm giữ bằng chứng là một băng video dài 500 giờ. Video này cũng đã được chuyển tới Chánh án Georgina Theodora Wood.

Anas  điều tra tham nhũng trong ngành Tư pháp nước này ròng rã 2 năm trời (chùm ảnh: Ghanamodern).

Các cáo buộc về tham nhũng trong ngành Tư pháp ở Ghana không phải là mới, nhưng việc điều tra gặp khó bởi thiếu các bằng chứng xác thực. Bởi vậy, cuộc điều tra lần này  của Anas được đánh giá là một cơ hội tốt để làm trong sạch ngành Tư pháp nước này.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.