Những thủ đoạn vận chuyển ma túy núp bóng hàng tiêu dùng
- Những thủ đoạn vận chuyển ma túy qua đường hàng không
- Lật tẩy thủ đoạn vận chuyển ma túy qua đường hàng không
- Nhiều thủ đoạn vận chuyển ma tuý tinh vi
Bà chủ kinh doanh quần áo trong đường dây ma túy xuyên quốc gia
Trong số các “nữ quái” tham gia những đường dây ma túy lớn thì Thân Thị Liên (25 tuổi, quê Việt Yên, Bắc Giang), tuy ít tuổi nhưng thuộc típ phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát. Năm 15 tuổi, Liên từng bị lừa bán sang Trung Quốc làm “gái”. Một thời gian sau, Liên trốn được về Việt Nam.
Do mới học hết lớp 9 nên Liên chỉ xin được làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Giang. Công việc vất vả, lương thấp nên Liên rời quê, xuống Hà Nội buôn bán.
Cuộc hôn nhân năm Liên mới 20 tuổi không mang lại hạnh phúc nên sau khi sinh con trai, hai vợ chồng Liên chia tay. Không đăng ký kết hôn nên việc ly hôn cũng chóng vánh, Liên nhận nuôi con.
Thời gian bị bán sang Trung Quốc, học được vốn tiếng đủ để giao tiếp nên Liên quyết định trực tiếp sang Trung Quốc “đánh” hàng quần áo và trở thành bà chủ hàng thời trang “Made in China” có tiếng tại Hà Nội. Không chỉ bán buôn mặt hàng thời trang cho các shop, năm 2013, Liên thuê cửa hàng kinh doanh quần áo riêng trên phố Hai Bà Trưng với tiền thuê 10,5 triệu đồng/tháng và 2 nhân viên bán hàng với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2014, công việc kinh doanh thuận lợi, Liên tiếp tục thuê một cửa hàng lớn hơn tại đê La Thành với giá thuê 30 triệu đồng/tháng.
Bắt nhịp sớm với “phong trào” kinh doanh online bắt đầu phát triển mạnh, cuối năm 2014, Liên quyết định bỏ thuê cửa hàng, rút về kinh doanh trên Internet, vừa bán lẻ, vừa bán buôn cho các đại lý. Từ chỗ là nạn nhân buôn bán người, Liên đã trở thành bà chủ thành đạt. Mới 25 tuổi nhưng Liên đã mua được ô tô, mua nhà tại khu đô thị Times City (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Việc thường xuyên qua lại Trung Quốc để “đánh” hàng, với một người kinh doanh buôn bán quần áo như Thân Thị Liên là hết sức bình thường. Và chính công việc này đã tạo thành một vỏ bọc hoàn hảo, khi người phụ nữ này bước sang một “lĩnh vực” kinh doanh mới, siêu lợi nhuận gấp nhiều lần mặt hàng thời trang - đó là ma túy tổng hợp.
Con đường chuyển hướng từ buôn bán quần áo sang buôn bán ma túy đối với Thân Thị Liên bắt đầu từ năm 2014, khi cô ta quan hệ tình cảm rồi “cặp” với Nguyễn Lương Đức (41 tuổi, ở ngõ 203 Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đức làm nghề kinh doanh cầm đồ, có 1 tiền án 24 tháng tù giam về tội tàng trữ trái phép ma túy năm 2008. Đức có chị gái cùng cha khác mẹ là Nguyễn Thu Hương (44 tuổi, ở ngõ 283 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), cũng có 1 tiền án 7 năm tù giam về tội mua bán trái phép ma túy.
Các thủ đoạn cất giấu ma túy trong hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam đã được cơ quan chức năng phát hiện. |
Sau khi “cặp” với Đức một thời gian, biết Liên thông thạo tiếng cũng như việc kinh doanh ở Trung Quốc, Hương và Đức đã bàn bạc với Liên thiết lập một đường dây buôn bán ma túy tổng hợp xuyên quốc gia do Liên trực tiếp sang Trung Quốc giao dịch, mua “hàng” rồi đưa về Việt Nam thông qua dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Cũng theo thỏa thuận thì Đức yêu cầu mọi việc mua bán ma túy của Hương với Liên phải thông qua Đức.
Theo đó, trong vai bà chủ kinh doanh mặt hàng thời trang quần áo, Liên sẽ bay từ Hà Nội sang Quảng Châu để giao dịch với đầu mối cấp hàng bên Trung Quốc, nhận ma túy rồi cất giấu vào các thùng hàng tiêu dùng, đóng gói, viết tên, số điện thoại người nhận trên bao bì rồi gửi qua dịch vụ vận chuyển để chuyển hàng về Lạng Sơn (Việt Nam) qua đường bộ.
Từ đây, hàng tiếp tục được các nhà xe đưa về Hà Nội, sau đó liên lạc với tên người nhận trên bao bì để giao hàng tận nơi theo yêu cầu của người nhận. Do đã thông thạo buôn bán tại Trung Quốc nên việc bắt mối tìm nguồn hàng ma túy đá đối với Thân Thị Liên nhanh chóng được thiết lập.
Để che mắt các cơ quan chức năng, Liên không mang tiền theo người mà chuyển tiền cho đối tác bên Trung Quốc thông qua dịch vụ “tín dụng đen”. Thông thường trước mỗi chuyến hàng, Liên mang tiền đến gửi trước cho dịch vụ “tín dụng đen” rồi bay sang Quảng Châu.
Sau khi thỏa thuận số lượng hàng sẽ lấy với phía Trung Quốc, Liên sẽ gọi điện thoại cho dịch vụ “tín dụng đen” tại Việt Nam thông báo số tài khoản để chuyển tiền. Xong xuôi, Liên sẽ bay về Việt Nam ngay để “đón” hàng rồi giao cho Hương đi tiêu thụ. Với vỏ bọc kinh doanh quần áo Trung Quốc thường xuyên đi “đánh hàng” nên Thân Thị Liên khá liều lĩnh. Mỗi chuyến sang Trung Quốc, Liên đều mua số lượng lớn ma túy tổng hợp.
Đầu tháng 11-2015, chuyến hàng “định mệnh” đã khép lại con đường “khởi nghiệp” từ kinh doanh quần áo của Thân Thị Liên. Khoảng ngày 6-11, Đức bàn với người tình cùng nhau sang Trung Quốc “đánh” hàng về cho Hương. Tuy nhiên tiền “hàng” khá lớn, Liên không đủ tiền ứng trước nên Đức nói sẽ ứng trước tiền của Hương. Bù lại, Liên phải giảm giá ma túy xuống. Liên đồng ý lấy giá 100.000 đồng/viên thuốc lắc.
Sáng 7-11, Đức cùng Liên đi taxi đến nhà Hương nhận 800 triệu đồng, sau đó mang lên phố Hà Trung gửi một chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc kiêm “tín dụng đen”, dặn khi nào Liên gọi điện thì chủ cửa hàng sẽ chuyển tiền vào tài khoản bên Trung Quốc cho Liên.
Trưa cùng ngày, Liên và Đức đáp chuyến bay từ sân bay Nội Bài sang Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi thuê phòng khách sạn, Liên gọi điện về Việt Nam, yêu cầu chủ cửa hàng “tín dụng đen” chuyển số tiền 800 triệu đồng vào tài khoản của A Phông, đầu cấp ma túy người Trung Quốc mà Liên thường giao dịch. Việc chuyển tiền xong xuôi, sáng 9-11, Đức ở lại khách sạn, còn Liên theo A Phông đi mua ma túy.
Chuyến hàng đó, Liên quyết định mua 12.300 viên thuốc lắc với giá 90 triệu đồng/1.000 viên. Liên cùng A Phông giấu thuốc lắc vào 3 bộ đồ chơi siêu nhân Spiderman rồi đóng thành kiện hàng, bên ngoài ghi người nhận “A Đức HN” kèm số điện thoại của Nguyễn Lương Đức. Liên chụp ảnh kiện hàng gửi cho Đức xem rồi thống nhất với A Phông sẽ gửi số ma túy trên về Việt Nam theo đường bộ.
Theo tính toán nếu đi đường bộ thì ngày 11-11, chuyến hàng trên mới về đến Việt Nam nên Liên và Đức đặt vé máy bay sáng 11-11 sẽ về Hà Nội để Đức kịp nhận hàng.
Tuy nhiên, sáng hôm đó, máy bay delay nên khoảng 10h20, Đức gọi điện về Việt Nam cho Nguyễn Thu Hương thông báo để Hương đứng ra nhận hàng. Khoảng 15h ngày 11-11, sau khi nhận được điện thoại của dịch vụ chuyển hàng, Hương yêu cầu chở bao hàng đến nhà riêng tại ngõ 283 Trần Khát Chân. Cả Hương, Đức và Liên đều không ngờ rằng đó là chuyến hàng cuối cùng của cả đường dây.
Những biểu hiện bất minh về kinh tế của các đối tượng đã được Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đưa vào diện nghi vấn để xác minh, điều tra. Khi Nguyễn Thu Hương ra khu vực sân chung của ngõ nhận bao hàng chứa ma túy đã bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt quả tang. Kiểm tra 3 hộp đồ chơi trong thùng hàng, Cơ quan Công an thu giữ 12.300 viên thuốc lắc, giám định kết luận là MDMA, tổng trọng lượng 3.423,36 gam, hàm lượng 33,25%.
Khám xét nơi ở của Nguyễn Thu Hương, thu giữ tổng số 4.093,22 gam ma túy tổng hợp gồm ketamine, methamphetamine, MDMA được cất giấu ở nhiều nơi, cùng vỏ túi nilon đựng ma túy, máy ép chân không... phục vụ việc đóng gói.
Thủ đoạn cất giấu ma túy trong đồ chơi trẻ em bị phát hiện. |
Ngày 13-11, khi Thân Thị Liên về Việt Nam đã bị cơ quan CSĐT bắt khẩn cấp. Khám xét chỗ ở của Liên tại phòng 3206 tầng 8 khu đô thị Times City, CQĐT thu 1.915,57 gam ma túy tổng hợp gồm methamphetamine và MDMA, 2 bộ đồ chơi trẻ em Speed King, máy đếm tiền, 1 cân điện tử dính ma túy “đá”. Ngày 16-11, CQĐT bắt khẩn cấp Nguyễn Lương Đức.
Căn cứ tài liệu thu thập được, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội kết luận, Thân Thị Liên đã mua bán trái phép tổng số 6.614,34 gam ma túy tổng hợp, Nguyễn Thu Hương mua bán trái phép 7.516,58 gam ma túy tổng hợp và Nguyễn Lương Đức mua bán trái phép 12.300 viên thuốc lắc. Cơ quan CSĐT đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ tới VKSND TP đề nghị truy tố cả 3 đối tượng theo khoản 4 điều 194 Bộ luật Hình sự.
Cảnh báo thủ đoạn vận chuyển ma túy núp bóng hàng nhập lậu
Theo điều tra viên Đội 5 Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an Hà Nội, trong thời gian gần đây, nổi lên thủ đoạn tội phạm cất giấu ma túy trong các mặt hàng đồ chơi trẻ em, quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc, sau đó thông qua các dịch vụ vận chuyển nhập lậu vào Việt Nam, chủ yếu theo đường bộ, được “cửu vạn” vận chuyển qua các lối mòn đường biên, tập kết tại các kho hàng dọc khu vực biên giới. Trà trộn trong hàng hóa nhập lậu, ma túy tiếp tục được đưa về Hà Nội thông qua dịch vụ vận chuyển xe khách tự phát đang ngày càng phát triển.
Với dịch vụ chuyển hàng nhập lậu này, người gửi không cần xuất trình giấy tờ tùy thân. Người nhận cũng không có địa chỉ cụ thể mà chỉ có tên và số điện thoại. Trường hợp bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ, chủ hàng sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.
Trước vụ án Thân Thị Liên, thủ đoạn cất giấu ma túy trong hàng tiêu dùng nhập lậu từ Trung Quốc cũng được Công an TP Hà Nội phát hiện thông qua việc kiểm tra, xử lý các đường dây chuyên vận chuyển hàng nhập lậu.
Khoảng 3h ngày 15-1-2014, tại quốc lộ 1A thuộc địa phận thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội phối hợp Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an và Đội QLTT số 30 - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra 2 ô tô tải từ Lạng Sơn về Hà Nội chở nhiều bao tải hàng hóa nhập lậu như quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng... Khi kiểm tra 1 bao tải dứa màu xanh, phát hiện trong số 48 chiếc áo khoác có 10 chiếc áo được cất giấu 20 gói nilon đựng ma túy “đá” trọng lượng 9,8kg.
Qua điều tra, Cơ quan công an làm rõ đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới này do Sầm Thị Hường ở Lạng Sơn, Nguyễn Thị Hường (ở Đồng Đăng, Lạng Sơn), Lê Thị Nhung (ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và Nguyễn Văn Công (ở Giao Thủy, Nam Định) cùng một số đối tượng ở Trung Quốc và Việt Nam tổ chức với phương thức, thủ đoạn như sau: Một số đối tượng người Việt Nam là chủ hàng sang Quảng Châu, Quảng Đông (Trung Quốc) mua hàng, đóng gói, ghi tên số điện thoại người nhận trên bao hàng và tập kết tại Công ty Việt Cường (ở Quảng Đông, Trung Quốc). Chủ hàng phải trả trước tiền hàng, tiền cước vận chuyển hoặc đặt trước một phần tiền.
Công ty Việt Cường chịu trách nhiệm chuyến hàng đến kho hàng của một người phụ nữ tên Chắn (người Trung Quốc) ở Lũng Vài, Bằng Tường, Trung Quốc. Sầm Thị Hường có trách nhiệm sang Trung Quốc nhận hàng tại kho của Chắn rồi chuyển về Việt Nam giao cho khách mua hàng.
Các công đoạn vận chuyển hàng trái phép qua biên giới vào Việt Nam được phân chia như sau: Nguyễn Thị Hường được giao nhiệm vụ sang nhà Chắn nhận hàng, thuê người vận chuyển theo đường tiểu mạch về kho hàng của Sầm Thị Hường ở Đồng Đăng, Lạng Sơn. Hàng hóa trôi nổi tiếp tục được đưa lên xe tải chở về kho hàng của Lê Thị Nhung ở Tiên Du, Bắc Ninh.
Tại đây Nhung phân loại hàng hóa theo địa chỉ, số điện thoại người nhận ghi trên bao hàng. Đối với các bao hàng của Công ty Việt Cường có địa chỉ người nhận ở Hà Nội, Nhung dùng xe tải loại 1,25 tấn chở về kho hàng tại Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội giao cho Nguyễn Văn Công để Công liên lạc với chủ hàng và giao hàng. Trường hợp nếu chủ hàng ở các tỉnh miền Trung hoặc phía Nam thì Nhung và Công gửi vào theo đường tàu hỏa và ô tô khách.
Về tiền công, các đối tượng thỏa thuận như sau: Chắn trả cho Sầm Thị Hường 4.000 đồng/kg, Sầm Thị Hường trả cho Nguyễn Thị Hường 2.800 đồng/kg, trả cho Nhung 450 đồng/kg. Còn Công sau khi nhận tiền cước của người nhận được giữ lại 50.000 đồng, còn lại chuyển cho Hường.
Cuối năm 2015, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên, tuyên phạt bị cáo Sầm Thị Hường 36 tháng án tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 12 đến 32 tháng tù, cho hưởng án treo. Với số lượng 9,8kg ma túy thu giữ cất giấu trong hàng hóa, CQĐT quyết định tách rút phần tài liệu và tang vật thành một vụ án riêng.
Theo CQĐT, trước thủ đoạn mới của tội phạm ma túy nêu trên, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời nguồn ma túy núp bóng hàng tiêu dùng thẩm lậu vào Việt Nam qua khu vực biên giới.