Philippines chống nạn mua bán trẻ em

Thứ Tư, 25/03/2020, 12:44
Ở Philippines, một số người mới sinh con cảm thấy không thể nuôi nấng con mình nên đã bán chúng cho đường dây môi giới con nuôi bất hợp pháp. Đây là một thực trạng đáng buồn, nhưng ẩn chứa đằng sau nó là một loạt các vấn đề pháp lý liên quan đang làm đau đầu giới chức và các cơ quan bảo vệ pháp luật nước này.

Bài 1: "Tôi không muốn bán con, nhưng tôi cần tiền!"

"Tôi cần tiền!"

Christine đang cho con bú trong một công viên yên tĩnh gần cảng Manila. Cô che chắn cái đầu nhỏ xíu, non nớt của con trai khỏi ánh nắng chói chang bằng một chiếc khăn nhỏ. Mắt cậu bé nhắm nghiền nhưng biết mẹ mình vẫn ở bên. Bàn tay nhỏ bé nắm chặt lấy tay mẹ khi cô ẵm bé.

Một bà mẹ người Philippines muốn bán cậu con trai 2 tháng tuổi của mình. Ảnh: Pichayada Promchertchoo.

Bé trai được 2 tháng tuổi, mong manh và không thể tự vệ. Cha cậu bé mất trước khi bé được sinh ra. Nên mẹ trở thành chỗ nương tựa duy nhất, là tình yêu và bảo vệ cậu. Song cậu bé không thể biết rằng, mẹ cậu muốn bán con ngay khi có thể. Christine đã quyết định giá của con trai mình là 200 USD. Và bất cứ ai trả tiền đều có thể nhận nuôi cậu bé.

"Tôi có thể dùng tiền để bắt đầu kinh doanh và buôn bán gì đó. Ít nhất có gì đó giá trị từ việc tôi sắp làm với con mình" - bà mẹ 29 tuổi đến từ khu ổ chuột của Manila nói.

Trong cộng đồng khốn khổ nơi cô ở, hàng nghìn cư dân sống trong cảnh khốn cùng vô tận. Hầu như không có cơ hội nào để họ thoát khỏi những dãy nhà bẩn thỉu nằm lộn xộn trong một con hẻm đầy rác rưởi bốc mùi, chất thải của con người, gián, ruồi, muỗi để có một cuộc sống tốt hơn. Nhiều người mưu sinh bằng nghề thu gom rác và trẻ em thường xuyên đi ngủ trong tình trạng đói bụng. Một số em bé uống nước thay sữa bởi cha mẹ chúng quá đói nghèo.

Năm ngoái, khi Christine mang thai, cô biết con mình sẽ phải vật lộn sinh tồn kể từ lúc chào đời. Vì vậy, cô quyết định làm theo một số bà mẹ khác - đó là bán con để làm con nuôi bất hợp pháp.

Jasmine là một trong những phụ nữ đã bán con  trai 3 tháng tuổi của mình thông qua môi giới bất hợp pháp. Ảnh: Pichayada Promchertchoo.

Việc buôn bán trẻ làm con nuôi bị coi là vi phạm pháp luật ở Philippines. Hành vi buôn bán bất hợp pháp sẽ bị xử tù chung thân và phạt tiền từ 40.000-99.000 USD. Nhưng bất chấp các hình phạt nghiêm khắc, những vụ mua bán con đẻ cho người ta làm con nuôi vẫn tiếp tục được báo cáo, chủ yếu tập trung ở các cộng đồng những người dân nghèo khó nhất đất nước này.

Christine thất nghiệp và sống với bà ngoại - người chỉ kiếm được khoảng 2 USD/ngày. Cuộc sống đã là một cuộc vật lộn mưu sinh không ngừng đối với họ, chưa kể gánh nặng nuôi dạy một đứa trẻ. Christine đã có 8 người con với 3 người chồng. Hầu hết chúng sống với những người thân khác ở nơi khác và đa phần không còn liên lạc với cô.

Đối với những người như cô, việc mang thai ngoài ý muốn có thể mở ra những cơ hội kiếm tiền để có một cuộc sống khá hơn chút đỉnh. Bà mẹ 8 con cho rằng, ý nghĩ bán con khiến cô đau đớn nhưng là cần thiết lúc này. Số tiền đó có thể giúp cô bắt đầu lại. Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, phải có người mua cậu bé trước khi tình mẫu tử nảy sinh mạnh mẽ. "Bây giờ, nó đã lớn hơn. Tôi có thể nói chuyện với nó. Tôi nghĩ rằng nỗi đau sẽ lớn hơn..." - Christine chia sẻ.

Trong quá trình điều tra việc mua bán con nuôi, CNA (kênh truyền hình tin châu Á – Chanel News Asia có trụ sở chính tại Singapore) đã phỏng vấn những kẻ môi giới chuyên tìm các bà mẹ ở khu ổ chuột. Dựa trên ngày dự sinh, các em bé thường được bán khi chúng mới vài ngày tuổi. Người mua thích những em bé sơ sinh còn non.

Đối với Christine, việc con được nhận nuôi sẽ cho nó cơ hội được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục tốt hơn so với điều kiện của cô. Tất nhiên, điều đó cũng có nghĩa là cô nhận được một số ích lợi từ thỏa thuận này. "Tiền. Dĩ nhiên. Tôi cần điều đó cho các con tôi. Không phải tôi muốn bán con. Mà chỉ là tôi cần tiền" - Christine cho biết.

Như thế nào là mua và bán?

Việc bán trẻ em làm con nuôi là một bí mật trong các cộng đồng nghèo ở Philippines. Khi ai đó mang thai ngoài ý muốn và không có đủ tiền để phá thai bất hợp pháp, một lựa chọn là có thể tìm kiếm cha mẹ nuôi mua bằng cách trả tiền mặt. 

Sự nghèo đói lan rộng đã khiến vô số phụ nữ và trẻ em trong các cộng đồng nghèo đói bị lạm dụng, gồm cả việc trở thành nạn nhân của việc buôn bán người. Ảnh: Pichayada Promchertchoo.

Theo Cục Điều tra Quốc gia (NBI) của Philippines, giá một trẻ sơ sinh thông thường từ 100-500 USD và người mua thường là người Philippines. Một trong số người mua là Pia - ngư dân 42 tuổi, đến từ một cộng đồng ven biển ở miền nam Philippines. Năm 2017, cô đã mua một bé trai từ một người phụ nữ ở Manila với giá 200 USD sau khi nhận được tin nhắn từ người bạn về một trường hợp sinh con ngoài ý muốn.

"Tôi đã trao đổi với chồng về điều đó và anh ấy đồng ý nên giữ em bé lại. Tôi cố gắng giảm giá nhưng người mẹ nói rằng nếu vậy sẽ không đủ chi phí cho chuyến đi. Vì vậy, tôi đã nói rằng nếu tôi có thể làm việc gì đó, tôi sẽ gửi tiền. Và tôi đã làm vậy" - người phụ nữ 42 tuổi tâm sự.

Giao dịch nhận con nuôi phần lớn đều giữ bí mật và chỉ là thỏa thuận miệng. Người bán, người môi giới và người mua cẩn thận xóa bằng chứng để có thể dẫn tới việc hai bên hé lộ vụ việc và bị bắt. Thay vì gặp nhau ở thủ đô Manila, Pia yêu cầu sinh đứa bé ở quê nhà xa xôi và trả tiền mua cậu bé thông qua môi giới.

Christine và cậu con trai 2 tháng tuổi mà cô muốn bán với giá 200 USD. Ảnh: Pichayada Promchertchoo.

Tại Manila, CNA đã tiến hành gặp Jasmine - mẹ ruột của cậu bé. Cậu bé đã tròn 3 tháng tuổi kể từ khi cô bán bé làm con nuôi. Trước khi  trao con, Jasmine và chồng đã cho bạn bè của Pia xem mặt cậu bé. "Họ chụp ảnh và hỏi chúng tôi vài câu. Rồi lần gặp sau, chúng tôi giao con. Họ đã trả hết tiền" - Jasmine nói.

Bất chấp khía cạnh về đồng tiền, Jasmine xem việc bán con là một sự bảo đảm tốt lành cho con mình. Cô tin rằng bất cứ ai trả 200 USD để nhận nuôi cậu bé thì cũng đều sung túc nên có thể cho nó một cuộc sống tốt hơn. "Tôi không nghĩ người nhận nuôi sẽ lạm dụng thằng bé. Tôi không nghĩ cha mẹ nuôi sẽ bắt nó làm việc từ khi còn nhỏ" - Jasmine nói.

Nhận con nuôi hợp pháp: "Quá nhiều vấn đề"

Việc nhận con nuôi được cho phép ở Philippines miễn là được thực hiện thông qua Bộ Phúc lợi và Phát triển xã hội hoặc các cơ quan chức năng được công nhận. Một khi không tiến hành thông qua các kênh hợp pháp, bao gồm cả quy trình hành chính và tư pháp, thì chính quyền coi như đó là vụ việc vi phạm đạo đức không dựa trên quyền lợi của trẻ em.

Cộng đồng nghèo đói ở Philippines dễ bị cuốn vào con đường buôn bán trẻ em bất hợp pháp. Ảnh: Pichayada Promchertchoo.

"Đây là loại quy trình theo từng bước từ ý định tốt của người nhận nuôi, rằng bạn thực sự mong muốn đứa trẻ này là con mình và bạn phải chứng minh điều đó suốt quá trình nhận nuôi" - Yvette T Coronel, Phó Giám đốc điều hành của Hội đồng liên ngành chống buôn bán trẻ em của Sở Tư pháp, cho hay.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hợp Quốc, nhiều trẻ em trên khắp thế giới thường bị buôn bán để trở thành người giúp việc gia đình, trong trang trại, hay phục vụ công việc kinh doanh. Đôi khi, những đứa trẻ được bán làm con nuôi vì cha mẹ chúng nghĩ rằng con mình có thể sẽ được yêu thương.

Tuy nhiên, nhiều người Philippines vẫn chưa nhận biết được về những gì cấu thành nạn buôn bán trẻ em hoặc những hiểm nguy mà nó có thể gây ra đối với trẻ em, theo Yvette T Coronel. Đồng thời, các chiến dịch truy quét nạn buôn bán trẻ em của chính phủ không mấy khi chủ động, Coronel cho biết thêm.

"Thật khó khăn trong việc phát hiện vụ việc vì phần lớn tội ác được che giấu" - Coronel nói.

(Còn tiếp)

Huyền Anh
.
.