Quái chiêu lợi dụng bệnh án tâm thần để trốn tội

Thứ Tư, 08/06/2016, 17:55
Thủ phạm gây ra các vụ án nghiêm trọng về hình sự, ma túy, nhưng khi bị cơ quan công an bắt giữ, các đối tượng thản nhiên xuất trình... bệnh án tâm thần như một tấm bùa hộ mệnh để đối phó với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Lợi dụng bệnh án tâm thần để gây án đang là một thực trạng gây bức xúc trong nhân dân cũng như đối với cơ quan công an trong điều tra, xử lý các vụ án có yếu tố “bỗng dưng... tâm thần”.

Cứ bị bắt là... tâm thần!

Như Chuyên đề ANTG đã đăng về thủ đoạn lợi dụng bệnh án tâm thần để buôn bán ma túy của đối tượng Hoàng Thế Bảo. Được biết, thủ đoạn “giả điên” đã được nhiều đối tượng buôn ma túy, tội phạm hình sự... áp dụng nhằm đối phó với việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo điều tra viên Cơ quan CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hà Nội, quá trình ghi lời khai, Hoàng Thế Bảo giả tâm thần, đối phó với việc hỏi cung bằng cách trợn mắt, dọa cán bộ điều tra rằng: “Anh mà hỏi nhiều là em đánh đấy”. Thế nhưng, trước những chứng cứ, tài liệu mà cơ quan điều tra đưa ra về những “thương vụ” mua bán ma túy của Bảo trong thời gian y đang điều trị bắt buộc tại Viện Pháp y tâm thần trung ương, Bảo lại không... tâm thần tí nào, bình tĩnh, ranh mãnh tìm cách chối tội.

Thế nhưng, trong số tội phạm ma túy lợi dụng bệnh án tâm thần để phạm tội, Bảo chỉ là dạng “học trò”. Một trong những đối tượng được đánh giá là “thầy” của những kẻ như Bảo là Nguyễn Ngọc Bình tức Ngọc “chập” (SN 1970, ở Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội). Gọi là Ngọc “chập” nhưng thực tế thì người đàn bà này lại không hề “chập”, thậm chí rất khôn ngoan, ma mãnh, xảo quyệt.

Nguyễn Ngọc Bình tức Ngọc “chập” bị cơ quan Công an bắt giữ.

Có tới 3 bản án về tội mua bán trái phép ma túy nhưng Bình chưa thi hành một bản án nào bởi “bảo bối” bệnh án tâm thần. Quy luật của bà trùm ma túy này như sau: Phạm tội, có bệnh án tâm thần nên được đi chữa bệnh bắt buộc. Hết đợt chữa bệnh, ra ngoài lại tiếp tục buôn bán ma túy. Bị bắt, lại đi chữa bệnh tâm thần...

Theo một cán bộ điều tra Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), lần phát bệnh... tâm thần đầu tiên của Bình là từ năm 2001. Khi đó, Bình phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, bị TAND TP Hà Nội xử 78 tháng tù giam. Nhưng vì Bình có bệnh án điều trị tâm thần nên thay vì thi hành án trong trại giam, Bình được đi chữa bệnh bắt buộc.

Đến đầu năm 2012, nữ quái tiếp tục phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Nạn nhân là anh Nguyễn Xuân Đông (SN 1986, ở phường Hàng Bột, quận Đống Đa) có vay của Bình 18 triệu đồng nhưng chưa trả nên ngày 15-3-2012, Bình đã gọi 4 đàn em là Nguyễn Kim Đạt, Nguyễn Quốc Toàn, Nguyễn Quốc Tuấn và Vũ Nam Long, chỉ đạo việc đi tìm và bắt giữ anh Đông để ép gia đình trả nợ.

Các đối tượng đã bắt anh Đông lên ô tô, đưa về một khách sạn tại Ba Vì đánh đập, ép viết giấy vay nợ 46 triệu đồng rồi bắt gọi điện thoại cho gia đình mang tiền đến trả mới thả người. Bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội bắt giữ cùng đám đàn em, nhưng Bình lại “thoát” việc thi hành án một lần nữa bởi bệnh án tâm thần phân liệt.

Với bản chất ranh ma, đến đầu tháng 5-2014, Bình thuê cùng lúc 3 căn hộ tại một chung cư mini ở tổ 38 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy thành ổ tệ nạn, tụ tập các đối tượng nghiện ma túy. Sau nhiều ngày theo dõi, Công an quận Cầu Giấy đã tổ chức bắt quả tang ổ nghiện hút này, tạm giữ 9 đối tượng đang “phê” ma túy, thu 274,750 gam ma túy các loại, trong đó có 200 viên ma túy tổng hợp, ma túy đá, cân tiểu ly...

Trong lúc Cơ quan công an thực hiện việc bắt quả tang, Nguyễn Ngọc Bình lại lên cơn... tâm thần nên đã “né” được việc vào trại. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2015, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy Công an Quảng Ninh triệt phá đường dây mua bán ma túy cực lớn, có sự tham gia của Nguyễn Ngọc Bình. Nhưng vì Bình đang điều trị bệnh bắt buộc nên người đàn bà này tạm thoát việc bị xét xử.

Bám vào bệnh án “tâm thần” này, coi đây như bảo bối cứu mạng, Bình móc nối với các đối tượng ở ngoại tỉnh để buôn bán ma túy tổng hợp với số lượng lớn. Sau một thời gian theo dõi hành tung của “bà trùm ma túy” khoác áo bệnh nhân tâm thần này, tối 29-10-2015, tại bến xe Mỹ Đình, Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ Phạm Bá Ngọc có hành vi vận chuyển ma túy từ Quảng Ninh lên Hà Nội để giao cho Bình, thu giữ 1.870 viên “thuốc lắc” và 1 túi ma túy “đá” nặng gần 1,5kg.

Một điều tra viên cho biết, Nguyễn Ngọc Bình tức Ngọc “chập” thể hiện bệnh tâm thần bằng “võ cắn”. Khi bị Cơ quan công an bắt giữ, Bình lập tức phát bệnh... cắn người. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam, Bình nhằm phạm nhân cùng buồng mà cắn. Hỏi tại sao lại cắn, Bình ra vẻ ngây ngô, mặt tỉnh bơ: “Em tưởng nó là... chó”.

Với bệnh án tâm thần phân liệt, hiện Bình vẫn đang được chữa bệnh bắt buộc nhưng với một loạt hành vi phạm tội mà người đàn bà này gây ra như đã nêu trên khiến dư luận hoài nghi về chứng bệnh tâm thần của Bình. Tâm thần mà lại chuyên đi buôn ma túy như Nguyễn Ngọc Bình thì có lẽ, phải gọi “khôn như... bệnh nhân tâm thần” mới đúng!

Đừng để bệnh án tâm thần thành “bùa hộ mệnh” của tội phạm

Không chỉ có tội phạm ma túy, thời gian gần đây, ở Hà Nội và nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng nhiều tội phạm hình sự thuộc diện giang hồ cộm cán bỗng dưng... tâm thần sau khi gây ra các hành vi nguy hiểm như siết nợ tín dụng đen, sử dụng hung khí, vũ khí “nóng” đánh chém, truy sát người.

Không biết các đối tượng phát bệnh từ bao giờ, nhưng khi bị Cơ quan công an “sờ gáy”, lập tức đối tượng chìa ra bệnh án tâm thần dường như đã được chuẩn bị trước(?!).

Một bị cáo phạm tội giết người bỗng dưng phát bệnh tâm thần tại tòa.

Điển hình như trùm giang hồ Mai Đức Vượng tức Tộ “tích”, ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Với bản chất côn đồ, manh động, Tộ “tích” trực tiếp “tay dao, tay súng” gây ra các vụ ẩu đả, thanh toán tại Hải Phòng. Cuối tháng 12-2009, Tộ “tích” cùng đồng bọn dùng dao chém, gây thương tích cho anh Trần Doãn Chung  ở quận Lê Chân.

Tháng 8-2011, Tộ “tích” lại cùng đồng bọn dùng súng bắn anh Nguyễn Chí Kiên gây tổn hại sức khỏe 67%. Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã khởi tố Tộ “tích” cùng đồng bọn về hành vi “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Sau khi gây án, Tộ “tích” trốn chạy sang Trung Quốc. Đến tháng 8-2011, Tộ “tích” và đàn em bị Công an Trung Quốc bắt giữ, bàn giao cho Công an Hải Phòng. Quá trình điều tra, gia đình Tộ “tích” đã trình hồ sơ bệnh án tâm thần phân liệt của gã để chứng minh rằng hành vi gây án của Tộ “tích” là do bệnh phát ra. Sau khi trưng cầu giám định, Tộ “tích” được đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Mai Đức Vượng tức Tộ “tích” lợi dụng bệnh án tâm thần để phạm tội hình sự.

Tuy nhiên, trong thời gian chữa bệnh bắt buộc, “bệnh nhân” Tộ “tích” đã “phá rào” bệnh viện, trốn về Hải Phòng đòi nợ, đe dọa giết người khiến không ít nạn nhân khiếp sợ. Dưới trướng Tộ “tích” có hàng chục đàn em đều là lưu manh, giang hồ. Ngày 13-12-2012, kiểm tra hành chính một khách sạn ở quận Hải An (Hải Phòng), nơi Tộ “tích” trọ, Công an Hải Phòng đã bắt Tộ cùng 1 khẩu súng K54, 5 viên đạn. Một lần nữa với “bảo bối” bệnh án tâm thần, Tộ “tích” khiến cơ quan điều tra bất lực khi phải trao trả bệnh nhân tới bệnh viện tâm thần để điều trị. 

Trước dư luận nhân dân cho rằng Tộ “tích” đã giả tâm thần để trốn tội,  Công an Hải Phòng đã tập trung điều tra, xác minh làm rõ, đồng thời phối hợp Viện Pháp y tâm thần Trung ương giám sát, theo dõi chặt chẽ bệnh của Tộ. Sau khi Viện Pháp y tâm thần Trung ương hội chẩn, thông báo bệnh tâm thần của Tộ “tích” đã ổn định, VKSND Hải Phòng ra quyết định đình chỉ biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với Tộ “tích”.

Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ Tộ “tích” để điều tra và đề nghị truy tố về các tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích”... Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cho rằng lúc trước và trong khi gây án, Tộ “tích” mắc bệnh tâm thần nhưng ở thời điểm hiện tại, bệnh đã ổn định nên bệnh án tâm thần chỉ là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt. Từ đó, tòa tuyên phạt Mai Đức Vượng tức Tộ “tích” 19 năm tù về 2 tội danh trên.

Hay như tại Thanh Hóa, có thời gian, cũng xảy ra hàng loạt trường hợp giang hồ cộm cán sau khi gây án kiểu xã hội đen đã nhập viện điều trị bệnh... tâm thần nhằm đối phó với các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo luật sư Hoàng Nguyên Bình, Văn phòng luật sư Bình An (Đoàn luật sư TP Hà Nội), theo quy định của Bộ luật Hình sự thì những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.  Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng nêu trên trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây chính là chính sách khoan hồng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với đối tượng mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội mà không kiểm soát, điều khiển được hành vi của mình. Thế nhưng thực tế trong thời gian qua, đã có một số đối tượng phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt cao như tội giết người, tội ma túy, kinh tế... đã lợi dụng chính sách nhân đạo này, dùng bệnh án tâm thần để đối phó với các cơ quan pháp luật, trốn tránh việc thi hành án, thậm chí liên tiếp gây án... Điều này đã gây bức xúc và hoài nghi trong dư luận nhân dân.

Mua bán 88 bánh heroin nhưng với bệnh án tâm thần, bị cáo Dư Kim Dũng (ở Hải Phòng) đã thoát án tử hình.

Để xử lý loại tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần nhằm mục đích thoát khung hình phạt cao nhất, trì hoãn, né tránh việc thi hành án hoặc để được miễn trách nhiệm hình sự, ngoài trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cần sự công tâm của ngành Y tế trong việc giám định tâm thần bởi hiện tại, việc chứng minh một người có tâm thần hay không phụ thuộc vào kết quả của hội đồng giám định pháp y.

Các hoạt động tố tụng đều dựa vào kết quả giám định pháp y để xem xét. Nếu giám định không chuẩn, tội phạm sẽ lợi dụng để lách luật, trốn tránh trách nhiệm hình sự. Vì vậy, đừng để bệnh án tâm thần trở thành “tấm bùa hộ mệnh” của tội phạm.

Hương Vũ
.
.