Quyền thế như lực lượng “cảnh sát đạo đức”

Thứ Sáu, 31/03/2017, 14:15
Một nhóm sĩ quan thuộc lực lượng “cảnh sát đạo đức” Malaysia bí mật tiến hành cuộc đột kích căn nhà gia đình của nữ diễn viên Faye Kusairi sau khi nhận được mật báo cô “quá thân mật” với một người đàn ông tại một nơi biệt lập. Nếu đạo đức Hồi giáo bị vi phạm, Faye Kusairi có thể lĩnh mức án 2 năm tù giam.


Đêm xuống, nhóm sĩ quan phá sập cửa đột nhập căn nhà. Nhưng, nữ diễn viên không có mặt ở đó. Cô đã ra ngoài với một người bạn.

Hành động xâm nhập gia cư bất hợp pháp của nhóm sĩ quan diễn ra hồi tháng 4-2016 và cũng kể từ đó Faye Kusairi không hề nhận được lời xin lỗi chính thức nào từ lực lượng “cảnh sát đạo đức” hay “cảnh sát tôn giáo” - tổ chức quyền lực có trách nhiệm điều tra những vụ vi phạm luật Sharia của Hồi giáo.

Hồi tháng 12-2016, một nhóm sĩ quan khác đột kích căn hộ của một đồng nghiệp của Faye nhưng chỉ tìm thấy... một phụ nữ. Viên sĩ quan cảnh sát tình nhân của phụ nữ đã nhanh chân phóng qua ô cửa sổ để không bị bắt giữ và người này sau đó đã chết trong bệnh viện do thương tích quá nặng!

Một cảnh trong video của Channel 4: “Mở cửa, chúng tôi là cảnh sát đạo đức”.

“Cảnh sát tôn giáo” Malaysia không chỉ tìm bắt những cặp tình nhân vi phạm luật Sharia trong những khách sạn hay nhà riêng mà còn lùng bắt những đối tượng quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân, tiêu thụ rượu, không ăn chay vào tháng Ramadan hay không đến nhà thờ vào mỗi thứ Sáu. Những người đồng tính hay chuyển giới cũng nằm trong tầm ngắm của lực lượng này. Khoảng 60% dân số đất Malaysia là người Hồi giáo và phần lớn trong số đó thuộc tộc người Malay.

Các “sĩ quan tôn giáo” nằm dưới sự điều hành của chính quyền liên bang Malaysia thực thi luật Sharia, họ có quyền bắt giữ những đối tượng phạm luật và đưa ra tòa án Hồi giáo xét xử. Ở đây, người Hồi giáo cũng bị cấm mừng Lễ tình nhân (Ngày Valentine) diễn ra trên toàn cầu vào 14-2 hằng năm bởi theo giới chức Hồi giáo, lễ hội này quảng bá cho sự chung chạ tình dục bừa bãi và các hoạt động vô đạo đức khác.

Vào dịp Valentine năm 2017, một nhóm thanh niên Hồi giáo kêu gọi phụ nữ Hồi giáo không sử dụng những biểu tượng cảm xúc trong tin nhắn đồng thời còn tránh... sử dụng nước hoa.

Ngày Valentine bị phản đối ở Malaysia.

Năm 2016, bộ phim tài liệu tựa đề “Thế giới không được kể - 2016” do kênh truyền hình Anh Channel 4 sản xuất về chiến dịch kiểm soát người Hồi giáo bên trong cộng đồng LGBT (đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới) đã làm dấy lên cuộc tranh cãi trực tuyến về lực lượng cảnh sát đạo đức ở Malaysia.

Trong video dài 2 phút 15 giây, phóng viên Marcel Theroux theo chân nhóm sĩ quan cảnh sát đạo đức Malaysia kiểm tra hàng loạt khách sạn và trên mọi đường phố vào giữa đêm. Những người bị bắt giữ bị đưa về đồn cảnh sát để tiếp tục điều tra về những vi phạm luật Sharia và họ sẽ bị tống giam nếu tìm thấy “có tội”. Ở đất nước có tuyệt đại đa số người Hồi giáo như Malaysia, luật Sharia được thực thi rất nghiêm khắc.

Theo một cuộc điều tra, hơn 80% thanh niên Malaysia chấp nhận cộng đồng LGBT nhưng giới chính khách thì ngược lại. Tháng 8-2016, Thủ tướng Najib Razak công khai khẳng định chính quyền của ông không bảo vệ các quyền của cộng đồng LGBT và thậm chí so sánh họ với tổ chức khủng bố IS.

Bảng thông báo quy định ăn mặc theo luật sharia bên ngoài một tòa nhà chính quyền ở Kuala Lumpur.

Theo luật Sharia, quan hệ tình dục giữa 2 phụ nữ bị phạt tiền, đánh roi hay ngồi tù đến 20 năm. Người Hồi giáo ở Malaysia là đối tượng của hệ thống luật pháp kép và một số vụ việc được xét xử bởi các tòa án Sharia đặc biệt. Người Hồi giáo cũng không thể che giấu được thân phận của mình bởi vì tôn giáo của họ được ghi rõ trên thẻ căn cước.

Ngoài ra, bất cứ ai muốn thành hôn với một người Hồi giáo thì bắt buộc phải quy theo đạo Hồi. Việc chọn đổi sang một tôn giáo khác ở Malaysia cũng không hề dễ dàng bởi vì điều đó đòi hỏi phải có sự chấp thuận từ một tòa án Hồi giáo.

Abdul Hadi Awang, chủ tịch đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS), hiện đang đề xuất một dự luật cho phép tăng cường những hình phạt Sharia và lực lượng cảnh sát đạo đức chịu trách nhiệm thi hành. Theo dự luật, hình phạt tù giam sẽ tăng tối đa đến 30 năm, tiền phạt lên đến 100.000 RM (khoảng 22.400 USD) và đánh 100 roi.

Nếu được thông qua, dự luật Hadi sẽ đe dọa nghiêm trọng nhân quyền ở Malaysia. Mới đây, PAS tổ chức một cuộc tuần hành với sự tham gia của khoảng 20.000 người nhằm chứng minh sự ủng hộ tối đa dự luật.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.