Các lực lượng cảnh sát đạo đức trong thế giới Hồi giáo

Thứ Tư, 27/04/2016, 20:05
Thông tin chính quyền Iran cho triển khai hàng ngàn cảnh sát mật để thi hành những quy định về trang phục hé lộ một mảng tối trong cuộc sống thường ngày tại vài quốc gia có người Hồi giáo chiếm tuyệt đại đa số - bao gồm Arập Xêút, Sudan, Malaysia và Iran. Các lực lượng “cảnh sát đạo đức” có nhiệm vụ chính là bảo đảm “đạo đức Hồi giáo” phải được tôn trọng.

Nhiều người - đặc biệt là những người bị thu hút bởi lối sống phóng khoáng của phương Tây – ra vẻ chống đối những quy định hạn chế gắt gao trong trang phục thường ngày của chính quyền, trong khi số khác ủng hộ “cảnh sát đạo đức”. Chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo cũng dẫn đến sức ép thành lập lực lượng cảnh sát tương tự như Iran tại số quốc gia chưa có tổ chức như thế.

Gasht-e Ershad của Iran

Lực lượng Gasht-e Ershad (Tuần tra hướng dẫn) nhận được sự ủng hộ từ lực lượng bán quân sự Basij thuộc Vệ binh Cách mạng Iran. Từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, chính quyền Iran thành lập đủ loại “cảnh sát đạo đức”, nhưng Gasht-e Ershad hiện là cơ quan chính yếu đảm đương nhiệm vụ thực thi luật hành vi Hồi giáo tại nơi công cộng. Lực lượng tập trung giám sát bảo đảm việc tuân thủ mặc hijab – quy định bắt buộc phụ nữ phải mang mạng che phủ tóc và toàn thân đến mức không thể sử dụng mỹ phẩm.

Gasht-e Ershad được coi là tai họa cho phụ nữ thành thị - thường là những người xuất thân từ các nhóm xã hội thượng lưu – luôn muốn phá bỏ những rào cản về luật trang phục Hồi giáo. Cảnh sát đạo đức có quyền cảnh cáo, áp đặt số tiền phạt hay bắt giữ những phụ nữ vi phạm giữa nơi cộng cộng.

Song, luật cải cách mới vào đầu năm 2016 sau khi có hiệu lực sẽ tước bỏ các quyền này của cảnh sát đạo đức. Thay vào đó, 7.000 đặc vụ Gasht-e Ershad sẽ được triển khai chỉ để lập báo cáo về những vụ nghi ngờ vi phạm cho cảnh sát quốc gia để sau đó quyết định nên hành động như thế nào.

Gasht-e Ershad được cho là có nhiều thành viên của Basij, trong đó bao gồm nhiều phụ nữ. Đặc biệt, nam giới để kiểu tóc “phương Tây” cũng là mục tiêu của cảnh sát đạo đức. Do lo sợ Gasht-e Ershad cho nên người Iran đã tạo ra ứng dụng Android giúp mọi người tránh né những chốt kiểm soát smartphone của lực lượng này.

Tổng thống Hassan Rouhani lên tiếng chống đối Gasht-e Ershad song Hiến pháp Iran không cho ông can thiệp quá nhiều vào các lực lượng an ninh đất nước.

Một đặc vụ Gahst-e Ershad trong lúc làm nhiệm vụ.

Mutawa của Arập Xêút

Ủy ban Xúc tiến phẩm hạnh và ngăn ngừa đồi bại, hay Mutawa (Đặc biệt ngoan ngoãn với Thượng đế) được chính quyền Arập Xêút thành lập năm 1940, với nhiệm vụ thực thi luật Hồi giáo Sharia tại những nơi công cộng. Luật cấm nam giới và phụ nữ không có mối quan hệ họ hàng giao tiếp với nhau nơi công cộng, trong đó quy định về trang phục khuyến khích phụ nữ mang mạng che kín mặt… chỉ chừa đôi mắt!

Thay vì mặc cảnh phục, Mutawa mặc váy dài và khăn trùm đầu truyền thống của người Arập. Mặc dù Mutawa không được tán thành từ những người có đầu óc tự do và giới trẻ, song nói chung vương quốc tuyệt đại đa số người Hồi giáo Sunni bảo thủ tỏ ra ủng hộ lực lượng giữ gìn “đạo đức” như thế. Tuy nhiên, ngay đến những người Hồi giáo bảo thủ cũng tỏ ra bực tức trước những vụ án nổi cộm thời gian gần đây do hành động thái quá của Mutawa – như vụ một nghệ sĩ bị buộc tội chỉ vì chụp hình selfie với những người hâm mộ mình, hay một mannequin nữ bị tịch thu chỉ vì trang phục của nó.

Có lẽ để phản ứng trước làn sóng chỉ trích, chính quyền Arập Xêút buộc phải hạn chế quyền lực của Mutawa và lực lượng này không còn được phép bắt giữ người mà chỉ có thể lập báo cáo về đối tượng chuyển đến cảnh sát thông thường xử lý.

Cảnh sát trật tự công cộng (POP) của Sudan

POP được Tổng thống Omar al-Bashir cho thành lập năm 1993 để thực thi luật Sharia đối với những người Hồi giáo ở miền bắc Sudan lúc đó. POP có quyền bắt giữ người vi phạm Sharia để truy tố trước Tòa án Trật tự công cộng và hình phạt bao gồm đánh bằng roi hay ngồi tù.

Nhiều người Sudan phẫn nộ trước sự trấn áp người Hồi giáo của POP mặc dù phần đông - chủ yếu là những người Hồi giáo Salafist và tôn giáo bảo thủ khác - ủng hộ lực lượng này. POP thu hút sự chú ý của quốc tế khi nhà báo nữ Lubna al-Hussein bị bắt giam vì trang phục không “đạo đức” giữa nơi công cộng hồi năm 2008.

Phụ nữ Arập Xêút phải mặc che kín người.

Nhiều lực lượng “tôn giáo” khác nhau của Malaysia

Các “sĩ quan tôn giáo” nằm dưới sự điều hành của chính quyền liên bang Malaysia để thực thi luật Sharia ở đất nước có đến hai phần ba dân số là người Hồi giáo. Họ có quyền bắt giữ và đưa ra tòa án Hồi giáo xét xử. Các “sĩ quan tôn giáo” thường bị buộc tội lạm quyền.

Hồi tháng 4-2016, các “sĩ quan tôn giáo” bắt giữ vài người khi đột kích sự kiện tài trợ của một nhóm người chuyển giới, buộc tội những người tham gia tổ chức cuộc thi hoa hậu mà trong đó người Hồi giáo không được phép tham gia theo fatwa (sắc dụ Hồi giáo) năm 1996.

Di An (tổng hợp)
.
.