Sập bẫy tiền tỉ từ “tín dụng đen”

Thứ Sáu, 25/12/2015, 22:05
Nhắc đến "tín dụng đen", người ta thường nghĩ đến những đường dây cho vay với lãi suất "cắt cổ". Trên thực tế, đa phần những trung tâm "tư vấn", "hỗ trợ" tài chính đang hoạt động tại TP Hà Nội sống được là nhờ việc cho vay lãi suất cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã nảy sinh những cái bẫy tinh vi hơn từ "tín dụng đen". Nó có thể khiến người vay "sạt nghiệp" trong phút chốc…

Đầu năm 2015, ông Phạm Văn Trung (SN 1959, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cần một khoản tiền để giúp con đầu tư kinh doanh. Mặc dù có mấy trăm mét đất, giá thị trường khoảng 10 tỉ đồng song vì thủ tục vay vốn ngân hàng mất thời gian và cũng rắc rối nên ông chưa thể tiếp cận. Biết được nhu cầu của ông, một người "bạn xã hội" tên Tuấn đã đặt vấn đề sẽ vay giúp, lãi suất chỉ nhỉnh hơn của ngân hàng một chút.

Trang rao vặt của một đường dây tư vấn tài chính ở Hà Nội.

Tin lời Tuấn, ông Trung nhờ Tuấn vay cho 1,5 tỉ đồng. Tuấn cho biết để được giải ngân sớm, ông phải làm hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất trên cho Tuấn. Tuấn lý giải việc lập hợp đồng này là chỉ để "làm tin" là chính, chứ còn đất và nhà vẫn là của ông Trung. Tin lời hắn, ông Trung đặt bút ký, có công chứng đàng hoàng.

Chẳng ngờ một thời gian sau, đại diện một ngân hàng lớn đã liên hệ với ông Trung, cho biết họ đang giữ trong tay giấy tờ nhà đất của ông. Nếu người cầm cố ngôi nhà không trả đủ tiền thì ông Trung buộc phải rời khỏi mảnh đất của ông cha.

Choáng váng trước thông tin này, ông Trung tìm gặp Tuấn thì mới phát hiện sự thật đau đớn. Sau khi đã có trong tay bộ giấy tờ nhà đất của ông Trung, Tuấn đã thế chấp để vay của ngân hàng số tiền 7,5 tỉ đồng, thời hạn vay là 240 tháng (tức 20 năm). Điều đó có nghĩa là, nếu Tuấn không trả đủ số tiền gốc và lãi cho ngân hàng, bây giờ và đến 20 năm sau ông Trung không còn là chủ của mảnh đất này nữa!

Giống như ông Trung, ông Nguyễn Văn H. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có nhu cầu vay 150 triệu đồng để cho con trai làm vốn mở cửa hàng. Được một người bạn mách có thể vay từ G. - một chủ tiệm cầm đồ ở quận Hai Bà Trưng - "tiền tươi" mà thủ tục rất nhanh chóng, ông H. lập tức liên hệ.

Ban đầu, ý định của ông H. chỉ vay trong chừng 1 tháng. Tháng sau sẽ có người ở nước ngoài gửi tiền về để "đập" vào trả. Do đó ông đã nhanh chóng đáp ứng mọi yêu cầu của G. đưa ra. Và chính từ sự mất cảnh giác đó mà ông H. đã lâm vào tình trạng khốn khổ như hiện nay.

G. nói với ông rằng cần một tài sản thế chấp. Ông H. đã giao cho G sổ đỏ mảnh đất hơn 100m² tại quận Hà Đông (Hà Nội) giá thị trường khoảng gần 5 tỉ đồng để "làm tin". Thậm chí ông H. còn ra Văn phòng Công chứng để… chuyển quyền sử dụng mảnh đất cho G.

Sau một tháng, ông H. chưa thể trả ngay mà đề nghị với G. cho ông vay thêm một vài tháng nữa, G. lập tức đồng ý. Nhưng khi ông H. có đủ tiền trả G., muốn đòi sổ đỏ miếng đất về thì mới tá hỏa khi nghe G. nói sổ đỏ đang ở trong… ngân hàng. Và khi nào ông trả đủ số nợ của G. cho ngân hàng thì mới được mang sổ về.

Chị Hà Thu T. (trú tại Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) vay G. khoảng 800 triệu đồng, và đồng ý giao cho G. một mảnh đất cả trăm mét vuông, trị giá chừng 4-5 tỉ đồng. Anh Hoàng Văn B. vay của G. 300 triệu đồng, cũng đưa cho G. cuốn sổ đỏ mảnh đất gần trăm mét vuông… Tất cả sau đó đã bị G. đem thế chấp tại ngân hàng để vay gần 20 tỉ đồng. Khi số nợ này G. chưa trả được, tất cả số sổ đỏ kia cũng buộc phải nằm im một chỗ. Và các con nợ lâm vào tình cảnh, đất là của mình song không thể mua bán, chuyển nhượng, sửa sang hay xây cất gì cả. Bởi muốn làm những việc đó thì phải có sổ đỏ!

Việc giao dịch tiền theo kiểu "tay đôi" luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bị lừa đảo. Song có không ít những người dân ký hợp đồng vay tiền với một số công ty, có "tư cách pháp nhân" mà vẫn bị lừa. Các công ty này đã thế chấp sổ đỏ của họ để vay ngân hàng một khoản tiền lớn rồi biến mất.

Điển hình như trường hợp của ông Vũ Duy H. (trú tại Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội). Ông H. có mảnh đất 50m² mặt phố Nghi Tàm do bố mẹ để lại, trị giá khoảng 10 tỉ đồng. Năm 2012, một người quen tên Sơn đã giới thiệu vợ chồng ông H. vay 200 triệu để xây sửa lại căn nhà cấp 4 đang dựng tạm trên mảnh đất đó để cho thuê kinh doanh.

Dưới sự môi giới của Sơn, ông H. đã ký hợp đồng vay tiền với Nguyễn Thị Hồng Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm C... Để vay tiền, theo yêu cầu của Nhung, ông H. phải đưa sổ đỏ và làm hợp đồng chuyển nhượng để Nhung giữ "làm tin". Hằng tháng, ông H. đều mang 2,4 triệu theo thỏa thuận đến trả lãi. Nhưng được 10 tháng, bỗng nhiên ngân hàng đến hỏi thăm, lúc đó ông H. mới tá hỏa khi biết ngôi nhà ông đang ở đã bị Nguyễn Thị Hồng Nhung mang đi ngân hàng thế chấp để vay 4,8 tỉ đồng cách đây 9 tháng.

Đến nay, Nhung không trả được nợ và bỏ trốn nên ngân hàng đến "xem xét tài sản thế chấp" để phát mãi. Ông H. có nguy cơ mất trắng tài sản hơn 10 tỉ đồng.

Gia đình ông Vũ Anh T. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) vay hơn 300 triệu đồng từ Công ty CP Cát Nam Phong. Để vay được, ông T. buộc phải giao sổ đỏ và ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT và Hoàng Phúc Đường, Phó giám đốc Công ty Cát Nam Phong, lãi suất tính theo ngày. Theo giải thích của Yến, việc ký giấy tờ này chỉ nhằm đảm bảo gia đình ông T. có nghĩa vụ trả nợ cả lãi lẫn gốc. Ông T. cũng yên tâm vì không phải bàn giao nhà, không nhận tiền chuyển nhượng.

Một ổ nhóm chuyên bắt giữ người trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cướp tài sản liên quan đến tín dụng đen phải ra trước vành móng ngựa.

Một thời gian sau, ông T. mới tá hỏa khi cán bộ ngân hàng đến xem xét nhà để thu hồi đất. Lúc này, ông mới biết việc Yến đã sang tên đem thế chấp ngân hàng vay tiền. Không chỉ gia đình ông T. mà nhiều hộ gia đình khác cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, những đối tượng "cò" cho vay đã dựng lên màn kịch "lãi suất thấp, giải ngân nhanh". Ít ai ngờ được rằng, sau khi đã ký vào những hợp đồng quái quỷ của chúng, nguy cơ mất đất mất nhà của người dân là hiện hữu. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc, song để làm rõ hành vi lừa đảo của bọn "cò" không dễ một chút nào…

Có một điều mà những người "ngoài cuộc" rất khó hiểu là tại sao các con nợ lại "ngây thơ" đến mức giao sổ đỏ cho các cá nhân, công ty chỉ để vay một số tiền trị giá bằng 1/5, 1/10 giá trị của mảnh đất đó? Đó là do các đối tượng lợi dụng vào lòng tin của các bị hại, đồng thời "lách" được những kẽ hở trong hoạt động ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được biết đối tượng C.T.G. từng có tiếng là một "mối" lớn làm ăn uy tín. G. đã cho khá nhiều người vay tiền tỉ, với lãi suất "mềm" nên cũng gây dựng được niềm tin từ các bạn hàng và những đường dây tài chính khác. Cũng vì thế mà khi các con nợ vay của G. thì cảm thấy rất tin tưởng. "Đến chục tỉ anh ta còn có, thì mảnh đất của mình bõ bèn gì" - các bị hại thường nghĩ vậy.

Thủ đoạn tinh vi của G. là ở chỗ, mỗi người vay đều phải tiến hành một thủ tục bắt buộc là ra Văn phòng Công chứng để chuyển quyền sử dụng đất của họ cho hắn. Nhưng để cho người vay giảm đi nỗi lo rằng sẽ có thể bị mất đất, G. sẽ viết cho họ một tờ giấy viết tay, có nội dung đại ý khi mà con nợ trả đủ tiền cho G. thì G. sẽ có trách nhiệm trả lại sổ đỏ cho họ. Và khi mà G. đã "vỡ nợ", các bị hại cực chẳng đã đành phải tố cáo hành vi lừa đảo của G. lên cơ quan Công an.

Gặp chúng tôi tại Cơ quan điều tra, ông Trung tỏ ra hết sức đau khổ. Đã nhiều lần ông tìm gặp Tuấn với ý định trả lại số tiền đã vay để lấy lại sổ đỏ song ông đều phải thất vọng ra về. Gần đây, Tuấn còn bày ra một màn kịch khác là đề nghị "bù" cho ông một căn chung cư, trị giá khoảng 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ông Trung, căn chung cư này cũng mới chỉ là dự án trên giấy.

Người đàn ông có khuôn mặt chất phác này bày tỏ, khi đặt bút ký vào bản hợp đồng ông không thể tin được rằng có ngày sẽ bị mất đất. Bị hại này cũng tỏ ra rất ngây thơ khi cho rằng "tôi vẫn đang sinh sống trên mảnh đất của cha ông thì chẳng ai có thể "cướp" đi được". Rõ ràng nhiều người dân vẫn còn rất mơ hồ về việc bảo vệ tài sản của mình. Thực tế một khi đã đặt bút ký vào hợp đồng và hợp đồng đã được công chứng thì mảnh đất của họ đã thuộc về người khác.

Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra về những vụ vay mượn nói trên, song để có thể áp dụng pháp luật hình sự trong vụ việc này thì quả không dễ. Một điều tra viên thuộc Công an Hà Nội cho chúng tôi biết, việc mua bán, chuyển quyền sử dụng đất của các bị hại cho G. đã được chứng thực - đây chính là giấy tờ có giá trị pháp lý cao hơn giấy viết tay. Do vậy, việc đòi lại đất của họ khó mà đạt kết quả như mong muốn.

Và khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này vẫn tiếp tục có nhiều người dân đến Phòng Cảnh sát hình sự trình báo về việc bị lừa khi vay tiền từ những đường dây "tín dụng đen"!

Minh Tiến
.
.