Sinh viên sập bẫy kinh doanh đa cấp biến tướng
Sau bài viết "Nữ sinh viên dàn dựng vụ bắt cóc tống tiền cha mẹ: Hậu quả từ sập bẫy kinh doanh đa cấp", phóng viên ANTG tiếp tục tìm hiểu về cạm bẫy đa cấp trong giới học sinh, sinh viên ở Hà Nội. Dưới đây là những ghi nhận đau lòng, hy vọng sẽ là bài học cảnh giác có ích cho các bạn trẻ.
"Làm giàu không khó"!
Nếu một ngày nào đó bạn nhận được điện thoại từ một người bạn lâu không gặp, điều đó có nghĩa là hoặc người ta mời bạn đám cưới hoặc sẽ... gạ gẫm bạn tham gia bán hàng đa cấp. Tất nhiên đó là một nhận định vui nhưng không có nghĩa là không đúng trong thời buổi này.
Một ngày cuối tháng 7, cháu tôi đang theo học đại học nhận được lời hẹn từ cô bạn học phổ thông. Tất nhiên cô bạn quý hóa sau chầu nước thì kéo bằng được ông cháu tới Công ty "Tầm Nhìn V" nằm trên đường Hoàng Ngân (Hà Nội) để tham quan cho biết cách "Làm giàu không khó". Sự ngây thơ cũng như cả nể bạn cũ xui khiến thế nào hắn đặt bút ký một loạt hợp đồng bán hàng đa cấp mặc dù không một xu dính túi.
Cô bạn dẫn cháu tôi đến một cửa hàng cầm đồ trá hình dưới mô hình dịch vụ cho thuê thiết bị văn phòng trên phố Lò Đúc. Cậu sinh viên chỉ cần đưa ra thẻ sinh viên, chứng minh thư là được hướng dẫn ký kết hợp đồng "thuê máy tính xách tay phục vụ học tập", họ đưa lại cho 7 triệu đồng tiền mặt với lãi suất tương đương 35.000 đồng/ngày nhưng cô bạn quý hóa cầm luôn. Quay trở lại Công ty "Tầm Nhìn V" nộp tiền, công ty của cô bạn "tuyến trên" xuất cho ông cháu một tờ phiếu xuất kho hàng loạt mặt hàng lăng nhăng nồi chảo, máy cạo râu…
Sự việc chỉ vỡ lở khi 10 ngày sau, một đám hung hăng xăm trổ đến tận nhà đứa cháu để thu tiền lãi 350.000 đồng tiền "thuê máy tính". Mẹ cháu điện thoại nhờ tôi dẫn nó đến công ty để làm rõ sự việc cũng như thanh lý hợp đồng, trong đó có điều khoản sẽ bị trừ 20% giá trị tiền đã nộp. Chúng tôi đến Công ty "Tầm Nhìn V" và tất nhiên để gặp được cô bạn "tuyến trên" là việc thiên nan vạn nan khó.
Trong sự trốn tránh, lòng vòng đổ trách nhiệm "phải có chữ ký của 2 tuyến trên thì mới được thanh lý" trong khi cô bạn điện thoại tắt máy. Cực chẳng đã mấy chú cháu lại dẫn nhau đến nhà, nếu có một chiếc gậy 3 mét trong tay và đứng giữa nhà cô ta múa may thì cũng không vướng vào một vật gì. Phụ huynh cô gái ngồi thẫn thờ trong góc phòng nói nhỏ "Các cháu bị cái Trang nó lừa tiền đúng không?".
Lại một buổi chiều chầu chực đợi làm thủ tục trước công ty đa cấp, lũ lượt các gương mặt na ná cháu tôi. Các em hồ hởi đẹp đẽ nhễ nhại mồ hôi trong những bộ veston Trung Quốc đi qua lại, vài tay khác vừa trà đá vừa ồn ào qua điện thoại gạ gẫm đối tác tiềm năng những lời đường mật nhiều từ "giàu có, chiến thắng, bản lĩnh".
Không còn cách nào khác tôi lên gặp trực tiếp chàng trai được cho là "tuyến trên" của Trang. Do đặc thù nghề làm báo, dù đã có kinh nghiệm va chạm tương đối nhiều thành phần xã hội nhưng tôi cũng quá ngạc nhiên bởi sự hoạt ngôn đầy tình lý của anh ta. Tôi tin rằng nếu cậu này tâm sự với một hòn đá thì ắt hẳn nó cũng sẽ mềm lòng. Tất nhiên điều mong muốn của tôi là lấy tiền về cho đứa cháu để tránh phiền hà về sau chứ không phải là nghe cổ tích.
Dường như mọi lời năn nỉ đều bất khả thi, tôi đứng dậy bày tỏ sẵn sàng chịu mất tiền nhưng trước tiên tôi sẽ dẫn đứa cháu ra công an phường sở tại trình báo cũng như một số cơ quan chức năng khác về các hoạt động thiếu minh bạch của Công ty “Tầm Nhìn V”. Lúc này anh ta xuống nước và chấp thuận cho thanh lý hợp đồng, trả lại một phần tiền. Tôi cho rằng số tiền không quá lớn nhưng nó ắt là mở đầu cho chuỗi bi kịch khác đẩy đứa cháu ngây ngô của tôi thành một người dối trá, ảo tưởng hay na ná giống cô bạn của hắn.
Trên con đường thành công làm gì có vết chân của những kẻ ảo tưởng lười nhác. Họ, những người bán hàng đa cấp ra rả "Làm giàu không khó"! Vâng, đúng quá! nhưng không làm gì mà giàu có thì mới là việc khó.
Sập bẫy
Hiện tượng sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia kinh doanh đa cấp đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đáng lo ngại là vài năm trở lại đây, hình thành những đường dây lừa đảo, dẫn dắt sinh viên tới các hiệu cầm đồ, vay tiền lãi suất cao để đầu tư kinh doanh đa cấp. Hậu quả là sau khi sập bẫy, để lấy lại tiền, không ít sinh viên đã tiếp tục đi lừa người khác "thế chỗ", trở thành kẻ tiếp tay tích cực cho các công ty đa cấp trong việc nhân rộng mạng lưới "nạn nhân". Nguy hiểm hơn, khi bị đòi nợ, xiết nợ, có bạn sinh viên đã nghĩ quẩn hoặc làm liều, vi phạm pháp luật mà vụ việc một nữ sinh viên do sập bẫy đa cấp đã dàn dựng vụ bắt cóc, tống tiền gia đình để lấy tiền trả nợ "tín dụng đen" xảy ra ngày 9/9 vừa qua tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) là điển hình.
Không có số liệu chính thức về số sinh viên bị lôi kéo vào con đường "làm giàu" kiểu lừa đảo của loại hình kinh doanh biến tướng ngày càng tinh vi này. Chỉ cần làm một phép thử nhỏ, gõ dòng chữ "đa cấp lừa đảo" trên google, lập tức trong vòng 0,46 giây đã có tới 824.000 kết quả liên quan đến vấn đề này hiện ra. Riêng trên mạng xã hội facebook, có hàng chục page được nạn nhân của đa cấp biến tướng lập nên để tẩy chay, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của các công ty đa cấp hoạt động tại Việt Nam.
Một trong những trang hoạt động tích cực và được nhiều người theo dõi là "Tẩy chay đa cấp lừa đảo". Trang này được thành lập từ năm 2012, hiện có khoảng 10 admin ở miền Bắc và miền Nam quản lý, hoạt động phi lợi nhuận với mục đích cảnh báo cộng đồng sinh viên trước những mánh khóe, thủ đoạn lừa đảo lợi dụng kinh doanh đa cấp.
Nguyễn Văn Minh, 25 tuổi, nhân viên một công ty kinh doanh máy tính, một trong những thành viên tích cực của trang "Tẩy chay đa cấp lừa đảo" cho biết, 6 năm trước, khi đang là sinh viên, Minh từng bị lôi kéo tham gia vào một mạng lưới bán hàng đa cấp. Là nạn nhân, Minh nhận thấy mình cần lên tiếng cảnh báo, giúp đỡ các bạn sinh viên trước cạm bẫy lừa đảo này. Không chỉ viết bài cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của đa cấp biến tướng, Minh hiện là người chuyên tư vấn cho các bạn sinh viên cách để đòi lại tiền đã nộp vào các công ty đa cấp.
Minh cho biết, cao điểm, có ngày Minh nhận được trên 20 tin nhắn "kêu cứu" của các bạn sinh viên khi trót sa chân vào các ổ kinh doanh đa cấp. "Đa phần nạn nhân là các bạn sinh viên năm thứ nhất, là người tỉnh ngoài, có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng tìm việc làm thêm để giúp đỡ gia đình. Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng trong mạng lưới kinh doanh đa cấp đã tìm cách tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ sinh viên bằng viễn cảnh làm giàu không khó" - Minh cho biết.
Cuối năm 2014, Minh từng trực tiếp đi giải quyết vụ đòi tiền cho cậu em họ là sinh viên năm thứ nhất một trường đại học tại Hà Nội bị lừa tham gia bán hàng tại Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt (Vietnet). Cũng như các nạn nhân khác, cậu em của Minh bị dụ đến Vietnet để "tìm cơ hội việc làm". Sau khi được tư vấn và một đám đông những người trẻ mặc trang phục vest đen công sở tại công ty thuyết phục rằng họ đã thành đạt khi khởi nghiệp tại đây, cậu em của Minh được một cộng tác viên bán hàng của Vietnet dẫn đi vay tiền "tín dụng đen". Trên đường đi, cộng tác viên luôn dặn dò phải giữ bí mật việc vay tiền, tuyệt đối không được cho bố mẹ, người thân biết.
Sau khi đặt CMND và thẻ sinh viên, cậu em được vay 8,5 triệu đồng với lãi suất 4.000 đồng/1 triệu/ngày và dùng ngay số tiền này để mua một lô thực phẩm chức năng là các lọ sản phẩm bổ sung canxi kèm hợp đồng trở thành cộng tác viên bán hàng của Vietnet. Khi ôm số thực phẩm chức năng trên về, cậu em mới tỉnh ngộ khi nhận ra rằng, những lọ bổ sung canxi này chẳng thể bán được cho ai vì sản phẩm không hề có tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, cũng không rõ công dụng ra sao.
Biết mình đã bị lừa, cậu em gọi điện cầu cứu Minh giúp đỡ. Bằng kinh nghiệm của bản thân, Minh đã giúp cậu em đến công ty "thanh lý hợp đồng" và lấy lại tiền, đương nhiên phải chịu mất 10% "phí lưu kho".
Theo Minh thì trường hợp của cậu em là may mắn vì cậu này chưa lỡ tay bóc sản phẩm nào trong lô hàng. Rất nhiều sinh viên không đòi được tiền bởi những cái "bẫy" được quy định trong hợp đồng mà khi ký kết với công ty, họ đã không chú ý đến. Như quy định hàng trả lại phải còn nguyên vẹn, trong khi hầu hết họ bị các cộng tác viên dụ dỗ "bóc thử" một sản phẩm ra để sử dụng. Ngoài ra, phía công ty đa cấp còn dùng đủ các chiêu trò để từ chối việc giải quyết đòi tiền của các nạn nhân.
Những câu chuyện cảnh báo sinh viên trước bẫy đa cấp biến tướng trên page "Tẩy chay đa cấp lừa đảo". |
Phổ biến nhất là "chiêu" thông báo lãnh đạo công ty hoặc người có thẩm quyền đi vắng, bận họp... để khất lần, kéo dài thời gian giải quyết quá thời hạn quy định thanh lý hợp đồng, đẩy nạn nhân rơi vào thế "vi phạm" khiến họ đành phải "ôm" đống sản phẩm đã bị lừa mua. Và để lấy lại được tiền, những sinh viên đã bất chấp đạo đức, tìm cách lừa người khác tham gia nhằm được hưởng hoa hồng.
"Thực tế, các bạn sinh viên hầu hết không có năng lực thuyết phục người lạ, vì vậy họ tìm cách lừa nạn nhân khác là chính bạn bè. Đây là một trong những lý do khiến tình trạng sinh viên dính bẫy đa cấp vẫn tiếp tục âm thầm gia tăng" - Minh nhận định.
Việc lôi kéo sinh viên tham gia kinh doanh đa cấp hiện biến tướng dưới nhiều hình thức như núp bóng các thông tin quảng cáo việc làm, tuyển nhân viên... trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các tờ rơi quảng cáo dán xung quanh các trường đại học. Tuy nhiên, địa chỉ những nơi tuyển lao động này chính là các công ty đa cấp. Khi bước chân vào những công ty này, các bạn sinh viên như rơi vào ma trận, bị bủa vây bởi đội ngũ nhân viên ăn vận lịch sự, tự giới thiệu là những người thành đạt, giàu lên nhờ kinh doanh đa cấp.
Những người này sẽ giới thiệu về một công việc nhẹ nhàng, không tốn sức mà thu nhập cao lên đến hàng chục triệu đồng/tháng, không phải mất công xin việc. Trắng trợn hơn, chúng còn bịa đặt hàng loạt tấm gương tỷ phú nổi tiếng thế giới thành công nhờ... kinh doanh đa cấp, kích thích ham muốn làm giàu, ham muốn tìm việc làm thêm của sinh viên khiến họ nhanh chóng sập bẫy.
Thầy Nguyễn Đắc Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường đại học Thương mại cho biết, các trường hợp sinh viên mắc bẫy kinh doanh đa cấp biến tướng hầu hết đều rơi vào tân sinh viên là người ngoại tỉnh. "Các em đều xuất phát từ ý tưởng tốt, muốn tìm việc làm để đỡ đần gia đình nhưng đã bị các đối tượng lợi dụng".
Trường hợp một nữ sinh viên của nhà trường bị dụ dỗ vay "tín dụng đen" để kinh doanh đa cấp tại Vietnet, do không trả nợ được đã tự tử nhưng may mắn được phát hiện, cứu sống kịp thời xảy ra hồi đầu năm 2015 là một vụ việc hết sức đau lòng như vậy. Sau vụ việc trên, để phòng ngừa hiện tượng sinh viên bị lôi kéo tham gia kinh doanh đa cấp, nhà trường đã tuyên truyền, khuyến cáo cho sinh viên trong trường. "Nội dung này được phổ biến trong tuần sinh hoạt công dân sinh viên đầu năm, đầu khóa để các em sinh viên cảnh giác".
Nhưng không phải trường đại học nào cũng làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa cho sinh viên mà dường như chỉ sau khi có những vụ việc cụ thể xảy ra, việc khuyến cáo này mới được chú trọng. Chúng tôi đã đặt câu hỏi đối với một số sinh viên dính bẫy đa cấp. Họ thú nhận rằng đối với sinh viên ngoại tỉnh ra Hà Nội học, đa phần ít quan tâm tới những thông tin thời sự chính trị đang diễn ra hàng ngày nên việc cảnh báo hiện tượng đa cấp lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng dường như không được họ tiếp nhận. Nếu có lên mạng, sinh viên chỉ quan tâm đến những thông tin thời trang, các sao Hàn, sao Việt, các thần tượng bóng đá, điện ảnh...
Trong khi đó, bước chân từ các vùng quê ra Hà Nội, nhiều tân sinh viên chưa được trang bị kỹ năng sống, kiến thức xã hội cần thiết. Điều này lý giải vì sao nạn nhân của đa cấp biến tướng phần nhiều rơi vào sinh viên mới bước chân vào ngưỡng cửa đại học, bị dụ dỗ "làm thêm" kiếm tiền.
"Tìm cách nói dối gia đình, không dám nói thật việc mình bị dính bẫy đa cấp là sai lầm phổ biến và đầu tiên của các bạn sinh viên; từ đó dẫn đến việc sinh viên nghĩ cách "xoay" tiền trả nợ, bất chấp là làm gì. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm pháp luật" - Thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy nhận định.
"Không vượt qua được sĩ diện của bản thân, mặt khác sợ ảnh hưởng đến việc học tập nên nhiều sinh viên đã âm thầm tự giải quyết mà không trình báo cơ quan chức năng". Im lặng khi nhắc đến đa cấp khiến vì sao vẫn tiếp tục gia tăng nạn nhân mới.