Tennis và những bê bối dàn xếp kết quả

Thứ Hai, 05/08/2019, 16:43
Trong lịch sử rất nhiều năm của mình, môn thể thao quần vợt luôn được mệnh danh có cả “một nền văn hóa của các trận đấu dàn xếp”. Kết luận trên đã được chứng minh bởi rất nhiều các nghiên cứu và báo cáo.

Đến năm 2008, các nhà chức trách đã phải thành lập ra một tổ chức đặc biệt có tên Tennis Integrity Unit (TIU) chỉ để kiểm soát tính minh bạch của các trận đấu quần vợt. Bản thân TIU sau khi tiêu tốn đến 15 triệu bảng cho các hoạt động nghiệp vụ đã phải đi đến kết luận rằng, quần vợt chính là “thủ lĩnh” đứng đầu tất cả các môn thể thao về chuyện dàn xếp.

Trong danh sách những tay vợt bị tình nghi được TIU nêu tên thậm chí còn có cả những người từng giành giải Grand Slam. Trường hợp đáng ngờ gần nhất vừa diễn ra tại Wimbledon-2019, khi tay vợt người Australia Bernard Tomic bị tước tiền thưởng vì “thái độ thi đấu không chuyên nghiệp”…

Không muốn chiến thắng!

Ngay trong mùa hè này, giới chuyên môn nhận định có ít nhất hai vụ bê bối nghi ngờ khả năng dàn xếp trong giới quần vợt đỉnh cao. Trường hợp đầu tiên diễn ra tại Rolan Garros-2019 hồi đầu tháng 6, khi tay vợt người Mỹ Anna Tatishvili bị treo số tiền thưởng 51 ngàn đôla.

Quần vợt được mệnh danh có cả “một nền văn hóa của các trận đấu dàn xếp”.

Tay vợt đang có thứ hạng 726 của Hiệp hội quần vợt nữ thế giới WTA (từng có thứ hạng cao nhất là 50) đã gác vợt ngay vòng đầu tiên trước đối thủ Hy Lạp Maria Sakkari (số 30 thế giới) ngay tại vòng đầu tiên với tỉ số 0:6; 1:6 trong một trận đấu vỏn vẹn 55 phút. Theo ý kiến của các nhà tổ chức giải, Tatishvili không hề có ý định thi đấu sòng phẳng với đối thủ và “hành xử một cách không chuyên nghiệp”.

Nói cách khác, cô ta đã “buông” trận đấu để hưởng lợi từ tiền đặt cược. Tatishvili tất nhiên đã phủ nhận chuyện này, đồng thời nộp một lá đơn kháng cáo dày tới 40 trang. Luận điểm chính trong đơn là do cô ta mới khỏi chấn thương và thể lực chưa được tích lũy đầy đủ để thi đấu quyết liệt. Dù sao đến ngày 19-7, tức là sau trận đấu khoảng tháng rưỡi, án phạt của nữ vận động viên này đã bị bãi bỏ vì không đủ chứng cứ.

Trường hợp đáng chú ý hơn diễn ra tại vòng một Wimbledon, liên quan đến tay vợt người Australia Bernard Tomic (xếp hạng 103 của Hiệp hội quần vợt nhà nghề thế giới ATP) sau trận thua 58 phút với tỉ số 2:6; 1:6; 4:6 trước tay vợt Pháp Jo-Wilfried Tsonga (hạng 67 ATP). Sau khi phải nhận khoản tiền phạt 56 ngàn đôla, Tomic cũng gửi đơn kháng cáo nhưng đã bị bác bỏ.

Theo ATP, tay vợt Australia chỉ có thể nhận lại 25% khoản tiền thưởng của mình sau 2 năm với điều kiện tham gia đầy đủ cả 8 giải Grand Slam trong thời gian này, đồng thời không vi phạm luật lần nào nữa.

Theo giải thích từ quan chức đại diện ATP, bản thân Tomic từ trước đã có những tiền lệ xấu. Anh ta được cho là đã có chủ ý buông trong những trận đấu tại các giải Delray Beach năm 2017, Madrid năm 2016 và Miami 2014 (gác vợt chỉ sau 28 phút).

Nghi án Kafelnikov

Tháng 5-2018, tờ The Telegraph đã cho công bố một bài báo gây chú ý với nhan đề: “Yevgeny Kafelnikov đã kết thúc sự nghiệp để đổi lấy việc đóng lại hồ sơ điều tra”. Có nhiều điều để nói về tay vợt nổi tiếng của Nga khi anh ta bất ngờ từ giã sự nghiệp thi đấu khi mới có 29 tuổi.

Yevgeny Kafelnikov, người bị nghi ngờ đã buộc phải từ bỏ sự nghiệp thi đấu ở tuổi 29 vì dàn xếp kết quả.

Vào thời điểm đó, Kafelnikov đã từng chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng ATP, giành chức vô địch Olympic và hai giải Grand Slam. Vào mùa giải cuối cùng, Kafelnikov không còn có phong độ ổn định, liên tục bị chấn thương và đến tháng 10 đã văng ra khỏi top 30.

Tại giải đấu ở Lyon (Pháp), tay vợt Nga gặp đối thủ Tây Ban Nha Fernando Vicente, người theo ý kiến của các chuyên gia, không thể có cơ hội nào thắng nổi Kafelnikov. Vicente trong sự nghiệp chưa bao giờ lọt được tới vòng 4 một giải Grand Slam nào, đồng thời trước trận đấu tại Lyon vừa trải qua 11 trận thất bại liên tiếp. Nhưng ngay trước trận đấu, đã có những khoản tiền cược lớn được đặt cho thắng lợi của Vicente.

Theo như tờ Sunday Telegraph đưa tin sau đó, nhà cái đã phải hủy bỏ những khoản cược đáng ngờ trên trước trận đấu 6 tiếng đồng hồ. Trận đấu đã kết thúc với kết quả đầy bất ngờ với giới chuyên môn, khi Kafelnikov dễ dàng thất bại với tỉ số 2:6; 3:6.

ATP sau đó đã bắt tay vào điều tra vụ việc khi cho rằng, các trận đấu dàn xếp “đã trở thành một hiện tượng”. Tổ chức này còn cảnh báo, nếu phát hiện vận động viên có dính líu tới cá độ, anh ta sẽ phải nộp khoản tiền phạt lên tới 100 ngàn đôla, đồng thời cấm thi đấu 3 năm.

Tuy nhiên, tên tuổi của Kafelnikov không được nhắc tới trong báo cáo điều tra. Về sau, báo chí đã rộ lên một số thông tin rò rỉ cho biết, một tay vợt nào đó đã chấp nhận chấm dứt sự nghiệp để đổi lấy việc đóng lại hồ sơ điều tra về việc “buông” một trận đấu vào năm 2003. Nếu đánh giá tất cả các yếu tố, Kafelnikov là nhân vật đáng ngờ số 1 trong vụ việc này.

Chỉ vì… lỡ mồm

Năm 2007, các nhà tổ chức giải đấu tại Sopot (Ba Lan) nhận thấy, có một số lượng tiền cá cược lớn đến bất thường được đặt vào trận đấu ở vòng 2 giữa tay vợt Nga Nikolay Davydenko và đối thủ người Argentina Martin Vassallo Arguello.

Hai vợ chồng Davydenko giải thích nghi án dàn xếp của mình bằng chuyện… lỡ mồm.

Sự chú ý khác thường liên quan tới một giải đấu không quá nổi tiếng này đã khiến cho hãng cá cược Betfair tại London lần đầu tiên trong lịch sử phải hủy bỏ tất cả những khoản tiền cược được đặt vào trận đấu này. Theo thông tin điều tra của BuzzFeed News, khoảng 1/5 tổng số tiền cá cược cho trận đấu này đến từ các tài khoản ngân hàng tại Moscow.

Vào thời điểm đó, hệ số đặt vào khả năng thua của tay vợt Nga (khi đó đang ở vị trí thứ 4 thế giới, đồng thời là đương kim vô địch của giải đấu) là rất thấp. Tuy nhiên lại có những khoản tiền rất lớn đặt cho khả năng thua của Davydenko.

Thêm vào đó, hệ số cho thắng lợi của Vassallo Arguello đã tăng liên tục trong suốt quá trình diễn ra trận đấu. Kết quả là khi đang ở tỉ số 2:6; 6:3; 2:1, Davydenko đã bỏ cuộc vì lý do chấn thương. Điều này đồng nghĩa với một thắng lợi kỹ thuật đối với tay vợt Argentina.

Theo giải thích của tay vợt Nga sau này, sự bất thường của trận đấu có thể bắt nguồn từ việc anh ta đã trò chuyện với vợ về nguy cơ chấn thương chưa khỏi. Tại một thành phố du lịch như Sopot, có rất nhiều du khách Nga có mặt ở đây.

Rất có thể họ đã nghe lỏm và tin vào thất bại của Davydenko. Một cuộc điều tra qui mô sau đó đã được triển khai, giúp xác định tên tuổi chủ nhân các tài khoản cá cược đáng ngờ. Một trong số này là cô gái 31 tuổi Yulia Soy từ Moscow, người đã cược tới 260 ngàn bảng cho khả năng thất bại của Davydenko, vào đúng thời điểm tay vợt Nga vừa giành thắng lợi trong séc đấu đầu tiên.

Cô gái này đã khai ra những người cùng tham gia cá cược còn lại. Davydenko về phần mình phủ nhận việc quen biết các cá nhân trên.

Liên quan đến việc điều tra Vassallo Arguello, tay vợt này cũng được xác định có liên lạc với một trùm mafia từ Sicilia. Theo đánh giá, những thành phần mafia Sicilia tham gia cá cược đã thắng được hơn 300 ngàn bảng khi đặt cửa cho thắng lợi của tay vợt Argentina.

Môn thể thao sinh ra để dàn xếp

Năm 2016, BuzzFeed News và BBC cùng phối hợp mở một cuộc điều tra qui mô về những trận đấu quần vợt “có mùi”. Những kết quả được công bố khiến không ít người phải giật mình. Theo đó, có một nhóm 16 tay vợt nhiều lần gặp thất bại khi có những khoản tiền cược đáng ngờ được đặt cho khả năng thua trận của họ, trong đó có cả những người từng giành giải Grand Slam.

Điều tra cũng cho thấy, các tập đoàn tội phạm trong lĩnh vực cá cược tại Nga và Italy đã kiếm được hàng trăm ngàn bảng khi đặt cược vào các trận đấu tại Wimbledon và Roland Garros.

Kết luận cuối cùng trong báo cáo cũng nhấn mạnh, không quá khó để có thể làm rõ một trận đấu móc ngoặc, tuy nhiên sẽ phức tạp hơn nhiều để có thể chứng minh cụ thể vai trò của các thủ phạm. Không phải lúc nào cũng có thể lần ra được mối dây liên lạc giữa vận động viên và kẻ đặt cược, và đó cũng chính là lý do khiến phần lớn các vụ điều tra đều bị đóng lại do không đủ bằng chứng cấu thành tội phạm.

Còn phải kể tới một cuộc điều tra của một ủy ban độc lập các đại diện từ Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF), WTA, ATP. Trong khuôn khổ điều tra này, các chuyên gia đã phỏng vấn hơn 100 tay vợt, chưa kể 3.200 tay vợt khác được thăm dò bí mật. Kết quả là có 464 người thừa nhận đã biết về những trường hợp trận đấu cụ thể có dàn xếp kết quả, 1/10 trong số này khẳng định đã từng va chạm với chuyện này ngay cả tại giải Grand Slam.

Một đại diện giấu mặt của nhà cái tổ chức cá cược còn ví von rằng, trong môn quần vợt còn có cả “mùa dàn xếp”, thường kéo dài từ tháng 10 cho tới cuối năm với trung bình ít nhất vài trận đấu “đáng ngờ” mỗi ngày.

Daniel Kollerer bị cấm thi đấu suốt đời vì dàn xếp kết quả.

Trong lịch sử cũng có vài trường hợp ngoại lệ đã từng được công khai danh tính. Chẳng hạn như các nhà chức trách đã chứng minh và công bố, tay vợt người Áo Daniel Kollerer đã tham gia bán độ 3 trận đấu của mình trong giai đoạn 2009-2011, kèm theo đó là án phạt cấm thi đấu suốt đời.

Tay vợt này sau đó thừa nhận, anh ta được đề nghị khoản tiền từ 50 đến 100 ngàn đôla cho mỗi trận thua. Còn tay vợt Italia Marco Cecchinato cũng bị chính thức kết luận đã cố tình buông một trận trong giải Challenger năm 2016 tại Morocco.

Cũng không thể không thừa nhận rằng, đối với không ít tay vợt chuyên nghiệp, việc “bán” kết quả trận đấu nhiều khi là khả năng duy nhất để họ có thể kiếm tiền. Nguyên nhân là do những khoản tiền thưởng từ việc thi đấu trung thực không thể đủ cho họ duy trì được ê kíp đảm bảo cho mình, trả tiền cho huấn luyện viên hay chuyện đi lại giữa các giải đấu.

Liên quan đến vấn nạn này, nhiều người vẫn nhớ tới nhận xét nổi tiếng của cựu nhân viên ATP Richard Ings, người trước năm 2005 từng là phó chủ tịch của tổ chức này: “Nếu như có thể phát minh ra một môn thể thao chuyên dành cho các trận đấu dàn xếp, thì đó chắc chắn phải là quần vợt”.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.